Image

Nói chuyện với trẻ về bệnh ung thư vú của mẹ

Vì sao mẹ cần nói chuyện với trẻ về bệnh ung thư vú của mẹ?

Thật khó khăn khi quyết định thời điểm và cách thức để nói với con về chẩn đoán ung thư của mẹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả khi chưa thể hiểu đầy đủ ung thư vú là gì, việc giải thích với con tình trạng bệnh của mẹ có thể làm trẻ giảm lo lắng và bớt sợ hãi hơn.

Một số phụ huynh chưa dám nói vì sợ làm con khó chịu hoặc phải trả lời những câu hỏi khó từ trẻ. Song, các con có thể nhận thấy những thay đổi trong gia đình và muốn biết chuyện khiến cha mẹ lo lắng.

Khi không nhận được sự chia sẻ từ cha mẹ, trẻ sẽ có cảm giác bị bỏ rơi và bắt đầu nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực hoặc tạo ra một câu chuyện có thể khác xa, thậm chí nghiêm trọng hơn sự thật. Trẻ trong những trường hợp này sẽ không thể nói với cha mẹ những lo lắng, từ đó dần thu mình lại.

Thực tế, trẻ cũng muốn nhận được sự tin tưởng từ cha mẹ. Khi phụ huynh khăng khăng giữ bí mật, điều này sẽ khiến bầu không khí trong gia đình trở nên ảm đạm, mệt mỏi, khó gắn kết tình cảm giữa các thành viên, thậm chí con sẽ tìm mọi cách để biết điều cha mẹ đang che giấu.

Cách để nói chuyện với trẻ về vấn đề ung thư vú của mẹ

1. Ai nên là người nói với chúng điều này?

Trẻ thường hiểu và giải quyết vấn đề tốt hơn khi tiếp nhận thông tin từ người mà con yêu thương, tin tưởng, do đó, cha mẹ nên chủ động chia sẻ với con. Nếu gặp khó khăn trong việc nói chuyện với trẻ, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình.

Gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bạn nói chuyện với con, nhất là mẹ đơn thân.

2. Lựa chọn thời điểm khi nào?

Hầu hết phụ nữ thường chọn nói chuyện với bạn đời, bạn thân hoặc người trong gia đình khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên, phải chờ một thời gian sau, mẹ mới nói việc này với con cái. Trong khi một số chị em chờ có kết quả xét nghiệm chẩn đoán ung thư vú hoặc bắt đầu điều trị mới nói thông tin này cho con biết.

Tùy vào độ tuổi của trẻ, phụ huynh sẽ có lựa chọn nói chuyện với con về bệnh cũng như các vấn đề khác trong gia đình 1 cách phù hợp. Càng chậm chia sẻ hoặc cố gắng che giấu càng khiến trẻ lo lắng và nảy sinh những suy đoán tiêu cực.

Việc nói chuyện với con có thể rất khó khăn, nhất là vào thời điểm bạn cảm thấy dễ tổn thương hoặc xúc động. Bạn có thể khóc, lo lắng, buồn bã trước mặt con, điều này sẽ giúp trẻ yên tâm hơn khi nhìn thấy cảm xúc, biểu hiện của bạn. Trường hợp, bạn có thể bình tĩnh và tự tin khi nói với con về bệnh ung thư của mình, điều đó sẽ giúp con giảm bớt lo sợ.

Phụ huynh nên thường xuyên nói chuyện với con về những sự việc đang xảy ra để trẻ luôn cảm thấy mình là 1 phần của gia đình, được tham gia, được chia sẻ thông tin, có thể đặt bất kỳ câu hỏi và bày tỏ chính kiến của bản thân. Với trẻ nhờ, phụ huynh có thể phải lặp lại những lời giải thích để con hiểu.

3. Nên lựa chọn những từ ngữ thích hợp về vấn đề ung thư

Phụ thuộc vào văn hóa của gia đình, bạn có thể nói chuyện cởi mở về mọi thứ, nghiêm túc, thậm chí giữ kín chuyện với con. Sự hiểu biết và phản ứng của con sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và tính cách.

Hãy thảo luận những điều bạn định nói với bạn đời hoặc bạn bè trước khi trao đổi với con cái. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng, cuộc trò chuyện vẫn có thể không diễn ra như dự tính. Trẻ có thể có những câu hỏi hoặc phản ứng mà bạn không lường trước được. Cách nói chuyện với con tốt nhất là giữ mọi thứ đơn giản và tránh những giải thích phức tạp.

