Image

Suy thượng thận cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Suy thượng thận cấp là gì?

Suy thượng thận cấp là tình trạng đe dọa tính mạng do không đủ lượng cortisol – hormone do tuyến thượng thận sản xuất và giải phóng. Tình trạng suy tuyến thượng có các tên gọi khác như cơn khủng hoảng tuyến thượng thận, cơn Addison và suy tuyến thượng thận cấp tính. (2)

Cấu tạo tuyến thượng thận?

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, nằm phía trên hai 2 quả thận. Cấu tạo tuyến thượng thận bao gồm phần bên ngoài (được gọi là vỏ thượng thận) và phần bên trong (tủy thượng thận). Vỏ thượng thận sản xuất 3 loại hormone steroid: mineralocorticoids, androgens, glucocorticoids.

Trong đó, glucocorticoid (cortisol), một loại corticosteroid có tác dụng điều hòa glucose (lượng đường trong máu), ức chế phản ứng miễn dịch và giải phóng để ứng phó trước căng thẳng. Việc sản xuất cortisol được điều hòa bởi tuyến yên (tuyến nhỏ dưới não).

Các yếu tố nguy cơ gây suy thượng thận cấp như nhiễm trùng, mất nước, chấn thương hoặc phẫu thuật tuyến thượng thận, tổn thương tuyến yên và kết thúc điều trị bằng steroid như prednisone hoặc hydrocortisone trước liệu trình.

Suy thượng thận cấp tính xảy ra do không đủ cortisol
Suy thượng thận cấp tính xảy ra do không đủ lượng cortisol – hormone do tuyến thượng thận sản xuất và giải phóng vào cơ thể.

Nguyên nhân suy tuyến thượng thận cấp

Nguyên nhân suy tuyến thượng thận cấp do suy thượng thận tiên phát (tuyến thượng thận), thứ phát (tuyến yên) hoặc các nguyên nhân khác.

1. Nguyên nhân do thượng thận

Các yếu tố làm xuất hiện suy thượng thận cấp do tổn thương tuyến thượng thận như:

  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật tuyến thượng thận.
  • Dùng thuốc nhuận tràng hoặc lợi tiểu.
  • Ăn nhạt thời gian dài.
  • Ngừng điều trị hormon thay thế.
  • Xuất huyết tuyến thượng thận hai bên: Đây là những tổn thương hiếm, diễn tiến nặng, thường được phát hiện khi giải phẫu tử thi. Xuất huyết thượng thận không chấn thương thường do rối loạn đông máu như đông máu rải rác trong lòng mạch, các bệnh gây đông máu (ung thư, các bệnh máu), điều trị bằng thuốc chống đông, tác dụng phụ điều trị kháng thượng thận bằng thuốc op’ DDD,… Ở trẻ em mắc hội chứng Waterhouse-Friderichsen (WFS), khi xuất huyết thượng thận hai bên gây suy thượng thận cấp có biểu hiện cận lâm sàng trụy tim mạch liên tiếp do mất máu.
  • Rối loạn tổng hợp hormon thượng thận bẩm sinh: Trường hợp này, do mất muối ở trẻ từ 1 – 12 tháng (nhũ nhi) có sự chẹn men 21 – hydroxylase. Bệnh xuất hiện với biểu hiện chán ăn, không tăng cân, nôn, mất nước và trụy tim mạch. Biểu hiện cận lâm sàng như trẻ tiểu nhiều Natri dù Natri máu giảm, kèm Clo máu giảm và Kali máu tăng. Ở bé gái kèm bất thường cơ quan sinh dục ngoài. Tử vong có thể xảy ra nếu trẻ suy thượng thận cấp nếu không cấp cứu kịp thời.

2. Nguyên nhân do tuyến yên

Các yếu tố ở tuyến yên gây suy thượng cấp bao gồm:

  • Phẫu thuật u thùy trước tuyến yên.
  • Hội chứng Sheehan.
  • Chấn thương tuyến yên.
  • Viêm màng não.
  • Vỡ phình mạch động mạch cảnh trong.
  • Xuất huyết u tuyến yên.
  • Xét nghiệm kích thích hormon vỏ thượng thận với metyrapone có thể dẫn đến suy thượng thận cấp.
  • Phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến thượng thận do u.
  • Ngừng điều trị đột ngột sau liệu trình corticoid kéo dài.

3. Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác gây suy thượng thận cấp do tác dụng phụ của thuốc và các bệnh hiếm như:

  • Thuốc op’ DDD ức chế tổng hợp cortisol và chống phân bào làm teo tuyến thượng thận.
  • Aminoglutethimide – thuốc kháng thượng thận tổng hợp, có khả năng ức chế tổng hợp cortisol với nguy cơ gây suy thượng thận cấp những ngày đầu điều trị.
  • Một số trường hợp gây suy thượng thận cấp do điều trị bằng Ketoconazol liều cao thời gian dài.
  • Rifampicin là một chất cảm ứng men gan, làm tăng oxy hóa cortisol thành 6βhydroxycortisol.
  • Một số thuốc cảm ứng men khác như Dihydan (phenytoin), Gardenal.
  • Một số nguyên nhân hiếm như tắc mạch do cholesterol, huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch thượng thận, nhiễm nấm (cryptococcosis).

Triệu chứng suy thượng thận cấp

Suy thượng thận cấp tính có các triệu chứng sau:

1. Triệu chứng lâm sàng

  • Rối loạn tiêu hoá: đau thượng vị, sau đó lan toàn bụng, có khi kèm buồn nôn. Các biểu hiện trên có thể nhầm với một số bệnh ngoại khoa ở bụng.
  • Mệt mỏi, nói sảng, lo lắng, hồi hộp, có thể hôn mê.
  • Trụy tim mạch, huyết áp tụt nhanh chóng, tay chân lạnh, mạch nhỏ hoặc nhanh.
  • Đau cơ, sốt dù không có dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Sạm da, hội chứng Cushing.
Suy tuyến thượng thận cấp tính có triệu chứng lâm sàng
Suy tuyến thượng thận cấp tính có triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, đau thượng vị, tụt huyết áp,…

2. Triệu chứng cận lâm sàng

  • Rối loạn điện giải: Natri giảm, Clo giảm, Kali tăng do thiếu hụt Aldosteron, Glucose máu giảm do thiếu hụt cortisol.
  • Protid máu tăng, HCT (Hematocrit) tăng do mất dịch tuần hoàn, thiếu Aldosteron (dự trữ muối – nước).
  • Định lượng cortisol máu từ 8 – 20 giờ giảm. Bình thường cortisol tăng vào lúc sáng thức dậy, giảm khi ngủ.
  • Ngoài ra có thể gặp: Tăng bạch cầu ái toan, tăng calci máu (6%), nhiễm toan máu, thiếu máu.
  • Nếu định lượng ACTH tăng cho thấy suy thượng thận tiên phát (nguồn gốc do tuyến thượng thận). Ngược lại, ACTH giảm hoặc kiểm tra ACTH nhận thấy cortisol máu tăng xác định suy thượng thận cấp thứ phát (do tuyến yên không sản xuất được ACTH, dẫn đến tuyến thượng thận không tiết cortisol).

Chẩn đoán suy thượng thận cấp tính

Để chẩn đoán suy thượng thận cấp tính bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp sau:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Các đặc điểm không đặc hiệu nhưng nghi ngờ suy thượng thận cấp nếu người bệnh có biểu hiện hạ huyết áp hoặc sốc phản ứng kém với catecholamine.
  • Chẩn đoán cận lâm sàng: Bác sĩ sẽ lấy máu và xét nghiệm các chỉ số liên quan đến suy thượng thận cấp như nồng độ Kali, Natri, ACTH,… Nếu người bệnh suy thượng thận sẽ có kết quả hạ đường huyết, hạ natri máu, tăng kali máu, cô đặc máu, nhiễm toan chuyển hóa, tăng ACTH,… Sự thiếu hụt khoáng chất (nếu có) có thể xác định bằng nồng độ aldosterone thấp và hoạt động renin huyết tương cao (PRA).
  • Chẩn đoán hình ảnh: Ngoài ra, trong quá trình điều trị bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT- Scanner, siêu âm hoặc MRI để xác định nguyên nhân và đánh giá tình trạng tổn thương tuyến thượng thận.
  • Chẩn đoán phân biệt: Suy tuyến thượng thận cấp thường được chẩn đoán phân biệt với các bệnh như đã phẫu thuật tuyến thượng thận hai bên, hội chứng Waterhouse-Friderichsen, viêm tuyến thượng thận, viêm tuyến thượng thận tự miễn.

