
Phác đồ giờ vàng là gì? Lợi ích của kỹ thuật mang lại cho trẻ sinh non
Phác đồ giờ vàng là gì?
Phác đồ giờ vàng là khái niệm được R. Adams Cowley – Bác sĩ phẫu thuật của quân đội Mỹ đã sáng tạo vào năm 1957, nhấn mạnh tầm quan trọng của cấp cứu trong 60 phút đầu sau chấn thương, ngăn ngừa tử vong cho nạn nhân. Theo đó, “giờ vàng” chỉ khoảng thời gian can thiệp các biện pháp y tế để cứu sống cũng như ngăn chặn các bệnh tật, biến chứng nghiêm trọng.
Năm 2009, Reynold đã mượn lại thuật ngữ “giờ vàng” này để áp dụng cho Sơ sinh, Hồi sức sơ sinh. Tại đây, “giờ vàng” được sử dụng để chỉ 60 phút đầu sau sinh của trẻ sinh non. Trong khoảng thời gian này, các biện pháp y tế, chăm sóc, hồi sức sơ sinh sẽ được thực hiện để giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan đến trẻ sinh non, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cho trẻ. (1)
Đến năm 2014, Castrodale đã xây dựng phác đồ “Giờ Vàng”, hướng dẫn chăm sóc trẻ sinh non trong 60 phút đầu đời một cách hệ thống, an toàn và hiệu quả nhất.
Năm 2018, TS.BS Cam Ngọc Phượng – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh PlinkCare TP.HCM sang Australia du học, chứng kiến trẻ sinh non được chăm sóc nhẹ nhàng nhờ can thiệp sớm 60 phút đầu đời. Về nước, bác sĩ cùng đồng nghiệp nghiên cứu, xây dựng phác đồ “giờ vàng”, với mong muốn giảm nguy cơ đặt nội khí quản, giảm tỷ lệ thở máy xâm lấn, từ đó giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhi.
Theo GS.TS.BS Ngô Minh Xuân – Chủ tịch Liên chi Hội Chu sinh – Sơ sinh TP.HCM, hiện nay tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh rất cao không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, đặc biệt nhóm trẻ sinh cực non, nguy cơ tử vong cao hàng đầu. Mỗi năm nước ta có khoảng 100.000 – 110.000 trẻ chào đời non tháng và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.
Trẻ non tháng có nhiều nguy cơ sau sinh, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, nhiễm trùng dẫn tới suy hô hấp tiến triển nặng và tử vong. Nhóm trẻ này tử vong 64% so với trẻ bình thường.
Nghiên cứu về sinh lý ở trẻ sơ sinh cho thấy, mức đường huyết của trẻ giảm sau kẹp rốn nửa tiếng. Mức đường huyết giảm nhiều sau khoảng 60 phút không điều trị kịp thời, gây tổn thương não, di chứng nặng về sau cho trẻ. Do đó, trẻ sinh non cần truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh.
Ngoài ra, trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm trùng tăng gấp 3 lần so với trẻ đủ tháng. Nhiều tài liệu nghiên cứu khẳng định nguy cơ tăng gấp 10 lần so với trẻ đủ tháng, do hệ miễn dịch chưa trưởng thành. 63% trường hợp nhiễm trùng sơ sinh để lại di chứng về sau. Nhất là ảnh hưởng thính lực, tăng nguy cơ co giật, thở Oxy kéo dài.
Phác đồ giờ vàng được áp dụng tại phòng sinh, khoa hồi sức sơ sinh cấp độ 3, cho trẻ sinh non dưới 32 tuần, đặc biệt là trẻ sinh non dưới 28 tuần; tập trung vào hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh, ổn định hô hấp với phương pháp thở không xâm lấn (CPAP), giúp giảm nguy cơ đặt nội khí quản ở trẻ sơ sinh suy hô hấp, ổn định thân nhiệt sớm. Sau đó truyền dung dịch đường, đạm sớm, và có thể cho kháng sinh đối với em bé nguy cơ nhiễm khuẩn… giúp tăng khả năng sống sót và phát triển khỏe mạnh cho bé, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non và cực non, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi mãn tính, giảm di chứng, khuyết tật về thính giác, thị giác cũng như đảm bảo sự phát triển về não bộ, thần kinh cho trẻ…

Yếu tố phác đồ giờ vàng
Trẻ sinh non không có đủ thời gian để phát triển hoàn thiện các cơ quan trước khi chào đời, do đó ngay từ giai đoạn đầu sau sinh trẻ rất dễ gặp phải 4 biến chứng:
- Suy hô hấp: Phổi và các cơ quan thuộc hệ hô hấp thường bắt đầu phát triển và hoàn thiện ở giai đoạn cuối của thai kỳ.
- Hạ thân nhiệt: Trẻ sinh non chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt nên khi mới chào đời, việc kiểm soát thân nhiệt cho trẻ không phù hợp sẽ khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao, đến 64%.
- Hạ đường huyết: Sau khi kẹp rốn, đường huyết của trẻ sinh non giảm nhanh chóng, từ đó có thể gây ra các tổn thương não nghiêm trọng.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là yếu tố cần đặc biệt chú ý ở trẻ sinh hon. Nguy cơ trẻ sinh non bị nhiễm trùng cao hơn trẻ sinh đủ tháng từ 3 – 10 lần.
Nhằm giúp trẻ sinh non giảm nguy mắc phải các biến chứng trên, phác đồ “giờ vàng” được thực hiện ngay trong phòng sanh, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ bác sĩ Sơ sinh, bác sĩ Sản khoa và Ekip phòng sanh. Phác đồ bao gồm nhiều yếu tố:
- Hồi sức phòng sinh, hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp không xâm lấn, ổn định hô hấp.
- Duy trì nhiệt độ ổn định, từ 36.5 – 37.4 độ C.
- Phòng ngừa hạ thân nhiệt.
- Kẹp rốn muộn.
- Thời gian bắt đầu truyền tĩnh mạch Glucose, kháng sinh.
- Thời gian cho trẻ vào lồng ấp kín.
- Phòng ngừa nhiễm trùng, đặc biệt nhiễm trùng huyết.
Lợi ích của kỹ thuật phác đồ giờ vàng
Từ 2021 – 2022, theo dõi trên 75 trẻ sinh non từ 27,5 – 28 tuần được điều trị thành công tại Trung tâm Sơ sinh – Hệ thống PlinkCare TP.HCM cho thấy, khi áp dụng phác đồ “giờ vàng”, tỷ lệ phải đặt nội khí quản ở trẻ giảm 62.5% xuống 26%. Đồng thời, chi phí điều trị trung bình của trẻ giảm xuống 30 – 40%.
Phác đồ “giờ vàng” là bước chăm sóc chuẩn đầu tiên cho trẻ sinh rất non ngay tại phòng sinh, mang đến nhiều lợi ích cho trẻ.
- Giảm tỷ lệ đặt nội khí quản.
- Giảm thở máy xâm lấn.
- Giảm chi phí điều trị.
- Giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm.
- Tăng tỷ lệ sống và phát triển khỏe mạnh cho trẻ sinh non.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ sinh non.
>>>Có thể bạn chưa biết: Phác đồ “giờ vàng” cứu sống trẻ sinh cực non chỉ 740g tại Tâm Anh
Quy trình thực hiện kỹ thuật phác đồ giờ vàng
Khi tiếp nhận một ca sinh non, bác sĩ Sản khoa sẽ thông báo cho bác sĩ Sơ sinh để cung cấp thông tin về tình trạng chung của cả sản phụ và thai nhi để có chuẩn bị phù hợp. Tiếp đó, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế thuộc khoa Sơ sinh đã được tập huấn về kỹ thuật phác đồ giờ vàng sẽ có mặt tại phòng sanh.
