Image

Phình động mạch chủ ngực: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Phình động mạch chủ ngực là gì?

Mạch máu lớn nhất trong cơ thể là động mạch chủ, xuất phát từ tim và mang máu giàu oxy đến các cơ quan khác như ngực, bụng, tứ chi…

Phình động mạch chủ ngực là tình trạng một đoạn của động mạch chủ chạy qua ngực bị tổn thương, dần suy yếu và phình to ra. Tỷ lệ mắc bệnh lý này là 5,3/100.000 người. Khoảng 1/4 các ca phình động mạch chủ xảy ra ở ngực, số còn lại hình thành ở bụng (phình động mạch chủ bụng).

Phình động mạch chủ ngực được chẩn đoán khi đường kính động mạch chủ tăng hơn 50% so với kích thước thông thường. Nếu không được điều trị, khối phình mạch có thể bị vỡ, gây ra các biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong. (1)

Triệu chứng phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực hiếm khi gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu cảnh báo (nếu có) thường là:

  • Đau ở hàm, cổ, ngực hoặc lưng trên;
  • Khó nuốt hoặc đau khi nuốt (nếu khối phình mạch đè lên thực quản);
  • Khàn giọng (nếu khối phình mạch đè lên dây thần kinh ảnh hưởng đến thanh quản);
  • Ho hoặc khó thở (nếu khối phình mạch đè lên khí quản).

Khi bệnh tiến triển nặng gây biến chứng vỡ khối phình hoặc bóc tách động mạch chủ, người bệnh sẽ có biểu hiện:

  • Đau đột ngột, dữ dội ở ngực hoặc lưng;
  • Chóng mặt hoặc lâng lâng;
  • Hụt hơi;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Đổ mồ hôi nhiều;
  • Lú lẫn;
  • Khó nói;
  • Mất thị lực;
  • Yếu/liệt một bên cơ thể. (2)
Khi bị đau đột ngột, dữ dội ở ngực cần thăm khám ngay để loại trừ triệu chứng phình động mạch chủ ngực
Khi bị đau đột ngột, dữ dội ở ngực cần thăm khám ngay để loại trừ triệu chứng phình động mạch chủ ngực

Nếu khối phình mạch chủ bị vỡ, cơ hội sống sót của bệnh nhân sẽ giảm đi sau mỗi giờ (thậm chí là mỗi phút) trôi qua. Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng nghi vỡ khối phình, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện khẩn cấp để được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân phình động mạch chủ ngực

Chứng phình động mạch có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong động mạch chủ ngực, bao gồm cả gần tim, trong cung động mạch chủ và phần dưới động mạch chủ ngực.

Nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này là:

  • Xơ vữa động mạch: Mạch máu bị lấp đầy bởi mảng xơ vữa sẽ trở nên kém linh hoạt. Khi đó, dòng máu lưu thông qua đây sẽ tạo thêm áp lực cho động mạch, khiến thành mạch yếu đi và phình to, gây ra chứng phình động mạch chủ ngực.
  • Di truyền: Phình động mạch chủ xảy ra ở người trẻ tuổi thường có nguyên nhân di truyền. Hội chứng Marfan cũng như các hội chứng di truyền khác như hội chứng Ehlers-Danlos, Loeys-Dietz và Turner ảnh hưởng đến mô liên kết trong cơ thể, có thể gây suy yếu thành động mạch chủ.
  • Viêm mạch máu: Các bệnh lý viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm động mạch Takayasu… gây viêm mạch máu, có liên quan đến chứng phình động mạch chủ ngực.
  • Bất thường van động mạch chủ: Van động mạch chủ nối buồng tim trái và động mạch chủ. Những người sinh ra với van động mạch chủ chỉ có 2 lá van thay vì 3 lá van có nguy cơ mắc chứng phình động mạch chủ ngực cao hơn.
  • Nhiễm trùng không được điều trị: Nếu bạn bị một bệnh lý nhiễm trùng như giang mai hoặc salmonella mà không chữa trị dứt điểm, chứng phình động mạch chủ ngực sẽ có cơ hội hình thành.
  • Chấn thương: Một số người bị thương vùng ngực do tai nạn xe cộ, tai nạn lao động… dễ phát triển chứng phình động mạch chủ ngực.

Các yếu tố nguy cơ của phình động mạch chủ ngực

Yếu tố làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ ngực là:

  • Tuổi tác: Phình động mạch chủ ngực thường gặp nhất ở những người trên 65 tuổi.
  • Hút thuốc lá: Khói thuốc lá là tác nhân gây suy yếu thành mạch, khiến mạch máu phình to theo thời gian.
  • Tăng huyết áp: Huyết áp tăng làm tổn thương các mạch máu trong cơ thể, trong đó có động mạch chủ ngực.
  • Xơ vữa động mạch: Sự tích tụ chất béo và các chất khác trong máu sẽ làm hỏng niêm mạc mạch máu, tăng nguy cơ phình động mạch chủ.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị phình động mạch chủ, bạn có thể phát triển chứng này.
  • Di truyền: Nếu mắc một trong các hội chứng: Marfan, Loeys-Dietz, Turner và Ehlers-Danlos mạch máu, bạn có khả năng mắc chứng phình động mạch chủ ngực cao hơn. Nguy cơ cũng tăng lên đối với các trường hợp bóc tách động mạch chủ, vỡ động mạch chủ hoặc mạch máu ở vị trí khác.
  • Dị tật van động mạch chủ hai mảnh bẩm sinh.
Người bị tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt bệnh sẽ có nguy cơ phát triển chứng phình động mạch chủ ngực
Người bị tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt bệnh sẽ có nguy cơ phát triển chứng phình động mạch chủ ngực

