Image

Răng thừa là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục răng mọc dư thừa

Răng thừa là gì?

Răng thừa, cũng được biết đến với nhiều tên gọi khác như: răng dư, răng kẹ, hyperdontia, supernumerary teeth, là hiện tượng có thêm răng so với số lượng răng chuẩn của con người (20 răng sữa và 32 răng vĩnh viễn). Răng thừa xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong hàm răng.

Theo một báo cáo,  có khoảng 0,1 – 3,8% dân số trên thế giới mắc phải tình trạng răng thừa và hầu hết những trường hợp này chỉ có 1 răng thừa duy nhất. Ngoài ra, tỷ lệ giữa nam và nữ mắc bệnh này là 2:1, tức ở nam giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng thừa, bao gồm: yếu tố di truyền, hội chứng sứt môi, hội chứng Gardner, loạn phát xương đòn hoặc do sự phát triển quá mức của ngà răng. Trong một số trường hợp, răng thừa cần được nhổ bỏ, tùy thuộc vào từng tình trạng cụ thể và mức độ ảnh hưởng.

Răng thừa là gì?
Răng thừa là hiện tượng có thêm răng so với số lượng răng chuẩn của con người, xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong hàm răng.

Những trường hợp răng mọc thừa thường gặp

Răng thừa có khả năng xuất hiện ở nhiều nơi trong miệng. Thông thường, chúng thường mọc ở phía trước hàm, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện ở phía sau hàm.

1. Răng mọc thừa ở hàm trên

Tình trạng răng thừa ở hàm trên rất phổ biến. Chúng mọc nhiều vị trí khác nhau từ trên nướu cho đến ngoài hàm ếch. Tuy nhiên, lại rất ít mọc thẳng trên cung hàm.

2. Răng mọc thừa ở hàm dưới

Răng thừa cũng có khả năng phát triển ở hàm dưới, mọc lên từ nướu hoặc chui ra từ hàm ếch. Thậm chí, chúng còn xuất hiện ngay cạnh các răng vĩnh viễn. Răng mọc thừa nằm ở vị trí của răng cửa, răng hàm, hoặc các răng nhỏ phát triển thừa.

3. Răng mọc dư ở kẽ giữa

Răng thừa còn mọc ở giữa 2 răng cửa, xuất hiện ở cả hàm trên và hàm dưới. Răng này không giúp hỗ trợ ăn nhai mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt. Ngoài ra, khi nhổ bỏ răng, lại tạo ra 1 khoảng trống giữa 2 răng cửa, dẫn đến tính trạng răng thưa.

4. Răng thừa mọc ngầm

Răng thừa mọc ngầm rất khó phát hiện vì chúng mọc ẩn dưới xương hàm, bạn chỉ nhìn thấy khi chụp X-quang.

Răng thừa này tạo áp lực lên các răng xung quanh, khiến hàm răng bị lệch đi. Nếu không xử lý kịp thời, sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác như: u nang xung quanh răng hay thậm chí làm tổn thương cả hàm răng.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây răng thừa

Tới thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu nào xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra tình trạng răng mọc thừa. Tuy nhiên, qua quá trình khám và điều trị, các bác sĩ đã xác định được một số yếu tố gây ra răng thừa như sau:

1. Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân chính gây răng mọc thừa. Cụ thể, khi trẻ có người thân trong gia đình mắc phải tình trạng này sẽ có nguy cơ cao hơn so với dân số chung. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp răng thừa đều do di truyền, có nhiều yếu tố khác cũng đóng góp vào việc phát triển răng thừa. (2)

2. Sứt môi và hở hàm ếch

Sứt môi và hở hàm ếch cũng khiến răng mọc thừa. Trong quá trình hình thành hàm ếch, nếu lá răng bị phân mảnh, sẽ dẫn đến việc mọc thêm răng, kết hợp với tình trạng hở môi và hở vòm miệng. Đối với trẻ em mắc sứt môi hoặc vòm miệng, tỷ lệ răng vĩnh viễn mọc thêm ở hàm ếch là 22,2%.

3. Ngà răng phát triển mạnh mẽ hơn bình thường

Răng thừa cũng được hình thành nếu gen ngà răng hoạt động quá mức, độc lập và mạnh mẽ.

4. Một số hội chứng khác

Các tình trạng liên quan đến răng thừa bao gồm:

  • Loạn phát xương đòn: tình trạng này ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và răng. Nguy cơ phát triển răng thừa ở người mắc loạn phát xương đòn là 22% ở khu vực răng cửa hàm trên và 5% ở khu vực răng hàm.
  • Hội chứng Down: đây là rối loạn di truyền còn được biết đến với tên gọi là trisomy 21.
  • Hội chứng Ehler-Danlos: nhóm các rối loạn mô liên kết di truyền.
  • Hội chứng Gardner: hội chứng này hình thành các polyp đại trực tràng và làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Triệu chứng răng mọc dư thừa

Răng thừa có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe và chỉ được phát hiện khi thăm khám nha khoa hoặc khi chụp X-quang răng.

Trong một số trường hợp, răng thừa gây khó khăn trong việc ăn và vệ sinh răng miệng, dẫn đến sâu răng hoặc viêm lợi ở vùng kẽ răng.

Răng thừa ngầm cũng tạo ra nang răng, gây áp lực và làm tiêu chân răng lân cận, tiêu xương và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng ăn nhai.

Chẩn đoán răng thừa

1. Khám răng toàn diện

Bác sĩ hỏi về các triệu chứng, tiền sử y tế và tiến hành khám toàn diện. Điều này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng răng của bạn.

2. Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí, kích thước và hình dạng của răng thừa. Có nhiều loại phim X-quang khác nhau được sử dụng, bao gồm:

  • Phim cận chóp: chụp chi tiết từng răng và xương xung quanh
  • Phim panorama: chụp toàn bộ hàm và xương mặt.
  • Phim cephalometric: chụp toàn bộ đầu và cổ.
  • Phim CT Cone Beam – chụp X-quang 3D: giúp bác sĩ nhìn chi tiết hơn về cấu trúc xương và răng. Đặc biệt, trong trường hợp răng thừa ngầm (răng thừa không nhô ra ngoài nướu), phim CT Cone Beam rất hữu ích để xác định vị trí chính xác của răng. (3)

Sau khi thu thập đủ thông tin, bác sĩ đưa ra chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, răng thừa cần phải được nhổ bỏ để tránh các vấn đề về sức khỏe và thẩm mỹ.

Mọc răng thừa có nguy hiểm không?

Răng thừa không được điều trị, sẽ gây ra nhiều vấn đề như:

1. Răng mọc lệch và chen chúc

Nếu răng thừa xuất hiện ở hàm dưới, có thể khiến 1 hoặc 2 chiếc răng ở phía trước không có chỗ để mọc khiến răng mọc lệch và chen chúc.

2. Sai khớp cắn

Răng thừa cũng khiến các răng khác mọc lệch, không đúng vị trí trên cung hàm, dẫn đến tình trạng sai khớp cắn. (4)

3. Tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng

Răng thừa cũng khiến việc vệ sinh răng miệng không được đảm bảo. Từ đó, vi khuẩn sinh sôi và tấn công răng, gây ra nhiều bệnh răng miệng như: sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi,… Trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến mất răng vĩnh viễn.

4. U răng

Hiện tượng u nang chân răng chỉ xuất hiện khoảng 5% – 10%. Răng thừa gây ra u nang chân răng và làm chân răng của các răng xung quanh tiêu biến.

5. Làm giảm tính thẩm mỹ

Răng thừa dễ nhận biết, đặc biệt khi xuất hiện ở hai răng cửa, làm giảm tính thẩm mỹ của răng khi giao tiếp hoặc cười.

Phương pháp điều trị răng thừa

1. Nhổ răng thừa

Chỉ định nhổ bỏ răng trong các trường hợp sau:

  • Răng thừa, nếu mọc lệch quá xa ra khỏi cung hàm, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của khuôn răng và ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai.
  • Răng thừa mọc lệch làm cho thức ăn nhồi nhét vào kẽ răng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh răng miệng nguy hiểm.
  • Răng thừa chèn lên răng chính trên cung hàm. Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng lệch khớp cắn và thay đổi cấu trúc hàm răng.
  • Nhổ răng thừa để hỗ trợ trong quá trình niềng răng, tạo ra không gian để các răng khác di chuyển, sắp xếp đúng vị trí và trở nên đều hơn.
Phương pháp điều trị răng thừa
BS.CKI Nguyễn Thị Châu Bản, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, PlinkCare TP.HCM đang nhổ răng thừa cho khách hàng

2. Theo dõi răng thừa không có triệu chứng

  • Nếu răng thừa không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ, bạn nên theo dõi thay vì nhổ răng ngay lập tức.
  • Ngoài ra, cần giữ vệ sinh răng miệng tốt. Đảm bảo chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám , thức ăn còn lại giữa các răng.
  • Hãy thăm nha sĩ của bạn ít nhất 2 lần mỗi năm để kiểm tra sức khỏe răng miệng và theo dõi sự phát triển của răng thừa.
  • Khi răng thừa mọc chen chúc hoặc bạn muốn cải thiện thẩm mỹ của hàm, bạn nên điều trị chỉnh nha.

Cách phòng ngừa tật răng thừa

Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng răng mọc thừa. Tuy nhiên, có một số thói quen tốt giúp giảm thiểu các biến chứng liên quan đến răng mọc thừa:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân đối để phát triển toàn diện về thể chất, đặc biệt ở trẻ em.
  • Súc miệng hàng ngày bằng dung dịch muối sinh lý.
  • Hạn chế ăn đồ ngọt, đặc biệt vào buổi tối.
  • Tránh uống rượu, bia và hút thuốc.
  • Vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Tránh dùng tăm để xỉa răng, nên dùng chỉ nha khoa để không gây tổn thương cho chân răng và nướu răng.
  • Thăm khám định kỳ và lấy cao răng mỗi 6 tháng/lần.
  • Nếu răng thừa cần phải nhổ, nên nhổ sớm để tránh ảnh hưởng đến xương hàm và các răng khác.
Cách phòng ngừa tật răng thừa
Vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ để giúp răng luôn chắc khỏe

Bài viết này đã giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về răng thừa, nguyên nhân và cách khắc phục. Mặc dù hiện tại không có cách để ngăn tình trạng mọc răng thừa. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện các thói quen như: vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày, thăm khám nha khoa định kỳ để giảm thiếu các biến chứng do răng thừa gây ra.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send