
Sinh thiết trực tràng: Khi nào cần thực hiện, quy trình ra sao?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, PlinkCare TP.HCM
Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh mắc ung thư, chỉ định và kết quả sinh thiết trực tràng giúp bác sĩ xác định mô hay tế bào bất thường tại trực tràng, đưa ra chẩn đoán xác định từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Vậy khi nào cần sinh thiết trực tràng? Quy trình sinh thiết trực tràng ra sao?
Sinh thiết trực tràng là gì?
Sinh thiết trực tràng là phương pháp lấy mẫu mô ở trực tràng mang đi giải phẫu bệnh, phân tích, đánh giá trong phòng thí nghiệm. Kết quả sinh thiết sẽ giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải ở cơ quan này. Trực tràng nằm ở vị trí thấp nhất của ruột già, ngay phía trên ống hậu môn. Trực tràng có chức năng lưu trữ chất thải rắn của cơ thể cho đến lúc được thải ra bên ngoài.
Sinh thiết trực tràng có tác dụng gì?
Sinh thiết trực tràng có nhiều tác dụng, ví dụ giúp hỗ trợ bác sĩ trong các trường hợp:(1)
- Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong phân có máu, mủ hoặc chất nhầy.
- Xác định nguyên nhân gây ra u nang, khối u hoặc khối u được phát hiện khi xét nghiệm sàng lọc trực tràng.
- Xác nhận chẩn đoán bệnh amyloidosis – đây là tình trạng các protein bất thường (amyloid) tích tụ trong cơ quan rồi lan truyền khắp cơ thể.
- Đưa ra chẩn đoán xác định bệnh ung thư trực tràng.

Khi nào cần sinh thiết trực tràng?
Sinh thiết trực tràng là kỹ thuật quan trọng thường được bác sĩ ứng dụng khi cần xác định nguyên nhân dẫn đến những bất thường ở trực tràng. Phương pháp này thường được thực hiện thông qua nội soi hoặc soi đại tràng sigma, giúp bác sĩ chẩn đoán xác định chuyên sâu hơn những vấn đề đã được các phương pháp khác xác định. (3)
Theo đó, nội soi và soi đại tràng sigma giúp bác sĩ quan sát lớp lót bên trong trực tràng, đại tràng. Những hình thức xét nghiệm này có thể giúp phát hiện các bất thường như polyp, khối u, viêm hoặc chảy máu… Thế nhưng, nội soi và soi đại tràng sigma bị hạn chế trong việc xác định nguyên nhân dẫn đến các bất thường kể trên. Lúc này, bác sĩ có thể phải chỉ định cho người bệnh làm nhiều phương pháp xét nghiệm hơn, như sinh thiết, để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Quy trình sinh thiết trực tràng
Dưới đây là quy trình sinh thiết trực tràng, người bệnh nên tham khảo trước để có được sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng phối hợp với bác sĩ:
1. Chuẩn bị sinh thiết trực tràng
Trước khi sinh thiết, người bệnh cần giữ trực tràng ở trạng thái trống rỗng. Thông thường, người bệnh được chỉ định cho dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ để làm rỗng ruột.
Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn nào mà bản thân đang sử dụng. Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về cách dùng thuốc trước và trong quá trình làm sinh thiết trực tràng. Bác sĩ có thể đưa ra hướng dẫn đặc biệt nếu người bệnh đang sử dụng thuốc có thể tác động đến phương pháp sinh thiết trực tràng. Đặc biệt là trong trường hợp việc sinh thiết là một phần của kỹ thuật nội soi đại tràng sigma. Những loại thuốc đó có thể là:
- Thuốc làm loãng máu.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen (Advil) hoặc aspirin (Bufferin).
- Bất kỳ loại thuốc nào có ảnh hưởng đến sự đông máu.
- Thực phẩm bổ sung/thảo dược.
Người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu đang có thai hoặc nghi ngờ bản thân đã mang thai. Việc làm này giúp đảm bảo rằng thai nhi không bị ảnh hưởng tiêu cực.
