Image

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Chỉ định, quy trình tiến hành

phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là gì?

Mạch vành là mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi cả quả tim – bị hẹp, nguyên nhân thường do tích tụ mảng xơ vữa trên thành động mạch. Sự tích tụ này làm động mạch xơ cứng và dần trở nên hẹp hơn, khiến máu lưu thông kém đi, hạn chế cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim. Nếu một phần mảng xơ vữa bị vỡ, ngay tại khu vực đó có thể hình thành cục máu đông dẫn tới tắc nghẽn động mạch. Sự tắc nghẽn sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ ở các bộ phận của tim – căn nguyên của cơn nhồi máu cơ tim. (1)

Để cải thiện hiện tượng tắc/hẹp động mạch vành, bác sĩ sẽ lấy mảnh ghép mạch máu khỏe mạnh khác trong cơ thể (thường là động mạch ở thành ngực, tay hoặc chân) để làm cầu nối giàu oxy bắc qua đoạn mạch bị tắc hẹp. Đây chính là phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.Đây là một trong những phương pháp điều trị bệnh động mạch vành hiệu quả nhất bên cạnh can thiệp đặt stent động mạch vành qua da.

Có 2 loại CABG phổ biến: CABG có dùng máy tim phổi nhân tạo và CABG không dùng máy tim phổi nhân tạo. Sau phẫu thuật, các tế bào cơ tim được tưới máu đầy đủ và người bệnh không còn hoặc giảm phần lớn triệu chứng đau tức ngực, nặng ngực, khó thở, choáng váng… do tắc nghẽn mạch vành gây ra. (2)

chỉ định điều trị bệnh mạch vành
Phương pháp này được chỉ định trong điều trị bệnh mạch vành mạn hay nhồi máu cơ tim cấp

Khi nào cần phẫu thuật bắc cầu động mạch vành?

Bắc cầu động mạch vành được chỉ định ở những người bệnh đau ngực ổn định nếu họ có những triệu chứng dai dẳng và điều trị nội khoa không đạt hiệu quả tối ưu, không phù hợp đặt stent nong mạch vành hoặc trên những bệnh nhân có tổn thương mạch vành có nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tử vong cao.

Ưu điểm của kỹ thuật bắc cầu động mạch vành?

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành có ưu điểm: (3)

  • Cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh mạch vành như đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, hụt hơi… Hiệu quả này có thể kéo dài từ 10-15 năm kể từ lúc tiến hành phẫu thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
  • Giúp khắc phục tình trạng nhiều đoạn mạch bị hẹp cùng lúc: CABG thường là lựa chọn tốt nhất khi người bệnh có nhiều động mạch bị tắc nghẽn. Bác sĩ sẽ phẫu thuật ghép 2, 3, thậm chí 4 cầu nối để khôi phục dòng chảy của máu ở những đoạn mạch bị tắc hẹp, trả lại trái tim khỏe mạnh và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
  • Giảm nguy cơ tái phát: Đối với can thiệp mạch vành qua da (PCI – một thủ thuật điều trị tắc hẹp mạch vành khác), người bệnh phải đối mặt với nguy cơ cao bị tái hẹp trong stent. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành giúp giảm thiểu tối đa rủi ro này.

Quy trình phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

CABG là một cuộc phẫu thuật lớn, và các bước chuẩn bị như sau:

  • Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về những lợi ích khi thực hiện ca mổ, kèm theo đó là rủi ro có thể gặp phải và cách khắc phục. Nếu có gì chưa rõ, bạn nên đặt câu hỏi để được giải đáp cặn kẽ trước khi bước vào cuộc phẫu thuật quan trọng.
  • Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn nhạy cảm hoặc bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, nhất là thuốc gây mê; liệt kê tất cả các loại thuốc (kê đơn và không kê đơn), vitamin, thảo mộc và thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng. Cũng cần nói với bác sĩ nếu bạn có tiền sử rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông gì, cũng như các loại thuốc khác có ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngừng uống chúng trước khi làm thủ thuật. Cuối cùng, hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đang đặt máy tạo nhịp tim hoặc bất kỳ thiết bị tim cấy ghép nào khác.
  • Bác sĩ sẽ khám tổng quát để đảm bảo rằng bạn có sức khỏe tốt trước khi tiến hành phẫu thuật. Song song đó, bạn cần làm các cận lâm sàng sau: xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG hoặc EKG), siêu âm tim, nghiệm pháp gắng sức, chụp X-quang mạch vành hoặc chụp cắt lớp vi tính (MSCT) động mạch, chụp canxi mạch vành…
    Bạn sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống trong vòng 8 giờ trước khi làm thủ thuật.
bắc cầu mạch vành
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành cho bệnh nhân