>>>Tham khảo: Cách chăm sóc bệnh nhân suy tuyến thượng thận

Cách điều trị suy thượng thận cấp tính

Khi đến bệnh viện, người bệnh được bác sĩ điều trị cấp cứu với các biện pháp sau:

  • Truyền dịch để giữ ven bằng nước muối sinh lý.
  • Tiêm Hydrocortison hemisuccinat (HCHS): 100mg bắp, 100mg tĩnh mạch.
  • Xét nghiệm máu để nắm rõ tình trạng cận lâm sàng của người bệnh.
  • Sử dụng các phương pháp hỗ trợ nếu người bệnh sốc nặng, hôn mê, suy hô hấp.

Sau đó chuyển người bệnh đến chuyên khoa, điều trị theo 3 hướng chính: điều chỉnh nước, điện giải, hormon thay thế. Theo dõi lâm sàng, cận lâm sàng đều đặn mỗi ngày đến khi người bệnh hồi phục.

1. Bù nước, điện giải

Người bệnh được truyền 1 lít dịch muối đẳng trương, trung bình 4 lít/24 giờ trong khoảng thời gian 4 – 6 giờ. Nếu người bệnh trụy mạch, bác sĩ sẽ truyền dung dịch trọng lượng phân tử lớn hoặc máu toàn phần với sự kiểm soát áp lực tĩnh mạch trung ương.

2. Hormon thay thế

Có 2 dạng hormone thay thế phổ biến trong điều trị suy thượng thận cấp như:

  • Hydrocortison hemisuccinat được tiêm bắp hoặc tĩnh mạch người bệnh. Với tiêm bắp liều lượng 100mg trong 4 – 6 giờ. Trường hợp suy thượng thận cấp diễn tiến nặng, cần tiêm hydrocortison hemisuccinat 100mg mỗi giờ.
  • Desoxycorticosteron acetat (DOCA, Syncortil) hàm lượng 10mg, có tác dụng sau tiêm bắp 2 giờ và kéo dài 24 giờ. Cụ thể, tiêm Syncortil 5mg lặp lại sau 24 giờ với trường hợp suy thượng thận cấp thể nhẹ. Trường hợp nặng, ngoài cung cấp 4 lít dịch/24 giờ; cho Syncortil tiêm bắp 5mg/12 giờ, có khi cần 10mg/12 giờ.

3. Theo dõi 24 giờ đầu

Trong 24 giờ đầu tránh di chuyển người bệnh nhiều. Về lâm sàng theo dõi mỗi giờ các vấn đề: tình trạng mất nước, mạch, nhiệt độ, lượng nước tiểu, tri giác.

Với cận lâm sàng, làm xét nghiệm 4 – 6 giờ/1 lần: điện giải đồ máu, niệu; đường huyết, creatinin máu, protid máu toàn phần, huyết đồ. Tùy sức khỏe người bệnh có thể làm thêm các xét nghiệm như: cấy máu; X quang phổi, bụng tại giường; điện tâm đồ (ECG) nhiều lần. Đồng thời, bác sĩ tìm và điều trị nguyên nhân khởi phát suy thượng thận cấp.

4. Các ngày tiếp theo

Giảm dần liều Hydrocortison hemisuccinat bằng cách tiêm liều nhỏ và cách quãng. Sau 4 – 6 ngày, Hydrocortison chuyển thành loại uống và duy trì khoảng 30mg/ngày.

Một số bác sĩ đề nghị cho tĩnh mạch Hydrocortison hemisuccinat liên tục, ban đầu 25mg tĩnh mạch, sau đó truyền liên tục 50 – 100mg/ngày. Hiệu quả lâm sàng thường nhanh, cho phép sau 24 – 48 giờ có thể chuyển sang uống. Diễn tiến thường tốt nếu điều trị kịp thời và đúng mục tiêu.

5. Điều trị phối hợp

Các biện pháp phối hợp điều trị suy tuyến thượng thận cấp như:

  • Bổ sung vitamin thiết yếu.
  • Bổ sung thuốc hỗ trợ và bảo vệ gan.
BS Quỳnh Trâm đang thăm khám bệnh nhân nội trú
Ths.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, PlinkCare TP.HCM đang thăm khám bệnh nhân nội trú.

>>>Xem chi tiết: Bệnh suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?

Biện pháp phòng tránh suy tuyến thượng thận cấp

Nhằm tránh nguy cơ xảy ra tình trạng suy thượng thận cấp cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng mỗi ngày. Các biện pháp phòng tránh suy tuyến thượng thận cấp cần thực hiện như:

  • Bổ sung các thực phẩm chứa hàm lượng đạm trong mỗi bữa ăn. Thực phẩm giàu đạm giúp cơ thể chuyển hóa thành nguồn năng lượng cung cấp đến các tế bào.
  • Người bệnh cần bổ sung thêm các loại trái cây, thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B để hỗ trợ hệ miễn dịch và quá trình sản xuất hormone tuyến thượng thận.
  • Uống nước đủ 2 lít mỗi ngày giúp cơ thể hạn chế nguy cơ suy tuyến thượng thận cấp tính.
  • Trong trường hợp người bệnh đang sử dụng thuốc corticoid cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn về thời gian và liều lượng của bác sĩ. Tuyệt đối không tự dừng hay kéo dài thời gian uống, sẽ có nguy cơ gây ra các đợt suy tuyến thượng thận cấp tính.
  • Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn kiểm soát được các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, PlinkCare TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong điều trị suy thượng thận, suy tuyến yên, tiểu đường, béo phì, rối loạn nội tiết,… Hệ thống máy thiết bị hiện đại và các bác sĩ luôn cập nhật phác đồ điều trị hiện đại, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cụ thể cho người bệnh suy thượng thận cấp, giúp người bệnh an tâm điều trị.

Các trang thiết bị hiện đại, được nhập khẩu đồng bộ từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, PlinkCare TP.HCM có thể kể đến như:

  • Máy xét nghiệm huyết học Sysmex XN1000 là máy phân tích huyết học 5 thành phần bạch cầu được ưa chuộng hiện nay. Máy đo được 21 thông số xét nghiệm cùng với 5 thành phần bạch cầu.
  • Máy xét nghiệm huyết học Sysmex CS-1600 là hệ thống máy phân tích đông máu hoàn toàn tự động, giúp phân tích các loại ống đóng, ống mở và cốc chứa mẫu trên cùng một khay tải mẫu; phân tích mẫu khẩn linh động. Hơn nữa, máy có chức năng kiểm tra chính xác tỷ lệ thành phần chất chống đông/máu (9:1).
  • Máy xét nghiệm Sinh hóa Roche Cobas 6000 có khả năng phân tích tự động hơn 2.500 xét nghiệm miễn dịch điện hóa phát quang ECLIA, 6.000 xét nghiệm sinh hóa và 500 xét nghiệm ELISA – xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme. Thời gian thực hiện các xét nghiệm được rút ngắn thông qua sự hợp nhất hệ thống sinh hóa và miễn dịch, giúp trả kết quả xét nghiệm nhanh chóng.
  • Hệ thống máy xét nghiệm nước tiểu: Roche Cobas u701, u601, u411 có tốc độ xử lý nhanh chóng, thiết bị đầu cuối phân tích cặn lắng và nhập kết quả chính xác. Cả 3 máy có bộ chứa chất thải tích hợp chứa 100 que thử giúp tránh tiếp xúc, ngăn chứa dễ dàng được đổ bỏ và làm sạch.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại phòng khám, phòng tiểu phẫu, phòng nội trú… hiện đại, sang trọng chuẩn dịch vụ khách sạn 5 sao sẽ giúp khách hàng được nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng những dịch vụ, tiện ích hiện đại như các khu nghỉ dưỡng cao cấp trong suốt quá trình thăm khám, điều trị.

Qua bài viết trên đã cung cấp đầu các kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị suy thượng thận cấp tính để mỗi người nắm rõ được các điều cần thiết. Hy vọng, bản thân mỗi người khi gặp các triệu chứng suy thượng thận cấp nên đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send