Image

Phẫu thuật sửa van tim hai lá: Quy trình và một số lưu ý

Sửa van tim hai lá là gì?

Van hai lá nằm giữa hai buồng tim trái (tâm nhĩ trái và tâm thất trái). Nếu van hai lá bị hở, hẹp hoặc bị sa ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định cho thực hiện can thiệp phẫu thuật để khắc phục. Phẫu thuật sửa van hai lá sẽ giúp bệnh nhân giải quyết được các triệu chứng bệnh, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim, tránh tai biến mạch máu não, suy tim và giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh. (1)

Khi nào cần phẫu thuật sửa van tim hai lá

Phẫu thuật sửa van tim hai lá có thể được chỉ định tùy theo tình trạng bệnh và sức khỏe của người bệnh, cụ thể:

1. Hở van hai lá

Hai lá van khi đóng lại không được kín hoàn toàn, làm cho máu bị phụt ngược từ thất trái về lại nhĩ trái. Lưu lượng máu ở tim trái bị tăng lên do lượng máu bình thường cộng với máu bị trào ngược khiến cho nhĩ trái và thất trái bị giãn quá mức, gây ra tình trạng suy tim. Nếu van hai lá bị hở ở mức độ nặng, cần được phẫu thuật để sửa chữa, nhằm tránh các biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim tiến triển, rung nhĩ, đột tử, tử vong. (2)

Hở van hai lá nặng cần được phẫu thuật để sửa chữa
Hở van hai lá nặng cần được phẫu thuật để sửa chữa

2. Hẹp van hai lá

Hẹp van hai lá là tình trạng diện tích lỗ van hai lá bị nhỏ lại bất thường do các lá van bị dày, cứng và dính lại với nhau. Van hai lá không thể mở ra hoàn toàn để máu đổ từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Khi đó, máu bị ứ đọng lại ở tâm nhĩ trái, làm tăng áp lực động mạch phổi khiến người bệnh bị mệt và khó thở.

Hẹp van hai lá có thể dẫn đến các biến chứng như rung nhĩ, tăng áp lực mạch phổi, huyết khối, suy tim, bệnh tim to. Chính vì vậy, phẫu thuật sửa van tim bị hẹp là phương pháp giúp người bệnh khắc phục các triệu chứng và tránh được những biến chứng trên.

3. Sa van hai lá

Đây là tình trạng một hoặc hai lá van bị tổn thương và phồng lên, bờ van hai lá không áp sát với nhau và bị sa vào tâm nhĩ trái trong suốt thời gian đoạn tâm thu. Khi tim co bóp để đẩy máu đi thì sẽ có một lượng máu phụt ngược trở lại buồng tâm nhĩ trái. Sa van hai lá nếu để lâu, có thể dẫn đến hở van hai lá nặng, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc.

Vì sao cần tiến hành sửa van tim hai lá?

Van hai lá là vị trí nối giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Khi van hoạt động đóng, mở tuần tự theo chu kỳ, dòng máu đi qua van sẽ dễ dàng và chảy theo một chiều, không bị rò rỉ ngược trở lại. Tuy nhiên, nếu van tim hai lá bị tổn thương, bị hẹp van, hở van hoặc sa van sẽ làm ảnh hưởng đến lượng máu chảy, gây ra tình trạng máu bị chảy ngược lại. Điều này có thể gây ra nhiều biến chứng, nguy cơ làm tổn thương tim và phổi.

Việc sửa chữa van tim hai lá sẽ giúp cải thiện hiệu quả những triệu chứng của bệnh lý van tim, đồng thời giúp người bệnh hạn chế được các biến chứng mà bệnh có thể gây ra. Nếu van tim bị vấn đề nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho người bệnh, kết hợp theo dõi thường xuyên. Nhưng khi van tim hai lá bị tổn thương nặng thì việc tiến hành sửa chữa là điều cần thiết, đem lại kết quả cao và lâu dài cho người bệnh. (3)

Sự khác biệt giữa sửa van hai lá và thay van hai lá là gì?

Sửa van hai lá và thay van hai lá đều là những phẫu thuật quan trọng, giúp điều trị tận gốc các triệu chứng do tình trạng van tim tổn thương gây ra. Đồng thời, cũng hạn chế tối đa được các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tuy nhiên, tùy mức độ bất thường van tim hai lá khác nhau mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Trong đó, sửa chữa van tim hai lá và thay van tim là hai sự lựa chọn phù hợp cho trường hợp bệnh ở mức độ nặng. Vậy sự khác biệt giữa sửa van tim hai lá và thay van hai lá là gì?