2. Thực hiện sinh thiết trực tràng
Sinh thiết trực tràng thường được tiến hành trong quá trình thực hiện nội soi hoặc soi đại tràng sigma. Đây là những phương pháp ngoại trú (người bệnh có thể về nhà ngay sau khi thực hiện). Nội soi và soi đại tràng sigma thường được tiến hành bởi bác sĩ tiêu hóa hoặc bác sĩ phẫu thuật.
- Nội soi: Phương pháp này sử dụng ống nội soi, cho phép bác sĩ quan sát khoảng 5,08 cm (2 inch) thấp nhất của ống hậu môn và phần phía dưới trực tràng. Bác sĩ cũng có thể dùng ống soi trực tràng dài hơn ống nội soi.
- Soi đại tràng sigma: Ống soi đại tràng sigma giúp bác sĩ quan sát sâu hơn vào ruột già, đi qua trực tràng, tiến đến đại tràng. Ống soi đại tràng sigma là loại ống phát sáng linh hoạt dài hơn 60,96 cm (2 feet). Loại ống này có một camera truyền hình ảnh video đến màn hình. Hình ảnh trên màn hình giúp bác sĩ quan sát và đưa ống soi sigmoid đi qua trực tràng và đại tràng thuận lợi hơn.
Việc chuẩn bị cho cả hai phương pháp kể trên tương tự nhau. Nội soi đại tràng sigma là kỹ thuật phức tạp hơn nên mất khoảng 20-30 phút để tiến hành. Khi kết hợp lấy mẫu sinh thiết trực tràng thì thời gian thực hiện thủ thuật trên có thể kéo dài hơn.
Thông thường, phương pháp gây mê toàn thân, dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần không được sử dụng khi thực hiện kỹ thuật nội soi, soi đại tràng sigma. Người bệnh được đặt nằm trên bàn/giường khám, nghiêng sang bên trái đồng thời kéo đầu gối về phía ngực.
Bác sĩ tiến hành kiểm tra trực tràng kỹ thuật số. Bác sĩ bôi chất bôi trơn chuyên dụng vào ngón tay đeo găng, tiếp đó nhẹ nhàng đưa ngón tay này vào hậu môn của người bệnh. Việc kiểm tra ban đầu giúp bác sĩ kiểm tra những vật cản có thể cản trở ống soi.
Người bệnh không thấy đau khi được khám trực tràng kỹ thuật số. Sau đó, bác sĩ tiến hành đưa ống soi đã được bôi trơn vào. Lúc này, người bệnh thường cảm thấy khó chịu, áp lực như thể cần đi tiêu hoặc xì hơi.
Không khí được đưa vào đại tràng thông qua ống soi nếu tiến hành nội soi đại tràng sigma. Điều này làm phồng đại tràng, giúp bác sĩ quan sát rõ hơn. Nếu bị phân hoặc chất lỏng cản trở, bác sĩ có thể dùng lực hút để loại bỏ chúng. Người bệnh có thể được yêu cầu thay đổi tư thế để giúp bác sĩ thay đổi vị trí của ống soi.
Bác sĩ tiến hành lấy mẫu mô bất thường (nếu có) đã tìm thấy được ở trực tràng để mang đi sinh thiết trực tràng. Mẫu mô được lấy ra bằng tăm bông, bàn chải, kẹp hoặc ống thông hút. Người bệnh không cảm thấy đau khi loại bỏ mô. Phương pháp dùng nhiệt hoặc đốt điện có thể được ứng dụng để cầm máu do cắt mô. Khi hoàn tất việc sinh thiết trực tràng, bác sĩ từ từ lấy ống soi ra khỏi cơ thể người bệnh.

3. Sau khi sinh thiết trực tràng
Thời gian người bệnh cần trở về trạng thái bình thường phụ thuộc vào phương pháp được ứng dụng để lấy mẫu sinh thiết trực tràng. Sau khi thực hiện nội soi đại tràng sigma linh hoạt, người bệnh có thể cảm thấy bị đầy hơi do không khi được đưa vào đại tràng. Vấn đề này có thể gây khó chịu ở bụng hoặc khiến người bệnh xì hơi trong vài giờ sau đó.
