Image

9 tác dụng phụ của thuốc gây mê và biện pháp giảm thiểu

Thuốc mê là gì?

Thuốc mê là thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương có hồi phục khi người bệnh được sử dụng ở liều lượng nhất định. Nhờ có thuốc mê, người bệnh sẽ mất ý thức tạm thời, mất cảm giác và phản xạ, không còn cảm giác đau khi mổ. Tuy nhiên, cơ thể người bệnh vẫn được duy trì các chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn, chuyển hóa, bài tiết,…

Điều này cho phép các bác sĩ thực hiện ca mổ thuận lợi, an toàn hơn. Thuốc mê thường được sử dụng là sự kết hợp của một số loại khí hít vào, trong đó chủ yếu là khí cười (hay còn gọi là N2O) và một số dẫn xuất của ete. (1)

Trong y học, thuốc mê thường được đưa vào cơ thể dưới 2 dạng:

  • Thuốc mê đường hô hấp: tồn tại ở dạng thể khí hoặc lỏng nhưng bốc hơi, do đó, người bệnh sẽ được hít hơi thuốc mê để thuốc đi qua phế nang vào máu. Các loại thuốc phổ biến mà bác sĩ thường sử dụng gồm ether, isoflurane, desflurane và sevoflurane.
  • Thuốc mê đường tĩnh mạch: nhóm barbiturat, nhóm benzodiazepin, nhóm ức chế thần kinh (neuroleptic), nhóm gây ngủ (hypnotic). Các loại thuốc này được tiêm vào tĩnh mạch người bệnh. Ở nhóm này, bác sĩ thường dùng thuốc gây mê propofol.

Dù thuốc mê được đưa qua đường hô hấp hay tĩnh mạch thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải tìm đến hệ thần kinh trung ương, giúp người bệnh rơi vào trạng thái mất ý thức, ức chế tạm thời thần kinh vận động.

Thuốc mê được sử dụng khi nào?

Thuốc mê được sử dụng cho các ca phẫu thuật và được bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp với loại phẫu thuật, kỹ thuật mổ, phương thức gây mê… Ví dụ, thuốc mê toàn thân thường được sử dụng nhất cho các ca phẫu thuật lớn, chẳng hạn như mổ lấy khối bướu ung thư, tái tạo vú, thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật tim… (2)

thuốc mê được sử dụng khi nào
Thuốc mê thường được sử dụng cho những ca phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim

Thuốc mê gồm những thành phần nào?

Thành phần của thuốc mê sẽ phụ thuộc vào phương pháp bác sĩ sử dụng là tiêm truyền tĩnh mạch hay thông qua đường hô hấp:

  • Thuốc mê Sevoflurane: chứa nồng độ fluor cao, được sử dụng chủ yếu cho các ca phẫu thuật nhỏ, không kéo dài trong phòng mổ. Sau khi hít thuốc mê, người bệnh dần rơi vào hôn mê vì thuốc đi đến từng bộ phận khác nhau, sau đó lan toàn thân. Thêm nữa tác dụng của thuốc mê đường hô hấp thường phụ thuộc vào hàm lượng thuốc, tức là liều lượng thuốc dùng càng nhiều thì hôn mê càng sâu.
  • Thuốc mê qua đường tĩnh mạch: thường không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, trọng lượng cơ thể, tính chất cuộc phẫu thuật,… Sau khi vào cơ thể, thuốc sẽ tác động vỏ não, vùng dưới vỏ não, tủy sống…. Hoạt động của thuốc gây mê kích thích các thụ thể GABA, mang lại tác dụng an thần cho người bệnh. Mặt khác, loại thuốc này còn có tác dụng giảm bớt dải gamma khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê.

Tác dụng phụ của thuốc gây mê

Thuốc mê có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh.

1. Tác dụng phụ thường gặp:

  • Buồn nôn và ói mửa: tình trạng này rất phổ biến có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày đầu sau phẫu thuật và có thể gây ra bởi một số yếu tố, chẳng hạn như thuốc, chuyển động của cơ thể và loại phẫu thuật.
  • Đau họng: ống nội khí quản được đặt trong cổ họng giúp đường hô hấp vẫn hoạt động an toàn dù người bệnh bất tỉnh nhưng có thể khiến đau họng khi kết thúc ca mổ.
  • Lú lẫn: xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi nhưng có thể kéo dài trong khoảng một tuần. Người bệnh cảm thấy mất phương hướng và gặp khó khăn trong việc ghi nhớ hoặc tập trung.
  • Đau nhức cơ bắp: các loại thuốc dùng để thư giãn cơ bắp trước khi đặt ống thở có thể gây ra tình trạng cơ bắp đau nhức.
  • Ngứa ngáy: tác dụng phụ phổ biến của một loại thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện đôi khi được sử dụng cùng với thuốc mê.
  • Ớn lạnh và rùng mình (hạ thân nhiệt): hiện tượng này xảy ra ở gần một nửa số bệnh nhân khi tỉnh lại sau phẫu thuật và có thể liên quan đến nhiệt độ cơ thể.

2. Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Mê sảng sau phẫu thuật (hoặc rối loạn chức năng nhận thức): tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ và học tập dài hạn ở một số bệnh nhân. Chúng phổ biến hơn ở người lớn tuổi vì bộ não lão hóa khó phục hồi sau khi gây mê. Ngoài người già, những người mắc các bệnh như bệnh tim (đặc biệt suy tim sung huyết), bệnh Parkinson hoặc bệnh Alzheimer hoặc người từng bị đột quỵ trước đó cũng có nhiều nguy cơ hơn. Vì vậy, nếu người bệnh từng hoặc đang mắc các bệnh này nên thảo luận với bác sĩ để giảm nguy cơ tác dụng phụ.
  • Tăng thân nhiệt ác tính: đây là phản ứng nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong. Chúng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, làm cho cơ thể người bệnh tăng nhiệt độ nhanh chóng và gây co cơ. Cần thảo luận với bác sĩ nếu người bệnh từng say nắng hoặc tăng thân nhiệt ác tính trong một cuộc phẫu thuật từ trước.
  • Các vấn đề về hô hấp trong và sau phẫu thuật: gây mê có thể nguy hiểm hơn với bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ (do tắc nghẽn). Ở những bệnh nhân mắc bệnh này, gây mê có thể khiến cổ họng đóng lại trong khi phẫu thuật và khiến việc lấy lại ý thức và hít thở trở nên khó khăn hơn sau phẫu thuật.
tác dụng phụ của thuốc mê hiếm gặp
Người bệnh có thể gặp một vài vấn đề về hô hấp trong và sau phẫu thuật

Làm thế nào để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc gây mê?

Việc áp dụng một số biện pháp sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc mê, phòng tránh các biến chứng hậu phẫu.

  • Giảm các yếu tố nguy cơ tác dụng phụ: Về cơ bản thì việc sử dụng thuốc gây mê khá an toàn. Tuy nhiên người cao tuổi và người trải qua cuộc phẫu thuật lớn trong thời gian dài có nguy cơ cao xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc mê và gặp phải kết quả bất lợi. Do đó, trước khi có lịch hẹn ngày mổ, người bệnh hãy cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ tình trạng nào sau đây, vì chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phẫu thuật và tốc độ hồi phục của người bệnh:
  • Dị ứng thuốc.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Huyết áp cao.
  • Co giật.
  • Béo phì.
  • Bệnh phổi.
  • Bệnh thận.
  • Bệnh tim.
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ.
  • Tiền sử phản ứng bất lợi với thuốc mê.
  • Người bệnh hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng thuốc làm loãng máu.
  • Sử dụng thuốc giảm tác dụng phụ: thuốc tiền mê có tác dụng an thần cho người bệnh, tăng hiệu quả thuốc mê đồng thời phòng tránh các tác dụng phụ và biến chứng của chúng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc gây mê cơ sở để giúp khởi mê nhanh, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình phẫu thuật cho người bệnh.
làm thế nào để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc mê
Việc áp dụng một số biện pháp sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc mê và phòng tránh các biến chứng hậu phẫu

Lưu ý cần biết trước và sau khi gây mê

Dưới đây là các lưu ý mà người bệnh cần biết trước và sau khi gây mê:

1. Trước khi gây mê

Trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra, người bệnh nên gặp bác sĩ gây mê để bổ sung thông tin giúp xác định kế hoạch gây mê phù hợp. Hãy nói với bác sĩ về tiền sử bệnh, thói quen sức khỏe, lịch sử phẫu thuật và gây mê một cách chi tiết:

  • Lối sống lành mạnh và các loại thuốc hiện đang sử dụng: Liệt kê đầy đủ danh sách tất cả các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm bổ sung và vitamin người bệnh sử dụng, để bác sĩ có thể xem xét và yêu cầu người bệnh ngưng sử dụng một vài loại thuốc trong đó. Ngoài ra, người bệnh chia sẻ với bác sĩ vấn đề tập luyện thể dục, hoạt động thể chất có liên quan đến tình trạng bệnh như hen suyễn, COPD, tiểu đường, dị ứng, bệnh tim hoặc bất kỳ tình trạng bệnh nào khác ảnh hưởng đến việc tập thể dục. Ngay cả chứng ngáy ngủ hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ khác cũng cần thảo luận với bác sĩ, bởi đây có thể là các biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, có thể làm cho việc gây mê để phẫu thuật trở nên nguy hiểm hơn.
  • Sử dụng rượu hoặc thuốc giải trí: việc sử dụng các loại thuốc giải trí như rượu, cần sa, ma túy và chất kích thích có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với loại thuốc mê cũng như liều lượng cần thiết cho cuộc phẫu thuật.
  • Tiền sử gây mê: nói với bác sĩ gây mê nếu người bệnh hoặc một thành viên trong gia đình có phản ứng bất lợi với thuốc gây mê hoặc thuốc giảm đau và cho họ biết về bất kỳ tác dụng phụ gây mê nào mà người bệnh từng trải qua, ngay cả khi chúng đã xảy ra cách đây nhiều năm, cũng như nếu người bệnh đã từng đột quỵ hoặc say nắng.
  • Nỗi sợ: sợ phẫu thuật và gây mê là điều tự nhiên. Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ gây mê nếu cảm thấy sợ. Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin cho để xoa dịu và giúp người bệnh cảm thấy an tâm hơn.
  • Những thắc mắc: người bệnh có thể viết ra những câu hỏi đặt ra cho bác sĩ cũng như ghi nhận các câu mà bác sĩ đã trả lời. Bạn bè hoặc thành viên gia đình đi cùng người bệnh có thể ghi chú và đặt câu hỏi cho bác sĩ.
  • Quá trình phục hồi: bác sĩ gây mê là người tiếp tục chăm sóc hậu phẫu, vì vậy người bệnh nên hỏi bác sĩ về cách kiểm soát cơn đau và bất kỳ mối lo ngại nào về việc hồi phục, khi về nhà và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
lưu ý trước và sau khi gây mê
Bác sĩ gây mê cũng là người đảm nhận chăm sóc hậu phẫu cho người bệnh

2. Sau khi gây mê:

  • Thực hiện đúng chế độ ăn uống: uống từng ngụm nhỏ nước lọc, tránh các thức ăn ngọt, cay hoặc khó tiêu hóa. Nếu người bệnh cảm thấy buồn nôn, hãy nghỉ ngơi trong 1 giờ, sau đó thử uống nước. Đồng thời, thực hiện tất cả chỉ định từ bác sĩ phẫu thuật.
  • Hoạt động: đảm bảo rằng một người có khả năng ở cạnh chăm sóc người bệnh trong ít nhất 24 giờ sau khi phẫu thuật. Gây mê có thể ảnh hưởng đến sự phối hợp phán đoán và thời gian phản ứng. Không lái xe, vận hành máy móc hạng nặng hoặc đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng hoặc pháp lý nào trong vòng 12 – 24 giờ sau khi rời bệnh viện hoặc trong khi dùng thuốc giảm đau có chất gây mê.
  • Thuốc: uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Không uống rượu trong 24 giờ sau khi xuất viện hoặc trong khi đang dùng thuốc giảm đau theo toa.

Những câu hỏi liên quan về tác hại của thuốc gây mê

1. Thuốc mê có tác dụng mấy tiếng?

Thuốc gây mê toàn thân có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung và phản xạ trong 1 – 2 ngày, vì vậy nếu trở về nhà người bệnh sẽ cần người chăm sóc ở cạnh trong ít nhất 24 giờ sau khi phẫu thuật. Người bệnh cũng sẽ được khuyên tránh lái xe, uống rượu và ký bất kỳ văn bản pháp lý nào trong 24 – 48 giờ.

2. Gây mê sau bao lâu thì tỉnh?

Khoảng thời gian gây mê tùy thuộc vào loại thuốc gây mê được sử dụng và tiền sử bệnh. Hầu hết các loại thuốc gây mê toàn thân sẽ kéo dài từ 1-2 giờ. Tuy nhiên một số loại gây mê sẽ có thời gian dài hơn. Ví dụ, các ca phẫu thuật phức tạp như phẫu thuật cột sống có thể cần 3-4 giờ gây mê.

Khoa Gây mê hồi sức, PlinkCare quy tụ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm được đào tạo chuyên sâu và hệ thống máy móc được nhập khẩu từ Âu – Mỹ sẽ thực hiện quy trình gây mê theo đúng quy chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Thông qua bài viết hy vọng độc giả đã trang bị thêm những kiến thức về tác dụng phụ của thuốc gây mê, cũng như các biện pháp giảm thiểu. Việc thảo luận với bác sĩ về tình trạng cũng như tiền sử bệnh trước khi gây mê là cực kỳ quan trọng để bác sĩ có thể xác định đúng loại cũng như lượng gây mê đối với từng trường hợp khác nhau

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send