
Tác dụng phụ của thuốc Metformin và lưu ý khi sử dụng
Thuốc Metformin có tác dụng gì?
Metformin được kết hợp cùng với việc tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp, dùng với các loại thuốc khác để kiểm soát lượng đường trong máu cao ở người bệnh tiểu đường tuýp 2. (1)
Metformin còn giúp ngăn tổn thương thận, mù lòa, các vấn đề về thần kinh, mất tứ chi, khả năng tình dục. Người bệnh tiểu đường nên kiểm soát đường huyết đúng cách để làm giảm nguy cơ tim mạch. Metformin hoạt động bằng cách tăng nhạy cảm của các mô trong cơ thể với insulin, làm giảm lượng đường mà cơ thể hấp thụ.
Khi bệnh tiểu đường, insulin do tuyến tụy sản xuất không thể đưa đường vào các tế bào của cơ thể một cách hiệu quả. Việc sử dụng Metformin và các thuốc trị tiểu đường (sulfonylurea, hoặc insulin) để giảm lượng đường khi tăng đường huyết.
Người bệnh dùng lượng Metformin phù hợp để cân bằng với số lượng thực phẩm nạp vào cơ thể hàng ngày, kết hợp tập thể dục. Nếu người bệnh thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục, cần kiểm tra lượng đường trong máu để duy trì đường huyết ổn định.
Metformin không hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc phụ thuộc insulin (người bệnh cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết).
Thuốc Metformin sẽ được bác sĩ kê toa tùy theo tình trạng bệnh, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. (2)

Một số tác dụng phụ của thuốc Metformin
Khi sử dụng thuốc Metformin, người bệnh thường gặp các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa nhiều nhất. Có khoảng 25% người bệnh xảy ra các tác dụng phụ như: đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, táo bón, giảm cảm giác thèm ăn…
Một số ít người bệnh dùng Metformin dạng phóng thích kéo dài có tình trạng ợ nóng, nhức đầu, nhiễm trùng đường hô hấp trên, miệng có mùi vị khó chịu. (3)
Tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc Metformin bao gồm:
1. Nhiễm toan lactic
Nhiễm toan lactic do sự tích tụ axit lactic từ cơ bắp, hồng cầu tạo ra gây mất cân bằng độ pH trong cơ thể. Tình trạng nhiễm toan lactic rất hiếm gặp nhưng thường xảy ra với người bệnh thận hoặc gan, do uống nhiều rượu, suy tim sung huyết nặng, sốt, tiêu chảy, nôn, mất nước, đau dạ dày, suy nhược, tê hoặc cảm giác lạnh ở chân tay, thay đổi nhịp tim.
Nhiễm toan lactic do dùng thuốc Metformin có tỷ lệ tử vong cao, vào khoảng 30% – 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm toan lactic do Metformin rất thấp, chưa đến 10 ca trên 100.000 bệnh nhân mỗi năm. Nếu người bệnh có các triệu chứng như: khó thở, mệt mỏi, yếu đuối, giảm sự thèm ăn, buồn nôn, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc chậm, cảm thấy lạnh, chóng mặt, đau cơ, da nóng hoặc đỏ đột ngột, đau dạ dày… người bệnh nên đến gặp bác sĩ để theo dõi, điều trị kịp thời. (4)
2. Thiếu vitamin B12
Nếu cơ thể thiếu vitamin B12 sẽ gây ra bệnh thần kinh ngoại vi khiến tê hoặc ngứa ran ở bàn chân, cẳng chân hoặc thiếu máu, giảm lượng hồng cầu.
Người bệnh tiểu đường nên đến bác sĩ kiểm tra mức vitamin B12 khi dùng metformin kéo dài, tránh thiếu chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cũng nên bổ sung thực phẩm giàu B12 vào chế độ ăn uống như: gan bò, nghêu, thịt gà, thịt bò, trứng, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc… Khi có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt; người bệnh đến bác sĩ để kiểm tra lượng hồng cầu trong máu, tránh thiếu vitamin B12 ảnh hưởng sức khỏe.
3. Hạ đường huyết
Metformin thường hiếm khi gây hạ đường huyết. Nếu người bệnh dùng thuốc Metformin khi đói hoặc hoạt động thể chất nặng có thể dễ hạ đường huyết ảnh hưởng sức khỏe. Nếu người bệnh cần kết hợp dùng thuốc Metformin với các loại thuốc trị tiểu đường hoặc insulin khác, người bệnh hỏi ý kiến bác sĩ để tránh hạ đường huyết gây nguy hiểm.
Đối tượng dễ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng?
Một số người có nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc Metformin bao gồm:
- Người từng dị ứng với Metformin hoặc các loại thuốc khác.
- Người bệnh tiểu đường không được kiểm soát đường huyết.
- Bệnh gan, thận, đau tim, suy tim.
- Nhiễm trùng nặng.
- Bệnh hô hấp hoặc lưu lượng máu không được kiểm soát.
- Uống nhiều rượu.

Lưu ý dùng thuốc Metformin
Người bệnh tiểu đường cần tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng, lưu ý khi dùng thuốc Metformin để thuốc phát huy công dụng hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường như:
- Người tuổi cao, sức yếu, chức năng thận suy giảm không sử dụng Metformin vì thuốc được đào thải qua thận làm tăng nguy cơ nhiễm axit lactic. Do đó, người bệnh cần xét nghiệm creatinin huyết thanh trước khi dùng Metformin.
- Nếu cần chụp cắt lớp vi tính có cản quang hoặc trước khi phẫu thuật cần ngưng dùng thuốc Metformin trước 2 – 3 ngày.
- Các đối tượng không nên dùng Metformin bao gồm:
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Người bệnh nhân bị chấn thương, nhiễm khuẩn, dị hóa cấp tính.
- Người bệnh rối loạn hoặc suy giảm chức năng thận, nhiễm khuẩn huyết, suy tim hoặc nhồi máu cơ tim cấp tính.
- Người bệnh suy dinh dưỡng hoặc nghiện rượu.
- Người bệnh nhân tăng đường huyết thể ceton axit hoặc tăng đường huyết hôn mê, suy gan, suy thận, rối loạn chức năng thận, bệnh hô hấp nặng, bệnh tim mạch, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn nặng, hoại tử bộ phận cơ thể.
PlinkCare có chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường với nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu bệnh đái tháo đường, các bệnh nội tiết khác như: bướu cổ, cường giáp, suy giáp, rối loạn nội tiết tố nam nữ… giúp người bệnh chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.
Tác dụng phụ của thuốc Metformin có thể gây hại đối với sức khỏe của người bệnh nếu không sử dụng đúng cách. Do đó, người bệnh nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đảm bảo an toàn, phát huy công dụng hiệu quả trong việc điều trị bệnh.