
Người già bị viêm phổi có nguy hiểm không? Nguy cơ tử vong không?
Tổng quan viêm phổi ở người già
Viêm phổi là một loại nhiễm trùng, có thể lây nhiễm ở một hoặc cả hai phổi, nguyên nhân là do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây ra. Tình trạng viêm phổi xảy ra khi các túi khí trong phổi bị vi khuẩn tấn công, tạo mủ. Bệnh có thể biểu hiện ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào người và tình huống.
Người cao tuổi thường có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn do hệ miễn dịch suy yếu theo thời gian. Không chỉ vậy, yếu tố tuổi tác cũng ảnh hưởng rất lớn đến cách cơ thể phục hồi khi bị viêm phổi. Những người có hệ miễn dịch suy yếu như người già có thể gặp ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài hơn khi bị viêm phổi.
Người cao tuổi thường có thói quen trồng cây cảnh, nuôi chim hay cá cảnh. Do đó cũng có nhiều nguy cơ bị viêm phổi từ việc hít phải một số loại nấm trong đất hoặc phân chim. Người lớn tuổi nếu phải nằm viện lâu ngày có thể có nguy cơ bị viêm phổi do nhiễm khuẩn chéo. Các chủng viêm phổi tại bệnh viện có thể khó điều trị bằng kháng sinh hơn. (1)

Người già bị viêm phổi có nguy hiểm không?
Viêm phổi ở người già là tình trạng nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Người già khi bị viêm phổi dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm vì:
- Hệ thống miễn dịch yếu hơn: Hệ thống miễn dịch có xu hướng yếu hơn theo tuổi tác, nghĩa là người cao tuổi sẽ giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi-rút có thể gây viêm phổi và cũng có nhiều khả năng gặp biến chứng do các bệnh nhiễm trùng gây nên.
- Suy giảm khả năng thở và nuốt: Nếu bạn còn đang thắc mắc người già bị viêm phổi có nguy hiểm không thì câu trả lời là có. Bởi người già có nhiều khả năng mắc một số bệnh, khiến việc nuốt trở nên khó khăn hơn. Khi bị viêm phổi, người bệnh thường gặp triệu chứng khó thở, khó nuốt nên việc khó nuốt do tuổi tác sẽ gây sự cộng hưởng và khiến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Không chỉ vậy, người cao tuổi cũng có thể bị giảm lượng nước bọt mà cơ thể sản xuất tự nhiên, dẫn đến tích tụ vi khuẩn trong miệng và khiến bệnh chậm phục hồi hơn.
- Các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn: Người già thường dễ có các bệnh nền hơn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh Parkinson. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị những bệnh này cũng có thể ức chế hệ thống miễn dịch, khiến người cao tuổi khó hồi phục hơn khi bị viêm phổi, làm cho bệnh kéo dài và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
- Phẫu thuật và nằm viện: Người cao tuổi là nhóm có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe nên thường phải nằm viện hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Do đó, người cao tuổi thường có nhiều khả năng tiếp xúc với vi khuẩn hoặc vi-rút gây viêm phổi nghiêm trọng, làm cho bệnh diễn biến nguy hiểm hơn. Không chỉ vậy, thời gian nằm viện kéo dài còn dễ làm cho người già lây nhiễm chéo, tái phát khi vừa khỏi bệnh. Càng tái phát nhiều thì bệnh càng dễ gây ra biến chứng nghiêm trọng, khiến người cao tuổi phải nằm viện lâu hơn và lại tăng nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn, tạo thành một vòng lặp nguy hiểm.

Người già bị viêm phổi có nguy cơ tử vong không?
Bệnh viêm phổi ở người già không chỉ nguy hiểm mà thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Người cao tuổi do hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh nền,… nên dễ mắc các biến chứng do viêm phổi gây nên. Các biến chứng này thường nguy hiểm hơn so với các nhóm đối tượng khác. Nếu không kịp thời điều trị và không điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến tử vong.
Các biến chứng viêm phổi ở người cao tuổi
Người già bị viêm phổi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
1. Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi xảy ra khi có sự tích tụ dịch trong khoang màng phổi, làm giảm khả năng hô hấp. Người già khi bị tràn dịch màng phổi do viêm phổi có thể có các triệu chứng như khó thở, đau ngực, ho, sút cân, da xanh xao nhợt nhạt,…
2. Suy hô hấp
Suy hô hấp là một biến chứng nguy hiểm thường gặp ở người cao tuổi bị viêm phổi cùng lúc với các bệnh hô hấp khác. Suy hô hấp cấp tính nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
3. Áp xe phổi
Áp xe phổi là tình trạng phổi bị tích tụ mủ, thường do nhiễm khuẩn nặng. Triệu chứng thường gặp bao gồm: ho có đờm mủ, sốt cao, đau ngực, và khó thở. Áp xe phổi cũng có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi hiếm gặp hơn là hoại tử phổi (viêm phổi hoại tử),… ) (2)
Người cao tuổi bị áp xe phổi thường cần điều trị kháng sinh mạnh theo chỉ định của bác sĩ và đôi khi phải can thiệp phẫu thuật để dẫn lưu áp xe.

4. Tổn thương thận, gan và tim
Viêm phổi ở người cao tuổi không chỉ gây tổn thương phổi mà vi khuẩn còn có thể lây lan sang các bộ phận khác như thận, gan, tim,… Viêm phổi cũng làm cản trở lượng oxy đến phổi và các cơ quan khác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến suy đa tạng và gây tử vong nhanh chóng.
5. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn có hại xâm nhập vào thận, niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo. Vì hệ thống miễn dịch suy yếu theo tuổi tác, nên hầu hết người lớn tuổi đều có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tình trạng này cũng có thể là biến chứng của viêm phổi, vì một số loại vi khuẩn gây nhiễm trùng phổi có thể lây lan sang các vùng khác của cơ thể như đường tiết niệu. Bất kỳ ai cũng có khả năng bị biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng đường tiết niệu nếu bệnh không được kiểm soát; tuy nhiên người cao tuổi có xu hướng gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn, nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn.
6. Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết là một biến chứng viêm phổi ở người cao tuổi đặc biệt nguy hiểm, đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến tổn thương mô, suy nội tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê, những người từ 65 tuổi trở lên có khả năng phải nhập viện vì nhiễm trùng huyết cao gấp 13 lần so với bất kỳ nhóm đối tượng nào khác.
>>>Có thể bạn chưa biết: Viêm phổi ở người già có lây không? Lây qua đường nào?
Chăm sóc cho người cao tuổi có biến chứng viêm phổi
Trẻ em, người lớn và người cao tuổi đều có các triệu chứng viêm phổi khác nhau. Tuy nhiên, người lớn tuổi sẽ gặp các triệu chứng khó nhận biết hơn vì dễ bị nhầm lẫn với biến chứng của bệnh lý khác hoặc những dấu hiệu phổ biến đối với người cao tuổi như mệt mỏi, chóng mặt, thay đổi về nhận thức,…
Khi thấy người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi, cần sớm đưa người bệnh đến bệnh viện để được thăm khám. Việc điều trị viêm phổi phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây ra tình trạng viêm và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng. Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Người cao tuổi có thể cần nghỉ ngơi nhiều, dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh,… theo chỉ định của bác sĩ. (3)
Trong quá trình điều trị, cần chú ý quan sát người bệnh do người cao tuổi thường dễ quên, lú lẫn dẫn đến việc bỏ thuốc, dùng thuốc sai liều. Việc theo sát sẽ đảm bảo người bệnh được dùng thuốc đúng liều, đúng chỉ định.
Cố gắng để người cao tuổi được nghỉ ngơi nhiều, ăn các món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Nếu người bệnh có các triệu chứng như đau ngực đột ngột, dai dẳng và khó thở,… thì cần lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện.

Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi
Một số biện pháp giúp người trung niên và cao tuổi hạn chế nguy cơ bị viêm phổi gồm:
- Vệ sinh răng miệng tốt: Vi khuẩn từ miệng có thể được hít vào phổi, gây nhiễm trùng và viêm. Do đó, người cao tuổi cần chăm sóc răng miệng đúng cách. Đặc biệt, với những người cao tuổi răng yếu, phải sử dụng răng giả thì cần vệ sinh răng miệng cẩn thận hơn để giảm nguy cơ viêm phổi do hít phải vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng.
- Giữ tay sạch sẽ: Vi khuẩn và vi-rút có thể sống trên bề mặt của đồ vật trong thời gian dài. Do đó, người cao tuổi có thể dễ dàng tiếp xúc với yếu tố gây bệnh này trong các hoạt động hàng ngày. Vì vậy, rửa tay thường xuyên với các loại xà phòng hoặc dung dịch rửa tay kháng khuẩn sẽ góp phần hạn chế nguy cơ lây bệnh.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá trực tiếp hoặc hít phải khói thuốc lá có thể gây tổn thương phổi và làm suy giảm chức năng phổi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi (và các bệnh khác như ung thư phổi).
- Duy trì lối sống khoa học: Người cao tuổi cần ăn uống lành mạnh và đẩy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập thể dục thể thao vừa sức, nghỉ ngơi điều độ, hạn chế uống rượu,…
- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Người già với hệ miễn dịch suy yếu, nguy cơ bị viêm phổi cao nên tốt nhất cần hạn chế tiếp xúc tối đa với những người đang mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi (và cả các bệnh hô hấp khác có thể dẫn đến viêm phổi).
- Tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn: Vắc-xin phế cầu khuẩn bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae gây ra. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm phổi do vi khuẩn trên toàn cầu. Vắc-xin hoạt động bằng cách cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với một dạng vi khuẩn bất hoạt, do đó hệ thống miễn dịch có thể bắt đầu tạo ra kháng thể để bảo vệ bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng trong tương lai. Vì vi khuẩn đã bị bất hoạt, bản thân vắc-xin phế cầu khuẩn không thể lây nhiễm vi khuẩn hoặc gây viêm phổi.
- Tiêm vắc-xin cúm: Vi-rút cúm là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi do vi-rút, đặc biệt là vào những tháng mùa đông hoặc khi thời tiết trở lạnh. Tiêm vắc-xin cúm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ người cao tuổi khỏi bị nhiễm trùng trong mùa cúm. Vì vi-rút cúm thay đổi hàng năm, người cao tuổi sẽ cần tiêm vắc-xin cúm nhắc lại mỗi năm.
Chuyên khoa hô hấp tại Hệ thống PlinkCare, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 chuyên thăm khám các bệnh lý hô hấp trong đó có viêm phổi ở người lớn tuổi. Khoa ứng dụng các máy móc hiện đại trong thăm khám và điều trị hiệu quả.
Bài viết đã phần nào giải đáp thắc mắc người già bị viêm phổi có nguy hiểm không. Viêm phổi ở người già là một bệnh lý cần được quan tâm đặc biệt, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng, góp phần cải thiện tiên lượng cho người bệnh. Nếu nghi ngờ người thân cao tuổi bị viêm phổi, tốt nhất nên đưa người thân đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị.