
Top 3 nhóm thuốc hạ acid uric trong máu theo chỉ định của bác sĩ
Các triệu chứng tăng acid uric trong máu thường gặp
Acid uric là một chất chuyển hóa có trong máu, là sản phẩm từ quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể người và được đào thải chủ yếu qua thận (80%) và một phần qua đường tiêu hóa (20%). Nồng độ acid uric trong máu cũng sẽ tăng giảm tùy theo chế độ dinh dưỡng. Nồng độ acid uric sẽ gia tăng khi tăng tiêu thụ lượng lớn purin vào cơ thể như các loại thịt đỏ, hải sản có vỏ, rượu bia…
Xem thêm: Hàm lượng purin trong các loại thực phẩm
Tăng acid uric máu là vấn đề sức khỏe khá phổ biến hiện nay, nguyên nhân có thể do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể và chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, lối sống sinh hoạt không lành mạnh. Tăng acid uric máu trên ngưỡng bão hòa của acid uric sẽ gây ra tình trạng lắng đọng các tinh thể MSU (monosodium urate) ở các mô như mô khớp, mô dưới da, ống thận, mạch máu…
Bệnh gout là biểu hiện của tăng acid uric máu kéo dài. Tình trạng lắng đọng và hình thành tinh thể MSU có thể dẫn đến viêm khớp với các biểu hiện như sưng nóng đỏ đau các khớp. Ngoài ra, lắng đọng ở thận có thể hình thành sỏi thận.

Không phải ai bị tăng acid uric máu cũng sẽ bị bệnh gout, thông thường tình trạng này diễn ra âm thầm và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Người bệnh thường sẽ biết mình bị tăng acid uric máu khi tình cờ làm xét nghiệm kiểm tra tổng quát hoặc người bệnh đến khám với triệu chứng sưng đau khớp và được bác sĩ chỉ định kiểm tra acid uric máu.
Khi nào được chỉ định điều trị hạ acid uric bằng thuốc?
Không phải ai có tăng acid uric máu cũng cần điều trị bằng thuốc hạ acid uric máu. Tăng acid uric máu nếu không có triệu chứng sưng đau khớp lần nào và không có triệu chứng của tăng acid uric lên chức năng thận, tim mạch thì người bệnh chủ yếu cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý và có lối sống lành mạnh, như hạn chế ăn nội tạng động vật, thịt đỏ, tôm cua, hải sản có vỏ, rượu bia…
Thuốc hạ axit uric trong máu sẽ được chỉ định điều trị khi người bệnh có triệu chứng của bệnh gout hoặc có biểu hiện bệnh thận do tăng acid uric máu như sỏi thận urat, suy giảm chức năng thận.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh gout bao gồm:
- Tình trạng sưng nóng đỏ đau tại các khớp, thường gặp là khớp ngón chân cái, khớp bàn ngón chân, cổ chân, khớp bàn ngón tay…
- Khớp bị sưng phù nề
- Vùng da tại khớp đau sờ thấy ấm và đỏ
- Xuất hiện hạt tophi dưới da quanh vùng khớp viêm
Ngoài ra, tăng acid uric máu cũng có liên quan đến chức năng thận và các bệnh lý về thận. Suy giảm chức năng thận có thể khiến thận giảm đào thải acid uric trong cơ thể và lại gây ra tình trạng tăng acid uric máu. Các triệu chứng của bệnh thận bao gồm:
- Cơn đau quặn thận
- Rối loạn tiểu tiện như són tiểu, tiểu nhiều, tiểu đêm
- Có máu trong nước tiểu

Nhóm thuốc hạ acid uric theo chỉ định của bác sĩ
1. Thuốc ức chế tổng hợp acid uric
Nhóm thuốc ức chế tổng hợp acid uric có cơ chế hoạt động là ức chế men xanthine oxydase (còn gọi là XO), một enzyme nằm trong quá trình tổng hợp acid uric. Bằng việc ức chế men XO, nhóm thuốc này sẽ làm giảm nồng độ acid uric trong máu.