Không có gì lạ nếu người bệnh tìm thấy một lượng máu nhỏ trong lần đi tiêu đầu tiên sau khi tiến hành sinh thiết trực tràng. Thế nhưng, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng như sốt, đau bụng dữ dội, đi tiêu ra máu nhiều hơn một lần (đặc biệt là khi máu vón cục hoặc chảy ra nhiều), có cảm giác muốn ngất xỉu. Ngay khi hoàn tất việc sinh thiết trực tràng, người bệnh có thể tiếp tục áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt như bình thường.
Tìm hiểu kết quả sinh thiết trực tràng
Mẫu mô được lấy từ quá trình sinh thiết trực tràng được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, kiểm tra. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành kiểm tra mẫu mô và cho ra kết quả sinh thiết trực tràng.
Thông thường, nếu kết quả sinh thiết trực tràng bình thường thì sẽ đưa ra những kết luận dưới đây:
- Trực tràng và hậu môn có hình dáng, kích thước bình thường.
- Không chảy máu.
- Không tìm thấy trĩ, polyp, u nang, khối u.
- Không có điểm bất thường nào được ghi nhận.
Trong khi đó, kết quả sinh thiết trực tràng cho thấy bất thường nếu bác sĩ phát hiện ra những vấn đề dưới đây:
- Bệnh amyloidosis – liên quan đến sự tích tụ bất thường của một loại protein nhất định.
- Áp xe.
- Nhiễm trùng.
- Tình trạng viêm.
- Polyp/có sự tăng trưởng bất thường khác.
- Khối u.
Kết quả sinh thiết trực tràng bất thường cũng có thể cho thấy người bệnh bị chẩn đoán dương tính với:
- Bệnh ung thư.
- Bệnh Crohn – một loại bệnh viêm ruột tác động đến đường tiêu hóa.
- Bệnh Hirschsprung – một loại bệnh đường ruột có thể gây tắc nghẽn.
- Viêm loét đại tràng – một loại bệnh viêm ruột ảnh hưởng đến trực tràng và đại tràng.
- Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm những xét nghiệm khác hoặc kiểm tra thể chất trước khi đưa ra chẩn đoán.
Sinh thiết trực tràng có biến chứng không?
Sinh thiết trực tràng là phương pháp có xâm lấn nên có thể gây ra tổn thương bên trong cơ quan mục tiêu hoặc những khu vực lân cận. Một số rủi ro tiềm ẩn của kỹ thuật này gồm có chảy máu, rách ruột (thủng ruột), đi tiêu khó khăn… Thế nhưng người bệnh hiếm khi gặp những rủi ro này. (2)
Sinh thiết trực tràng bao nhiêu tiền?
Chi phí sinh thiết trực tràng giữa các cơ sở y tế có sự khác nhau, phụ thuộc vào những yếu tố như phương pháp được áp dụng, trang thiết bị, máy móc, trình độ của bác sĩ, chất lượng dịch vụ, thời gian mong muốn nhận kết quả… Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được tư vấn, báo giá chính xác.

Nên sinh thiết trực tràng ở đâu?
Để quá trình sinh thiết trực tràng diễn ra an toàn, nhanh chóng, mang đến kết quả chính xác, hỗ trợ tích cực cho quá trình chẩn đoán, điều trị, người bệnh nên thực hiện phương pháp này ở cơ sở y tế uy tín có thực hiện chuyên môn này. Ví dụ, người bệnh có thể tham khảo sinh thiết trực tràng tại bệnh viện đáp ứng những tiêu chí dưới đây:
- Bệnh viện uy tín, cung cấp dịch vụ sinh thiết trực tràng với quy trình an toàn, khoa học, mang đến kết quả chính xác.
- Trang bị máy móc, thiết bị chuyên dụng cho ngành giải phẫu bệnh và nội soi tiêu hóa hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của phương pháp sinh thiết trực tràng.
- Quy tụ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm về giải phẫu bệnh, trong đó có sinh thiết trực tràng.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Sinh thiết trực tràng có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán xác định các bệnh lý tại trực tràng, đặc biệt là ung thư. Qua đó, bác sĩ có thể đề ra phương hướng chữa trị tối ưu. Người bệnh nên chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện kỹ thuật sinh thiết trực tràng.