Các bước tiến hành phẫu thuật:

  • Đặt nội khí quản và thông khí: Bác sĩ đưa một ống xuống cổ họng, vào khí quản rồi gắn ống vào máy thở. Máy này sẽ đảm nhận công việc thở thay cho bệnh nhân.
  • Thiết lập đường tĩnh mạch: Đường truyền tĩnh mạch (IV) là các ống cho phép bác sĩ truyền trực tiếp thuốc và chất lỏng vào cơ thể người bệnh qua một trong các tĩnh mạch của chính họ.
  • Đặt ống thông tiểu: Trước khi bắt đầu phẫu thuật, bác sĩ sẽ đưa một ống thông tiểu vào niệu đạo dẫn đến bàng quang của bệnh nhân.
  • Bác sĩ làm sạch vùng da xung quanh khu vực phẫu thuật bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Bác sĩ mở đường tiếp cận quả tim bằng cách rạch một đường giữa ngực, qua xương ức. Tùy thuộc kỹ thuật đang tiến hành là gì, bác sĩ sẽ thực hiện các công đoạn tiếp theo:

Đối với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành có dùng máy tim phổi nhân tạo

  • Để ghép đoạn mạch thay thế vào các động mạch vành rất nhỏ, bác sĩ phải ngừng tim tạm thời bằng máy tim phổi nhân tạo.
  • Khi tim đã ngừng đập, bác sĩ tiến hành thủ thuật bằng cách gắn một đầu của mảnh ghép vào dưới chỗ tắc nghẽn và đầu còn lại vào động mạch chủ (đối với mảnh ghép rời) hoặc nối một đầu còn lại vào dưới chỗ tắc nghẽn (đối với mảnh ghép có cuống). Máu sẽ đi qua đoạn mạch ghép mới để đến cơ tim.
  • Bác sĩ có thể tạo nhiều cầu nối, tùy thuộc vào số lượng đoạn mạch tắc nghẽn và vị trí của chúng. Sau khi tất cả các cầu nối đã hoàn thành, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ quá trình máu chạy qua những cầu nối này để đảm bảo chúng hoạt động tốt.
  • Khi chắc chắn tất cả đã ổn, bác sĩ dừng máy tim phổi nhân tạo để trái tim hoạt động lại. Tim có thể tự khởi động hoặc bác sĩ sẽ dùng một cú sốc điện nhẹ để khởi động lại tim.

Đối với phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạo

  • Sau khi mở lồng ngực, bác sĩ ổn định khu vực xung quanh động mạch được bắc cầu bằng một dụng cụ đặc biệt. Nhờ đó, phần còn lại của tim tiếp tục hoạt động và bơm máu đi khắp cơ thể.
  • Máy tim phổi nhân tạo có thể được giữ ở chế độ chờ trong trường hợp có bất trắc xảy ra khi phẫu thuật và phải ngừng tim.
  • Bác sĩ thực hiện quy trình phẫu thuật bắc cầu tương tự như CABG có dùng tim phổi nhân tạo.
  • Trước khi đóng ngực, bác sĩ sẽ kiểm tra chặt chẽ các cầu nối để đảm bảo chúng hoạt động tốt.

Hoàn thành ca mổ

  • Bác sĩ sẽ khâu xương ức lại với nhau bằng chỉ thép (tương tự như những sợi dây được dùng để chữa xương bị gãy).
  • Bác sĩ đặt các ống dẫn lưu vào ngực bệnh nhân để thoát máu và các chất lỏng khác từ xung quanh tim.
  • Bác sĩ khâu da trên xương ức lại với nhau.
  • Bác sĩ đặt một ống thông qua miệng hoặc mũi vào dạ dày người bệnh để thoát dịch dạ dày.
  • Cuối cùng, bác sĩ băng vết mổ bằng gạc vô trùng.
  • Bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức tích cực (ICU) để theo dõi sau mổ.

Biến chứng có thể gặp phải

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một cuộc phẫu thuật lớn, có nghĩa là sẽ tồn tại một số rủi ro và biến chứng tiềm ẩn trong và sau khi mổ. Các rủi ro có thể xảy ra bao gồm: (4)

  • Nhịp tim bất thường: Bệnh lý rối loạn nhịp tim phổ biến nhất sau CABG là rung nhĩ, làm tăng nguy cơ đột quỵ. May mắn thay, đây thường chỉ là tình trạng tạm thời, xảy ra trong một thời gian ngắn và sẽ được khắc phục khi có can thiệp phù hợp.
  • Chảy máu: Đây là một rủi ro có nguy cơ gặp ở bất kỳ cuộc phẫu thuật lớn nào. Để tránh điều này, những bệnh nhân đang uống thuốc làm loãng máu sẽ phải ngưng dùng thuốc (dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ) trước khi phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng: Đây là một biến chứng nguy hiểm khác của phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Khi nhiễm trùng lan rộng khắp cơ thể có thể gây nhiễm trùng huyết – một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, đe dọa tính mạng.