1.1. Allopurinol
Allopurinol là thuốc hạ acid uric được sử dụng đầu tay, có cơ chế là ức chế men xanthine oxidase tổng hợp acid uric máu, được FDA chấp nhận và ưu tiên sử dụng hơn Febuxostat. Ngoài tác dụng giảm acid uric máu, allopurinol còn có thể ngăn ngừa sỏi thận urat tái phát ở những người bị tăng acid uric niệu và hội chứng ly giải khối u. (1)
Chống chỉ định Allopurinol đối với những trường hợp người bệnh có tiền sử dị ứng với Allopurinol, suy gan suy thận nặng, chứng nhiễm sắt tố tự phát.

1.2. Febuxostat
Febuxostat là thuốc được chỉ định sử dụng để hạ acid uric máu và phòng ngừa những đợt cấp viêm khớp gout. Đây là một chất ức chế enzyme xanthine oxidase, đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) phê chuẩn để điều trị acid uric cao mạn tính ở người bệnh gout. (2)
Thuốc được lựa chọn cho người bệnh gout không dung nạp hay chống chỉ định với Allopurinol. Chống chỉ định của Febuxostat trong trường hợp người bệnh có tiền sử dị ứng với Febuxostat, suy gan nặng.
Cần thận trọng khi sử dụng Febuxostat với trường hợp người bệnh có bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc suy tim vì lí do có thể làm tăng các biến cố tim mạch, tuy nhiên bằng chứng vẫn chưa rõ ràng.
2. Thuốc tăng cường đào thải acid uric
Thuốc tăng cường đào thải acid uric được chỉ định khi người bệnh không đạt mục tiêu điều trị với của thuốc ức chế enzyme XO.
2.1. Probenecid
Probenecid tác động đến thận để thúc đẩy quá trình đào thải acid uric, được chỉ định cho những đối tượng bị viêm khớp gout mạn tính. Probenecid là thuốc hạ acid uric bằng cách tăng cường sự đào thải từ thận để lượng acid uric trong máu được lọc nhiều hơn, từ đó làm giảm lượng acid uric còn lại trong máu. (3)
Một điểm cần lưu ý khi sử dụng Probenecid là thuốc có khả năng ngăn ngừa cơn gout cấp tính, nhưng không thể cắt cơn đau khớp do gout xuất hiện. Ngoài ra, thuốc có thể làm tăng tần suất bùng phát cơn gout trong vài tháng đầu sử dụng. Người bệnh cần uống Probenecid chỉ khi có chỉ định và liều lượng cụ thể từ bác sĩ.
2.2. Benzbromarone
Benzbromarone là một tác nhân uricosuric và chất ức chế không cạnh tranh của xanthine oxidase được sử dụng trong điều trị bệnh gout, đặc biệt là khi allopurinol, thuốc điều trị đầu tay, thất bại hoặc có tác dụng phụ không thể dung nạp.
Benzbromarone là thuốc tăng đào thải acid uric từ thận, nhưng đồng thời cũng có khả năng ức chế enzyme xanthine oxidase. Tuy nhiên, benzbromarone có tác dụng làm tăng độc tính trên gan nên chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp nhất định.

2.3. Lesinurad (RDEA594)
Lesinurad được chỉ định sử dụng kết hợp với chất ức chế xanthine oxidase để điều trị tăng acid uric máu liên quan đến bệnh gout ở những bệnh nhân chưa đạt được nồng độ acid uric huyết thanh mục tiêu khi chỉ dùng một mình thuốc ức chế xanthine oxidase. (4)
Thông thường kết hợp với Allopurinol hoặc Febuxostat. Hiện nay, Lesinurad được phối hợp với Allopurinol là chủ yếu vì Allopurinol là thuốc giảm tổng hợp acid uric hiệu quả nhất hiện nay.