Phương pháp chẩn đoán phình động mạch chủ ngực

Ở giai đoạn đầu, phình động mạch chủ ngực thường được phát hiện một cách tình cờ qua việc thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc chụp X-quang ngực do nghi ngờ một bệnh lý khác. Nếu hình ảnh X-quang cho thấy trung thất (phần giữa của ngực) rộng hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu của chứng phình động mạch chủ ngực. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm các cận lâm sàng khác nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác, bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT);
  • Siêu âm tim (echo);
  • Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA);
  • Siêu âm bụng (để phát hiện hoặc loại trừ chứng phình động mạch chủ bụng). (3)

Biến chứng nguy hiểm của phình động mạch chủ ngực

Bóc tách động mạch chủ và vỡ khối phình mạch là những biến chứng nguy hiểm nhất của chứng phình động mạch chủ ngực. Một số khối phình động mạch nhỏ và phát triển chậm nên không bao giờ vỡ. Nguy cơ vỡ tỷ lệ thuận với kích thước khối phình.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phình động mạch chủ ngực còn có thể gặp phải các biến chứng sau:

  • Chảy máu: Khi xảy ra biến chứng này, người bệnh cần được phẫu thuật khẩn cấp để giữ tính mạng.
  • Cục máu đông: Khu vực phình động mạch chủ là môi trường thuận lợi để huyết khối hình thành. Nếu cục máu đông vỡ ra từ thành trong của chứng phình động mạch, nó có khả năng làm tắc nghẽn mạch máu ở những nơi khác trong cơ thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch chi dưới…

Phương pháp điều trị phình động mạch chủ ngực

Nếu khối phình mạch nhỏ và không biểu hiện triệu chứng, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh thăm khám định kỳ 6-12 tháng/lần và chưa cần phẫu thuật. Việc làm này giúp theo dõi sự phát triển của khối phình để sớm có biện pháp can thiệp nếu phát hiện bất thường. Song song đó, bác sĩ cũng kê đơn thuốc giúp giảm huyết áp cũng như kiểm soát các yếu tố rủi ro gây suy yếu thành động mạch, chẳng hạn như xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá…

Trường hợp khối phình động mạch chủ ngực > 5.5cm hoặc gây ra các triệu chứng, bệnh nhân cần phẫu thuật ngay để ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra, nếu bạn bị rối loạn mô liên kết, van động mạch chủ hai mảnh, có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ vỡ hoặc bóc tách động mạch chủ ngực, bác sĩ sẽ đề nghị can thiệp ngoại khoa dù kích thước khối phình < 5.5cm. Các phương pháp can thiệp bao gồm:

  • Phẫu thuật mở truyền thống: Bác sĩ rạch đường mổ giữa ngực, sau đó loại bỏ khối phình động mạch chủ và thay bằng ống ghép mạch máu nhân tạo. Phương pháp này cũng được áp dụng để điều trị chứng phình động mạch chủ bụng cũng như phình động mạch phức tạp ở ngực – bụng.
  • Phẫu thuật nội soi đặt stent graft: Đây là biện pháp xâm lấn tối thiểu, thường được chỉ định cho các trường hợp có nguy cơ cao trong phẫu thuật mở, chẳng hạn như bệnh nhân béo phì, mỡ máu, người cao tuổi, suy giảm chức năng các cơ quan… Bác sĩ đưa dụng cụ từ động mạch đùi hai bên đi lên động mạch chậu và đến động mạch chủ. Sau khi xác định chính xác vị trí khối phình, các bác sĩ tiến hành bung stent graft ngay tại đó. Nhờ vậy, khối phình không còn chịu áp lực của động mạch chủ cũng như áp lực của dòng máu, ngăn ngừa nguy cơ vỡ khối phình. (4)
Bác sĩ tiến hành đặt stent graft động mạch chủ để phòng tránh nguy cơ vỡ khối phình cho bệnh nhân
Bác sĩ tiến hành đặt stent graft động mạch chủ để phòng tránh nguy cơ vỡ khối phình cho bệnh nhân

Phòng ngừa và kiểm soát chứng phình động mạch chủ ngực

Không có biện pháp giúp phòng tránh tuyệt đối chứng phình động mạch chủ ngực. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh để giảm xơ vữa động mạch – nguyên nhân hàng đầu gây phình động mạch chủ. Cụ thể, bạn nên:

  • Duy trì chỉ số huyết áp và mức cholesterol trong giới hạn bình thường.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch.
  • Không tiếp xúc với thuốc lá dưới mọi hình thức.
  • Tập luyện tối thiểu 150 phút mỗi tuần với các bài tập cường độ vừa phải như đi bộ, đạp xe, yoga, khiêu vũ, bơi lội…
  • Kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ phình động mạch chủ ngực.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị phình động mạch chủ ngực với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, PlinkCare, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Tuy không gặp nhiều như phình động mạch chủ bụng nhưng phình động mạch chủ ngực cũng dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu không phát hiện sớm. Do đó, bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch hoặc có các yếu tố nguy cơ nên khám tầm soát phình động mạch chủ để có biện pháp can thiệp phù hợp nếu có bất thường.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send