Nhiễm trùng huyết là một trường hợp cấp cứu y tế, gây ra các triệu chứng như nhịp tim nhanh, sốt, ớn lạnh, lú lẫn, thở nhanh. Do đó, mức độ nguy hiểm của nó cũng tương tự như một cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tin vui là hiện nay, các trường hợp nhiễm trùng nặng sau CABG rất hiếm gặp. Lý do là các kỹ thuật mổ hiện đại và chăm sóc sau phẫu thuật đã được cải thiện theo hướng xâm lấn tối thiểu, giảm biến chứng.

  • Lú lẫn hoặc mê sảng.
  • Các vấn đề về thận.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Nhồi máu cơ tim.

Chăm sóc sau mổ bắc cầu động mạch vành

Thời gian nằm viện trung bình đối với một ca CABG từ 8-12 ngày (dài hơn đối với những người bị CABG do nhồi máu tim, ngắn hơn đối với những người đã mắc bệnh thiếu máu cơ tim ổn định hoặc các vấn đề tương tự). Tuy nhiên, Tại PlinkCare, nhờ kỹ thuật gây mê cá thể hóa, gây tê mặt phẳng cơ dựng sống kết hợp kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, đường mổ nhỏ giúp bệnh nhân giảm đau, mau hồi phục sau mổ và xuất viện sau khoảng 5 ngày.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe sát sao. Nếu có một trong những dấu hiệu dưới đây, phải đưa người bệnh quay lại gặp bác sĩ gấp:

  • Sốt từ 38°C trở lên, ớn lạnh
  • Đỏ, sưng, chảy máu hoặc chảy dịch từ vết mổ/khu vực xung quanh vết mổ
  • Tăng cảm giác đau ở khu vực mổ
  • Khó thở
  • Mạch nhanh hoặc không đều
  • Sưng chân
  • Tê tay và chân
  • Buồn nôn hoặc nôn liên tục

Lưu ý sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Hầu hết những người từng trải qua ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sẽ cần vài tuần để hồi phục hoàn toàn. Trong thời gian đó, người bệnh nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, tránh các hoạt động quá sức hoặc những cú sốc tinh thần có nguy cơ gây căng thẳng quá mức cho tim.

Bệnh nhân cần đi tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra xem vết mổ đã lành chưa, các đoạn mạch nối có hoạt động tốt không… Trong các buổi tái khám, bác sĩ cũng sẽ cho bạn biết khi nào bạn có thể tiếp tục các hoạt động thường ngày, khi nào có thể tập thể dục, đồng thời tư vấn cho bạn hình thức và cường độ tập luyện hợp lý.

trao đổi thời điểm có thể tập thể dục
Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về thời điểm có thể tập thể dục cũng như các hình thức tập luyện phù hợp sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Được đầu tư hệ thống trang thiết bị tiên tiến và áp dụng công nghệ hàng đầu thế giới, khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, PlinkCare thực hiện các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh lý mạch vành như phẫu thuật bắc cầu mạch vành ít xâm lấn, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạo, phẫu thuật thay van tim đường mổ nhỏ, phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u phổi, phẫu thuật mạch máu ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi sửa các dị tật lồng ngực, kỹ thuật hybrid – kết hợp phẫu thuật và can thiệp…

Hệ thống máy móc hiện đại đảm bảo mỗi người bệnh được chăm sóc một cách toàn diện, an toàn và hiệu quả nhất: phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, hệ thống trang thiết bị hỗ trợ chẩn đoán (siêu âm tim, siêu âm mạch máu 4D, hệ thống chụp mạch máu DSA thế hệ mới, MSCT – mạch vành có cản quang, máy chụp MRI 3 Tesla)… Đặc biệt, việc triển khai thường quy các phương tiện, kỹ thuật gây mê hồi sức tiên tiến (ECMO, siêu lọc máu, bóng đối xung nội động mạch chủ…) giúp giảm đau, hồi phục nhanh, an toàn, giảm biến chứng sau phẫu thuật.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh mạch vành mạn cũng như các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp không phù hợp đặt stent mạch vành, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Hiện nay, nhờ kỹ thuật mổ ít xâm lấn và các biện pháp tiên tiến trong gây mê hồi sức, chăm sóc hậu phẫu, người bệnh hồi phục nhanh, sớm trở lại sinh hoạt thường ngày.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send