Image

Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ là gì?

Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ là gì?

Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với đường mổ nhỏ, dựa vào camera độ phân giải cao và dụng cụ nội soi để thao tác xử lý tổn thương, được áp dụng để chẩn đoán và điều trị các bệnh ở lồng ngực như: tim, phổi, màng phổi, trung thất…

Trong phẫu thuật VATS, bác sĩ sẽ thực hiện những đường mổ nhỏ (1-4cm) trên thành ngực để đưa camera và dụng cụ phẫu thuật vào bên trong ngực xử lý tổn thương. Camera nội soi độ phân giải cao được kết nối với màn hình siêu nét, dựa vào đó bác sĩ sẽ thao tác phẫu thuật một cách tỉ mỉ và chính xác nhất. (1)

Vì sao cần thực hiện phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ?

Phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) được áp dụng để chẩn đoán và điều trị trong hầu hết các bệnh ở lồng ngực như:

  • Lấy mẫu mô đi sinh thiết để chẩn đoán các loại u ở lồng ngực như: ung thư phổi, u trung biểu mô màng phổi, u trung thất…;
  • Phẫu thuật cắt thùy phổi do u ác tính ở phổi;
  • Phẫu thuật cắt giảm thể tích phổi trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
  • Cắt bỏ kén khí phổi gây tràn khí màng phổi tái phát;
  • Bóc bỏ các giả mạc do viêm mủ màng phổi gây hạn chế độ co giãn của phổi lành;
  • Cắt hạch giao cảm để điều trị tăng tiết mồ hôi và các bệnh lý khác;
  • Điều trị bệnh về thực quản như co thắt tâm vị, túi thừa thực quản, dò thực quản – khí quản…;
  • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản để điều trị ung thư thực quản;
  • Loại bỏ tuyến ức hoặc u tuyến ức gây triệu chứng như bệnh nhược cơ;
  • Cắt u ở trung thất trước, giữa và sau;
  • Phẫu thuật ít xâm lấn trong thay van hai lá, thay van động mạch chủ, sửa van hai lá, đóng các luồng thông trong tim, bắc cầu động mạch vành, cắt bỏ u nhầy trong tim…;
  • Một số bệnh lý liên quan đến tim, xương sườn, cột sống và cơ hoành khác. (2)

Phẫu thuật nội soi lồng ngực được thực hiện ở hầu hết các bệnh nhân và có lợi ở những bệnh nhân lớn tuổi vì ít xâm lấn và hồi phục nhanh. Tuy nhiên, người bệnh cần điều chỉnh tình trạng bệnh nền nguy hiểm trước mổ có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phẫu thuật, các bệnh bao gồm:

  • Rối loạn đông máu;
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD);
  • Tăng áp động mạch phổi;
  • Tăng/giảm huyết áp;
  • Bệnh tim mạch nặng;
  • Đái tháo đường khó kiểm soát;
  • Suy dinh dưỡng nặng.

Ưu điểm so với phương pháp mổ mở truyền thống

Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với các đường mổ nhỏ (< 8cm) so với các đường mổ dài và phá hủy mô lành như phương pháp mổ mở truyền thống. Ngoài ra, lợi thế của VATS là ít đau, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn, nhất là đối tượng có nguy cơ cao như người lớn tuổi. (3)

Quy trình thực hiện phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ

1. Chuẩn bị

Trước khi được tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực, người bệnh cần điều chỉnh thuốc đang sử dụng và thói quen để giúp cho cuộc mổ thuận lợi cũng như giảm thiểu biến chứng trong và sau mổ:

  • Ngưng một số loại thuốc làm loãng máu (Aspirin, Clopidogrel, thuốc kháng đông thế hệ mới, thuốc kháng Vitamin K). Hãy cho bác sĩ điều trị biết về tất cả các loại thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng. Bác sĩ sẽ cân nhắc và tư vấn bạn cần ngưng loại nào và tiếp tục loại thuốc nào.
  • Bỏ hút thuốc lá ít nhất 2 tuần trước mổ.
  • Tập thể dục hàng ngày.
  • Tập vận động trị liệu hô hấp trước mổ giúp quen dần kiểu thở vận dụng hết cơ hô hấp như thở ngực thở bụng phối hợp, tập ho thải đàm…
  • Thực hiện các bài tập thở thông qua thiết bị hỗ trợ.
  • Tuân thủ quy trình chuẩn bị mổ như tắm trước mổ để giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ.
  • Nhịn ăn, uống theo quy trình của cơ sở điều trị trước cuộc mổ.

