
Siêu âm mắt: Khi nào cần thực hiện, quy trình ra sao?
Siêu âm mắt là phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến mắt, từ đó có thể đưa ra chỉ định điều trị hiệu quả và phù hợp cho người bệnh. Vậy siêu âm mắt là gì? Siêu âm mắt để làm gì? Quy trình siêu âm mắt như thế nào? Và các bác sĩ thường đọc kết quả siêu âm mắt ra sao?
Siêu âm mắt là gì?
Siêu âm mắt (siêu âm nhãn cầu) là phương pháp sử dụng sóng âm thanh với tần số cao truyền trực tiếp vào mắt, tạo ra sự phản xạ sóng âm thanh, từ đó giúp ghi lại hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong của mắt.
Kỹ thuật siêu âm mắt thường chỉ mất khoảng 15 đến 30 phút, mang lại giá trị hữu ích trong các trường hợp bác sĩ chuyên khoa muốn quan sát, kiểm tra kỹ cấu trúc nội nhãn của người bệnh để đưa ra chẩn đoán và chỉ định chính xác. Đặc biệt, siêu âm mắt rất cần thiết trong các trường hợp người bệnh mắc đục thủy tinh thể, xuất huyết tiền phòng, xuất huyết tự phát hoặc do chấn thương… khiến bác sĩ không thể nhìn thấy rõ bán phần sau của mắt nếu chỉ sử dụng kính soi đáy mắt.

Siêu âm mắt hiện có hai kỹ thuật, bao gồm A-scan (giúp bác sĩ quan sát chủ yếu bán phần trước của mắt) và B-scan (cho hình ảnh của toàn bộ cấu trúc mắt). Trong nhiều trường hợp, để có đủ thông tin đánh giá tình trạng của mắt nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện kết hợp cả hai kỹ thuật siêu âm mắt A-scan và B-scan.(1)
Khi nào cần siêu âm mắt?
Siêu âm mắt để làm gì? Siêu âm mắt thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định thực hiện khi người bệnh có các dấu hiệu tổn thương vùng nội nhãn hoặc mắc một số bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và sức khỏe tổng thể, ví dụ như:
- Đục thủy tinh thể: Người bệnh bị giảm thị lực rõ rệt (như có đám mây mờ trong mắt). Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến mù lòa.
- Bong võng mạc: Tình trạng này gây ra cơn đau nghiêm trọng và bất thường trong mắt nhưng nếu nhìn bề ngoài thì rất khó phát hiện.
- Khối u nội nhãn: Có khối u hình thành trong mắt, gây chèn ép cấu trúc của mắt cũng như thần kinh thị giác.
- Xuất huyết nội nhãn: Bác sĩ cần kiểm tra kỹ vị trí, mức độ xuất huyết, đặc biệt là ở bán phần sau của mắt để có hướng xử lý phù hợp.
- Tăng nhãn áp: Áp lực thủy dịch tăng cao bất thường không chỉ làm tổn thương thị giác mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mù lòa.
- Dị vật: Một số trường hợp người bệnh mắc dị vật trong mắt có thể làm tổn thương mắt nhưng khó lấy ra ngoài…