1. Sửa van tim hai lá

Phương pháp sửa van hai lá được thực hiện trong trường hợp van tim bị tổn thương nặng nhưng vẫn có thể can thiệp để sửa chữa. Sửa van hai lá sẽ giúp khắc phục được các triệu chứng bệnh, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim, tránh tai biến mạch máu não, suy tim và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Phương pháp này thường đem lại kết quả tốt. Lợi ích của việc sửa van là tổ chức van tự nhiên của bệnh nhân được bảo tồn, nên nguy cơ của nhiễm trùng van hay dùng thuốc chống đông sau mổ sẽ giảm đi rất nhiều. Theo thời gian, van tim có thể dần dần bị hẹp, hở hoặc bị sa trở lại. Vì vậy, cần có sự theo dõi thường xuyên để kiểm tra và kịp thời có biện pháp khắc phục.

2. Thay van hai lá

Khi phẫu thuật sửa van không phù hợp với tổn thương của van hoặc không hiệu quả, tim cần được thay một van mới. Van mới này được khâu một cách chắc chắn vào tổ chức mô của vòng van cũ. Có hai loại van thay thế được dùng là van sinh học và van cơ học. Van được thay mới cần đảm bảo có sự tương thích sinh học, hệ thống miễn dịch của cơ thể không từ chối.

Đối tượng cần được phẫu thuật van hai lá

Các trường hợp gặp vấn đề van tim hai lá nên được phẫu thuật để điều trị. Vì sử dụng thuốc ban đầu cũng chỉ có thể giúp làm giảm bớt những triệu chứng mà bệnh gây ra. Tuy nhiên, nó lại không thể điều trị dứt điểm được. Nhất là khi van tim hai lá bị tổn thương nặng, hẹp van, hở van hoặc sa van nghiêm trọng thì thuốc không đáp ứng hiệu quả. Lúc này, người bệnh cần được chỉ định cho phẫu thuật sửa van hai lá hoặc thay van để có được kết quả cao và lâu dài.

Bệnh nhân sẽ được cho làm phẫu thuật sửa van hai lá nếu xuất hiện thêm một số triệu chứng như:

  • Bị trào ngược nghiêm trọng. Điều này cho thấy van hai lá bị hở nghiêm trọng và cần được can thiệp sớm.
  • Tâm thất trái không thể bơm đủ máu cho cơ thể, đó là dấu hiệu của chứng suy tim trái.
  • Đau tức ngực dữ dội, khó thở.
  • Bị ngất xỉu.
Khi van tim hai lá bị tổn thương nặng cần được phẫu thuật sửa chữa
Khi van tim hai lá bị tổn thương nặng cần được phẫu thuật sửa chữa

Sửa van tim hai lá phổ biến như thế nào?

Hiện nay, các phương pháp sửa van tim hai lá được áp dụng phổ biến là: Phẫu thuật tim hở và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Với sự phát triển của y học hiện đại thì những phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, đặc biệt là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, vết mổ nhỏ giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.

Thực hiện sửa chữa van tim hai lá thì van tim tự nhiên của bệnh nhân vẫn sẽ được bảo tồn, tránh được tình trạng nhiễm trùng van. Phần lớn bệnh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật sửa van tim, sức khỏe đều có chuyển biến tốt.

Quy trình sửa van tim hai lá diễn ra thế nào?

1. Trước khi phẫu thuật

  • Bệnh nhân sẽ được chụp X-quang ngực, điện tâm đồ, siêu âm tim và các xét nghiệm khác để bác sĩ nắm rõ hơn về tình trạng của van tim hai lá.
  • Bệnh nhân cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, thoải mái.

2. Điều gì xảy ra trong quá trình phẫu thuật

  • Sau khi gây mê, thiết bị hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ được kết nối với cơ thể người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật.
  • Sửa chữa van tim hai lá bằng phẫu thuật tim hở sẽ có một vết rạch ở ngực. Đối với phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thì vết rạch này sẽ nhỏ hơn, người bệnh nhanh phục hồi và thời gian nằm viện ngắn hơn so với phẫu thuật tim hở.

3. Sau khi phẫu thuật

  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng phù hợp để nhanh chóng phục hồi.
  • Chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tập hít thở sâu, tránh các hoạt động thể chất nặng.
  • Tránh căng thẳng, áp lực.
  • Sau khi xuất viện về nhà, cần có sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân. Nên đến bệnh viện kiểm tra định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi được tình trạng bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời nếu có vấn đề.

