Image

Phân su trẻ sơ sinh là gì? Hình thành như thế nào? Có xấu không?

Phân su trẻ sơ sinh là gì?

Phân su (Meconium) là loại phân đầu tiên của trẻ sơ sinh, thường sẫm màu (thường là màu xanh đen), không mùi, dày và dính hơn so với các loại phân khác. Loại phân này bao gồm nước, các tế bào da, nước tiểu, tóc, chất nhầy và các chất khác mà trẻ nuốt phải khi còn trong bụng mẹ. (1)

Phân su thường sẽ xuất hiện sau khoảng 24 giờ sau sinh, đây là thời điểm lý tưởng nhất. Một số trường hợp trẻ đã đi ngoài phân su ngay khi còn trong bụng mẹ. Phân su không gây hại cho trẻ khi nuốt phải nhưng có thể gây biến chứng nặng khi trẻ vô tình hít phải.

Phân su có màu sẫm, đặc và dính
Phân su có màu sẫm, đặc và dính.

Phân su hình thành như thế nào?

Phân su bắt đầu hình thành sau tuần thứ 24 của thai kỳ. Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi nuốt nước ối, nước ối đi vào ruột non và để lại các chất cặn bã trong ruột già. Về lâu, các cặn này tích tụ ngày càng nhiều tạo thành một loại chất nhầy đặc, dính. Nghiên cứu cho thấy, thành phần chính gồm Nitơ, chất mỡ, chất cặn bong tróc ra khỏi ruột khi tiêu hóa nước ối, tế bào thượng bì và Mucopolysaccharide.

Phân su trong nước ối có tốt không?

Không. Phân su có trong nước ối là một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ hít phải phân su cao. Do vậy, nếu phát hiện phân su có trong nước ối, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu suy thai như sự thay đổi nhịp tim và các vấn đề hô hấp của thai nhi như cánh mũi phập phồng, da xanh. Trẻ hít phải phân su khi còn trong bụng mẹ khi chào đời có thể sẽ không khóc, thậm chí không có bất kỳ phản ứng nào. Lúc này, bác sĩ có thể sẽ hút mũi, miệng và cổ họng để giúp loại bỏ ra khỏi đường hô hấp, giúp trẻ thở dễ dàng hơn. Ở trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đặt một ống vào cổ họng của trẻ để hút phân ra từ khí quản, tiếp đó cho trẻ thở bằng hỗ trợ hô hấp.

Khi nào bé dễ hít phải phân su thai nhi?

Trẻ sơ sinh có nguy cơ hít phải phân su cao hơn nếu thai kỳ kéo dài hơn 40 tuần. Mẹ sinh muộn, quá ngày dự sinh thì khả năng trẻ đi ngoài phân su ngay khi còn trong bụng mẹ sẽ cao hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ đi ngoài phân su khi còn trong bụng mẹ:

  • Mẹ bị tiền sản giật.
  • Mẹ quá căng thẳng trong quá trình chuyển dạ, sinh nở.
  • Mẹ nhiễm trùng chu sinh.
  • Mẹ sử dụng chất kích thích như ma túy, Cocain,… trong thai kỳ.

Phân su ở trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu?

Trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài phân su trong khoảng 24 – 48 giờ sau sinh. Sau khi trẻ bú sữa non hoặc sữa công thức dành cho trẻ mới chào đời, loại sữa này sẽ có tác dụng như chất nhuận tràng giúp đẩy ra bên ngoài. Phân su có thể sẽ kéo dài cho đến hết một vài ngày sau đó. Sau khi loại bỏ hết, phân của trẻ sơ sinh sẽ dần chuyển thành phân bình thường.

Phân su có tác dụng gì với trẻ sơ sinh?

Phân su đặc, có độ dính cao, được hình thành và tích tụ trong hệ thống ruột của trẻ, bám vào ruột già và được đẩy ra khỏi ruột khi trẻ đủ tháng. Quá trình đẩy phân ra ngoài là một hiện tượng sinh lý bình thường, cho thấy hệ thống ruột của trẻ đang hoạt động bình thường. Do đó, nếu trẻ không đi ngoài trong 48 giờ đầu, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp sớm. (2)

Phân su là dấu hiệu cho thấy hệ thống ruột của trẻ
Phân su là dấu hiệu cho thấy hệ thống ruột của trẻ đang hoạt động bình thường.

>>>Xem thêm: Màu phân ở trẻ sơ sinh có ý nghĩa gì? 

Một số bệnh lý phân su trẻ sơ sinh thường gặp

Một số trường hợp, trẻ sơ sinh có thể mắc các bệnh lý phân su nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và hỗ trợ tích cực như:

1. Hít phân su

Với đặc tính đặc và dính, trẻ sơ sinh vô tình hít phải phân su có thể bị bít tắc đường thở, khiến trẻ khó thở. Tình trạng trẻ hút phải phân su vào phổi được gọi là hội chứng hít phân su (MAS). Hội chứng có thể xảy ra trước, trong hoặc ngay sau sinh, gây rối loạn quá trình hô hấp của trẻ, dẫn đến suy hô hấp nặng, nhiễm trùng, thậm chí gây tử vong ở trẻ sơ sinh. (3)

Bệnh chiếm khoảng 5% số trẻ được sinh ra mỗi năm. Hầu hết các trường hợp này, trẻ đều được cứu chữa kịp thời và khôi phục sau khi hít phải phân su. Tuy nhiên, nguy cơ trẻ mắc bệnh hen về sau khá cao.

2. Tắc ruột phân su

Tắc ruột do phân su là hiện tượng phân su dính bất thường khiến ruột bị tắc ở đoạn cuối của hồi tràng. Tắc ruột phân su là một trong những dấu hiệu ban đầu của bệnh xơ nang ở trẻ – bệnh lý rối loạn di truyền khiến cơ thể tiết nhiều dịch nhầy và mồ hôi, ảnh hưởng chủ yếu đến hệ hô hấp và hệ tiêu hóa, về lâu có thể gây biến chứng ở nhiều cơ quan khác. Theo thống kê, có khoảng 80 – 90% trẻ mắc bệnh xơ nang trong tương lai.

Hiện tượng này chiếm khoảng 33% tổng số ca tắc ruột non ở trẻ sơ sinh. Ngoài việc không đi ngoài trong những ngày đầu, trẻ sơ sinh còn có thể có biểu hiện nôn (có thể có dịch mật) và chướng bụng. Tiên lượng của trẻ tương đối nặng. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu không gây biến chứng (xoắn ruột, hẹp thành ruột hay thủng ruột).

3. Teo ruột non

Teo ruột non (Intestinal Atresia) là tình trạng ruột non bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc ở một số vị trí bất kỳ do ruột bị teo ruột bẩm sinh. Các chuyên gia cho biết, bệnh teo ruột ở trẻ sơ sinh xảy ra do thai nhi không được cung cấp đủ máu đến ruột để nuôi dưỡng ruột phát triển bình thường. Ngoài hiện tượng không đi ngoài trong 48 giờ đầu, trẻ mắc bệnh còn có các biểu hiện như chướng bụng, nôn và không chịu bú.

4. Nút nhầy phân su

Hội chứng nút nhầy phân su là tình trạng đại tràng bị tắc nghẽn do quá đặc. Tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ sơ sinh là 1/500. Bệnh có nguy cơ mắc cao hơn ở trẻ sinh non, mẹ bị đái tháo thường hay có sử dụng Magie Sunfat để trị tiền sản giật hay bị sản giật. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có đến 16% trường hợp trẻ mắc hội chứng nút nhầy phân su có liên quan đến việc mẹ sử dụng thuốc chống co thắt Magie Sunfat. Ngoài ra, trẻ mắc phải hội chứng này còn có nguy cơ mắc bệnh Hirschsprung và bệnh xơ nang cao.

5. Hirschsprung

Bệnh Hirschsprung là một dị tật bẩm sinh liên quan đến sự suy giảm phân bố của các hạch thần kinh ở phần thấp đường tiêu hóa, thường giới hạn ở phần xa đại tràng (chiếm 75% trường hợp). Bệnh dẫn đến sự tắc nghẽn chức năng một phần hoặc toàn bộ, khiến trẻ không đi được trong 48 giờ đầu (chiếm khoảng 50 – 90% trẻ mắc bệnh).

Tỷ lệ xuất hiện bệnh là 1/5000 trẻ sơ sinh. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 4 lần so với nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh Hirschsprung vô hạch toàn bộ đại tràng ở cả nam và nữ là như nhau. Trẻ mắc bệnh này có thể mắc một số bệnh lý đi kèm khác như hội chứng Down, hội chứng Haddad, hội chứng loạn sản thần kinh ruột (IND), hội chứng Waardenburg,…

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Trung tâm Sơ sinh, PlinkCare theo địa chỉ:

Trẻ sơ sinh đi ngoài phân su là biểu hiện cho hệ thống ruột của trẻ vẫn đang hoạt động bình thường, khỏe mạnh, do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ không đi ngoài phân su trong 48 giờ hoặc nhận thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ ngay lập tức.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send