
Sinh thiết não là gì? Khi nào cần thực hiện và quy trình ra sao?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, PlinkCare TP.HCM
Thông qua kết quả sinh thiết não, bác sĩ có thể xác định bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải, đề ra phương hướng chữa trị tối ưu. Để đảm bảo hiệu quả, an toàn, người bệnh cần tiến hành sinh thiết não ở cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn về lĩnh vực này. Vậy sinh thiết não là gì? Quy trình sinh thiết não diễn ra như thế nào?
Sinh thiết não là gì?
Sinh thiết não là kỹ thuật lấy khối u hoặc mảnh mô ra khỏi não để mang đi giải phẫu bệnh, kiểm tra dưới kính hiển vi từ đó giúp bác sĩ xác định các thông tin quan trọng về bệnh. Phương pháp này hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý ở não như u não, thoái hóa não (bệnh Alzheimer, hoại tử, sa sút trí tuệ…), nhiễm trùng, viêm não…
Trong nhiều trường hợp, kỹ thuật sinh thiết não có thể được tiến hành cùng lúc với việc phẫu thuật loại bỏ khối tổn thương ở não, khi đó bác sĩ sẽ đồng thời lấy mô bệnh phẩm để mang đi kiểm tra, đánh giá bệnh.
Chỉ định và chống chỉ định
Sinh thiết não có thể được chỉ định và chống chỉ định thực hiện trong các trường hợp dưới đây:
1. Chỉ định sinh thiết não
- Bệnh u não, đặc biệt là những khối u nghi ngờ ác tính, nằm ở vị trí sâu, khó tiếp cận (ví dụ như vùng đồi thị, tuyến tùng, hạch nền, tiểu não, thân não, dưới đồi).
- Các tổn thương đa ổ, bệnh nhiễm trùng ở não.
- Bệnh viêm não do virus.
- Bệnh thoái hóa não như sa sút trí tuệ, Alzheimer.
2. Chống chỉ định sinh thiết não
- Người bị rối loạn đông máu.
- Người bệnh có vấn đề về tâm thần, không hợp tác để đặt khung (frame) ở trên đầu.
- Người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê, thuốc tê.
- Một số chống chỉ định tương đối, bao gồm trường hợp kích thước của tổn thương quá nhỏ nên khó để định vị chính xác, những tổn thương nghi ngờ là giàu mạch máu hay dị dạng mạch máu (nếu cần tiến hành sinh thiết thì thực hiện phương pháp mở sọ).

Các loại sinh thiết não phổ biến
Những hình thức sinh thiết não phổ biến đang được ứng dụng gồm có sinh thiết bằng kim, sinh thiết lập thể và sinh thiết mở, cụ thể như sau: (1)
1. Sinh thiết bằng kim
Trong phương pháp sinh thiết não bằng kim, bác sĩ tiến hành khoan một lỗ nhỏ ở hộp sọ. Sau đó, bác sĩ đặt một cây kim rỗng, hẹp vào vết mổ để lấy ra phần nhỏ của khối u hoặc mô bệnh mang đi kiểm tra.
2. Sinh thiết lập thể
Sinh thiết lập thể dùng công nghệ hình ảnh 3D cũng như dữ liệu từ phương pháp chụp CT, MRI để kiểm tra khối u hoặc một phần não. Sinh thiết lập thể là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.
3. Sinh thiết mở
Sinh thiết mở là hình thức sinh thiết não được áp dụng phổ biến hơn cả. Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, bác sĩ mổ hộp sọ, bộc lộ khối u hay khối tổn thương và tiến hành loại bỏ khối u. Khi đó, bác sĩ sẽ đồng thời lấy một mẩu nhỏ khối u hay mô bệnh để đưa đi xét nghiệm, đánh giá.
Khi nào sinh thiết não được thực hiện?
Sinh thiết não thường là phương pháp cuối cùng giúp bác sĩ chẩn đoán xác định chính xác bệnh lý cụ thể tại não. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sinh thiết não để xác định xem khối u là lành tính hay ác tính (ung thư). Sinh thiết não cũng giúp bác sĩ xác định chứng áp xe não, qua đó có thể xây dựng kế hoạch chữa trị hiệu quả hơn. Những rối loạn viêm, nhiễm trùng não cũng có thể được bác sĩ xác định thông qua kỹ thuật sinh thiết não.
Đối với bệnh sa sút trí tuệ, sinh thiết não đôi khi được ứng dụng để giúp bác sĩ chẩn đoán nhưng vẫn chưa chắc chắn. Phương pháp này có thể trở nên hữu ích hơn trong việc hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ khi các cách điều trị mới được phát hiện. Hiện nay, những bệnh lý như Alzheimer vẫn đang được chẩn đoán thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Quy trình sinh thiết não
Tìm hiểu về quy trình sinh thiết não giúp người bệnh có sự chuẩn bị tinh thần sẵn sàng và chủ động hơn trong việc phối hợp với bác sĩ. Sinh thiết não thường gồm có các bước cơ bản dưới đây:
1. Chuẩn bị trước sinh thiết não
Người bệnh có thể được yêu cầu chụp CT/MRI hoặc thực hiện những xét nghiệm khác trước khi sinh thiết não. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngừng dùng aspirin, thuốc làm loãng máu. Vào đêm trước khi tiến hành sinh thiết, người bệnh có thể cần gội đầu bằng dầu gội đặc biệt.
