
Phương pháp điều trị hẹp van 2 lá đang được áp dụng hiện nay
Các biến chứng hẹp van 2 lá có thể gặp phải
Khi máu đổ từ buồng tim phía trên bên trái (tâm nhĩ trái) xuống buồng phía dưới bên trái (tâm thất trái), van tim 2 lá không thể mở ra hoàn toàn được khiến máu bị ứ lại và gây tăng áp lực lên tâm nhĩ trái gọi là hẹp van 2 lá. Tình trạng này khiến cho máu bị ứ ở phổi khiến bệnh nhân mệt và khó thở. Người bệnh cũng có thể bị tím môi hoặc gò má nhẹ trong trường hợp cung lượng tim thấp, tăng áp phổi ở mức độ nặng. (1)
Hẹp van hai lá có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Các đối tượng dễ mắc bệnh hơn hết là: Người từng bị chứng sốt thấp khớp, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… Ngoài ra, người thường xuyên hút thuốc lá, người cao tuổi mắc các bệnh nền cũng có nguy cơ bị hẹp van hai lá.

Các biến chứng của hẹp van 2 lá có thể gặp phải là:
- Tăng áp lực động mạch phổi: Khi bị hẹp van 2 lá, áp lực máu trong động mạch phổi tăng lên do tình trạng ứ máu trong phổi. Tình trạng này gọi là sung huyết phổi. Người bệnh có thể có triệu chứng mệt, khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm đầu thấp, ho khi nằm, ho khạc ra đờm có máu hoặc bọt hồng (phù phổi cấp).
- Rung nhĩ: Nhịp tim đập không đều hoặc tăng lên một cách bất thường do tâm nhĩ co bóp nhanh và hỗn độn. Các cơ tim không co lại như bình thường mà giống như đang rung. Rung nhĩ khiến người bệnh khó thở, hồi hộp, làm tăng nguy cơ đột quỵ do cục máu đông được hình thành từ tim theo dòng máu lên não gây tắc mạch não hoặc/và suy tim,…
- Huyết khối: Khi bị hẹp van 2 lá, máu sẽ bị ứ đọng lại ở tâm nhĩ trái. Thời gian máu ứ đọng càng lâu thì cục máu đông càng lớn và có nguy cơ bị vỡ ra, theo dòng máu đi đến khắp nơi trong cơ thể. Nguy hiểm hơn là nó có thể gây tắc nghẽn mạch máu trong não, gây nhồi máu não hay đột quỵ.
- Suy tim: Tình trạng hẹp van 2 lá làm gia tăng áp lực mạch máu trong phổi, gây sung huyết phổi, làm tăng áp lực động mạch phổi, lâu ngày làm căng tim phải, dần dần dẫn đến suy tim phải.
- Tim to: Tình trạng hẹp van 2 lá làm tăng áp lực trong nhĩ trái, làm giãn lớn nhĩ trái.

Hẹp van 2 lá có chữa được không?
Hẹp van tim 2 lá có thể được điều trị bằng các phương pháp như: dùng thuốc, nong van bằng bóng qua da và phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá. Nếu van bị hẹp nặng cần phải phẫu thuật sửa van hoặc thay van nhân tạo. Với van nhân tạo người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định để duy trì hoạt động bình thường của van. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần có sự kết hợp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh.
Cách điều trị hẹp van 2 lá hiệu quả và phổ biến
Dựa vào nguyên nhân và mức độ hẹp van tim 2 lá, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân. Những cách điều trị hẹp van 2 lá phổ biến hiện nay là:
1. Dùng thuốc
Đối với tình trạng van tim gặp vấn đề, việc sử dụng thuốc không thể khắc phục hoàn toàn những trục trặc về cấu trúc. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng như:
- Thuốc lợi tiểu: Giúp giảm triệu chứng ứ máu trong phổi hoặc ở các khu vực khác trong cơ thể.
- Thuốc chống đông máu: Được chỉ định trong trường hợp người bệnh bị rung nhĩ, thuyên tắc hoặc cục máu đông nhĩ trái. Sử dụng thuốc giúp ngăn ngừa tình trạng thuyên tắc huyết khối và giảm nguy cơ đột quỵ.
- Thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi: Có tác dụng làm chậm nhịp tim, hỗ trợ tim bơm máu hiệu quả hơn.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Giúp điều trị rung nhĩ, rối loạn nhịp tim do hẹp van tim.
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp hẹp van 2 lá là do sốt thấp khớp, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa sốt thấp khớp tái phát.
2. Can thiệp nong van hai lá bằng bóng qua da
Can thiệp bằng cách nong hẹp van 2 lá bằng bóng qua da. Đây là phương pháp điều trị hẹp van 2 lá thường được áp dụng cho bệnh nhân trẻ, có van hai lá hẹp trung bình đến nặng, có hình thái van phù hợp, không có huyết khối trong nhĩ trái, không có hở van 2 lá nặng kèm theo.
Bác sĩ sẽ sử dụng ống thông luồn qua tĩnh mạch người bệnh đến tim. Khi đầu ống thông đến van tim sẽ được bơm căng phồng theo cỡ tăng dần để tách các mép van bị hẹp ra. Nhờ đó, giúp cải thiện lưu lượng máu qua van. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao, ít gây ra biến chứng, thời gian nằm viện ngắn.
3. Phẫu thuật
Đối với trường hợp bệnh nhân bị hẹp van 2 lá ở mức độ nặng, bị co rút, vôi hóa van hoặc có huyết khối ở nhĩ trái sẽ được tiến hành phẫu thuật sửa hoặc thay van. (2)
Phẫu thuật sửa van hai lá bị hẹp với mục đích là tách các cánh van bị hẹp, dính với nhau ra. Theo thời gian, van có thể dần dần bị hẹp trở lại. Vì vậy, cần có sự theo dõi thường xuyên để kiểm tra và kịp thời có biện pháp để khắc phục.
Những bệnh nhân có hình thái van tim bị hư hại nghiêm trọng, không thể nong van hoặc sửa van sẽ được chỉ định thay van. Van tim nhân tạo được sử dụng để thay thế có thể được sử dụng bằng van cơ học hoặc van sinh học.
Cả hai loại van tim này đều có thể hình thành nên cục máu đông. Tuy nhiên, nếu sử dụng van sinh học thì nguy cơ xuất hiện máu đông thường ít hơn, thường chỉ uống thuốc kháng đông 3 tháng sau mổ. Nếu bệnh nhân được thay van cơ học thì phải dùng thuốc chống đông loại kháng vitamin K suốt đời.

