
Mụn ở lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Mụn nội tiết ở lưng là gì?
Mụn nội tiết ở lưng là các nốt mụn đỏ, viêm, có thể là mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng… do tuyến bã nhờn hoạt động quá mức đi kèm với sự phát triển của vi khuẩn, tế bào da chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da vùng lưng. Nếu không điều trị hiệu quả sẽ để lại sẹo mụn. (1)

Nguyên nhân nổi mụn ở lưng
Nguyên nhân nổi mụn ở lưng do tình trạng tuyến bã nhờn hoạt động nhiều, điều này tạo điều kiện tích tụ tế bào chết trên da, bụi bẩn, chất bã nhờn… làm lỗ chân lông tắc nghẽn sinh ra mụn, đồng thời vi khuẩn C.acnes cư trú trên da tăng sinh gây ra hiện tượng viêm và thay đổi sự sản sinh chất béo, hoạt động tiết bã gây nên mụn viêm (2). Ngoài ra, có một số yếu tố khiến tình trạng nổi mụn ở lưng bao gồm:
- Nội tiết tố: người đang mang thai, trẻ ở tuổi dậy thì có nhiều khả năng bị mụn trứng cá hơn khi nồng độ hormone thay đổi.
- Thuốc: một số loại thuốc bao gồm corticosteroid có thể tác động hệ nội tiết, làm xáo trộn mất cân bằng gây mụn trứng cá ở lưng hoặc khiến mụn nặng hơn. Đồng thời một số thuốc thoa như corticosteroid còn gây phát ban dạng mụn trứng cá sau khi thoa thuốc.
- Căng thẳng, lo lắng: sẽ tạo ra nhiều hormone cortisol hơn. Khi nồng độ cortisol tăng lên, cơ thể sẽ sản xuất nhiều bã nhờn hơn.
Dấu hiệu nhận biết mụn ở lưng
Dấu hiệu nhận biết mụn ở lưng với các tổn thương như:
- Mụn đầu trắng: mụn không viêm, <5mm, hình vòm, trơn láng, màu da hoặc trắng nhạt.
- Mụn đầu đen: mụn không viêm, dạng sẩn <5mm với lỗ nang lông mở rộng chứa nhân mụn màu đen, xám hoặc nâu.
- Sẩn mụn viêm: sẩn viêm tương đối nông, có mủ, đường kính <5mm.
- Mụn nang: sẩn lớn (>5mm) nằm sâu hơn, viêm và mềm hoặc dạng nốt.
- Dát màu đỏ/ hồng là tình trạng hồng ban sau mụn để lại.
Mụn có thể nổi dọc theo vai, lưng trên hoặc khắp lưng hay xuống đến thắt lưng. Những mụn này có thể gây đau, phát triển thành cụm.

Cách điều trị mụn ở lưng
Có nhiều cách trị mụn nội tiết ở lưng khác nhau (3), bao gồm:
- Dùng thuốc không kê toa OTC: với mụn trứng cá nhẹ ở lưng, các loại kem, gel trị mụn không kê đơn có chứa các thành phần như: benzoyl peroxide, resorcinol, axit salicylic, lưu huỳnh giúp loại bỏ vết thâm, ngăn mụn mới nổi lên. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng sữa tắm có thành phần chống mụn trứng cá có các thành phần như axit salicylic giúp thông thoáng lỗ chân lông, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
- Tránh một số loại thuốc: một số loại thuốc, bao gồm androgen, lithium làm tăng khả năng phát triển mụn trứng cá. Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc này, cần thông báo với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm chăm sóc da gốc dầu: Các sản phẩm chăm sóc da chứa dầu, kem dưỡng ẩm, mỹ phẩm dễ dẫn đến mụn trứng cá ở lưng. Hiệp Hội Da liễu Hoa Kỳ khuyên người bệnh nên chọn các sản phẩm dán nhãn không gây mụn (không làm tắc nghẽn lỗ chân lông) để ngừa mụn trứng cá ở lưng.
- Loại bỏ áp lực lên lưng: ba lô, dụng cụ thể thao, nẹp lưng đều gây mụn ở lưng nên chọn chiếc ba lô nhẹ, vừa vặn để giảm thiểu ma sát, kích ứng da.
- Mặc quần áo sạch: quần áo bẩn chứa mồ hôi, dầu, bụi bẩn dễ gây kích ứng da, góp phần phát triển mụn trứng cá. Do đó, nên mặc quần áo rộng rãi khi tập thể dục, thay quần áo thấm mồ hôi sau khi tập luyện.
>>>Xem thêm: Hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết và không nên chủ quan
Những lưu ý khi trị mụn nội tiết ở lưng
Người bệnh cần chăm sóc da khi bị mụn trứng cá để cải thiện tình trạng da (4). Những lưu ý khi trị mụn nội tiết ở lưng bao gồm:
- Mặc quần áo tập luyện rộng rãi làm từ cotton hoặc vải thấm mồ hôi.
- Giặt quần áo tập luyện sau mỗi lần sử dụng.
- Tắm, thay quần áo càng sớm càng tốt sau khi tập thể dục hoặc khi đổ mồ hôi.
- Làm sạch da nhẹ nhàng khi rửa lưng hoặc thoa sản phẩm trị mụn.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, không có mùi thơm.
- Dùng các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm không chứa dầu, trên bao bì ghi khuyến cáo: không gây mụn, không làm tắc nghẽn lỗ chân lông hoặc không chứa dầu.
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: tia nắng mặt trời có xu hướng làm thâm mụn, khiến mụn tồn tại lâu hơn. Do đó, nên thoa kem chống nắng không chứa dầu khi ra ngoài trời để ngừa mụn trứng cá.
- Tránh xà phòng kháng khuẩn, chất làm trầy xước da, chất tẩy tế bào chết vì có thể làm hư hại lớp bảo vệ của da khiến mụn nặng hơn.
- Giặt ga trải giường: 1 – 2 lần/tuần giúp loại bỏ vi khuẩn, tế bào da chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông hình thành mụn trứng cá ở lưng.
Các loại thực phẩm giảm mụn nội tiết ở lưng hiệu quả
Mụn nội tiết ở lưng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau và cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng bệnh. Các loại thực phẩm giảm mụn nội tiết ở lưng hiệu quả, bao gồm:
- Chọn thực phẩm GI thấp như: rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, trái cây (táo, lựu, mận, nho, dâu tây, mâm xôi, việt quất,…), dầu ô liu, trứng, thịt gà, cá… vào chế độ ăn uống giúp giữ cho lượng đường trong máu ổn định, cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của da.
- Axit béo omega-3, omega-6, omega-9 có tác động đến mức độ viêm nhiễm trong cơ thể giúp giảm viêm. Các loại thực phẩm giàu omega-3 bao gồm: cá có dầu (cá hồi, cá thu), dầu cá, dầu tảo, các loại hạt (hạt lanh, quả óc chó…).
- Chất chống oxy hóa: nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như: trái việt quất, rau lá xanh, bắp cải tím, trà xanh.
- Thay thế sữa bò bằng các loại sữa hạt để ngăn mụn trứng cá.

Khoa Da Liễu – Thẩm Mỹ Da, PlinkCare có trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh mụn trứng cá giúp người bệnh mau chóng lấy lại làn da khỏe đẹp.
Mụn ở lưng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy vào tình trạng bệnh. Do đó, nếu người bệnh xuất hiện mụn ở lưng cần đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được điều trị sớm, tránh để mụn nổi nhiều tốn thời gian điều trị lâu hơn hoặc để lại sẹo thâm.