2. Thực hiện sinh thiết não
Sinh thiết não được bác sĩ thực hiện trong phòng mổ của cơ sở y tế. Trong một vài trường hợp, chụp CT/MRI được tiến hành cùng với phương pháp sinh thiết. Ở những trường hợp khác, chụp CT/MRI được thực hiện trước khi làm sinh thiết. Kết quả chụp CT/MRI được tải lên thiết bị phẫu thuật. (2)
Trong sinh thiết lập thể hoặc sinh thiết bằng kim, bác sĩ tiến hành rạch một vết mổ nhỏ, dài khoảng vài milimet. Sau khi khoan một lỗ nhỏ vào hộp sọ, bác sĩ tiếp tục đưa một cây kim nhỏ vào não để lấy mẫu sinh thiết. Nếu áp dụng kỹ thuật sinh thiết được điều khiển từ xa, bác sĩ có thể điều hướng kim trong quá trình phẫu thuật bằng cách theo dõi màn hình. Khi đã hoàn tất việc lấy mẫu sinh thiết, vết mổ được bác sĩ ghim hoặc khâu lại.
Ở trường hợp sinh thiết mở, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt hộp sọ để tiến vào nơi có khối u, tổn thương. Sau khi lấy mô bệnh phẩm, vạt xương sọ sẽ được vá lại hoặc được thay thế bằng tấm vật liệu chuyên dụng.
3. Sau khi sinh thiết não
Bác sĩ xem xét kết quả sinh thiết não và đưa ra phác đồ điều trị (nếu cần). Ở một số trường hợp, ví dụ như sinh thiết bằng kim, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Thông thường, người bệnh có thể phải nằm viện khoảng một ngày. Tuy nhiên, thời gian nằm viện có thể kéo dài lâu hơn tùy vào hình thức sinh thiết và sức khỏe của người bệnh. Nếu phát sinh bất thường trong và sau quá trình phẫu thuật, sinh thiết thì người bệnh cần nằm viện lâu hơn để được bác sĩ theo dõi, chăm sóc.

4. Phục hồi sau khi sinh thiết não
Trước khi xuất viện, bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh một số hướng dẫn chi tiết để giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng, an toàn, bao gồm:
- Những lựa chọn giúp kiểm soát cơn đau: Nếu người bệnh bị đau nặng, bác sĩ có thể chỉ định đơn thuốc để giúp làm giảm cơn đau.
- Chăm sóc vết thương: Bao gồm một số thông tin, hướng dẫn về cách chăm sóc vết thương, ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn.
- Khuyến nghị về mức độ hoạt động: Hầu hết người bệnh có thể quay trở lại hoạt động như bình thường sau khi sinh thiết.
- Lịch hẹn tái khám: Kết quả sinh thiết não của bạn có thể được trả trong lần khám hậu phẫu. Bên cạnh đó, ghim và các mũi khâu có thể được cắt bỏ.
Sinh thiết não có rủi ro không?
Sinh thiết não có thể tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Sinh thiết kim ít xâm lấn hơn sinh thiết mở, do đó cũng tiềm ẩn ít rủi ro hơn. Việc gây mê cũng có thể dẫn đến một vài rủi ro cho người lớn tuổi và người bị chứng mất trí nhớ. Sinh thiết não cũng có thể gây sưng hoặc chảy máu bên trong não, có thể dẫn đến các vấn đề bất lợi như gây co giật, nhiễm trùng, hôn mê, động kinh, tổn thương thần kinh khu trú nhưng không phổ biến.
Đôi khi những xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm lần đầu chưa cho ra kết quả đầy đủ. Lúc này, người bệnh có thể thực hiện lại sinh thiết não. Tuy nhiên, ngày nay, rủi ro trên đã được hạn chế nhờ vào sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại.
Sinh thiết não bao lâu có kết quả?
Mẫu bệnh phẩm được bác sĩ kiểm tra để có thể đưa ra chẩn đoán, phân loại và xác định cấp độ của bệnh lý ở não. Kết quả được trả cho người bệnh sau khoảng 5 – 7 ngày kể từ lúc sinh thiết não. Thời gian nhận kết quả có thể sớm hoặc trễ hơn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trước khi xuất viện, người bệnh hãy hỏi bác sĩ hoặc nhân viên y tế về thời gian nhận kết quả.
Sinh thiết não giá bao nhiêu?
Chi phí sinh thiết não ở các cơ sở y tế không giống nhau. Lý do là vì mức giá sinh thiết não phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp thực hiện sinh thiết, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc của bệnh viện, trình độ chuyên môn của bác sĩ, chất lượng dịch vụ, thời gian mong muốn nhận kết quả… Để được báo giá chính xác, người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế.
Sinh thiết não ở đâu?
Sinh thiết não là phương pháp có xâm lấn, do đó người bệnh cần thực hiện kỹ thuật này ở cơ sở y tế uy tín, có chuyên môn về kỹ thuật này để đảm bảo được tính an toàn, nhận kết quả chính xác, hỗ trợ tích cực cho quá trình chẩn đoán, điều trị. Người bệnh nên tham khảo chọn cơ sở y tế đáp ứng những tiêu chí dưới đây:
- Là bệnh viện uy tín, được cấp phép hoạt động. Bệnh viện có đủ chuyên môn và điều kiện để triển khai sinh thiết não.
- Được trang bị các công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại, phục vụ tốt cho quá trình sinh thiết.
- Quy tụ đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực giải phẫu bệnh, thần kinh.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Sinh thiết não có vai trò quan trọng trong việc xác định các bệnh lý tại não, đặc biệt là ung thư. Qua đó, bác sĩ có thể đề ra phương hướng chữa trị tối ưu. Người bệnh nên thực hiện sinh thiết não ở cơ sở y tế uy tín để đảm bảo tính an toàn, chính xác.