Image

Nội soi khớp cổ tay: Chỉ định thực hiện, quy trình và phục hồi sau mổ

Nội soi khớp cổ tay là gì?

Nội soi khớp cổ tay là một loại phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được thực hiện nhằm phát hiện tổn thương, chẩn đoán và điều trị các vấn đề bên trong cổ tay. Phương pháp này thường tiến hành sau chấn thương hoặc khi vị trí xuất hiện hiện tượng sưng đau khó chịu. Đây là cách tốt nhất để xem xét các tổn thương một cách trực tiếp, giúp quá trình điều trị về sau trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn. Ngoài ra, nội soi cổ tay cũng có thể được sử dụng để nắn chỉnh các vết gãy, loại bỏ hạch, nhiễm trùng…(1)

Trong quá trình phẫu thuật, một camera nhỏ sẽ được gắn cố định vào đầu ống hẹp – thiết bị được đi qua vết cắt nhỏ trên da, tại mặt sau khớp cổ tay. Mọi hình ảnh thu được trong quá trình thực hiện sẽ chiếu trực tiếp lên màn hình lớn để thuận tiện cho việc theo dõi. Từ đây, bác sĩ có thể quan sát rõ các dây chằng, bề mặt sụn của xương. Trong đó, một số bộ phận dây chằng với nguồn cung cấp máu tốt sẽ được giữ lại và tiến hành chữa lành, trường hợp ngược lại sẽ bị cắt bỏ.

nội soi cổ tay là gì

Ưu điểm so với các phương pháp khác

Nội soi khớp cổ tay hiện đang được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị bệnh. So với các phương pháp khác, thủ thuật này cho thấy nhiều ưu điểm nổi trội như sau: (2)

  • Hạn chế mất máu: Các vết mổ có kích thước nhỏ, ít mất máu nên người bệnh hầu như không cần truyền máu trong quá trình nội soi.
  • Sẹo để lại nhỏ: Những vết rạch thực hiện trong quá trình nội soi chỉ dài chưa đến 1,3cm do đó sẹo để lại sau phẫu thuật thường có kích thước nhỏ, thời gian lành nhanh.
  • Cho thấy rõ những tổn thương bên trong khớp cổ tay: Các xét nghiệm như chụp MRI, chụp CT không thể cho thấy các tổn thương trên bề mặt khớp, dây chằng, sự tiến triển của vết thương… Tuy nhiên, phương pháp nội soi có thể làm được điều này.
  • Ít đau: So với mổ hở truyền thống, nội soi khớp không tạo ra các vết rạch lớn trên da và mô, do đó người bệnh sẽ cảm thấy ít đau hơn.
  • Thời gian phục hồi nhanh hơn: Nội soi ít xâm lấn hơn so với mổ hở truyền thống vì vậy thời gian hồi phục sẽ ngắn hơn. Thậm chí, nhiều trường hợp, người bệnh sau phẫu thuật không cần ở lại bệnh viện qua đêm.
  • Hạn chế biến chứng: Nội soi khớp cổ tay là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nên biến chứng để lại ít hơn so với mổ hở truyền thống.
  • Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng: Vết rạch tạo ra trong quá trình nội soi có kích thước nhỏ, hạn chế được sự xâm nhập của vi trùng, vi khuẩn nên nguy cơ nhiễm trùng cũng thấp hơn mổ hở.

Chỉ định thực hiện

Nội soi chẩn đoán

Nội soi chẩn đoán sẽ được thực hiện nếu không xác định rõ nguyên nhân gây đau cổ tay hoặc tình trạng đau kéo dài phẫu thuật mặc dù điều trị nội khoa. Trước khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành một số bước sau:

  • Thực hiện khám sức khỏe bàn tay và cổ tay.
  • Tìm hiểu về tiền sử bệnh.
  • Thực hiện các bài kiểm tra nhằm xác định vị trí đau.
  • Tiến hành chụp X-quang, cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang sau khi tiêm thuốc vào khớp.

Thông thường, phẫu thuật nội soi khớp cổ tay chỉ yêu cầu gây tê bàn tay và cánh tay. Thuốc an thần cũng có thể được sử dụng để giúp người bệnh cảm thấy thư giãn hơn. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch hai hoặc nhiều vết rạch nhỏ trên mặt sau cổ tay. Lúc này, máy nội soi khớp và một số dụng cụ cần thiết sẽ đi qua (bao gồm cả camera) để tiến hành điều trị theo từng chấn thương. Kết thúc phẫu thuật, các vết mổ được đóng lại bằng một mũi khâu nhỏ, sau đó băng bó hoặc sử dụng thêm thanh nẹp (nếu cần thiết).

Điều trị chấn thương

Phương pháp nội soi ống cổ tay được sử dụng để điều trị một số chấn thương thường gặp sau:

  • Đau cổ tay mãn tính.
  • Gãy xương cổ tay.
  • U nang hoạt dịch.
  • Hội chứng ống cổ tay.
  • Rách phức hợp sụn sợi tam giác cổ tay ( TFCC)

Biến chứng có thể xảy ra

  • Chảy máu vào khớp.
  • Nhiễm trùng khớp cổ tay.
  • Đau dữ dội tại vị trí phẫu thuật.
  • Cánh tay và bàn tay bị cứng, mất khả năng vận động.
  • Gây tổn thương cho các dây thần kinh xung quanh khớp.
  • Tổn thương gân.

