Image

Sinh thiết dạ dày: Khi nào cần thực hiện và giúp phát hiện bệnh gì?

Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, PlinkCare TP.HCM

Bác sĩ thường thực hiện sinh thiết dạ dày kết hợp với nội soi. Mặc dù đây là kỹ thuật an toàn, hạn chế tối đa xâm lấn nhưng nhiều người bệnh có thể lo lắng. Nên làm sinh thiết dạ dày ở bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa, uy tín, trang bị đủ thiết bị, máy móc chuyên dụng hiện đại… để nhận được kết quả chính xác, an toàn.

Sinh thiết dạ dày là gì?

Sinh thiết dạ dày là một thủ thuật y khoa được tiến hành nhằm mục đích lấy mẫu mô nhỏ bên trong dạ dày ở một hay nhiều vị trí khác nhau mang đi giải phẫu, kiểm tra, đánh giá dưới kính hiển vi cũng như nhiều thiết bị chuyên dụng khác. Từ đó, kết quả sinh thiết sẽ giúp bác sĩ xác định bệnh lý đang gặp phải ở dạ dày. Quá trình sinh thiết thường được thực hiện đồng thời với phương pháp nội soi dạ dày. Thông qua hình ảnh nội soi, bác sĩ sẽ quyết định được vị trí và số lượng mẫu cần lấy.

sinh thiết dạ dày là gì
Sinh thiết dạ dày thường được thực hiện đồng thời với phương pháp nội soi

Tại sao phải sinh thiết dạ dày?

Chúng ta đã biết sinh thiết dạ dày là gì, vậy tại sao cần phải thực hiện kỹ thuật này? Một số bệnh ở đường tiêu hóa có thể khó chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm máu, khám sức khỏe thông thường… Do đó, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm sinh thiết dạ dày để xác định đúng bệnh. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể thấy khu vực đáng ngờ cần được kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng hơn. Lúc này, mẫu mô nhỏ sẽ được lấy ra bằng dụng cụ chuyên dụng để mang đi kiểm tra, quan sát, đánh giá bằng các thiết bị chuyên dụng.

Khi nào cần sinh thiết dạ dày?

Sinh thiết dạ dày để làm gì? Xét nghiệm sinh thiết dạ dày thường được tiến hành để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán những căn bệnh liên quan đến dạ dày. Theo đó, bác sĩ thường sẽ chỉ định thực hiện phương pháp này khi người bệnh có các triệu chứng dưới đây và nghi ngờ có thể mắc phải bệnh lý nào đó ở đường tiêu hóa:

  • Ợ nóng, ợ hơi, buồn nôn liên tục chưa rõ nguyên nhân.
  • Người bệnh bị sút cân một cách bất thường trong thời gian ngắn chưa xác định được nguyên nhân.
  • Đi ngoài phân đen hoặc xuất hiện kèm theo máu tươi.
  • Khó nuốt, chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
  • Thường xuyên bị đau bụng ở vùng trên rốn. Người bệnh có thể bị đau quặn từng cơn hoặc gặp cơn đau âm ỉ.
  • Nghi ngờ trong dạ dày có sự phát triển của vi khuẩn HP.

Khi người bệnh gặp những triệu chứng kể trên, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phương pháp nội soi kết hợp sinh thiết dạ dày để cho ra kết quả chính xác. Đặc biệt là trong các trường hợp bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị ung thư dạ dày.

khi nào cần sinh thiết dạ dày
Người bị đau bụng âm ỉ, đau quặn từng cơn tại vùng trên rốn có thể được chỉ định sinh thiết dạ dày để chẩn đoán bệnh

Quy trình sinh thiết dạ dày

Quy trình làm sinh thiết dạ dày như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu quy trình cơ bản thực hiện kỹ thuật này:

1. Chuẩn bị sinh thiết dạ dày

Trước khi tiến hành sinh thiết dạ dày, người bệnh nên lưu ý những vấn đề dưới đây:

  • Thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của người bệnh, dấu hiệu, triệu chứng đang gặp, những loại thuốc đang sử dụng và tiền sử dị ứng thuốc (nếu có).
  • Nếu nghi ngờ có thai hoặc đang mang thai, bạn cần thông báo cho bác sĩ hay kỹ thuật viên biết trước khi làm xét nghiệm sinh thiết dạ dày.
  • Người bệnh cần nhịn ăn khoảng 6 – 12 tiếng trước khi thực hiện sinh thiết dạ dày, hoặc theo hướng dẫn thực tế của bác sĩ. Thông thường, người bệnh chỉ nên uống nước lọc, tránh dùng sữa, các loại nước có màu…
  • Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để tham khảo trước quy trình sinh thiết. Việc làm này giúp bạn có sự chuẩn bị kỹ và tâm lý thoải mái hơn, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức. (2)

2. Thực hiện sinh thiết dạ dày

Sinh thiết dạ dày có độ an toàn cao, cách thực hiện khá đơn giản, cụ thể gồm các bước cơ bản dưới đây:

  • Đầu tiên, người bệnh được gây mê hay xịt thuốc tê vào khoang miệng để giúp làm giảm cảm giác đau, khó chịu, hạn chế phản xạ nôn khi đưa ống dẫn qua miệng.
  • Tiếp theo, bác sĩ gắn dụng cụ che chắn, bảo vệ răng cho người bệnh rồi nhẹ nhàng đưa ống nội soi vào miệng, xuống thực quản, đi đến dạ dày, tá tràng.
  • Lúc này, bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh trên màn hình được gửi về từ ống nội soi để có thể đánh giá, xác định các vị trí tổn thương cần tiến hành lấy mẫu sinh thiết dạ dày. Mẫu mô khi lấy ra được bảo quản trong môi trường thích hợp, mang đến phòng thí nghiệm kiểm tra, phân tích, đánh giá.
  • Thông qua kính hiển vi và các thiết bị chuyên dụng, bác sĩ có thể phân tích, quan sát được dấu hiệu phát triển bất thường của các tế bào và những tổn thương khác.
  • Nếu cần xác định có sự xuất hiện của vi khuẩn HP trong dạ dày, mẫu mô sinh thiết sẽ được mang đi xử lý và định danh vi khuẩn HP.

3. Sau khi sinh thiết dạ dày

Sau khi làm sinh thiết dạ dày, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

  • Sau khi hoàn tất việc sinh thiết, hầu hết người bệnh chỉ cần dành khoảng vài giờ để nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng sức khỏe. Với các trường hợp sinh thiết dạ dày gây mê, người bệnh sẽ được kiểm tra nhịp tim, huyết áp… khi tỉnh lại.
  • Nếu gặp những dấu hiệu bất thường sau khi sinh thiết, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để được thăm khám, xử lý kịp thời.

4. Sinh thiết dạ dày bao lâu có kết quả?

Sinh thiết dạ dày bao lâu nhận được kết quả còn phụ thuộc vào mục đích chẩn đoán, cụ thể như sau:

  • Nếu thực hiện xét nghiệm sinh thiết dạ dày để xác định xem vi khuẩn HP có xuất hiện trong dạ dày hay không thì kết quả thường có sau khoảng 2 giờ.
  • Nếu tiến hành sinh thiết dạ dày để chẩn đoán ung thư dạ dày thì người bệnh cần chờ kết quả giải phẫu bệnh khoảng 7 – 8 ngày.
quy trình sinh thiết dạ dày
Các bước thực hiện làm sinh thiết dạ dày khá đơn giản, an toàn cho người bệnh

Sinh thiết dạ dày chẩn đoán bệnh gì?

Thông qua phương pháp nội soi sinh thiết dạ dày, bác sĩ có thể xác định đúng vị trí và tình trạng tổn thương trong dạ dày. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán, đề ra phác đồ chữa trị phù hợp với người bệnh. Kỹ thuật này thường được ứng dụng để chẩn đoán một số căn bệnh nguy hiểm như: (1)

  • Ung thư thực quản: Đây là khối u ác tính hình thành từ các biểu mô thực quản. Ung thư thực quản có hai loại chính là ung thư biểu tuyến và ung thư biểu mô. Nếu phát hiện bệnh muộn, tiên lượng sống sau 5 năm tương đối thấp.
  • Ung thư dạ dày: Đây là tình trạng những tế bào trong dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát, tạo ra các khối u. Khi những khối u này tiến triển nghiêm trọng sẽ lan sang các cơ quan khác, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
  • Barrett thực quản: Đây là tình trạng các tế bào bên trong thực quản bị thay thế bởi một loại tế bào tương tự như niêm mạc ruột. Căn bệnh này thường xuất hiện ở người có tiền sử mắc chứng trào ngược dạ dày, thực quản mạn tính.
  • Bệnh IBD: Căn bệnh này còn được gọi là bệnh viêm ruột, bao gồm viêm loét đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn. Đây là tình trạng viêm mạn tính tại nhiều vị trí khác nhau bên trong ống tiêu hóa. Bệnh IBD khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống và có nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng nếu không được điều trị, kiểm soát sớm.

Những bệnh lý kể trên đều nguy hiểm, có thể gây tử vong. Do đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ, tiến hành nội soi sinh thiết dạ dày theo chỉ định của bác sĩ (nếu cần) là rất cần thiết.

sinh thiết dạ dày để làm gì
Sinh thiết dạ dày có thể được chỉ định để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày

Các thắc mắc về sinh thiết dạ dày

Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp khác về phương pháp xét nghiệm sinh thiết dạ dày:

1. Thời gian sinh thiết dạ dày là bao lâu?

Nội soi sinh thiết dạ dày không mất nhiều thời gian. Việc sinh thiết kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào khu vực bác sĩ muốn kiểm tra, sinh thiết. Hầu hết trường hợp làm sinh thiết dạ dày diễn ra trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.

2. Sinh thiết dạ dày có an toàn không?

Nhìn chung, sinh thiết dạ dày được đánh giá là phương pháp an toàn khi thực hiện ở cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa. Hình thức sinh thiết này có thể tiềm ẩn một số rủi ro (dù hiếm gặp), ví dụ như xuất huyết, nhiễm trùng, thủng tá tràng,… Một số trường hợp có thể gặp tình trạng co thắt thanh quản, khó chịu, buồn nôn, nhịp tim bất thường… Tuy vậy, các rủi ro này không đáng kể so với lợi ích của việc cần thiết làm sinh thiết dạ dày để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị.

3. Có thể ăn sau khi sinh thiết dạ dày không?

Khi phản xạ của hầu họng quay trở lại bình thường, người bệnh có thể ăn uống. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên chọn dùng các món lỏng, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng… Người bệnh cần tư vấn thêm bác sĩ khi khám.

4. Sinh thiết dạ dày có đau không?

Sinh thiết dạ dày có thể khiến bụng bị đau âm ỉ. Tình trạng này còn được gọi là đau nội tạng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số dấu hiệu đến từ quá trình nội soi để lấy mô sinh thiết, ví dụ như cảm thấy mệt mỏi, đau họng…

sinh thiết dạ dày đau không
Người bệnh có thể cảm thấy đau họng sau khi nội soi sinh thiết dạ dày

5. Sinh thiết dạ dày bao nhiêu tiền?

Hiện nay, chi phí sinh thiết dạ dày dao động từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng. Mức giá này có sự chênh lệch vì phụ thuộc vào các yếu tố như phương pháp sinh thiết, số lượng mẫu sinh thiết, chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế, máy móc, trang thiết bị, trình độ chuyên môn của bác sĩ, thời gian nhận kết quả, chính sách giảm trừ bảo hiểm… Lưu ý, chi phí trên chỉ mang tính tham khảo và sẽ thay đổi theo thời gian. Do đó, người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được báo giá chính xác.

6. Nên lấy sinh thiết dạ dày ở đâu?

Phương pháp sinh thiết dạ dày đang được ứng dụng phổ biến ở nhiều cơ sở y tế. Để có kết quả chính xác, đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa rủi ro, người bệnh nên sinh thiết ở bệnh viện lớn, uy tín, có chuyên khoa tiêu hóa và được trang bị đầy đủ thiết bị chuyên dụng. Hệ thống PlinkCare là cơ sở y tế hàng đầu cung cấp dịch vụ sinh thiết dạ dày với quy trình khoa học, an toàn, trang thiết bị, máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, tận tình, dày dặn kinh nghiệm…

Sau khi có kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đề ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh, nếu có. Thông tin cá nhân của người bệnh được lưu trữ cẩn thận, bảo mật. Thời gian thực hiện thủ tục, tiến hành sinh thiết, trả kết quả diễn ra nhanh chóng.

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Sinh thiết dạ dày là phương pháp hữu ích giúp bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán nhiều bệnh lý tại dạ dày. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh dạ dày, đặc biệt là ung thư, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chỉ định thực hiện sinh thiết dạ dày khi cần.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send