
Ngủ gà ngủ gật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh
Ngủ gà ngủ gật là gì?
Ngủ gà ngủ gật là tình trạng người bệnh buồn ngủ và ngủ bất thường trong những thời điểm không phải là giờ đi ngủ tự nhiên, nó cũng thường diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, có thể dưới 1 phút. Một số người có thể có nhiều cơn ngủ gật gần nhau dù đã cố gắng để giữ mình tỉnh táo.
Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của chứng ngủ gật là nhắm mắt một phần hoặc toàn bộ, mặc dù tình trạng này cũng có thể xảy ra khi mắt mở. Khi ngủ gật, đầu người ngủ sẽ lắc lư, cử động lên xuống. Những người trải qua cơn ngủ gật cho biết, không phải lúc nào họ cũng nhận ra rằng mình đã ngủ thiếp đi trong chốc lát.
Trong một cơn ngủ ngắn, người ngủ sẽ bắt đầu giảm phản ứng với các kích thích bên ngoài, chẳng hạn như tín hiệu âm thanh hoặc hình ảnh. Bên cạnh đó, khi ngủ gật, bạn cũng có xu hướng di chuyển mắt chậm hơn trong những khoảnh khắc dẫn đến cơn ngủ gật. Tuy nhiên, bạn có thể không nhận ra rằng bạn đang di chuyển mắt chậm hơn hoặc mí mắt của bạn đang sụp xuống.

Tại sao hay ngủ gà ngủ gật? Nguyên nhân do đâu?
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngủ gà ngủ gật là do mất ngủ, ngủ ít, thiếu ngủ. Những người bị rối loạn giấc ngủ có thể thường xuyên mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc dẫn đến thiếu ngủ, có nhiều khả năng liên quan đến chứng ngủ gà ngủ gật. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đưa ra kết luận chắc chắn về mối quan hệ giữa rối loạn giấc ngủ và tình trạng ngủ gà ngủ gật. (1)
Trong một số trường hợp, những người được nghỉ ngơi đầy đủ cũng có thể trải qua cơn ngủ gật. Tình trạng này thường xảy ra khi làm một việc gì đó lặp đi lặp lại hoặc làm một việc nhàm chán, tẻ nhạt. Hoặc khi bạn phải tập trung cao độ (lái xe, điều khiển máy móc), cơ thể cũng có khả năng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng mệt mỏi, dẫn đến ngủ gà ngủ gật.
Ngủ gà ngủ gật còn là dấu hiệu của một số bệnh lý thần kinh nào đó nhưng những trường hợp này có thể ít gặp, cần được bác sĩ chẩn đoán, đánh giá bệnh.
Hay ngủ gà ngủ gật là bệnh gì?
Bản thân ngủ gà ngủ gật có thể không phải là một bệnh lý. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên ngủ gà ngủ gật và đi kèm với các triệu chứng khác, đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:
- Bệnh về mạch máu não: Tình trạng ngủ gà ngủ gật vào ban ngày ở một số người có thể là do các bệnh mạch máu não như: thiếu máu lên não, xơ vữa động mạch, cục máu đông cản trở oxy lên não, … Trong trường hợp này, ngủ gật thường đi kèm với các triệu chứng khác như đau đầu chóng mặt, hay cảm thấy yếu ớt, buồn nôn,…
- Trầm cảm: Người mắc bệnh trầm cảm hoặc các dạng rối loạn tâm thần khác cũng dễ rơi vào trạng thái khó ngủ, không thể ngủ sâu giấc. Hậu quả là thường xuyên ngủ gà ngủ gật, không thể tỉnh táo vào ban ngày.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng bệnh lý khiến giấc ngủ không sâu, thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ, dễ dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi và ngủ gật.
- Suy giảm chức năng tuyến giáp: Những người mắc chứng suy giảm chức năng tuyến giáp thường dễ bị rối loạn giấc ngủ do khả năng sản xuất hormone Thyroxine của cơ thể bị suy giảm, khiến khó ngủ sâu giấc, dẫn đến dễ bị ngủ gà ngủ gật hơn.
- Bệnh tim mạch: Với những người mắc bệnh tim mạch, chức năng tâm thu của tim gây ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của não, làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và dễ ngủ gật.
- Bệnh mạn tính: Ngủ gà ngủ gật được cho là biểu hiện thường gặp của các bệnh mạn tính như bệnh gan mạn tính, rối loạn lipid máu, bệnh tiểu đường,… Các bệnh này khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi buồn ngủ.

Dấu hiệu hay ngủ gà ngủ gật nhiều cần lưu ý
Việc thỉnh thoảng ngủ gật không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu việc ngủ gà ngủ gật diễn ra thường xuyên hoặc có đi kèm với các triệu chứng khác như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu,… thì bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám.
Hoặc nếu bạn nghi ngờ chứng ngủ gà ngủ gật của mình là dấu hiệu của tình trạng rối loạn giấc ngủ hay một bệnh lý nào khác, bạn cũng nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị.
Hệ lụy của ngủ gà ngủ gật
Nếu bạn đang ngồi trên ghế sofa, đang đọc sách hay làm các hoạt động nhẹ nhàng trong môi trường an toàn thì việc ngủ gật không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và thường tương đối an toàn. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể rất nguy hiểm và dẫn đến nguy cơ bị tai nạn cao hơn nếu bạn chìm vào giấc ngủ, mất ý thức đột ngột khi đang lái xe, vận hành máy móc, phẫu thuật hoặc các nhiệm vụ, công việc tương tự khác.
Trong một nghiên cứu liên quan đến việc lái xe mô phỏng, những người có các đợt ngủ gật thường có hiệu suất lái xe giảm mạnh. Vì ngủ gà ngủ gật khiến mọi người ít phản ứng hoặc không kịp phản ứng với những tình huống đột xuất, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. (2)
Một số người cũng cho rằng, việc trải qua tình trạng ngủ siêu ngắn khi ngủ gật là yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ mối liên hệ giữa 2 vấn đề này.

Cách chẩn đoán bệnh thường xuyên ngủ gà ngủ gật
Để chẩn đoán chứng ngủ gật ban ngày, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đặt một số câu hỏi để xem người bệnh có gặp chứng rối loạn giấc ngủ hay không, có đang gặp các vấn đề về tinh thần (căng thẳng do thi cử, lo lắng áp lực vì công việc, trải qua nỗi đau mất người thân, …), có đang điều trị bệnh lý nào không, có đang sử dụng loại thuốc nào không, trong gia đình có người nào từng gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ hay không, …
Bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện đo đa ký giấc ngủ. Kỹ thuật này sẽ tiến hành đo và ghi lại các thông số liên quan đến giấc ngủ của người bệnh như nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, cử động mắt cũng như các thay đổi khác của cơ thể trong 1 đêm ngủ. Dựa trên kết quả đo đa ký giấc ngủ, bác sĩ sẽ có thêm dữ liệu để xác định xem người bệnh có gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ hay không, hoặc nguyên nhân nào khiến người bệnh ngủ không ngon giấc vào ban đêm và dẫn đến chứng ngủ gật ban ngày.
Cách điều trị tình trạng ngủ gà ngủ gật nhiều
Chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho chứng ngủ gà ngủ gật. Chứng ngủ gật có thể không phải là một rối loạn giấc ngủ hay bệnh lý cụ thể. Tùy nguyên nhân, mức độ, tình trạng, bác sĩ có thể áp dụng các cách điều trị hay khắc phục chứng ngủ gà ngủ gật khác nhau.
Ngủ gà ngủ gật thường liên quan đến tình trạng thiếu ngủ và ngủ không đủ giấc, bác sĩ có thể tư vấn thêm với người bệnh về một số biện pháp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ vào ban đêm như: tắm nước ấm hay massage, xông tinh dầu trước khi ngủ, …
Nếu việc ngủ gà ngủ gật là do các bệnh lý gây ra thì sau khi điều trị khỏi bệnh, việc ngủ gật cũng sẽ được cải thiện. Cần lưu ý, một số loại thuốc giúp thúc đẩy sự tỉnh táo có khả năng làm giảm tạm thời các cơn ngủ gật, nhưng bạn cần thận trọng khi dùng và luôn phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cách chống lại cơn ngủ gà ngủ gật
Để có thể chống lại những cơn ngủ gà ngủ gật, bước đầu tiên bạn có thể làm chính là hiểu cơ thể mình, nhận biết khi nào bản thân cảm thấy mệt mỏi thì nên thu xếp để được nghỉ ngơi, không cố gắng chống chọi lại. Bởi vì chỉ vài phút ngủ gật nhưng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho sự an toàn của mọi người, bao gồm cả chính bạn.
Nếu bạn mệt mỏi khi lái xe, hãy tìm một nơi an toàn để dừng lại và ngủ một giấc ngắn để lấy lại sức. Hoặc tốt hơn hết, bạn không nên lái xe đường dài hay vận hành máy móc, làm bất kỳ công việc quan trọng nào nếu bạn thiếu ngủ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử các cách sau để hạn chế tình trạng ngủ gật: (3)
- Ngủ một giấc ngắn. Đôi khi bạn không thể thoát khỏi cơn buồn ngủ. Vì vậy, hãy ngủ khoảng 20 phút nếu điều kiện cho phép và đặt báo thức nếu bạn gặp khó khăn khi thức dậy. Đặc biệt, bạn có thể tận dụng giờ nghỉ trưa để có một giấc ngủ ngắn nhưng nên hạn chế việc ngủ quá 30 phút để tránh khó ngủ vào buổi tối.
- Thay đổi những gì bạn đang làm, chẳng hạn như rời khỏi vị trí đang ngồi để đứng dậy và đi dạo vài phút để lấy lại năng lượng.
- Nói chuyện với ai đó sẽ giúp đánh thức các tế bào não. Ngoài ra, nói chuyện giúp tăng tốc độ thở và bơm thêm oxy vào máu để bạn tỉnh táo hơn.
- Thử uống một ít trà, cà phê hoặc các loại thức uống có chứa caffeine. Đợi khoảng 30 phút caffeine phát huy tác dụng và cố gắng không uống quá gần giờ đi ngủ.
Để khắc phục lâu dài hơn, tốt nhất bạn nên cải thiện thói quen ngủ bằng cách cố gắng ngủ đủ từ 7-8 giờ. Giữ môi trường ngủ yên tĩnh, mát mẻ và tránh ánh sáng để ngủ sâu giấc hơn. Bên cạnh đó, nên thường xuyên tập thể dục khoảng 3-4 lần/tuần. Trước giờ đi ngủ, cần hạn chế sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử, tránh dùng đồ uống có caffeine hoặc rượu bia, …. Khám sức khỏe thần kinh định kỳ tại chuyên khoa thần kinh để chủ động phát hiện các bệnh lý liên quan, nếu có.
Chuyên Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống PlinkCare, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 ứng dụng hệ thống trang thiết bị máy móc chuyên dụng tân tiến hàng đầu hỗ trợ quá trình chẩn đoán, điều trị như máy đo đa ký giấc ngủ, máy đo điện não, máy kích thích từ trường xuyên sọ, hệ thống chụp CT 1975 lát cắt đồng bộ chính hãng duy nhất tại Việt Nam, hệ thống chụp CT 768 lát cắt, hệ thống chụp MRI 1,5 – 3 Tesla,…
Ngoài ra, Khoa Thần kinh còn quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tâm với người bệnh, thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Tóm lại, ngủ gà ngủ gật có thể là biểu hiện của các bệnh lý liên quan hay gây nên tai nạn nguy hiểm. Do đó, nếu thường xuyên ngủ gật, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được kiểm tra và tư vấn chữa trị.