Image

Protein niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

Protein niệu là gì?

Protein niệu là thuật ngữ dùng để mô tả hàm lượng protein cao trong nước tiểu. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng tổn thương thận. Theo đó, protein là thành phần cấu trúc đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Một số chức năng điển hình phải kể đến gồm:

  • Hỗ trợ phát triển cơ và xương.
  • Điều chỉnh lượng huyết tương trong máu.
  • Chống nhiễm trùng.
  • Tham gia sửa chữa các mô bị hư hỏng.

Protein cần được giữ lại trong máu, nếu rò rỉ vào nước tiểu sẽ gây hại cho sức khỏe tổng thể. Tình trạng này được gọi là protein niệu, một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn.

protein niệu là gì

Nguyên nhân gây protein niệu

Với các trường hợp mắc protein niệu, bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng biểu hiện để xác định nguyên nhân cơ bản: (1)

1. Mất nước

Đây là một nguyên nhân phổ biến và tạm thời của protein niệu. Khi cơ thể bị thiếu nước và lượng nước không được bù đủ, lượng dinh dưỡng đưa tới thận sẽ bị thiếu, điều này gây rối loạn tái hấp thu protein của thận, dẫn tới protein bị bài tiết qua nước tiểu, gây tình trạng protein niệu tạm thời.

Triệu chứng biểu hiện sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hiện tưởng mất nước, chẳng hạn như

  • Mệt mỏi.
  • Nhức đầu.
  • Chóng mặt.
  • Liên tục khát nước.
  • Nước tiểu giảm
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Khô miệng, khô da.

Nguyên nhân dẫn đến mất nước thường do:

  • Bệnh tiêu chảy.
  • Nôn mửa.
  • Đổ quá nhiều mồ hôi.
  • Sốt.
  • Không uống đủ nước.

2. Huyết áp cao

Huyết áp cao gây tăng áp lực lọc trong cầu thận, lâu dài có thể làm tổn thương các mạch máu trong cầu thận. Điều này làm giảm khả năng tái hấp thu protein, dẫn đến hiện tượng protein chảy vào nước tiểu.

Tình trạng tăng huyết áp thường phát triển chậm nên người bệnh thậm chí không cảm nhận được triệu chứng trong nhiều năm. Khi bệnh tình tiến triển nghiêm trọng, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất thường là đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam.

Hầu hết các trường hợp huyết áp cao không có nguyên nhân cơ bản. Ở một số người bệnh, tình trạng này có thể do:

  • Bệnh thận.
  • Rối loạn tuyến giáp.
  • Khó thở khi ngủ.
  • Khối u tuyến thượng thận.
  • Tác dụng phụ từ một số loại thuốc, chẳng hạn như ngừa thai hoặc thuốc thông mũi.

3. Tiểu đường

Tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa làm cho lượng đường trong máu tăng cao. Điều này buộc thận phải lọc máu nhiều hơn bình thường, cùng với việc kiểm soát không tốt đường huyết dẫn đến tổn thương các mạch máu trong thận và rò rỉ protein vào nước tiểu. Triệu chứng gặp phải phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại tiểu đường (loại 1, loại 2), điển hình như:

  • Tăng cảm giác khát và đói.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Mệt mỏi.
  • Mờ mắt.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

4. Viêm cầu thận

Thông thường, khi cầu thận lọc máu thì sẽ lọc nước thừa và các chất thải ra khỏi cơ thể và protein không bị lọc qua màng lọc của cầu thận. Tuy nhiên, nếu thận bị tổn thương, protein có thể bị rò rỉ vào nước tiểu. Viêm cầu thận có thể gây ra hội chứng thận hư thể hiện ở một số dấu hiệu bất thường bao gồm:

  • Sưng phù bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân.
  • Tăng lipid máu, nồng độ chất béo và cholesterol trong máu cao.
  • Protein nước tiểu cao > 3,5g/24h
  • Nồng độ protein trong máu thấp, albumin máu thấp.

Viêm cầu thận cũng đồng thời có thể gây ra tiểu máu (các tế bào hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu). Tình trạng này thường xảy ra do các hệ thống miễn dịch tấn công thận.

5. Viêm cầu thận do nhiễm vi khuẩn, virus

Một số tình trạng viêm nhiễm có thể gây ra protein niệu bao gồm:

  • Viêm nội tâm mạc
  • HIV.
  • Viêm gan B.
  • Viêm gan C.

6. Bệnh thận mãn tính (CKD)

Bệnh thận mãn tính (CKD) là tình trạng mất dần chức năng thận, có thể có protein niệu trong giai đoạn đầu, nhưng không biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt. Khi bệnh tiến triển, một số dấu hiệu thường gặp gồm:

  • Hụt hơi.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Nấc cụt.
  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Khó ngủ.
  • Da ngứa, khô.
  • Sưng bàn tay và bàn chân.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh thận mãn tính bao gồm:

  • Viêm cầu thận.
  • Viêm thận kẽ.
  • Bệnh thận đa nang.
  • Nhiễm trùng thận tái phát.
  • Sỏi thận
  • Bệnh tim.
  • Huyết áp cao.
  • Bệnh tiểu đường.