Lesinurad là một chất ức chế vận chuyển acid uric 1 (URAT1). URAT1 là chất vận chuyển tinh thể urat, sản phẩm của acid uric tích tụ vào trong khớp gây bệnh gout. URAT1 có liên quan mật thiết đến sự tái hấp thu và bài tiết acid uric ở thận. Thuốc hạ acid uric Lesinurad (RDEA594) có khả năng ức chế sự vận chuyển của URAT1 và làm tăng bài tiết acid uric qua đường nước tiểu.
Lưu ý cần sử dụng Lesinurad (RDEA594) cùng với 1 loại thuốc có khả năng ức chế XO khác. Đặc biệt là người bệnh dùng thuốc liều cao hoặc người đang hoặc từng mắc các bệnh lý về chức năng thận vì thuốc có tác dụng phụ làm tăng nguy cơ sỏi thận.
3. Thuốc phá hủy urat
3.1. Pegloticase
Thuốc hạ acid uric Pegloticase được áp dụng cho người bệnh gout mạn tính, theo chỉ định của bác sĩ khi người bệnh không đáp ứng những phương pháp điều trị nội khoa khác, bao gồm uống thuốc giảm acid uric và thuốc tăng đào thải acid uric. (5)
Pegloticase được phê duyệt tại Mỹ vào năm 2010 sau 2 thử nghiệm lâm sàng, chứng minh được công dụng làm giảm sự lắng đọng của tinh thể urat trong khớp và mô mềm. Thuốc cũng có hiệu quả trên những người bệnh gout đã xuất hiện hạt tophi.
Tuy nhiên, Pegloticase có nguy cơ dị ứng cao, có thể xảy ra ở bất kì lần truyền nào, ngoài ra thuốc còn có thể gây ra tình trạng tán huyết nguy hiểm. Do vậy, dù đem lại tác dụng hạ acid uric tốt hơn những loại thuốc hạ acid uric khác, Pegloticase vẫn là phương pháp nội khoa cuối cùng áp dụng cho người bệnh, và bắt buộc điều trị dưới sự theo dõi sức khỏe của bác sĩ.
Các liệu pháp giảm acid uric thay thế khác
1. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống luôn là chìa khóa điều trị nền tảng giúp người bệnh có thể phòng ngừa được bệnh gout, làm thuyên giảm những triệu chứng lâm sàng của bệnh và làm giảm acid uric trong máu. Lời khuyên tốt nhất dành cho người bệnh gout và đang có tình trạng acid uric máu cao là kết hợp uống thuốc hạ acid uric và thay đổi lối sống để quá trình điều trị đạt được hiệu quả cao.
Những lưu ý trong thay đổi lối sống đối với người bị acid uric máu cao là giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, động vật có vỏ, hải sản, nội tạng động vật, không hút thuốc và uống rượu bia để không làm tăng cao thêm acid uric máu. Bên cạnh đó, thực hiện những thói quen sống lành mạnh khác như:
- Tập thể dục đều đặn, tăng cường hệ miễn dịch
- Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, tránh không để bị thừa cân béo phì ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất và chức năng thận
- Uống đủ nước
- Thăm khám định kỳ với bác sĩ để quản lý được tình trạng sức khỏe của bản thân
Có thể bạn quan tâm: Acid uric cao nên ăn gì, kiêng gì?
2. Thực phẩm có hàm lượng purine thấp
Những thực phẩm ít purine mà người bệnh gout nên ăn để bổ sung dinh dưỡng là:
- Thịt trắng như gà và cá sông. Là nguồn đạm an toàn, ít purine có thể dùng để thay thế cho nguồn đạm đến từ thịt đỏ và hải sản.
- Thực phẩm giàu vitamin C như: dâu, táo, ổi, dứa (thơm), rau mồng tơi…
- Dầu ô liu, dầu thực vật
- Trứng
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Thuốc hạ acid uric được áp dụng cho những người đang điều trị gout, có nồng độ acid uric máu cao. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa các cơn gout cấp tính và kiểm soát tình trạng bệnh. Người bệnh bắt buộc sử dụng thuốc hạ acid uric theo chỉ định và liều lượng từ bác sĩ để không gặp những tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.