
Sinh thiết tủy xương: Có đau không, bao lâu có kết quả và quy trình?
Sinh thiết tủy xương là gì?
Sinh thiết tủy xương là phương pháp dùng thủ thuật cắt lấy mẫu mô trong tủy sống để kiểm tra tình trạng sản sinh của các tế bào máu. Thông thường, khi kết quả xét nghiệm máu ngoại vi của người bệnh cho thấy những thành phần chính của tế bào máu (bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu) có hàm lượng quá thấp hay quá cao, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật sinh thiết tủy xương để kịp thời phát hiện bất thường liên quan đến cấu tạo máu hoặc để chẩn đoán bệnh ung thư.
Tủy xương là gì?
Tủy xương hay tủy sống là mô mềm và có dạng keo nằm bên trong trung tâm rỗng của ống tủy. Tủy xương tạo ra các loại tế bào máu bao gồm:
- Tế bào hồng cầu: Các tế bào này có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến khắp nơi trên cơ thể.
- Tế bào bạch cầu: Giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, ký sinh trùng, virus…
- Tế bào tiểu cầu: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Cụ thể, chức năng của tế bào tiểu cầu là làm đông máu để dừng quá trình chảy máu ra ngoài tại nội mạc mạch máu. (1)

Sinh thiết tủy xương để làm gì?
Khi nghi ngờ người bệnh mắc phải các bệnh lý liên quan đến rối loạn tế bào máu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện sinh thiết tủy sống để kiểm tra một số thông tin như sau:
- Đánh giá tình trạng các tế bào máu: Dựa vào kết quả sinh thiết tủy xương bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn về máu, ung thư, nguyên nhân gây sốt cao hoặc nhiễm trùng…
- Xác định giai đoạn ung thư: Đối với người mắc bệnh ung thư, sinh thiết giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh và kiểm tra sự lây lan của tế bào ung thư tại tủy xương.
- Theo dõi quá trình điều trị bệnh: Sinh thiết tủy thường được áp dụng cho người đang điều trị bệnh ung thư. Thông qua kết quả sinh thiết, bác sĩ có thể biết phương pháp điều trị có hiệu quả hay không để đưa ra phương pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, trong các trường hợp cấy ghép tạng điều trị bệnh, sinh thiết tủy xương có thể được thực hiện nhằm mục đích xác định mức độ tương thích của người bệnh với tế bào tạng được hiến.
Sinh thiết tủy xương giúp phát hiện những bệnh gì?
Kỹ thuật này giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý nguy hiểm, ví dụ như:
- Bệnh thiếu máu do tế bào hồng cầu có hàm lượng quá thấp.
- Bệnh lý liên quan đến tủy sống như rối loạn sinh tủy, xơ hóa tủy nguyên phát.
- Bệnh lý liên quan đến hệ cấu tạo máu như bệnh bạch cầu, bệnh đa hồng cầu, bệnh giảm tiểu cầu.
- Bệnh ung thư máu, ung thư tủy sống.
- Bệnh ung thư đã di căn đến tủy sống.
- Bệnh Hemochromatosis (xảy ra khi cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt từ thực phẩm dẫn đến rối loạn di truyền).
- Xác định nguyên nhân gây sốt cao, nhiễm trùng.

Quy trình sinh thiết tủy xương
Quy trình sinh thiết tủy gồm các bước chuẩn bị, thực hiện và chăm sóc sau sinh thiết. Quá trình sinh thiết tủy cần đảm bảo tính chính xác để hạn chế nguy cơ gây ra biến chứng. (2)
1. Chuẩn bị trước khi sinh thiết
Để đảm bảo quá trình sinh thiết tủy sống diễn ra thuận lợi, bác sĩ/kỹ thuật viên sẽ tiến hành đo huyết áp, nhịp tim của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh lo lắng quá mức, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng thuốc an thần bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Bên cạnh đó, một số vấn đề khác mà bác sĩ cần xác định trước khi thực hiện sinh thiết tủy xương bao gồm:
- Tiền sử thực hiện sinh thiết và tiền sử bệnh rối loạn đông máu của người bệnh.
- Các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng người bệnh đang sử dụng.
- Kiểm tra phản ứng của cơ thể người bệnh đối với các loại thuốc gây tê, gây mê.
- Đối với phụ nữ, trước khi thực hiện sinh thiết tủy cần chắc rằng người bệnh không mang thai.
2. Tiến hành sinh thiết tủy xương
Sinh thiết tủy là thủ thuật có xâm lấn vì vậy sau khi đo huyết áp và nhịp tim, người bệnh sẽ được bác sĩ gây tê vùng cần sinh thiết hoặc gây mê qua đường tĩnh mạch. Việc lấy mẫu sinh thiết có thể khiến người bệnh gặp cảm giác đau âm ỉ ở vùng xương được lấy tủy.
Thông thường, kỹ thuật sinh thiết tủy xương được thực hiện tại vùng trước hông hoặc ngay đỉnh chóp mào chậu sau. Cụ thể, bác sĩ tiến hành rạch một đường mổ nhỏ để tiếp cận đến vùng tủy sống trong xương. Tiếp theo, bác sĩ đưa kim y tế chuyên dụng xuyên qua xương và xoay kim để lấy mẫu tủy. Sau khi lấy được mẫu tủy, bác sĩ rút kim và dùng tay ấn nhẹ để cầm máu. Cuối cùng, bác sĩ sát khuẩn vùng da ngay tại vị trí sinh thiết và băng vết thương bằng gạc vô trùng để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
3. Sau khi sinh thiết tủy xương
Sau khi quá trình sinh thiết tủy kết thúc, người bệnh cần được nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý để vết thương sớm hồi phục, cụ thể:
- Người bệnh được gây tê tại vùng sinh thiết cần nghỉ ngơi từ 10 – 15 phút. Người bệnh được gây mê tĩnh mạch cần nghỉ ngơi trong ít nhất 24 giờ tại phòng hồi sức để cơ thể hồi phục hoàn toàn.