Ngoài ra, bạn sẽ phải làm các xét nghiệm và cận lâm sàng để kiểm tra chức năng tim, phổi. Các kết quả này cũng giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng thể để lường trước các biến chứng sau mổ có thể xảy ra. Một số kiểm tra cận lâm sàng sẽ được thực hiện thêm, chẳng hạn như:

  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp CT ngực để bác sĩ có hình ảnh chi tiết hơn về tổn thương trong lồng ngực;
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET-CT) để hỗ trợ đánh giá giai đoạn ung thư;
  • Điện tâm đồ để tìm bất thường về nhịp tim;
  • Đo chức năng hô hấp đánh giá chức năng phổi;
  • Nội soi phế quản để đánh giá đường thở;
  • Các xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe tổng thể, chức năng đông máu, chức năng gan thận và các dấu chỉ ung thư…;
  • Sinh thiết kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính hoặc siêu âm;
  • Khám các chuyên khoa liên quan để có chiến lược phẫu thuật trước mổ phù hợp, đặc biệt khám ung bướu với các trường hợp nghi ngờ u ác tính giai đoạn muộn.
Bệnh nhân chụp X-quang ngực để đánh giá hình thái tim phổi trước phẫu thuật VATS
Bệnh nhân chụp X-quang ngực để đánh giá hình thái tim phổi trước phẫu thuật VATS

2. Tiến hành

Bệnh nhân được chuẩn bị mổ tại khoa lâm sàng và được chuyển vào phòng mổ. Bác sĩ gây mê thiết lập các hệ thống theo dõi điện tim, oxy máu, độ mê giãn cơ, tiến hành đặt ống nội khí quản hỗ trợ hô hấp và gây mê cho bệnh nhân để đạt hiệu quả ngủ sâu và giảm cảm giác đau trong suốt quá trình phẫu thuật.

Bác sĩ tiến hành rạch da với những đường mổ nhỏ, từ 1-4cm tùy vào loại phẫu thuật, rồi đưa camera và các dụng cụ phẫu thuật nội soi vào lồng ngực để thực hiện phẫu thuật.

Sau khi thương tổn đã được sửa chữa, cuộc mổ hoàn tất, toàn bộ dụng cụ được lấy ra. Người bệnh sẽ được đặt ống dẫn lưu trong màng phổi để dẫn lưu khí và dịch tồn lưu cũng như theo dõi liên tục biến chứng sau mổ nếu có. Thông thường, ống dẫn lưu này được rút sau 1-2 ngày tùy vào diễn tiến sau đó. Các vết mổ được khâu lại theo từng lớp da.

Người bệnh có thể được rút ống nội khí quản hỗ trợ thở trong phòng mổ, theo dõi tại phòng hồi tỉnh một vài giờ trước khi chuyển về khoa để theo dõi tiếp.

Các bác sĩ PlinkCare TP.HCM phẫu thuật nội soi lồng ngực dưới sự hỗ trợ của dàn máy nội soi độ phân giải 4K, loại bỏ u trung thất 5cm cho bệnh nhân
Các bác sĩ PlinkCare TP.HCM phẫu thuật nội soi lồng ngực dưới sự hỗ trợ của dàn máy nội soi độ phân giải 4K, loại bỏ u trung thất 5cm cho bệnh nhân

3. Sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ có cảm giác đau ở khu vực vừa phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cho uống thuốc hoặc truyền thuốc để giảm cảm giác đau cấp tính này.