7. Bệnh tự miễn 

Hệ thống miễn dịch thực hiện chức năng tạo ra các kháng thể (globulin miễn dịch) để chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật lạ. Tuy nhiên khi có bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại chính các mô của cơ thể. Điều này có khả năng làm tổn thương viêm cầu thận dẫn đến protein niệu, nếu không điều trị có thể gây suy thận. Một số bệnh tự miễn điển hình phải kể đến gồm:

  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE): có thể gây tổn thương da, khớp, thần kinh, nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng đến thận.
  • Hội chứng Goodpasture: Các kháng thể tấn công thận và phổi.
  • Xơ cứng bì: là bệnh tự miễn gây tổn thương da, khớp, tim, thận, phổi, ruột.

bệnh tự miễn

Triệu chứng có protein trong nước tiểu

Trong giai đoạn đầu, protein niệu không có triệu chứng rõ ràng. Khi tiến triển nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ nhận thấy một số dấu hiệu điển hình sau: (2)

  • Sưng (phù nề) ở mặt, bụng, bàn chân hoặc mắt cá chân.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Hụt hơi.
  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn và nôn .
  • Chán ăn.
  • Chuột rút cơ bắp vào ban đêm.
  • Xuất hiện bọng quanh mắt, đặc biệt là vào buổi sáng.
  • Nước tiểu sủi bọt.

Đây đồng thời cũng là những triệu chứng điển hình của bệnh thận mãn tính. Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

triệu chứng có protein trong nước tiểu

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ có protein trong nước tiểu?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc protein niệu nhưng những nhóm đối tượng thuộc nguy cơ sau đây thường có tỷ lệ cao hơn: (3)

  • Người lớn tuổi (nhóm đối tượng này thường xuyên bị mất nước và mắc các vấn đề về thận).
  • Những người mang thai sau 40 tuổi.
  • Người bị huyết áp cao
  • Người mắc bệnh tiểu đường.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, tiền sản giật.
  • Người bị thừa cân, béo phì.

Protein niệu có nguy hiểm không?

Protein niệu là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh thận mãn tính (tình trạng mất dần chức năng thận, phải can thiệp thay thế thận, ghép thận hoặc lọc máu). Protein niệu còn làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. (4)

Protein niệu bình thường là bao nhiêu? Mức độ nào đáng lo ngại?

Lượng protein bình thường trong nước tiểu là thấp hơn 150 miligam mỗi ngày. Nếu con số này lớn hơn, chứng tỏ cơ thể đang bị protein niệu. Tuy nhiên, giới hạn của mức bình thường vẫn có thể chênh lệch nhỏ giữa các phòng thí nghiệm. (5)

Nếu nước tiểu chứa từ 3 – 3.5 gram protein mỗi ngày, bệnh đang ở mức độ thận hư. Hội chứng này là do thận bị rò rỉ ra quá nhiều protein trong nước tiểu, dẫn tới giảm protein và albumin trong máu.

Protein có trong nước tiểu cảnh báo bệnh gì?

Protein xuất hiện trong nước tiểu là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh thận. Cơ quan khi ở trạng thái khỏe mạnh sẽ lọc bỏ mọi chất lỏng dư thừa và chất thải trong máu, nhưng không làm rò rỉ protein hay các chất dinh dưỡng cần thiết ra ngoài. Trong trường hợp ngược lại, tình trạng protein niệu sẽ xảy ra. Tùy theo từng vấn đề sức khỏe, protein có thể tồn tại lâu trong nước tiểu hoặc chỉ xuất hiện một thời gian ngắn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dưới đây là một số triệu chứng nghiêm trọng, nếu nhận thấy, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn.
  • Cảm thấy đau khi đi tiểu.
  • Sủi bọt trong nước tiểu.
  • Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.
  • Bạn cảm thấy chóng mặt.
  • Sưng bụng hoặc phần dưới cơ thể.
  • Các triệu chứng không cải thiện sau điều trị.

khi nào cần gặp bác sĩ

Chẩn đoán protein niệu như thế nào?

Đối với tình trạng protein niệu, phương pháp chẩn đoán luôn được ưu tiên là xét nghiệm nước tiểu. Bác sĩ sẽ dùng một que có chứa hóa chất để nhúng vào bên trong mẫu nước tiểu. Nếu que đổi màu, điều này cho thấy chất thải tồn tại quá nhiều protein. Người bệnh đôi khi cần thực hiện xét nghiệm này nhiều lần để chẩn đoán thời gian tồn tại của protein.

Ngoài ra, nước tiểu cũng có thể được mang đi soi dưới kính hiển vi nhằm giúp phát hiện các vấn đề bất thường về thận, bao gồm: hồng cầu, bạch cầu, tinh thể, vi khuẩn… Một số xét nghiệm khác đối khi cũng được chỉ định, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm giúp kiểm tra chức năng thận.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp CT và siêu âm có thể giúp phát hiện sỏi thận, khối u hoặc một số vấn đề tắc nghẽn khác.
  • Sinh thiết thận: Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô thận nhỏ và mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi, nhằm phát hiện các vấn đề bất thường.

>> Bài viết liên quan: Xét nghiệm định lượng protein niệu là gì? Khi nào cần thực hiện?

chẩn đoán protein niệu

Phương pháp điều trị protein niệu

Phương pháp điều trị protein niệu sẽ được dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

1. Đối với nguyên nhân do tiểu đường

Bác sĩ sẽ đề ra một kế hoạch điều trị giúp kiểm soát bệnh và làm chậm quá trình tổn thương thận. Các giải pháp hữu ích bao gồm:

  • Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên.
  • Điều trị bằng thuốc kiểm soát đường huyết và huyết áp.
  • Thực hiện kế hoạch ăn uống khắt khe dành cho người bệnh tiểu đường.

2. Đối với nguyên nhân do huyết áp cao

Đối với người bị huyết áp cao, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát chỉ số và làm chậm quá trình tổn thương thận, bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Đây là nhóm thuốc làm giảm huyết áp, giảm áp lực lọc trong cầu thận do làm giãn tiểu động mạch đi, từ đó có tác dụng giảm protein niệu và bảo vệ thận.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB): Nhóm thuốc này cũng có tác dụng như ACE. Ngay cả khi người bệnh không bị tiểu đường hoặc huyết áp cao, bác sĩ cũng có thể kê ARB để làm chậm quá trình tổn thương thận.

Uống nước sẽ không điều trị được nguyên nhân gây ra protein trong nước tiểu trừ khi cơ thể bị mất nước. Nói cách khác, điều này chỉ có tác dụng làm loãng nước tiểu, không ngăn được nguyên nhân khiến thận rò rỉ protein. Do vậy, trong mọi trường hợp, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất.

điều trị protein niêuj

3. Đối với nguyên nhân protein niệu do viêm cầu thận nguyên phát:

Việc điều trị sẽ tùy từng loại viêm cầu thận (xác định qua sinh thiết thận). Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid, thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển/ức chế thụ thể.

4. Đối với nguyên nhân protein niệu do bệnh tự miễn

Người bệnh được điều trị theo phác đồ của bệnh tự miễn như phác đồ điều trị bệnh lupus ban đỏ, bệnh xơ cứng bì, hội chứng Goodspasture.

Cách làm giảm protein trong nước tiểu?

Cách tốt nhất để làm giảm protein trong nước tiểu là theo đúng liệu trình của bác sĩ trong việc uống thuốc và chăm sóc cơ thể. Một số giải pháp đi kèm bao gồm:

  • Xây dựng chế độ ăn ít chất đạm.
  • Hạn chế lượng muối trong thực đơn hàng ngày để kiểm soát huyết áp ở mức hợp lý.
  • Ăn nhiều chất xơ để làm giảm cholesterol và điều chỉnh lượng đường trong máu.
  • Tập thể dục và vận động đều đặn, ít nhất hai giờ mỗi tuần.
  • Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Tránh tự ý dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trừ khi được bác sĩ khuyến nghị.

Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học – Tiết niệu của Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, giỏi chuyên môn, tận tâm.

Nhà giáo nhân dân GS.TS.BS Trần Quán Anh, Thầy thuốc ưu tú PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên là những cây đại thụ trong ngành Tiết niệu Thận học Việt Nam. Cùng với các tên tuổi Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Thế Trường, Thầy thuốc ưu tú BS.CKII Tạ Phương Dung, TS.BSCC Mai Thị Hiền, TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, TS.BS Từ Thành Trí Dũng, ThS.BS.CKI Nguyễn Đức Nhuận, BS.CKII Nguyễn Lê Tuyên, ThS.BS Nguyễn Tân Cương, BS.CKII Đinh Cẩm Tú, BS.CKII Ngô Đồng Dũng, BS.CKII Võ Thị Kim Thanh ThS.BS Tạ Ngọc Thạch, BS.CKI Phan Trường Nam…

Các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm luôn tự tin làm chủ những kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận, đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực; Phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế; Cùng với khu nội trú và dịch vụ cao cấp 5 sao… Trung tâm Tiết niệu Thận học nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị tất cả các bệnh lý đường tiết niệu. Từ các thường gặp cho đến các cuộc đại phẫu thuật kỹ thuật cao.

Có thể kể đến phẫu thuật nội soi sỏi thận, ghép thận, cắt bướu bảo tồn nhu mô thận; cắt thận tận gốc; cắt tuyến tiền liệt tận gốc; cắt toàn bộ bàng quang tạo hình bàng quang bằng ruột non; cắt tuyến thượng thận; tạo hình các dị tật đường tiết niệu… Chẩn đoán – điều trị nội khoa và ngoại khoa tất cả các bệnh lý.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học – Tiết niệu Hệ thống PlinkCare, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích về protetin niệu. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, mỗi người sẽ chủ động theo dõi, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nghiêm trọng.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send