- Người bệnh cần giữ vết thương luôn khô ráo, tránh tiếp xúc trực tiếp với nước trong ít nhất 24 giờ.
- Theo dõi những triệu chứng bất thường có thể xảy ra sau khi sinh thiết tủy, ví dụ như sốt cao hoặc vết thương sinh thiết bị sưng tấy, chảy máu, chảy dịch vàng… Người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 1 tuần hoặc lâu hơn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sinh thiết tủy xương bao lâu có kết quả?
Thông thường, kết quả sinh thiết tủy xương có sau từ 1 đến 10 ngày. Mẫu tủy xương sau khi thu thập sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để tiến hành phân tích. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa huyết học tiến hành đánh giá mẫu để xác định tủy xương của người bệnh có sản sinh đủ lượng tế bào máu khỏe mạnh cần thiết cho cơ thể không, có xuất hiện tế bào bất thường hay không…
Sinh thiết tủy xương có rủi ro gì không?
Phương pháp xét nghiệm này có quy trình đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng nên không gây ra biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, vì là thủ thuật có xâm lấn nên sinh thiết tủy có thể có một số rủi ro, điển hình như:
- Chảy nhiều máu tại vùng thực hiện sinh thiết, thường xảy ra ở những người bệnh có lượng tiểu cầu thấp.
- Để lại sẹo trên da.
- Với người bệnh có sức đề kháng yếu, tình trạng nhiễm trùng có thể diễn ra.
- Mẫu tủy xương được thu thập không đủ hoặc lấy sai vị trí khiến kết quả chẩn đoán không chính xác. Lúc này người bệnh phải thực hiện thêm một lần sinh thiết tủy.
Sinh thiết tủy xương có đau không?
Đây là phương pháp xét nghiệm đưa kim đi xuyên qua da để chọc hút tế bào tủy trong mô xương nên gây ra tình trạng đau mức độ nhẹ hoặc trung bình tùy vào khả năng chịu đau của người bệnh. Thông thường, cảm giác đau này không kéo dài quá lâu.
Kinh nghiệm và kỹ thuật của bác sĩ thực hiện sinh thiết tủy cũng là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ đau của người bệnh. Ngoài ra, tâm lý lo sợ của người bệnh cũng là yếu tố tác động đến mức độ đau sau khi sinh thiết tủy xương. Vì vậy, nếu quá lo lắng, người bệnh cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để có phương pháp hỗ trợ giúp cơ thể thoải mái hơn, hạn chế tình trạng đau đớn khi sinh thiết tủy.
Thực hiện sinh thiết tủy xương ở đâu?
Sinh thiết là kỹ thuật có xâm lấn, thực hiện khi được bác sĩ chỉ định. Người bệnh nên chọn thăm khám và thực hiện sinh thiết tại cơ sở y tế uy tín, sở hữu trang thiết bị hiện đại, có quy trình khám chữa bệnh chuyên nghiệp, quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm để hạn chế rủi ro.
Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, Hệ thống PlinkCare là cơ sở y tế uy tín được nhiều người dân tin tưởng lựa chọn thăm khám và thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm y khoa đòi hỏi độ chính xác cao như sinh thiết tủy xương. Với cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống máy móc tiên tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, PlinkCare sẽ mang đến cho người bệnh dịch vụ sinh thiết tủy xương an toàn, chính xác.
Sinh thiết tủy xương bao nhiêu tiền?
Hiện nay, sinh thiết tủy xương chưa bao gồm kim sinh thiết có mức giá khoảng từ 400.000 VNĐ/lần. Chi phí đã bao gồm kim sinh thiết khoảng từ 1.500.000 VNĐ/lần. Sinh thiết là kỹ thuật được áp dụng bảo hiểm y tế. Vì vậy nếu thực hiện tại cơ sở y tế có đăng ký bảo hiểm, người bệnh sẽ được giảm trừ chi phí.
*Giá dịch vụ trên đây là giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm sử dụng dịch vụ.
Chi phí sinh thiết tủy tại mỗi bệnh viện có sự chênh lệch. Cụ thể, ở những bệnh viện uy tín cung cấp dịch vụ sinh thiết chuyên nghiệp, hiệu quả, an toàn thì chi phí có thể cao hơn các cơ sở y tế khác. Bạn có thể tham khảo chi phí khám chữa bệnh và sinh thiết tủy qua Website, Hotline, Fanpage (nếu có) hoặc đến trực tiếp bệnh viện để được hỗ trợ.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG PlinkCare
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://plink-care-api.egovernment.com.vn
Sinh thiết tủy xương giúp kiểm tra tình trạng sản sinh tế bào máu. Theo đó bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về những rối loạn ở bộ phận cấu tạo máu và các bệnh ung thư. Để có được kết quả sinh thiết tủy xương chính xác, an toàn, người bệnh cần chọn thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, sở hữu trang thiết bị hiện đại, quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm.