
Nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên: Quy trình thực hiện
Nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên là gì?
Nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên là kỹ thuật kết hợp nội soi và siêu âm. Trong đó, nội soi cho phép bác sĩ kiểm tra trực quan ống tiêu hóa bằng cách sử dụng ống soi dài và mềm, có gắn camera để luồn từ miệng, mũi vào đường tiêu hóa của người bệnh. Phương pháp này hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa, bệnh lý gan-mật-tụy.
Trong một số trường hợp đặc biệt, nội soi sẽ được kết hợp siêu âm để tăng hiệu quả chẩn đoán. Một đầu dò siêu âm được gắn với ống nội soi để tạo các hình ảnh chuyên biệt về thành thực quản, dạ dày, và các cơ quan lân cận; hoặc có thể hỗ trợ bác sĩ quan sát các cơ quan khó tiếp cận như tuyến tụy.
Đường tiêu hóa trên gồm những bộ phận như thực quản, dạ dày, tá tràng. Nếu xuất hiện các triệu chứng điển hình như đau dữ dội tại vùng thượng vị, cồn cào, nóng rát; khi thời tiết thay đổi thì bị hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, lợm giọng, buồn nôn, nôn…, bạn có thể đã gặp phải những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa trên.
Điển hình là tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa trên với những triệu chứng cụ thể như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, hoa mắt, chóng mặt, mệt lịm (có khi vật vã), thở nhanh, vã mồ hôi, tiểu ít (có khi vô niệu). Bệnh khi tiến triển nghiêm trọng có thể gây sốc, lơ mơ, lạnh đầu chi, vã mồ hôi, mạch nhanh và nhỏ khó bắt, huyết áp hạ …(1)
Một số nguyên nhân phổ biến gây ra những bệnh lý đường tiêu hóa trên như:
- Loét dạ dày: Người bị nhiễm helicobacter pylori, sử dụng thuốc kháng viêm nonsteroid trong thời gian dài như ibuprofen, aspirin… có nguy cơ cao bị loét dạ dày.
- Vỡ tĩnh mạch thực quản: Xơ gan là nguyên nhân phổ biến gây vỡ tĩnh mạch thực quản.
- Hội chứng Mallory-Weiss: Người bệnh bị nôn nhiều dẫn tới tình trạng rách niêm mạc tâm vị-thực quản hoặc gia tăng áp lực trong bụng do ho, thoát vị, hay bẩm sinh cũng có khả năng gây rách.
- Viêm dạ dày: Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và một số loại thuốc khác, tình trạng nhiễm khuẩn… có thể làm gia tăng nguy cơ viêm dạ dày.
- U lành tính, ung thư: Các khối u lành tính và ung thư ở dạ dày, thực quản, tá tràng có khả năng gây xuất huyết hoặc tắc nghẽn đường tiêu hóa trên.
Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
1. Chỉ định nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên
1.1 Chỉ định chính
- Chẩn đoán những bất thường ở khu vực dưới niêm mạc của ống tiêu hóa
- Phân biệt tổn thương tại thành ống tiêu hóa hoặc từ bên ngoài
- Đánh giá cấu trúc và kích thước của khối u
- Đánh giá độ dày của những lớp niêm mạc dạ dày
- Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản (varices) tại thực quản, dạ dày
- Xác định giai đoạn của những khối u ở đường tiêu hóa
- Chẩn đoán các bệnh ở tụy, đường mật
- Xác định giai đoạn ung thư
- Xác định vị trí của những khối u
- Phát hiện sỏi, giun, u ở trong ống mật chủ
- Bệnh viêm tụy mạn
1.2 Chỉ định khác
- Đánh giá kết quả điều trị giãn tĩnh mạch thực quản
- Bệnh nhu động thực quản
- Chẩn đoán, phân loại ung thư
- Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi
- Đánh giá nguy cơ chảy máu tại ổ loét
- Dẫn lưu túi mật, đường mật-tụy vào dạ dày
- Dẫn lưu nang giả tụy dưới sự hướng dẫn của siêu âm nội soi
- Phá hủy đám rối thần kinh tạng giúp giảm đau
- Đốt các khối u gan, u tụy bằng sóng cao tần (RFA)
2. Chống chỉ định nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên
Các trường hợp chống chỉ định nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên như các bệnh lý thực quản có khả năng làm thủng thực quản do hóa chất và thuốc gây hẹp thực quản; phình tách động mạch chủ; suy tim, tụt huyết áp; suy hô hấp; nhồi máu cơ tim cấp; cơn tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, một số trường hợp chống chỉ định tương đối gồm người quá già yếu và suy nhược; bệnh nhân tâm thần không có khả năng phối hợp; người ho nhiều; bệnh nhân bị gù vẹo cột sống.