4. Giải thích với trẻ về từ ung thư

Bạn nên bắt đầu bằng cách hỏi con biết hoặc hiểu gì về từ “ung thư” hay không. Nếu con không biết, hãy giải thích bằng ngôn ngữ dễ hiểu để con có thể tiếp thu, từ đó giảm bớt sự sợ hãi của trẻ với căn bệnh này.

Cách bạn mô tả và nói về ung thư sẽ phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi và những gì con biết về bệnh này.

Cách để nói chuyện với trẻ về vấn đề ung thư vú
Trẻ sẽ có những câu hỏi hoặc phản ứng mà bạn không lường trước được. Cách tốt nhất là giữ mọi thứ đơn giản và tránh những giải thích phức tạp.

5. Phản ứng của trẻ như thế nào?

Trẻ có phản ứng khác nhau tùy độ tuổi, tính cách, giai đoạn phát triển và sự gắn kết của con với bạn, vì vậy thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra khi bạn nói với con về bệnh ung thư vú của mình.

Trước hết, con cần biết rằng mọi người đang làm tất cả những gì có thể để giúp bạn đối phó với bệnh được tốt hơn. Hãy chứng minh bạn vẫn yêu thương, quan tâm đến con, đồng thời nói cho trẻ những điều con có thể làm để giúp đỡ mẹ. Hãy kiên nhẫn với những câu hỏi của con, sử dụng những từ dễ hiểu và nhất quán với câu trả lời của mình.

Cho con thời gian và cơ hội để nói lên cảm giác, suy nghĩ của mình. Con có thể thích nói chuyện với bạn thân hơn cha mẹ, nhất là trẻ lớn. Ở trường hợp này, bạn nên trao đổi với phụ huynh của bạn thân con trước.

Cách trả lời một số câu trẻ có thể hỏi về vấn đề ung thư của bạn

1. “Là lỗi của con?”

Trẻ thường nghĩ sự cố trong gia đình là do mình gây ra và tự trách bản thân. Do đó, phụ huynh hãy cố gắng trấn an và nói với trẻ: “Đó không phải lỗi của con hay của ai khác”.

2. “Con có bị lây không?”

Trẻ có thể nghĩ ung thư là bệnh dễ lây khi chạm, ôm ấp hoặc sống chung. Hãy giải thích cho trẻ: “Một số bệnh như cảm lạnh và thủy đậu có thể truyền từ người này sang người khác nhưng ung thư thì không. Con không bị lây bệnh”.

3. “Mẹ sống được bao lâu?”

Trẻ từ 7 tuổi đã bắt đầu nhận ra cái chết là dấu chấm hết cho cuộc đời của 1 người và điều đó không thể thay đổi được. Bạn có thể giải thích: “bệnh ung thư của mẹ sẽ thuyên giảm khi được điều trị. Các bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị tốt nhất cho mẹ. Một số người mắc ung thư nặng sẽ chết nhưng mẹ thì không”.

Một số thay đổi có thể gặp trong hành vi của trẻ

Trẻ có thể phản ứng với thông tin theo cách tương tự như người lớn, chẳng hạn như:

  • Trẻ có thể không muốn ăn.
  • Giấc ngủ của trẻ có thể bị xáo trộn.
  • Trẻ có thể mất tập trung ở trường hoặc khi làm bài tập về nhà.
  • Trẻ có thể tức giận hoặc khó chịu với những điều nhỏ nhặt.

Đặc biệt, trẻ nhỏ tuổi có thể lặp lại những hành vi mà con đã không thực hiện trong thời gian dài như đái dầm. Hãy nhạy cảm với những thay đổi trong hành vi hoặc tâm trạng của trẻ, đây hoàn toàn là những phản ứng bình thường.

Những thay đổi trong hành vi và kết quả học tập kém có thể là dấu hiệu cho thấy con đang lo lắng, bất an và khó chịu khi các quy tắc đột ngột thay đổi khiến trẻ được đối xử khác biệt. Phụ huynh nên khuyến khích con nói về những điều đang xảy ra, từ đó giúp duy trì cảm giác bình thường và ứng phó tốt hơn khi trẻ thấy lo lắng.

Trẻ ở độ tuổi đi học sẽ nhận thức rõ về việc bệnh của mẹ, điều này có thể khiến con lo lắng rằng: ai sẽ đưa con đến trường? Ai sẽ chăm sóc con sau giờ học? Ai sẽ nấu ăn cho? Ai sẽ giúp con làm bài tập về nhà?