4. Thay đổi lối sống hỗ trợ kết hợp quá trình điều trị
Để việc điều trị hẹp van hai lá có kết quả tốt hơn, cần có sự kết hợp giữa can thiệp y tế với thay đổi lối sống khoa học. Bệnh nhân nên điều chỉnh lối sống lành mạnh cho tim bằng các cách như sau:
- Chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng cường bổ sung thêm rau xanh và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tốt nhất là không béo.
- Hạn chế dùng những thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Giảm lượng muối và đường tinh luyện trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Vận động nhẹ nhàng, tập luyện thể dục đều đặn khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày. Nên chú ý cường độ tập luyện vừa phải, tránh các môn thể thao cần dùng sức nhiều.
- Tránh xa rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày, tập thói quen ngủ trước 23h.
- Duy trì cân nặng ở mức độ ổn định.
- Tránh hoạt động gắng sức.
- Tránh căng thẳng, áp lực quá mức.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để bác sĩ có thể theo dõi, nắm rõ tình trạng bệnh, kịp thời có phương án xử lý nếu gặp vấn đề. (3)
Xem thêm: Người bệnh hẹp van tim nên ăn gì và không nên ăn gì để cải thiện tình trạng bệnh? Vì dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị, giúp nhanh phục hồi cũng như tránh được các nguy cơ biến chứng hẹp van 2 lá có thể xảy ra.
Những lưu ý giúp hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị
Trước khi tiến hành điều trị hẹp van hai lá, bác sĩ sẽ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp:
- Siêu âm tim: giúp chẩn đoán xác định nguyên nhân và mức độ hẹp van 2 lá.
- Siêu âm tim qua thực quản: thường thực hiện cho trường hợp hẹp van có chỉ định nong van.
- Điện tâm đồ: phát hiện tình trạng lớn nhĩ trái, rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ)
- Chụp X-quang tim phổi: chẩn đoán bóng tim to, sung huyết phổi.
- Thông tim: Thủ thuật này thường không được sử dụng để chẩn đoán hẹp van hai lá, nhưng nó có thể được thực hiện nếu các phương pháp khác không thể chẩn đoán tình trạng hoặc xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Trước khi quyết định điều trị, bệnh nhân cần hiểu rõ được tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh của bản thân. Đồng thời, trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc đang sử dụng, vấn đề dị ứng với thuốc.
Trong suốt thời gian được điều trị bằng can thiệp y tế, bệnh nhân cũng cần kết hợp điều chỉnh lối sống khoa học, giữ tinh thần thoải mái. Khi có bất kỳ triệu chứng nào khác, bệnh nhân cần thăm khám ngay với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp.
Nếu bạn muốn được tư vấn khám và điều trị với các chuyên gia Trung tâm Tim mạch, PlinkCare, có thể liên hệ theo thông tin:
Hẹp van hai lá nếu không được can thiệp sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Các phương pháp điều trị hẹp van 2 lá tiên tiến hiện nay đem lại hiệu quả tốt cho những trường hợp được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.