
Mụn đầu đen ở cằm: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa
Mụn đầu đen ở cằm là gì?
Mụn đầu đen ở cằm là những nốt cộm, nổi trên bề mặt da vùng cằm, có đầu hở, màu sẫm. Mụn đầu đen ở cằm xảy ra do lỗ chân lông hở và tuyến nhờn nang lông tăng tiết. Nhân mụn có màu đen do hiện tượng oxy hóa các chất sừng keratin và làm mụn đổi thành màu sẫm. Những nốt đen nổi cao hơn mặt da và có thể sẽ rụng ra ngoài.
Không giống với mụn nhọt, mụn đầu đen ở cằm không gây đau và viêm. Mụn đầu đen xuất hiện hầu hết mọi vị trí có nang lông, đặc biệt ở vùng cằm vì khu vực này người bệnh ít chú ý chăm sóc da hơn các bộ phần khác trên mặt. (2)
Nguyên nhân gây mụn đầu đen ở cằm
Một số nguyên nhân gây nổi mụn đầu đen ở cằm, bao gồm: (3)
- Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh: tuyến bã nhờn có chức năng là sản xuất dầu trên da. Tuy nhiên, một số tuyến bã nhờn sản xuất quá nhiều dầu khiến mụn dễ mọc hơn.
- Vệ sinh da không đúng cách: một số người chỉ vệ sinh da mặt bằng nước hoặc khi trang điểm nhưng không dùng nước tẩy trang và sữa rửa mặt. Vì vậy, chất bã nhờn, bụi bẩn và tồn dư của mỹ phẩm tích tụ có thể tạo thành nốt mụn trong lỗ chân lông dẫn đến mụn đầu đen, khi nhân trứng cá tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và có màu đen
- Lạm dụng các loại mặt nạ: phương pháp này hỗ trợ quy trình chăm sóc da rất nhiều. Tuy nhiên, người bệnh không đắp mặt nạ để dưỡng da hàng ngày. Thực tế, da rất mỏng manh và nhạy cảm nên lạm dụng các loại mặt nạ sẽ làm da suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho các yếu tố bên ngoài dễ dàng tác động và gây tổn thương da. Với da nhạy cảm, đắp mặt nạ mỗi ngày có thể gây kích ứng, nổi mẩn đỏ, viêm và ngứa da. Vì vậy, người bệnh nên đắp mặt nạ 2 – 3 lần/tuần và mỗi lần không quá 15 phút.
- Di truyền: cha mẹ nổi mụn đầu đen thì con cái cũng có khả năng nổi mụn đầu đen. (4)
- Nặn mụn: dùng tay không đảm bảo vệ sinh hoặc nặn mụn quá mạnh có thể đưa vi khuẩn và nhân mụn vào sâu trong da và làm tình trạng mụn đầu đen trở nên tệ hơn. Một số trường hợp cố gắng nặn, cạy hay chọt nhưng mụn không ra mà còn khiến da kích ứng, viêm và lỗ chân lông giãn to ra hơn.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: chế độ ăn uống chứa nhiều đường, chất béo, dầu,… có thể đẩy nhanh quá trình hình thành mụn đầu đen ở cằm. Ngoài ra, chế độ sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá với chất nicotine hoặc căng thẳng kéo dài có thể làm thay đổi thành phần bã nhờn, kích thích tuyến bã nhờn sản xuất nhiều dầu hơn khiến da dễ nổi mụn.
- Mỹ phẩm không phù hợp: một số mỹ phẩm có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông khiến da dễ nổi mụn đầu đen ở cằm.