Ngoài ra, trẻ có thể lo lắng về những thay đổi ngoại hình, sẽ để tâm những điều mà người khác đánh giá hoặc suy nghĩ về mẹ. Vì vậy, mẹ có thể tìm cách giúp con giải quyết những lo lắng của mình. Ví dụ, nếu rụng tóc do điều trị hóa trị, bạn có thể mang tóc giả khi đón chúng đi học về.

Một số thay đổi có thể gặp trong hành vi của trẻ
Ở mỗi thời điểm, bạn nên nói chuyện thành thật và cởi mở với con về tình trạng bệnh của mình.

Một số nguyên tắc khi nói chuyện với con về căn bệnh của bản thân

1. Trẻ dưới 6 tuổi

Trẻ nhỏ thường không có nhiều kiến ​​thức về bệnh ung thư. Do đó, mẹ không nên làm trẻ sợ hãi hoặc nói 1 lúc quá nhiều thông tin khiến con quá tải.

Ngoài nói chuyện, bạn có thể chuyển tải thông tin cho con biết bằng cách sử dụng búp bê, gấu bông hoặc tranh vẽ. Sách truyện cũng giúp lý giải mọi điều, bao gồm đặt câu hỏi gợi ý và chọn cách giải thích phù hợp với hoàn cảnh.

Hầu hết trẻ nhỏ không thích thay đổi thói quen hoặc lo lắng về việc phải xa mẹ. Trước khi nhập viện, nên cho trẻ hiểu rằng con không bị bỏ rơi, con sẽ không phải ở 1 mình với người lạ và mẹ sẽ về nhà sau điều trị. Trong trường hợp này, mẹ nên cho con biết: “ai sẽ cho trẻ ăn, ngủ và đưa đi học.

Nếu ở lại bệnh viện sau phẫu thuật, con sẽ yên tâm hơn khi biết nơi bạn đang điều trị, làm sao để được gặp mẹ. Nên giải thích với trẻ rằng, bạn không thể đón con tan học một thời gian và điều này chỉ là tạm thời. Bạn có thể gửi trẻ cho người thân nếu lo sợ con không có mẹ chăm sóc hoặc gặp nguy hiểm.

2. Trẻ từ 7 – 12 tuổi

Khi trẻ trong độ tuổi này, bạn nên giải thích những điều mà con đang hiểu sai, chẳng hạn như người mắc bệnh ung thư đều sẽ chết, ngay cả khi bạn không thích sử dụng từ “ung thư”. Tuy nhiên, trẻ hoặc bạn bè của con có thể biết ung thư từ người khác hoặc qua tivi, internet, do đó, mẹ nên kể cho con nghe về tình trạng bệnh và phương pháp điều trị.

Ở trường trẻ phần lớn đã được học về cơ thể con người, tế bào và các bộ phận khác. Bạn có thể trao đổi bằng cách chọn 1 chủ đề tương tự trên tivi hoặc đọc một câu chuyện phù hợp với hoàn cảnh của mình cho con nghe. Nói với con về cảm xúc của bản thân và khuyến khích con nói ra những cảm xúc của mình.

2.1 Giải thích tác dụng phụ của thuốc

Hầu hết trẻ đều biết thuốc giúp chữa bệnh. Tuy nhiên, một số phương pháp, chẳng hạn như hóa trị có thể khiến người bệnh mệt mỏi và bạn cần giải thích điều này cho con.

Nếu bạn đang hóa trị, bạn nên cho con biết những tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí rụng tóc sau điều trị. Song, những triệu chứng gây mệt mỏi không có nghĩa bệnh nghiêm trọng hơn.

Sau khi được chẩn đoán bệnh, việc nói với giáo viên của trẻ có thể giúp trả lời các câu hỏi của con hoặc hỗ trợ trẻ khi cần.

2.2 Để con giúp đỡ bạn trong sinh hoạt hằng ngày

Trẻ muốn giúp đỡ và tham gia vào các công việc hàng ngày như:

  • Hỗ trợ mẹ trang điểm.
  • Giúp mẹ đội tóc giả hoặc quàng khăn.
  • Giúp việc nhà và đi chợ.
  • Tưới cây.
  • Pha cho mẹ đồ uống.
  • Chăm sóc vật nuôi trong nhà.
  • Giúp chăm sóc anh chị em hoặc ông bà.

3. Trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên

Hầu hết, thanh thiếu niên đều nghe nói về ung thư, cách điều trị và những nguy hiểm của căn bệnh này qua sách báo, tivi, internet hay từ bạn bè. Khi đó, con cũng muốn hiểu rõ về ung thư vú và cách điều trị bệnh của mẹ. Ở trường hợp này, hãy hướng dẫn con tìm tới những nguồn thông tin đáng tin cậy, chính thống.

Con gái có thể lo sợ mình mắc ung thư vú, đặc biệt khi con biết bệnh nguy cơ di truyền trong gia đình. Phần lớn các trường hợp ung thư vú xảy ra tình cờ nhưng nếu lo ngại rằng con mình có nguy cơ mắc ung thư vú cao trong tương lai, hãy trao đổi và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Ngoại hình đối với trẻ khá quan trọng, nhất là những thay đổi của mẹ sau điều trị ung thư vú. Nếu phải hóa trị, bạn nên nói chuyện với con về khả năng bị rụng tóc.

Việc thanh thiếu niên muốn sống độc lập là điều bình thường và đôi khi các em không biết cách trao đổi với cha mẹ. Con có thể cảm thấy giằng xé giữa việc muốn ở bên giúp đỡ mẹ hoặc chăm lo cho cuộc sống riêng của mình.

Nói chuyện với con sau quá trình điều trị
Trẻ có thể hiểu và đồng hành cùng mẹ chiến đấu với ung thư vú.

Tiếp tục trò chuyện với con bạn

Có thể trong và sau điều trị, bạn sẽ phải nói chuyện, cởi mở và giải thích nhiều hơn với con.

Thỉnh thoảng sẽ có thông tin mới mà con phải biết, chẳng hạn như kết quả điều trị hoặc cuộc hẹn tái khám sau đó. Điều này có thể giúp con tiếp tục công việc hàng ngày của mình và giảm bớt lo lắng.

Có thể trấn an con rằng, bạn sẽ phải bận rộn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục khi đến bệnh viện. Vì vậy, hãy khuyến khích con trao đổi với bác sĩ và y tá để tìm hiểu tình trạng bệnh của mẹ.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nếu con bị suy nhược trong thời gian dài, thu mình lại hoặc không quan tâm đến những thứ đang diễn ra xung quanh, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để kiểm tra và điều trị sớm.

Nói chuyện với con sau quá trình điều trị

Khi quá trình điều trị kết thúc, việc con muốn mọi thứ “trở lại bình thường” càng sớm càng tốt là điều dễ hiểu. Trẻ muốn mẹ khỏe hơn và cũng muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với mẹ, nhất là trong những tuần đầu sau điều trị. Bạn sẽ phải giải thích với con rằng, việc phục hồi sức khỏe có thể mất khá nhiều thời gian, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.

Trẻ cũng có thể nghi ngờ và lo lắng về sự hồi phục, nhất là khi con biết người bệnh ung thư qua đời. Do đó, bạn cần trung thực và không nên đưa ra những lời hứa mà biết chắc mình không thể thực hiện được.

Trường hợp đã tạo 1 mối quan hệ cởi mở và tin cậy trong thời gian mắc bệnh ung thư, bạn sẽ dễ dàng nói về cảm xúc của mình và chấp nhận mọi lo lắng phát sinh.

Mỗi giai đoạn điều trị và phục hồi sẽ có những thăng trầm và mang đến cảm giác lo lắng khác nhau. Ở mỗi thời điểm, bạn nên nói chuyện thành thật và cởi mở với con, điều này không chỉ là nguồn hỗ trợ to lớn mà còn giúp con thêm thấu hiểu và đồng hành cùng mẹ trong giai đoạn điều trị bệnh.

Khoa Ngoại vú, PlinkCare TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.

Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất như máy siêu âm đàn hồi, máy chụp nhũ ảnh 3D, máy chụp cộng hưởng từ… giúp tất cả người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.

Trên đây là những điều cần lưu ý khi nói chuyện với trẻ về bệnh ung thư vú của mẹ. Trẻ dù ở độ tuổi nào cũng cần được trấn an, do đó, mẹ nên chủ động giải thích cho con hiểu ung thư vú là gì, cách điều trị, tác dụng phụ gặp phải. Hy vọng thông qua bài viết trên, bạn sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp để có thể chia sẻ với con tình trạng bệnh của mình.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send