Tại PlinkCare TP.HCM, kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) được ưu tiên sử dụng để giảm đau liên tục cho người bệnh với lượng thuốc tê tối thiểu và đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh sau mổ, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Tùy thuộc ca phẫu thuật đơn giản hay phức tạp, người bệnh cần nằm viện theo dõi vài ngày sau mổ. Thời gian này, khoa Dinh Dưỡng sẽ cung cấp thức ăn đủ dưỡng chất tùy theo bệnh nền của bạn, và hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu, ngăn ngừa huyết khối. Hợp tác cùng kỹ thuật viên để nắm rõ động tác vận động trị liệu hô hấp sau mổ và có thể tự tập khi không có người hướng dẫn.

Bác sĩ sẽ kê toa thuốc ra viện, hướng dẫn người bệnh chế độ ăn uống, tập luyện và chăm sóc vết thương, lịch tái khám trong giai đoạn này.

Sau khi xuất viện về nhà, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh mang vác vật quá nặng, vận động mạnh hoặc chơi thể thao cường độ cao trong 6 tuần đầu. Tập thể dục nhẹ, các bài tập thở đã được hướng dẫn tại bệnh viện, tập yoga.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở vết thương như có dịch, mủ tiết ra, có dấu hiệu của nhiễm trùng, sốt cao, sưng hoặc đau vết mổ ngày càng trầm trọng, tức ngực khó thở tăng dần…, bạn cần quay lại bệnh viện ngay để được xử lý sớm biến chứng muộn sau mổ.

Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá hiệu quả ca mổ, theo dõi mức độ hồi phục và quan trọng hơn là phát hiện sớm các bất thường mới nếu có.

Biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có nguy cơ biến chứng và phẫu thuật nội soi lồng ngực tuy có độ an toàn cao nhưng cũng có thể xảy ra một số biến chứng như:

  • Viêm phổi: điều trị bằng kháng sinh truyền tĩnh mạch hoặc kháng sinh uống.
  • Phổi bị xẹp một phần: dự phòng và điều trị bằng tập vật lý trị liệu hô hấp xuyên suốt sau mổ và xuất viện tại nhà.
  • Rối loạn nhịp tim: thường sẽ bị thoáng qua sau đó hồi phục hoàn toàn. Giai đoạn cấp có thể điều trị bằng thuốc.
  • Chảy máu: thông thường sẽ rỉ rả ít theo mỏm cắt hay mô mềm của vùng phẫu thuật, ống dẫn lưu sẽ đưa hết máu đó ra ngoài và các vị trí chảy máu sẽ tự cầm máu. Trường hợp chảy máu nhiều có thể phải mổ lại cầm máu, thông thường do lỗi kỹ thuật hoặc hay gặp ở người bệnh béo phì, đái tháo đường khó kiểm soát, suy kiệt, dinh dưỡng kém… gây chậm lành vết thương bục vị trí khâu nối.
  • Tổn thương thần kinh ngắn hạn hoặc vĩnh viễn.
  • Tổn thương các cơ quan xung quanh.
  • Hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến thuyên tắc phổi hoặc đột quỵ: phòng ngừa bằng thuốc ở người bệnh nguy cơ cao và vận động sớm sau mổ để tăng cường lưu thông máu. (4)

Được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến và quy tụ đội ngũ y bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch PlinkCare đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u trung thất, u tuyến ức, phẫu thuật điều trị ung thư phổi phức tạp… với tỷ lệ thành công cao, nguy cơ biến chứng thấp nhất cho người bệnh.

Để đặt lịch khám, điều trị tại khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, PlinkCare, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Nhờ ưu điểm đường mổ nhỏ, giảm đau, ít biến chứng và nhanh hồi phục, phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ trở thành phương pháp xâm lấn tối thiểu được ưu tiên lựa chọn trong điều trị các bệnh lý vùng ngực. Chế độ chăm sóc sau mổ đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả ca phẫu thuật. Người bệnh cần uống thuốc đầy đủ, có chế độ ăn uống – vận động khoa học và tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send