Dấu hiệu nhận biết mụn đầu đen ở cằm
Một số dấu hiệu nhận biết mụn đầu đen ở cằm, như:
- Đầu mụn có màu sẫm hoặc đen.
- Mụn nổi trên bề mặt da nhưng phẳng hơn mụn nhọt.
- Mụn không gây đau.
- Lỗ chân lông mở rộng.
Mụn đầu đen ở cằm có nên nặn không?
Không, người bệnh không nên nặn mụn đầu đen ở cằm. Việc dùng tay nặn mụn đầu đen ở cằm có thể không đảm bảo vệ sinh và tăng nguy cơ đưa vi khuẩn vào sâu trong da.
Hơn nữa, nếu người bệnh nặn quá mạnh sẽ vô tình đẩy mụn vào sâu trong da. Một số trường hợp, người bệnh cố gắng nặn, chọc và cạy mụn không những không lấy hết mụn đầu đen ra mà còn làm da kích ứng, vi khuẩn lợi dụng thời cơ xâm nhập vào, gây viêm và lỗ chân lông giãn to hơn. (5)
Làm thế nào để chữa mụn đầu đen ở cằm hiệu quả tại nhà
1. Rửa mặt 2 lần một ngày và sau khi tập thể thao
Dùng sữa rửa mặt có chứa axit salicylic sẽ giúp lỗ chân lông sạch sâu và ngăn nổi mụn đầu đen ở cằm. Hãy dùng sữa rửa mặt 2 lần/ngày, mỗi sáng và tối.
2. Loại bỏ mụn đầu đen đúng cách
Thông thường, bạn dùng thanh kim loại nhỏ có một đầu hình tròn để lấy mụn. Nếu dùng dụng cụ nặn mụn này không đúng cách có thể gây tổn thương da và để lại sẹo. Thay vì vậy, bạn nên tìm đến gặp bác sĩ da liễu để được khám, chẩn đoán, lên liệu trình trị mụn và tiến hành lấy mụn đầu đen ra khỏi da an toàn.
Với một số mụn đầu đen cạn dễ lấy, người bệnh có thể nặn mụn tại nhà theo các bước như sau:
- Bước 1: Làm sạch da và xông hơi để lỗ chân lông giãn nở.
- Bước 2: Rửa tay và chuẩn bị tăm bông, gạc sạch, găng tay y tế (nếu có).
- Bước 3: Ấn nhẹ quanh vị trí mụn cần nặn. Lưu ý, không ấn mạnh vì có thể làm da bầm và vô tình đẩy mụn vào sâu trong da.
3. Dùng miếng dán lột mụn
Hiện trên thị trường có nhiều loại miếng dán lột mụn đầu đen, người bệnh có thể lựa chọn tùy vào tình trạng da. Việc dùng miếng dán này sẽ giúp người bệnh dễ dàng lấy mụn đầu đen ở cằm ra và không lo để lại sẹo. Người bệnh dùng miếng dán lột mụn bằng cách:
- Bước 1: Làm sạch da.
- Bước 2: Làm mềm da bằng việc xông hơi.
- Bước 3: Thấm khô da và dùng miếng dán lột mụn lên vị trí cần điều trị.
- Bước 4: Chờ khoảng 3 – 5 phút rồi lột miếng dán theo chiều từ trái qua phải hoặc ngược lại. Lưu ý, không giật mạnh vì sẽ dễ gây tổn thương da.
- Bước 5: Rửa sạch lại với nước và có thể dùng khăn bọc đá hoặc mỹ phẩm dưỡng da, mặt nạ để thu nhỏ lỗ chân lông lại.
- Bước 6: Hãy dưỡng ẩm da bằng mỹ phẩm dạng gel mỏng nhẹ.
Ngoài ra, người bệnh không dùng miếng dán lột mụn quá 2 lần/tuần sẽ khiến lỗ chân lông to. Với da nhạy cảm hoặc mụn sưng viêm không nên thực hiện phương pháp này.
> Bài viết liên quan: Mụn đầu đen ở mũi: Nguyên nhân, dấu hiệu, phòng ngừa

4. Tẩy tế bào chết bằng AHA và BHA
Cả hai chất này đều thuộc loại axit hydroxy, cụ thể AHA (axit alpha hydroxy) và BHA (axit beta hydroxy). Cả hai chất này đều có công dụng tẩy tế bào chết sâu trên da giúp giảm viêm, thu nhỏ lỗ chân lông, ngăn mụn, giảm nếp nhăn và làm đều màu da.
Tuy nhiên, AHA và BHA không nên dùng cùng lúc vì có thể gây khô và kích ứng da. Người bệnh nếu muốn dùng AHA và BHA hiệu quả hãy dùng một loại vào ban ngày, loại kia dùng vào ban đêm hoặc xen kẽ các ngày trong tuần.
5. Tẩy trang vào cuối ngày
Da thường tích nhiều bụi bẩn nên tẩy trang rất quan trọng. Nếu đi ngủ không tẩy trang, đặc biệt khi trang điểm có thể làm lỗ chân lông bít tắc và nổi mụn. Vì vậy, hãy tẩy trang trước khi dùng sữa rửa mặt vào cuối ngày để da sạch sâu hơn.
6. Các thuốc bôi điều trị mụn đầu đen
Retinoid có các dạng sữa, kem, gel sẽ kiểm soát hoạt động tuyến bã nhờn giúp lỗ chân lông thông thoáng. Lưu ý phụ nữ mang thai hoặc đang có dự định thụ thai cần cẩn thận khi dùng retinoid. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thuốc bôi điều trị mụn có thành phần như axit salicylic, axit azelaic, benzoyl peroxide.
7. Dưỡng ẩm
Da thiếu độ ẩm khiến tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu và nổi mụn. Vì vậy, dùng kem dưỡng ẩm giúp giảm tình trạng tăng sinh tuyến bã nhờn, lỗ chân lông được thông thoáng và ngăn nổi mụn đầu đen ở cằm.
Trên thị trường, có nhiều loại kem dưỡng ẩm với các kết cấu khác nhau như dạng gel, kem, lotion,… đặc trị riêng với từng loại da. Bạn hãy chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng da của mình và dùng ở bước cuối cùng trong quy trình chăm sóc da.
Biện pháp ngăn ngừa mụn đầu đen ở cằm
Một số biện pháp ngăn ngừa mụn đầu đen ở cằm, gồm:
- Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối.
- Thực hiện rửa mặt đúng cách.
- Không dùng mỹ phẩm và đồ trang điểm chứa dầu và làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Tẩy tế bào chết cho da.
- Hạn chế để bản thân trong trạng thái căng thẳng.
- Giữ chế độ ăn uống lành mạnh.
- Thoa kem chống nắng mỗi ngày.
- Thường xuyên làm sạch ga trải giường, vỏ gối.
- Hạn chế để tay hoặc tóc chạm vào vùng cằm và xương hàm.

Mụn đầu đen ở cằm rất khó điều trị triệt để. Hơn nữa, người bệnh nặn mụn không đúng cách có thể để lại thâm sẹo. Hãy đến gặp bác sĩ để được lấy sạch nhân mụn đúng cách và điều trị hiệu quả mụn đầu đen ở cằm. Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, PlinkCare TP.HCM có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp việc tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Mụn đầu đen ở cằm là tình trạng phổ biến ở cả nam và nữ, đặc biệt thường nổi ở thanh thiếu niên. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về mụn đầu đen ở cằm và có chế độ chăm sóc da phù hợp với bản thân.