Quy trình nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên
1. Chuẩn bị trước khi nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên
1.1 Phương tiện dụng cụ và thuốc
- Dụng cụ gồm máy siêu âm nội soi, máy hút, nguồn sáng, màn hình, ngáng miệng, máy theo dõi mạch, huyết áp, SpO2.
- Thuốc gồm buscopan, fentanyl hay propofol, midazolam.
1.2 Người thực hiện
Ê kíp thực hiện sẽ gồm 1 bác sĩ chuyên khoa nội soi tiêu hóa và 1 điều dưỡng dụng cụ nội soi
1.3 Người bệnh
Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên. Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh những thông tin cần thiết như lợi ích và biến chứng của thủ thuật. Khám tiền mê trước thủ thuật.
1.4 Hồ sơ bệnh án
Bệnh nhân nội trú cần có bệnh án.
2. Thực hiện nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên
- Kiểm tra máy soi
- Tư thế của bệnh nhân: Hướng dẫn người bệnh nằm nghiêng sang trái, ngậm ngáng miệng.
- Vô cảm: Tiến hành tiền mê với Propofol/midazolam/fentanyl gây mê tĩnh mạch hay nội khí quản tùy theo từng trường hợp. Luôn theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở của bệnh nhân.
- Đưa ống soi qua thực quản đến dạ dày: Khi thấy hang vị và môn vị, bác sĩ sẽ tiến hành đưa máy vào hành tá tràng, xuống tới đoạn hai tá tràng.
- Nhận định tổn thương: Bác sĩ tiến hành từ đoạn xa nhất như đoạn xuống tá tràng. Trong khi rút máy lên một cách nhẹ nhàng, những hình ảnh siêu âm được xem như những mốc định hướng các tạng xung quanh dạ dày như gan mật tụy lách. Ở thực quản, đoạn xuống của quai động mạch chủ và nhĩ trái được xem là mốc giải phẫu định hướng.
- Thăm dò nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên: Bác sĩ trực tiếp áp sát đầu dò lên lớp niêm mạc của đường tiêu hóa dưới sự hướng dẫn của nội soi. Để tạo cửa sổ siêu âm có thể gắn bóng đầu ống soi hoặc bơm nước trực tiếp vào lòng ống tiêu hóa, hỗ trợ bác sĩ quan sát thành dạ dày và những tạng xung quanh. (2)
Nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên có rủi ro hay biến chứng không?
Nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên là phương pháp thăm dò an toàn, nguy cơ xuất hiện biến chứng rất thấp. Các biến chứng có thể xuất hiện gồm:
- Rách/thủng thành ống tiêu hóa
- Chảy máu
- Một số ít người bệnh gặp phản ứng bất lợi từ thuốc an thần và giảm đau tiêm tĩnh mạch
Để hạn chế rủi ro cho sức khỏe, khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh nên đi đến các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng các trang thiết bị hiện đại.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) thuộc Hệ thống PlinkCare là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng.
Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp cũng dẫn đầu với các kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật nội soi ổ bụng với các tên tuổi chuyên gia như TTƯT.PGS.TS Triệu Triều Dương, ThS.BS.CKII Nguyễn Văn Trường, ThS.BS Lê Văn Lượng… Các chuyên gia thuộc lĩnh vực nội soi tiêu hóa tiêu biểu như TS.BS Vũ Trường Khanh, BSNT Đào Trần Tiến, BSNT Hoàng Nam, BS.CKII Bùi Quang Thạch…
Ngoài ra, bệnh viện còn được trang bị hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên là bước tiến vượt bậc trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa. Hiện kỹ thuật này đã bổ sung những hạn chế cho các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác, qua đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.