Những kỹ thuật phẫu thuật được sử dụng để sửa van tim hai lá

1. Tạo hình vòng van

Phẫu thuật tạo hình vòng van có ưu điểm là bảo tồn được van tim của người bệnh, giữ được cấu trúc tim, người bệnh không cần phải dùng thuốc chống đông,… Đây là kỹ thuật phức tạp, bác sĩ sẽ cho đặt một vòng hoàn chỉnh hoặc một phần xung quanh mép van. Tùy vào từng trường hợp van tim hai lá bị tổn thương mà bác sĩ sẽ kết hợp với các kỹ thuật khác để điều chỉnh, sửa chữa, giúp chức năng van tim trở lại trạng thái bình thường.

Trẻ nhỏ gặp vấn đề về van tim hai lá được điều trị bằng tạo hình vòng van rất quan trọng vì có thể hạn chế việc dùng thuốc chống đông cho trẻ. Khi trẻ trưởng thành, kích thước van phù hợp, không bị nhỏ hơn bình thường. (4)

2. Phẫu thuật sửa van

  • Phẫu thuật tim hở: Đối với phẫu thuật này, xương ức của người bệnh được cắt mở rộng để bác sĩ dễ dàng tiếp cận vị trí van tim bị tổn thương. Người bệnh có thể cần khoảng 6-12 tuần, hoặc lâu hơn tùy vào thể trạng để hồi phục sau phẫu thuật. Một số trường hợp cần phải dùng đến thuốc chống đông để tránh tình trạng hình thành huyết khối.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Đối với kỹ thuật này, đường mổ trên ngực chỉ từ 4-5 cm, nhỏ hơn nhiều so với phẫu thuật tim hở. Bác sĩ sử dụng dụng cụ phẫu thuật nội soi để tiếp cận tim, có thể mổ can thiệp cùng lúc 2 van tim, sửa một van và thay một van. Với phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, bệnh nhân hồi phục nhanh chỉ sau 2-4 tuần, ít đau, giảm sẹo, giảm chấn thương về thể chất và tâm lý.
Phẫu thuật sửa van tim hai lá bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu giúp rút ngắn thời gian hồi phục cho người bệnh
Phẫu thuật sửa van tim hai lá bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu giúp rút ngắn thời gian hồi phục cho người bệnh

Các biến chứng sửa van tim hai lá

Bất kỳ cuộc phẫu thuật về tim nào dù ít hay nhiều cũng có thể xảy ra rủi ro và biến chứng, chẳng hạn như:

  • Đau tim
  • Bị chảy máu sau phẫu thuật
  • Có thể bị nhiễm trùng
  • Suy tim
  • Bị rối loạn nhịp tim
  • Nguy cơ đột quỵ

Người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu nhận thấy có bất thường, để bác sĩ theo dõi và kịp thời đưa ra biện pháp xử lý.

Thời gian phục hồi sau sửa van tim hai lá là bao lâu?

Sau phẫu thuật sửa van tim hai lá, bệnh nhân có thể mất khoảng 4-6 tuần để dần hồi phục. Tuy nhiên, thời gian hồi phục nhanh hay chậm hơn còn phụ thuộc vào loại phẫu thuật và thể trạng của người bệnh. Nếu phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được áp dụng thì bệnh nhân có thể khỏe và nhanh xuất viện hơn so với phẫu thuật tim hở.

Những câu hỏi thường gặp

1. Sửa van tim hai lá sống được bao lâu?

Thời gian sống của bệnh nhân sau khi sửa van tim hai lá kéo dài được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Kỹ thuật được áp dụng để can thiệp sửa van tim hai lá, tình trạng tổn thương van tim hai lá, sức khỏe tổng thể, khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh, chế độ dinh dưỡng, lối sống, sự chăm sóc hỗ trợ từ người thân,… Tuy nhiên, nếu sửa van tim hai lá sớm có thể giúp người bệnh kéo dài được thời gian sống đáng kể, sức khỏe vẫn có thể được như người bình thường.

2. Sửa van tim hai lá ở đâu?

Phẫu thuật sửa van hai lá là phẫu thuật lớn, người bệnh nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn địa điểm khám chữa bệnh uy tín, đảm bảo về cơ sở vật chất, có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.

Hiện nay, Trung tâm Tim mạch – PlinkCare là nơi được rất nhiều người tin tưởng chọn đến để khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về tim mạch. Bệnh viện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch có nhiều năm kinh nghiệm, phối hợp liên chuyên khoa chẩn đoán toàn diện và điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Để đặt lịch hẹn khám, điều trị với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:

Khi có bất thường về van tim hai lá, người bệnh nên khám chuyên sâu về Tim mạch để được tư vấn phẫu thuật sửa van tim hai lá sớm. Điều trị kịp thời giúp khắc phục được các triệu chứng bệnh, ngăn bệnh tiến triển gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send