Image

Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không? Biến chứng thường gặp nhất

Cần biết gì về rối loạn lipid máu?

Lipid máu hay còn gọi là mỡ máu, là chất béo có vai trò cung cấp năng lượng cho các tế bào của cơ thể. Lipid máu gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng có 2 loại lipid nhiều nhất và có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe là:

  • Cholesterol: Gồm hai loại là cholesterol LDL (còn gọi là cholesterol xấu) góp phần hình thành các mảng bám trong mạch máu và cholesterol HDL (còn gọi là cholesterol tốt) có khả năng loại bỏ LDL-C ra khỏi máu.
  • Triglyceride hay còn gọi là chất béo trung tính: Được tạo thành từ axit béo và glycerol. Khi bạn nạp vào quá nhiều calo, cơ thể sẽ chuyển đổi calo thừa thành chất béo trung tính và lưu trữ trong các tế bào mỡ. Cơ thể sẽ giải phóng chất béo trung tình này khi cần năng lượng.

Rối loạn lipid máu là tình trạng xảy ra khi các thành phần lipid máu bị mất cân bằng, bị tăng cao hoặc thấp hơn so với mức bình thường như: Cholesterol LDL tăng cao, cholesterol HDL giảm, chất béo trung tính ở mức độ cao.

1. Phân loại

Rối loạn lipid máu được chia thành 2 loại là:

  • Rối loạn lipid máu nguyên phát: Do yếu tố di truyền, gây ra bởi đột biến gen đơn hoặc nhiều gen, dẫn đến sản xuất quá mức hoặc thiếu hụt trong việc thanh lọc chất béo trung tính và cholesterol.
  • Rối loạn lipid máu thứ phát: Do các yếu tố đến từ lối sống thiếu lành mạnh, các bệnh lý đang mắc phải. Tình trạng này chiếm 30-40% tổng số trường hợp rối loạn lipid máu. (1)

2. Các triệu chứng thường gặp

Rối loạn lipid máu là một bệnh lý sinh học, xảy ra trong một thời gian dài, diễn tiến từ từ và thường khó nhận biết được. Phần lớn người bệnh chỉ phát hiện ra mình bị rối loạn lipid máu khi đi khám sức khỏe, xét nghiệm máu. Trong trường hợp bệnh chuyển sang mức độ nặng, nồng độ lipid máu tăng cao và kéo dài, gây ra các biến chứng thì các dấu hiệu mới rõ rệt như: đau tức ở ngực; thở khó khăn; tim đập nhanh; bị căng đau ở phần cổ, vai, hàm, lưng; ngất xỉu,…

Một số dấu chứng đặc hiệu ở ngoại biên của rối loạn lipid máu bao gồm: u vàng trên da vùng trên mí mắt, u vàng gân, u vàng dưới màng xương, xuất hiện ban vàng ở lòng bàn tay.

Khi gặp các triệu chứng đau ngực, khó thở, tim đập nhanh cần thăm khám, xét nghiệm kiểm tra rối loạn lipid máu
Khi gặp các triệu chứng đau ngực, khó thở, tim đập nhanh cần thăm khám, xét nghiệm kiểm tra rối loạn lipid máu

3. Nguyên nhân

Lối sống thiếu khoa học trong chế độ ăn uống, tập luyện là nguyên nhân thường gặp nhất gây rối loạn lipid máu hiện nay. Yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân cần được chú ý. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc rối loạn lipid máu gồm: bệnh nhân bị tăng huyết áp, người hút thuốc lá, mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, suy giáp, bị hội chứng buồng trứng đa nang, viêm ruột, bệnh Cushing…

Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không?

Rối loạn lipid máu là bệnh lý khá nguy hiểm. Khi lượng cholesterol LDL tăng lên quá nhiều, sẽ dần lắng đọng, bám vào thành các mạch máu, dần hình thành mảng xơ vữa động mạch, gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch.

Hầu hết các trường hợp không phát hiện bệnh sớm, khiến bệnh diễn tiến xấu trong thời gian dài, gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Xơ vữa động mạch, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận, nguy cơ đột quỵ tim cao,… (2)

Biến chứng rối loạn lipid máu thường gặp

1. Hệ tim mạch

Xơ vữa mạch máu

Xơ vữa động mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm do rối loạn lipid máu. Nồng độ cholesterol LDL trong máu cao quá mức sẽ bắt đầu lắng đọng lại trong thành mạch. Cùng với một số chất khác, nó sẽ hình thành nên các mảng xơ vữa, khiến cho thành mạch dày lên, trở nên xơ cứng, giảm lưu thông máu hoặc gây tắc nghẽn hoàn toàn trong lòng mạch. Khi bị xơ vữa động mạch, bệnh nhân có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ, tắc mạch máu chi,… (3)

Nhồi máu cơ tim

Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch do rối loạn lipid máu có nguy cơ cao dẫn đến nhồi máu cơ tim. Bởi khi động mạch tại tim bị tổn thương, mảng xơ vữa quá lớn và bị vỡ ra làm tắc nghẽn sự lưu thông máu nuôi cơ tim, hậu quả là gây chết cơ tim một cách ồ ạt cấp tính hay còn gọi là nhồi máu cơ tim. Khi đó, người bệnh thường xuất hiện một số triệu chứng như: đau thắt ngực, đánh trống ngực, khó thở, đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt, tụt hoặc tăng huyết áp, tay chân lạnh, ngất, đột tử.

Biến chứng nhồi máu cơ tim do rối loạn lipid máu gây ra
Biến chứng nhồi máu cơ tim do rối loạn lipid máu gây ra

Đột quỵ tim

Trong trường hợp rối loạn lipid máu gây hình thành các mảng xơ vữa tại động mạch tim, dẫn đến thiếu máu cục bộ, hoại tử mô cơ tim, suy tim cấp. Hậu quả là bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

2. Hệ nội tiết

Bệnh đái tháo đường

Bệnh nhân bị rối loạn lipid máu lâu ngày có thể kéo theo tình trạng rối loạn chuyển hóa glucid, gây ra bệnh đái tháo đường. Khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường loại 1 cũng sẽ bị giảm đi nếu mức cholesterol LDL tăng quá cao. Ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, thường có xu hướng tăng LDL và giảm HDL.

Viêm tụy

Triglyceride tích tụ lại quá nhiều là nguyên nhân hay gặp thứ ba dẫn đến viêm tụy. Khi nồng độ triglyceride vượt trên mức 20 mmol/lít trong huyết thanh sẽ gây viêm tụy cấp. Nếu không được xử trí kịp thời, viêm tụy cấp có thể dẫn đến suy cơ quan, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng, tử vong. Viêm tụy mạn tính có thể gây ung thư tuyến tụy, đái tháo đường, suy dinh dưỡng, suy chức năng tụy ngoại tiết.

Nồng độ hormone trong máu

Tình trạng này phổ biến hơn hết ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Khi đó, nồng độ estrogen có sự sụt giảm rõ rệt, lượng lipid trong máu không được sử dụng cũng tăng lên đáng kể. Đó là lý do tại sao phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh thường có nguy cơ cao mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch.

3. Hệ thần kinh

Nhồi máu não

Não luôn cần có đủ lượng máu giàu oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động bình thường. Nhưng ở bệnh nhân bị rối loạn lipid máu, có sự hình thành mảng xơ vữa tại động mạch não, nguy cơ rất cao dẫn đến nhồi máu não. Bởi các mảng xơ vữa này sẽ tích tụ lại ngày càng nhiều, làm giảm sự lưu thông máu đến não, hoặc bị vỡ ra gây tắc hoàn toàn. Não không nhận đủ lượng máu cần thiết kéo dài sẽ dần bị hoại tử, gây nhồi máu não.

Suy giảm trí nhớ

Biến chứng nhồi máu não do rối loạn lipid máu gây ra có ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ của người bệnh. Ngoài ra, khi nồng độ cholesterol bị rối loạn, tăng cao quá mức có thể làm đẩy nhanh quá trình hình thành các mảng beta-amyloid, gây tổn thương não ở những bệnh nhân Alzheimer.

4. Hệ tiêu hóa

Gan nhiễm mỡ

Nồng độ cholesterol trong máu cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gan nhiễm mỡ. Khi có quá nhiều chất béo trong gan, khiến gan phải hoạt động nhiều hơn nhưng vẫn không thể xử lý được hết gây tổn thương gan, các chất béo tích tụ lại quá nhiều dẫn đến gan nhiễm mỡ. Viêm gan, xơ gan, ung thư gan là những hậu quả của tình trạng gan nhiễm mỡ không được điều trị sớm.

Cholesterol tích tụ lại quá nhiều dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ
Cholesterol tích tụ lại quá nhiều dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ

Sỏi mật

Cholesterol là nguyên liệu chính để gan có thể sản xuất ra dịch mật, giúp cơ thể phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng vào máu. Tuy nhiên, tình trạng rối loạn lipid máu khiến cho mức cholesterol tăng cao quá mức trong dịch mật, lâu ngày bị dư thừa và hình thành nên sỏi mật. Bệnh nhân phải chịu đựng các cơn đau quặn, sốt cao, vàng da, thậm chí có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Rối loạn lipid máu có thể chữa khỏi không?

Việc điều trị rối loạn lipid máu cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa điều trị bằng thuốc và những thay đổi trong lối sống của người bệnh. Điều quan trọng là người bệnh cần có sự tuân thủ trong lối sống, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt. Điều trị bằng thuốc được áp dụng nếu bệnh nhân đã có sự điều chỉnh trong sinh hoạt hằng ngày sau 2-3 tháng nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Một số nhóm thuốc giúp hạ lipid máu có thể được chỉ định dùng cho bệnh nhân như: nhóm statin, nhóm fibrate, nhóm acid Nicotinic, nhóm Resin, Ezetimibe, Omega 3. (4)

Cần làm gì để hạn chế biến chứng rối loạn lipid máu?

Rối loạn lipid máu là một trong những nguy cơ dẫn đến các vấn đề về tim mạch cùng nhiều biến chứng khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể kiểm soát được lượng cholesterol xấu, từ đó hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Đây là một quá trình liên tục và kéo dài, người bệnh cần có sự kiên trì để đạt được kết quả tốt.

Các biện pháp giúp hạn chế biến chứng của rối loạn lipid máu bạn có thể thể áp dụng là:

1. Chế độ ăn cho người bị rối loạn lipid máu

Người bị rối loạn lipid máu đã được chỉ định dùng thuốc hoặc chưa cần dùng thuốc đều nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học. Bệnh nhân cần lưu ý cắt giảm bớt lượng chất béo bão hòa và tăng cường chất béo có nguồn gốc từ thực vật. Cụ thể:

  • Không nên ăn quá nhiều mỡ lợn, da gà, bơ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, vịt,…;
  • Cắt giảm bớt lượng muối khi chế biến thức ăn, nhất là đối với bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp kèm theo;
  • Kiêng đường, mứt, các loại bánh kẹo ngọt;
  • Hạn chế sử dụng những thực phẩm được chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp;
  • Tăng cường bổ sung thêm nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ, giúp đào thải cholesterol;
  • Chế độ ăn nhiều cá, ít thịt sẽ tốt hơn nếu bạn bị rối loạn lipid máu.

>> Xem thêm: Rối loạn lipid máu nên ăn gì và kiêng gì? 15 thực phẩm cần lưu ý

Bệnh nhân bị rối loạn lipid máu cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh
Bệnh nhân bị rối loạn lipid máu cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh

2. Tập luyện điều độ giúp cải thiện rối loạn lipid máu

Nên có thói quen vận động, tập luyện điều độ mỗi tuần với các bài tập phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe. Việc tập thể dục cũng hỗ trợ hiệu quả, giúp bạn giảm cân, duy trì cân nặng ở mức độ ổn định, cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu.

3. Tránh các chất kích thích

  • Lạm dụng rượu, bia sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, bạn nên hạn chế uống rượu, bia, cà phê hoặc các loại nước ngọt có ga;
  • Ngưng hút thuốc là và tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc lá.

Rối loạn lipid máu ngày càng trở nên phổ biến do lối sống, sinh hoạt thiếu khoa học của nhiều người trẻ hiện nay. Mỗi người nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, để phát hiện sớm rối loạn lipid máu và có phương pháp điều trị phù hợp. Trung tâm Tim mạch, PlinkCare được nhiều người lựa chọn thăm khám và điều trị rối loạn mỡ máu và các bệnh lý tim mạch nhờ quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Hệ thống PlinkCare, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:

Vấn đề rối loạn lipid máu có nguy hiểm không đã có lời giải đáp từ chuyên gia. Chúng ta nên chủ động điều chỉnh về lối sống để phòng ngừa và kiểm soát chỉ số mỡ máu hiệu quả. Đồng thời, bệnh nhân cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, tái khám và xét nghiệm máu định kỳ để điều chỉnh thuốc hoặc can thiệp phù hợp.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send