
Phẫu thuật tạo đường vào mạch máu để chạy thận nhân tạo
Đường vào mạch máu chạy thận là gì?
Ở người bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thận mất khả năng lọc bỏ độc chất trong cơ thể, đường vào mạch máu giúp kết nối cơ thể người bệnh với máy lọc máu, nhằm đưa máu qua màng lọc, loại bỏ các chất độc và trả máu đã làm sạch lại cho người bệnh. Hầu hết bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để thực hiện kỹ thuật lọc máu này, trung bình khoảng 3 lần/tuần, mỗi lần chạy thận khoảng 3-4 tiếng tùy vào tình trạng của mỗi người. (1)
Các đường vào mạch máu để chạy thận
Có 3 nhóm đường vào mạch máu chính: cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF, Arteriovenous fistula), cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo (AVG, Arteriovenous graft), và catheter tĩnh mạch trung tâm để lọc máu (Dialysis catheter). Tùy vào tình trạng và tình huống lọc máu mà bác sĩ sẽ chỉ định đường vào phù hợp cho mỗi bệnh nhân. (2)
1. Cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF, Arteriovenous fistula)
Cầu nối động tĩnh mạch tự thân được xem là đường tiếp cận mạch máu “lý tưởng nhất” cho người bệnh thận mạn. Bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ phẫu thuật nối tĩnh mạch vào động mạch nhằm tạo một luồng thông đưa máu từ động mạch sang tĩnh mạch về tim. Khi động mạch và tĩnh mạch được nối với nhau, máu qua tĩnh mạch nhiều hơn, áp lực trong tĩnh mạch sẽ tăng lên, khiến thành tĩnh mạch chắc khỏe hơn. Khi đó, chích kim lọc máu sẽ dễ dàng hơn, và có thể lặp lại được nhiều lần cho quá trình lọc máu.
Ưu điểm của cầu nối động tĩnh mạch tự thân là có lưu lượng máu tốt, ít nhiễm trùng và ít hình thành máu đông gây tắc nghẽn. Đây là là loại đường vào mạch máu có độ bền lâu nhất.

2. Cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo (AVG, Arteriovenous graft)
Trong những trường hợp như mạch máu của bệnh nhân quá nhỏ hoặc đã phẫu thuật cầu nối động tĩnh mạch tự thân nhưng thất bại hay hiện tại không có vị trí thuận lợi để phẫu thuật cầu nối tự thân, bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo.
Phẫu thuật sử dụng một ống mạch máu nhân tạo luồng ở lớp dưới da của bệnh nhân, đường đi của ống có dạng chữ U, một đầu nối vào động mạch cấp máu và đầu còn lại nối vào tĩnh mạch. Sau ít nhất 2 tuần phẫu thuật, bác sĩ sẽ có thể đâm kim vào ống ghép tiến hành lọc máu cho người bệnh.

Cầu nối bằng ống ghép mạch máu nhân tạo (AVG) sử dụng ống ghép là vật liệu ngoại lai nên có nguy cơ bị nhiễm trùng và hình thành cục máu đông hơn so với cầu nối tự thân (AVF). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chăm sóc tốt thì ống ghép này có thể tồn tại được vài năm trước khi mất chức năng.
3. Catheter lọc máu (Dialysis catheter)
Catheter lọc máu hay còn gọi là ống thông tĩnh mạch trung tâm để lọc máu, được đặt trong lòng tĩnh mạch lớn vị trí vào ở cổ, ngực hoặc bẹn của bệnh nhân dưới hướng dẫn của siêu âm.
Phương pháp này thường được áp dụng đối với bệnh nhân cần lọc máu do suy thận đột ngột, không đủ thời gian chờ cho các cầu nối mạch máu tự thân (AVF) hoặc cầu nối bằng ống ghép (AVG) ổn định để chạy thận. Do đó, nó chỉ được dùng để chạy thận nhân tạo trong thời gian ngắn, giúp kéo dài thời gian để các cầu nối khác có khả năng hoạt động tốt. Khi các cầu nối động tĩnh mạch đủ điều kiện chạy thận thì các catheter này sẽ được rút bỏ.

4. Các loại thiết bị truy cập mạch máu khác
Tóm lại, về cơ chế chung, các đường vào mạch máu nhằm mục tiêu có thể lấy lượng máu lớn từ người bệnh ra máy lọc và trả lại hoàn toàn lượng máu đó nhằm loại bỏ độc chất. Có một số thiết bị khác phù hợp với một nhóm bệnh nhân nhất định khác như:
- Thiết bị HeRO graft (Hemodialysis Reliable Outflow Graft): Ở những bệnh nhân có hẹp tĩnh mạch chủ trên gây thất bại cho phẫu thuật cầu nối động tĩnh mạch, thì thiết bị HeRO giúp đặt một ống mở rộng tĩnh mạch chủ trên và làm cho dòng máu thông thoáng hơn. (3)

Ý nghĩa của phẫu thuật tạo đường vào mạch máu đối với bệnh nhân chạy thận
Phẫu thuật tạo đường vào mạch máu quan trọng đến mức có thể xem là “huyết mạch sinh tồn của bệnh nhân chạy thận nhân tạo”. Nó không chỉ quyết định khả năng thành công của quá trình lọc máu, mà còn ảnh hưởng đến khả năng sống còn của người bệnh.
Đường vào mạch máu giúp máu di chuyển liên tục qua máy lọc máu trong quá trình chạy thận nhân tạo, giúp thải nhiều độc chất ra khỏi hệ tuần hoàn bệnh nhân trong mỗi lần chạy thận. Phẫu thuật tạo đường vào mạch máu phải được thực hiện vài tuần (với ống ghép) hoặc vài tháng trước lần chạy thận nhân tạo lần đầu tiên. Nếu có đường vào mạch máu tốt ở lần chạy thận đầu tiên, tiên lượng sống của người bệnh sẽ tốt hơn.