Ngoài ra, khi gặp các biểu hiện bất thường khác hoặc mắc bệnh lý liên quan đến thần kinh thị giác, người bệnh có thể được chỉ định siêu âm mắt. Đặc biệt là khi thăm khám lâm sàng, nhìn trực quan bề ngoài bác sĩ chưa đủ thông tin để đánh giá chính xác về tình trạng nội nhãn của người bệnh.
Siêu âm mắt để làm gì?
Mục đích chính của kỹ thuật siêu âm mắt là giúp bác sĩ đánh giá toàn diện về cấu trúc nội nhãn, cụ thể như sau:
- Chẩn đoán phát hiện các bệnh lý về mắt: Siêu âm mắt cung cấp kết quả hình ảnh chi tiết về cấu tạo mắt và hốc mắt. Nhờ vậy, bác sĩ có thể phát hiện các bệnh lý hay vấn đề về mắt như: chấn thương mắt, dị vật trong mắt, xuất huyết nội nhãn, bong võng mạc, khối u, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể…
- Tùy trường hợp sẽ áp dụng kỹ thuật A-scan hay B-scan: Kỹ thuật siêu âm mắt bao gồm A-scan và B-scan, trong đó:
- Kỹ thuật siêu âm mắt A-scan: Giúp bác sĩ quan sát chủ yếu ở khu vực bán phần trước của mắt và đo kích thước mắt. Kỹ thuật này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cấy ghép thấu kính cho người bệnh đục thủy tinh thể.
- Kỹ thuật siêu âm mắt B-scan: Cho kết quả hình ảnh của toàn bộ cấu trúc mắt, cả bán phần trước, bán phần sau và hốc mắt. Qua đó giúp bác sĩ đánh giá được tổng thể tình hình nhãn cầu, cũng như chức năng thị lực của người bệnh. Kỹ thuật siêu âm mắt B-scan cung cấp đầy đủ thông tin hơn so với A-scan, giúp bác sĩ chẩn đoán, phát hiện và theo dõi điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến mắt.
Kỹ thuật siêu âm mắt giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý về mắt
Quy trình siêu âm mắt
Quy trình siêu âm mắt đối với kỹ thuật A-scan và B-scan tương đối giống nhau. Tuy nhiên vẫn có một vài điểm khác biệt. Bạn có thể tham khảo quy trình dưới đây: (2)
1. Trước khi siêu âm mắt
Trước khi tiến hành siêu âm mắt, hầu như người bệnh không cần chuẩn bị bất kỳ điều gì, nghĩa là việc ăn uống và sinh hoạt đều có thể diễn ra như bình thường. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể dùng các loại thuốc nhỏ mắt và uống thuốc theo chỉ định điều trị của bác sĩ (nếu có).
2. Tiến hành siêu âm mắt
Khi tiến hành siêu âm mắt, người bệnh được bác sĩ hướng dẫn tư thế ngồi hoặc nằm. Với kỹ thuật siêu âm mắt A-scan, người bệnh cần mở mắt, nhìn thẳng về phía trước. Một đầu dò nhỏ được bác sĩ bôi trơn bằng gel chuyên dụng và đặt ngay trước mắt người bệnh để tiến hành quét.
Với kỹ thuật siêu âm mắt B-scan, người bệnh được nhắm mắt nhưng phải cử động nhãn cầu theo các hướng do bác sĩ yêu cầu. Bác sĩ đặt đầu dò đã được bôi trơn bằng gel chuyên dụng lên mí mắt của người bệnh và tiến hành quét nhẹ nhàng.

Lưu ý, trong quá trình siêu âm mắt, người bệnh có thể cảm giác đau rát nhẹ ở mắt. Tuy nhiên, cảm giác đau rát này rất nhẹ và có thể hết ngay sau đó. Người bệnh không nên lo lắng, cần bình tĩnh, thoải mái và phối hợp thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Sau khi siêu âm mắt
Sau khi siêu âm mắt, người bệnh không cần kiêng cử gì về ăn uống, chế độ ngủ nghỉ. Một số người bệnh có thể gặp tình trạng nhìn mờ, kéo dài trong khoảng 15 đến 30 phút. Ở trường hợp này, người bệnh không được dùng tay dụi mắt vì có thể gây tổn thương mắt.
Trước khi ra về, người bệnh nên ngồi lại cơ sở y tế để chờ cho thị lực trở lại như bình thường. Tốt hơn hết, người bệnh nên có người thân đưa đón hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng để đảm bảo an toàn.

4. Đọc kết quả siêu âm mắt
Việc đọc kết quả siêu âm mắt thường được bác sĩ nhãn khoa thực hiện ngay sau khi siêu âm. Đầu tiên là đọc kết quả kỹ thuật siêu âm mắt A-scan để đánh giá kích thước, chi tiết các số đo của mắt. Sau đó là đọc kết quả kỹ thuật siêu âm mắt B-scan để tìm hiểu kỹ hơn về cấu trúc của mắt, hốc mắt, bán phần sau của mắt. Qua đó, bác sĩ có thể phát hiện được bệnh lý, đánh giá tổn thương và đề ra phương án điều trị phù hợp, hiệu quả cho người bệnh.
Siêu âm mắt giá bao nhiêu?
Tùy vào mỗi cơ sở y tế, chất lượng dịch vụ, trang thiết bị, máy móc và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa mà giá dịch vụ siêu âm mắt có thể khác nhau. Tuy nhiên, mức giá siêu âm mắt bạn có thể tham khảo là khoảng 500.000 đồng/lần.
Lưu ý, giá dịch vụ trên đây là giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. Khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp bệnh viện để được tư vấn cụ thể về chi phí tại thời điểm sử dụng dịch vụ.
Siêu âm mắt ở đâu?
Hệ thống PlinkCare đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc, phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh hàng đầu. Trong đó máy siêu âm 3D, 4D thế hệ mới có thể thực hiện kỹ thuật siêu âm mắt mang đến kết quả hình ảnh chất lượng cao, rõ nét.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG PlinkCare
- PlinkCare Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- PlinkCare TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- PlinkCare – Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://plink-care-api.egovernment.com.vn
Siêu âm mắt là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến hiện nay. Qua đó bác sĩ có thể phát hiện kịp thời những tổn thương, dấu hiệu các bệnh lý liên quan đến mắt để đề ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu có vấn đề bất thường bên trong mắt hay xuất hiệu dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý thị giác, bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, tiến hành kỹ thuật siêu âm mắt.