Quy trình thực hiện mổ nội soi khớp cổ tay

Chuẩn bị

Người bệnh có thể được gây mê toàn thân trước khi thực hiện phẫu thuật. Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ và không còn cảm thấy đau trong quá trình mổ. Nhiều trường hợp, người bệnh chỉ được gây tê vùng cánh tay và cổ tay.

Dụng cụ chính được sử dụng trong suốt quá trình phẫu thuật là máy nội soi khớp. Thiết bị bao gồm một tập hợp các sợi quang học có tác dụng chiếu sáng và làm nổi bật mọi chi tiết bên trong khớp cổ tay. Ngoài ra, camera gắn kèm sẽ có chức năng thu thập, chuyển hình ảnh về màn hình để bác sĩ quan sát, theo dõi trong suốt thời gian nội soi.

chuẩn bị thực hiện nội soi

Tiến hành nội soi

  • Bước 1: Bác sĩ đưa ống soi khớp (có gắn kèm camera) vào cổ tay thông qua một vết rạch nhỏ.
  • Bước 2: Kiểm tra tất cả các mô trên cổ tay bao gồm sụn, xương, gân và dây chằng.
  • Bước 3: Tiến hành sửa chữa các mô bị hư hỏng bằng cách tạo thêm 1 – 3 vết rạch nhỏ và chèn các dụng cụ hỗ trợ vào những vị trí này.
  • Bước 4: Kết thúc quá trình phẫu thuật, các vết mổ sẽ được khâu và băng lại.

Theo dõi và xử lý biến chứng

Sau khi kết thúc quá trình nội soi, người bệnh cần nằm lại phòng hồi sức từ 1 – 2 giờ đồng hồ để theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các phản ứng không mong muốn (nếu có). Ngoài ra, một số biến chứng có thể gặp phải gồm: nhiễm trùng, chấn thương dây thần kinh, sưng tấy, chảy máu, sẹo hoặc rách gân. Hầu hết các trường hợp đến thực hiện nội soi, bác sĩ đều tư vấn trước về những vấn đề không mong muốn có thể xảy ra sau đó. Tùy theo từng trường hợp, cách xử lý sẽ khác nhau.

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật nội soi khớp cổ tay

Thời gian phục hồi sau nội soi cổ tay thường là 6 tuần. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi phụ thuộc vào tình trạng chấn thương cũng như quá trình điều trị. Chẳng hạn, trường hợp sửa chữa các mô tổn thương sẽ cần thời gian phục hồi lâu hơn. (3)

Sau nội soi, cổ tay và khu vực xung quanh thường có xu hướng bị bầm tím, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Theo thời gian, vị trí này cũng sẽ mềm và sưng lên. Trong trường hợp đó, việc sử dụng thuốc giảm đau kết hợp chườm lạnh sẽ giúp cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu tình trạng bầm tím, sưng tấy kéo dài hơn 3 tuần, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn giải pháp tốt nhất.

Ngay sau khi phẫu thuật, người bệnh cần hạn chế các hoạt động tập luyện, làm việc… cường độ cao cho đến khi sức khỏe ổn định trở lại. Đặc biệt, việc lái xe chỉ nên bắt đầu lại sau nội soi ít nhất khoảng 7 ngày. Tất cả đều nhằm mục đích giúp cổ tay có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục đúng cách.

Ngoài ra, người bệnh nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn chi tiết về cách chăm sóc, thực hiện vật lý trị liệu sau phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật và nhóm chăm sóc của bạn sẽ làm việc với bạn và tư vấn về các hoạt động và vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật để giữ cho cổ tay và ngón tay của bạn cử động và giảm sưng ở mức tối thiểu.

quá trình phục hồi

Một số lưu ý khi thực hiện (nếu có)

Trước khi tiến hành nội soi

  • Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược đang sử dụng.
  • Người bệnh có thể được yêu cầu tạm thời ngưng sử dụng thuốc làm loãng máu, gồm: Aspirin, Ibuprofen (Advil, Motrin), Naproxen (Naprosyn, Aleve)…
  • Người bệnh cần trao đổi trước với bác sĩ về tình trạng bệnh lý đang gặp phải như: tiểu đường, bệnh tim, cảm lạnh, cúm, sốt…

Trong thời gian nội soi

  • Người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về thời gian ăn uống.
  • Người bệnh cần đến bệnh viện đúng giờ, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ theo căn dặn trước đó của bác sĩ.

Sau khi tiến hành nội soi

  • Người bệnh cần ở lại phòng hồi sức khoảng từ 1 – 2 giờ đồng hồ để theo dõi các phản ứng trên cơ thể.
  • Thực hiện chăm sóc vết mổ theo căn dặn của bác sĩ để đảm bảo quá trình phục hồi được diễn ra thuận lợi: chườm lạnh giảm đau, giữ băng luôn khô và sạch, thay băng đúng giờ, đeo nẹp…

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống PlinkCare, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

PlinkCare còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả thông tin liên quan đến nội soi khớp cổ tay. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, tránh các rủi ro không mong muốn.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send