Những rủi ro có thể xảy ra đối với phẫu thuật tạo đường mạch máu
Các loại đường vào mạch máu đều có thể xảy ra rủi ro sau khi phẫu thuật, có thể cần được can thiệp điều trị hoặc phải phẫu thuật sửa chữa. Đường vào mạch máu sau phẫu thuật có thể bị nhiễm trùng, hẹp hoặc máu đông tại đường vào.
Đối với cầu nối tự thân, tình trạng nhiễm trùng ít xảy ra hơn so với cầu nối nhân tạo hay catheter. Cầu nối ống ghép nhân tạo thường gặp tình trạng nhiễm trùng hay máu đông gây hẹp tắt trên đường vào, khiến lưu lượng máu thấp. Trường hợp cầu nối tự thân bị hẹp gây giảm lưu lượng chạy thận, bệnh nhân cần can thiệp nong mạch máu để mở rộng phần bị hẹp ra hoặc phẫu thuật để sửa chữa.
Catheter có nguy cơ bị nhiễm trùng và đông máu cao nhất, nếu xác định nhiễm trùng catheter bác sĩ sẽ rút và thay ống thông ở vị trí khác nếu cần. (4)
Phương pháp tạo đường vào mạch máu nào tốt nhất?
Cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF) được xem là phương pháp tạo đường vào mạch máu lý tưởng nhất và được khuyến cáo hàng đầu. Vì thời gian sử dụng lâu dài, ít nhiễm trùng, ít tắc nghẽn do máu đông.
Phẫu thuật tạo đường vào mạch máu chạy thận được chỉ định khi nào?
Trường hợp bệnh nhân lựa chọn chạy thận nhân tạo làm phương pháp thay thế thận, bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định phẫu thuật tạo đường vào mạch máu sớm, thường từ khi bệnh thận mạn giai đoạn 4 và tốc độ diễn tiến của bệnh thận nhanh.
Hoặc nên mổ khi mức lọc cầu thận đã giảm xuống mức rất thấp, dưới 15 ml/ph/1.73 m2. Một số trường hợp cần chạy thận tạm thời sẽ được đặt catheter như bệnh nhân bị suy thận cấp, có xuất hiện các triệu chứng tăng urê máu như: buồn nôn hoặc nôn, phù toàn thân, người mệt mỏi.
Phương pháp phẫu thuật tạo đường vào mạch máu chạy thận được thực hiện thế nào?
1. Phẫu thuật tạo cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF)
Bệnh nhân được siêu âm xác định vị trí tĩnh mạch phù hợp trước mổ, thông thường bác sĩ sẽ chọn tay không thuận. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, đường mổ khoảng 3-4cm, động mạch và tĩnh mạch được bộc lộ và tạo cầu nối vi phẫu, nối tĩnh mạch vào mặt bên của động mạch. Quá trình phẫu thuật thường diễn ra trong 30-60 phút, người bệnh sau đó có thể trở về sinh hoạt bình thường.
2. Phẫu thuật tạo cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép nhân tạo (AVG)
Bệnh nhân được siêu âm xác định vị trí tĩnh mạch phù hợp trước mổ, thông thường bác sĩ sẽ chọn tay không thuận, các mạch máu động tĩnh mạch lớn cũng sẽ được chọn để làm miệng nối.
Bệnh nhân được gây tê cho cánh tay bên mổ, ống ghép được chọn và luồn dưới da, động mạch và tĩnh mạch được bộc lộ và tạo cầu nối vi phẫu vào ống ghép. Quá trình phẫu thuật thường diễn ra lâu hơn AVF, từ 90-120 phút, người bệnh sau đó sau đó có thể trở về sinh hoạt bình thường và hướng dẫn chăm sóc kỹ lưỡng để tránh biến chứng.
3. Catheter tĩnh mạch trung tâm không có đường hầm (Non-tunneled dialysis catheter)
Catheter tĩnh mạch trung tâm không có đường hầm được đặt tạm thời để xử trí lọc máu cấp cứu, và sẽ loại bỏ rất sớm, thường khoảng 2 tuần, hoặc khi không còn nhu cầu sử dụng nữa. Ống thông được đặt trực tiếp vào tĩnh mạch lớn ở cổ hoặc dưới xương đòn giúp tạo đường vào lọc máu nhanh chóng.
4. Catheter tĩnh mạch trung tâm có đường hầm (Tunneled dialysis catheter)
Catheter tĩnh mạch trung tâm có đường hầm được đặt một đầu nằm trong tĩnh mạch lớn ở cổ và đầu còn lại được luồn dưới da ra ngoài nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Thời gian sử dụng của loại ống thông này có thể kéo dài từ 6-12 tháng.
Cách chăm sóc các đường vào mạch máu được tạo để chạy thận như thế nào?
Việc chăm sóc tốt đường vào mạch máu sẽ giúp hạn chế các biến chứng ảnh hưởng quá trình lọc máu. Bệnh nhân cần lưu ý trong việc chăm sóc các đường vào mạch máu như:
- Bệnh nhân và người nhà chăm sóc đường vào mạch máu trước, trong và sau khi chạy thận theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Luôn giữ cho vị trí đường vào khô ráo, sạch sẽ.
- Tránh làm ướt vết thương, nếu ướt nên thay băng.
- Sau mổ nên tập bóp bóng tay phẫu thuật để tăng lưu lượng máu và thúc đẩy quá trình trưởng thành của đường vào mạch máu.
- Rửa tay với xà phòng và nước trước và sau khi chạm vào đường vào chạy thận nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Giữ sạch vùng da đường vào mạch máu: rửa bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước khi lọc máu. Sau khi rửa thì hãy thấm nhẹ cho khô nước.
- Kiểm tra sự rù ở đường vào mạch máu 3 lần mỗi ngày – buổi sáng, buổi chiều và buổi tối bằng cách sờ và cảm nhận rù. Bất kỳ thay đổi nào nên được báo cho bác sĩ của bạn.
- Chỉ sử dụng đường vào mạch máu để lọc máu, không cho truyền dịch hay thuốc ở tay đó.
- Báo bác sĩ ngay nếu đỏ hoặc sưng quanh đường vào mạch máu.
- Tránh để chấn thương tay đường vào mạch máu.
- Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý để giữ sức khỏe ở mức tốt nhất.
Ngoài ra người bệnh cần lưu ý:
- Không lấy ven truyền dịch hoặc lấy máu từ cánh tay đường vào mạch máu.
- Không đo huyết áp ở tay đường vào mạch máu.
- Không ngủ đè lên tay đường vào mạch máu.
- Không mang vật nặng (>4.5kg) ở tay đường vào mạch máu.
- Không đeo đồng hồ, vòng tay hoặc quần áo bó sát.
- Không để dây đeo đè lên đường vào mạch máu (như rinh bọc nylon nặng mua sắm).

PlinkCare chuyên thực hiện phẫu thuật tạo đường vào mạch máu cho bệnh nhân chạy thận
Việc xác định đúng thời điểm và phẫu thuật chuẩn bị tạo đường vào mạch máu sớm cho bệnh nhân chạy thận cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm. Cùng với đó, cần đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, phòng phẫu thuật vô khuẩn, vô trùng để quá trình tạo đường vào mạch máu chạy thận được diễn ra thuận lợi, ít biến chứng nhất.
Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch PlinkCare quy tụ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám, điều trị các bệnh về tim mạch, mạch máu và lồng ngực, trong đó có phẫu thuật tạo đường vào mạch máu cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Đặc biệt, Trung tâm có sự liên kết chặt chẽ với Trung tâm Tiết niệu – Thận học, thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị đem lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch PlinkCare, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin:
Phẫu thuật tạo đường vào mạch máu chạy thận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình lọc máu và quyết định đến khả năng sống còn của người người bệnh. Do đó, sau khi được phẫu thuật đường vào mạch máu, người bệnh cần chăm sóc cẩn thận điểm truy cập mạch máu, giúp nhanh liền mạch, tạo thuận lợi cho quá trình chạy thận.