
Nói mớ khi ngủ là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị
Nói mớ khi ngủ là bệnh gì?
Nói mớ khi ngủ (tên khoa học là somniloquy), là một rối loạn giấc ngủ đặc trưng bởi tình trạng nói chuyện vô thức, không chủ ý trong khi ngủ. Chứng ngủ nói mớ hay nói mơ thường người bệnh không thể tự kiểm soát được, tương tự như nghiến răng hoặc mộng du. (1)
Tình trạng nói mớ khi ngủ có thể xảy ra trong cả hai giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM) hoặc chuyển động mắt nhanh (REM). Nói chuyện trong khi ngủ có thể xảy ra đối với trẻ em sau một ngày vui chơi và người lớn sau một ngày hoạt động nhiều hoặc căng thẳng.
Nguyên nhân nói mớ khi ngủ
Nguyên nhân chính xác của việc nói mơ khi ngủ vẫn chưa được xác định rõ. Mặc dù nói mơ hay nói chuyện khi ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng tình trạng này cũng có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe như ngưng thở khi ngủ, đau đầu mãn tính, rối loạn giấc ngủ, … Một số yếu tố được cho là có liên quan đến việc nói mớ khi ngủ gồm có: (2)
1. Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân phổ biến khiến một người nói mớ khi ngủ. Khi ngủ chập chờn không sâu giấc, gặp ác mộng trong khi ngủ, nằm mơ khi ngủ,… thì người bệnh dễ nói mớ hay nói mơ hơn.
2. Trạng thái tinh thần không ổn định
Nguyên nhân nói mớ trong lúc ngủ cũng có thể liên quan đến các cảm xúc, trạng thái tinh thần không ổn định. Bên cạnh những cảm xúc tiêu cực như đau khổ, buồn bã, ám ảnh,… thì những cảm xúc tích cực như hưng phấn quá mức cũng có thể dẫn đến tình trạng này. (2)

3. Mệt mỏi
Mặc dù chưa có kết luận chính xác về mối liên hệ giữa nói mớ khi ngủ và triệu chứng mệt mỏi như thế nào, tuy nhiên những người từng gặp vấn đề nói chuyện trong lúc ngủ cho biết họ thường gặp tình trạng này vào những ngày mệt mỏi, kiệt sức, có trạng thái tinh thần căng thẳng không ổn định.
4. Ảnh hưởng của thuốc
Người bệnh khi sử dụng các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc an thần hay các loại thuốc gây nghiện thường có nguy cơ nói mớ trong khi ngủ cao hơn. Điều này được lý giải là do các loại thuốc gây kích thích thần kinh và làm cho người bệnh có những cảm xúc mãnh liệt.
5. Các bệnh lý
Nói chuyện trong lúc ngủ có thể là triệu chứng đi kèm của một số tình trạng bệnh lý nhất định, chẳng hạn như mất trí nhớ, bệnh Parkinson, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), cơn động kinh, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn,…
6. Di truyền
Một nghiên cứu được thực hiện về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói mớ khi ngủ đã chỉ ra rằng, có yếu tố di truyền đối với một số trường hợp ngủ hay nói mớ. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra chứng mất ngủ và rối loạn giấc ngủ có thể di truyền giữa các thành viên trong gia đình. Và nói mớ cũng là một dạng của rối loạn giấc ngủ nên có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái. (4)
Triệu chứng nói mớ khi ngủ
Triệu chứng nói trong lúc ngủ có thể thay đổi tùy theo từng người, có thể là nói chuyện, la hét, cười vô nghĩa, nói những câu rời rạc hoặc nói những đoạn đối thoại dài và có ý nghĩa giống hệt như khi đang thức. Người nói mớ hay nói mơ trong lúc ngủ có thể có vẻ như đang nói chuyện với chính mình hoặc đang nói chuyện với người khác.
Đặc điểm của việc nói trong lúc ngủ là những người gặp tình trạng này hầu như không nhớ, không biết việc gì đã xảy ra sau khi thức dậy. Họ chỉ được nghe kể lại thông qua một người khác.
Các triệu chứng nói mớ khi ngủ thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn (dưới 9 giây), ít khi kéo dài.
Ngủ hay nói mớ có nguy hiểm không?
Việc nói mớ khi ngủ không phải bệnh lý cũng không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe của người gặp tình trạng này.
Tuy nhiên, tình trạng này nếu kéo dài có thể liên quan đến các vấn đề rối loạn giấc ngủ hay các bệnh lý khác, do đó người bệnh nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh để được bác sĩ đánh giá. Ngủ không ngon giấc, dễ tỉnh giấc giữa đêm do nói mớ hay nói mơ trong thời gian dài cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mệt mỏi nên người bệnh không nên chủ quan.
Thường xuyên thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương, tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông, máy móc; tăng nguy cơ sai sót trong làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhìn chung, việc nói mớ khi ngủ không nguy hiểm nên không cần phải đến bệnh viện nếu bạn thỉnh thoảng nói mớ. Thay vào đó, bạn có thể áp dụng những cách cải thiện chất lượng giấc ngủ tại nhà, giúp ngủ sâu hơn, góp phần khắc phục tình trạng nói mớ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng nói mớ khi ngủ diễn ra nhiều lần liên tiếp và gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, đánh giá và tư vấn về cách điều trị, cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ sâu hơn và hạn chế việc nói chuyện trong lúc ngủ.
Để chẩn đoán nói mớ trong lúc ngủ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi lại nhật ký giấc ngủ để xem bạn ngủ bao nhiêu tiếng, bạn làm gì trước khi ngủ (có xem phim kinh dị, uống cà phê, tập thể dục mạnh,…), trước khi ngủ bạn cảm thấy như thế nào, sau khi thức dậy bạn có mệt mỏi uể oải không,..
Ngoài ra bạn cũng có thể được yêu cầu ở lại bệnh viện một đêm để thực hiện đo đa ký giấc ngủ. Máy đo sẽ ghi lại hoạt động não, nhịp tim, nhịp thở,… và các dấu hiệu sinh lý diễn ra trong lúc ngủ. Những thông tin này có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân khiến bạn nói mớ cũng như nhiều vấn đề khác, từ đó đưa ra lời khuyên giúp làm giảm các triệu chứng.
Bạn có thể đăng ký thăm khám tại Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống PlinkCare. Khoa chuyên thăm khám và điều trị rối loạn giấc ngủ và các bệnh lý thần kinh. Khoa quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ lành nghề, được đào tạo chuyên sâu và luôn tận tâm, hết mình vì người bệnh.
Bệnh viện còn đầu tư nhiều thiết bị máy móc tiên tiến, hỗ trợ cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh thần kinh như máy đo đa ký giấc ngủ, máy đo điện não, máy chụp CT 1975 lát cắt, máy chụp MRI 1,5 – 3 Tesla, máy kích thích từ trường xuyên sọ,…
Người nói mớ lúc ngủ thường nói những gì?
Những người nói mớ lúc ngủ có thể nói bất cứ điều gì. Đó có thể là những cụm từ hoặc những câu ngắn, hay những lời nói bâng quơ vô nghĩa. Người đang ngủ và nói mớ có thể nói nhiều câu liên tục, giống như đang trò chuyện với một ai đó.
Trong một số trường hợp, người nói mớ có thể nói lặp lại những câu mà người này đã nói vào ban ngày, hay những câu thoại mà người này đã nghe vào ban ngày. Hoặc họ cũng có thể nói những điều đang diễn ra trong giấc mơ của họ.
Những người nói mớ khi ngủ sẽ không nói những câu giống nhau và thậm chí, cùng một người ở những lần nói mớ khác nhau cũng sẽ nói những câu khác nhau.
Ai dễ nói mớ khi ngủ?
Tình trạng nói mớ trong lúc ngủ có thể xảy ra ở tất cả mọi người nhưng thường gặp ở trẻ em hơn người lớn. Có đến khoảng ½ trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi xảy ra hiện tượng nói chuyện trong khi ngủ và một số ít người lớn (khoảng 5%) gặp phải tình trạng trò chuyện trong lúc đang ngủ.

Việc nói mớ có thể thỉnh thoảng mới xảy ra hoặc diễn ra hằng đêm, tùy theo từng người. Các nghiên cứu cho thấy giới tính không ảnh hưởng đến nguy cơ nói mớ hoặc tần suất nói mớ của một người.
Bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị nói mớ khi ngủ hơn nếu thường xuyên bị căng thẳng, áp lực, luôn trong trạng thái lo lắng,.. Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên tham gia các hành động gây kích thích, xem phim kinh dị hay chứng kiến những yếu tố gây sợ hãi,… thì bạn cũng có nguy cơ bị nói mớ khi ngủ cao hơn.
Có nên đánh thức người nói mớ trong lúc ngủ không?
Bản thân tình trạng nói mớ khi ngủ là vô hại và không gây ảnh hưởng nhiều đối với sức khỏe. Bạn không cần phải đánh thức người đang nói chuyện trong lúc ngủ.
Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc đánh thức người nói mớ nếu việc nói chuyện trong lúc đang ngủ của họ diễn ra quá nhiều và đánh thức bạn, khiến bạn không ngủ được. Nếu bạn đánh thức một người đang nói mớ trong khi ngủ, họ có thể sẽ gặp “choáng váng” nhẹ vì bị đánh thức khỏi giấc ngủ sâu.
Cách chữa nói mớ khi ngủ như thế nào
Một người hay nói chuyện khi ngủ có thể đến bệnh viện khám và được điều trị, nếu có. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số cách để cải thiện chất lượng giấc ngủ và khắc phục tình trạng này, chẳng hạn như: (5)
- Thư giãn trước khi ngủ bằng cách nghe nhạc, ngâm chân trong nước ấm, tắm nước nóng, viết nhật ký,…
- Đảm bảo nhiệt độ và ánh sáng, âm thanh trong phòng ngủ ở mức lý tưởng cho giấc ngủ.
- Duy trì lịch ngủ – thức đều đặn mỗi ngày.
- Không uống trà, cà phê, rượu bia,… (đặc biệt là vào buổi chiều tối).
- Tập thể dục thể thao đều đặn nhưng không tập quá mệt vào buổi tối.
- Tránh những yếu tố kích thích vào buổi tối như xem phim kinh dị, đọc truyện kinh dị, nói về những vấn đề dễ gây căng thẳng thần kinh,…
- Nghỉ ngơi đều đặn, ngủ đủ giấc, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, không để bản thân bị mệt mỏi kiệt sức.
Nếu điều trị, bác sĩ có thể chỉ định một số giải pháp như dùng thuốc an thần, thuốc ngủ, chỉ định người bệnh thực hiện liệu pháp hành vi nhận thức, cho người bệnh sử dụng máy thở CPAP,… để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, từ đó cải thiện tình trạng nói mớ khi ngủ.
Nhìn chung, nói mớ khi ngủ không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc thăm khám bác sĩ nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên để tránh bị suy giảm chất lượng giấc ngủ, đồng thời kịp thời phát hiện những vấn đề hay bệnh lý liên quan, nếu có.