Khi em bé vừa được đưa ra khỏi bụng mẹ, trong khoảng 10 phút đầu, các nữ hộ sinh sẽ giúp trẻ ổn định thân nhiệt bằng cách cho trẻ nằm trên giường sưởi (để sẵn ở chế độ Manual, để tạo nhiệt tối đa), tăng nhiệt độ phòng sanh lên 25 độ C và đặt trẻ vào túi nhựa ủ ấm trên đệm ấm cho trẻ. Song song với đó, các bác sĩ hồi sức phòng sanh sẽ tiến hành ổn định hô hấp cho trẻ bằng phương pháp NCPAP (thở không xâm lấn) hoặc NIPPV.
Khi trẻ mới chào đời, các bác sĩ Hồi sức sơ sinh sẽ đánh giá nhịp tim và hô hấp của trẻ, từ đó xác định vị trí đặt nội khí quản cho trẻ và chuẩn bị đặt TMR cho trẻ. Điều dưỡng của khoa Hồi sức sơ sinh sẽ hỗ trợ theo dõi thông khí cho trẻ. Tiếp đó, đưa trẻ về khoa Hồi sức sơ sinh khi đã ổn định. Trong quá trình di chuyển từ phòng sanh về phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non (NICU), trẻ sẽ được nằm trong lồng ấp chuyển bệnh để giữ ấm và được theo dõi nồng độ bão hòa Oxy trong máu, nhịp tim và cung cấp với lượng Oxy vừa đủ để tránh các biến chứng do thiếu/thừa Oxy về sau.
Khi được về phòng Hồi sức sơ sinh, bác sĩ sẽ tiến hành đặt Catheter rốn cho trẻ. Trẻ sẽ tiếp tục được bơm Surfactant bằng kỹ thuật ít xâm lấn để hỗ trợ nở phổi. Trẻ được theo dõi thân nhiệt, tiêm Vitamin K1, truyền tĩnh mạch, chụp X-quang để đánh giá phổi nở, vị trí đặt nội khí quản và cân nhắc điều chỉnh Catheter rốn (nếu cần). Cuối cùng, trẻ sẽ được truyền kháng sinh, TPN và ngưng truyền Dextrose 10%, đặt trong lồng ấp kín có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp theo dõi trong 1 giờ.

Những khó khăn, thách thức của phác đồ giờ vàng
Tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng hiện phác đồ “giờ vàng” hiện vẫn chưa được áp dụng rộng rãi do còn nhiều khó khăn, phải kể đến như:
- Cần có đội ngũ y bác sĩ, các nhân viên kinh tế giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu, tập huấn thường xuyên về phác đồ “giờ vàng”.
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ, nhân viên y tế từ nhiều chuyên khoa: Sản, Nhi – Sơ sinh.
- Cần có đầy đủ các máy móc, trang thiết bị hiện đại, tân tiến.
GS.TS.BS Ngô Minh Xuân cho biết, đối với sơ sinh nói riêng, phác đồ giờ vàng với điểm nhấn sử dụng phương pháp thở không xâm lấn (CPAP) sớm tại phòng sinh là một trong bước quan trong ngay sau sinh giúp trẻ sinh non và cực non giảm suy hô hấp, cải thiện được dư hậu sau sinh, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ có nguy cơ, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng. Phác đồ này cũng góp phần giảm chi phí cho gia đình và xã hội.
“Tôi đánh giá phác đồ giờ vàng là sự đổi mới về tư duy, cập nhật kỹ thuật hiện đại trong điều trị trẻ sinh rất non và cực non”, GS Ngô Minh Xuân nói thêm.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:
Trên đây là những thông tin hữu ích về “Phác đồ giờ vàng”. Phác đồ mở ra nhiều cơ hội cho trẻ sinh non, đặc biệt là trẻ sinh cực non, giúp trẻ tăng khả năng sống sót và phát triển khỏe mạnh.