Image

14 món ăn cho người bị gout hỗ trợ kiểm soát cơn đau hiệu quả

món ăn cho người bị gout

Thế nào là món ăn tốt cho người bị gout?

Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị, kiểm soát bệnh gút và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thực đơn cho người bệnh gút cần chuyên biệt, phù hợp để giúp hỗ trợ kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn chặn biến chứng hiệu quả.

Chế biến các món ăn cho người bị gút cần tuân thủ một số nguyên tắc dinh dưỡng sau:

  • Ưu tiên chọn thực phẩm phù hợp:
    • Giàu chất chống oxy hóa: Tăng cường bổ sung chất chống oxy hóa sẽ góp phần làm giảm mức axit uric trong máu, nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch giúp cơ thể đủ khả năng chống lại phản ứng viêm nhiễm do bệnh gút gây ra. Bổ sung chất chống oxy hóa từ nguồn thực phẩm còn góp phần làm giảm nguy cơ khởi phát các biến chứng về tim mạch và gan, thận ở người bệnh gút. Chất chống oxy hóa có nhiều trong các loại thực phẩm như trái cây họ cam quýt, các loại quả mọng (việt quất, dâu tây, mâm xôi…), trà xanh…
    • Cung cấp nguồn đạm (protein) chất lượng cao: Quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể có thể gây tăng mức axit uric máu, khiến bệnh gút tiến triển nghiêm trọng. Để hạn chế nguy cơ gây tăng mức axit uric máu, chế độ dinh dưỡng của người bệnh gút cần tập trung vào chất lượng nguồn protein, ưu tiên dung nạp các loại thực phẩm giàu protein chất lượng cao, ít chất béo bão hòa và ít purin như các loại đậu, hạt, thịt ức gà bỏ da, phi lê các loại cá nước ngọt (cá basa, cá lóc, cá hú…)…
    • Cung cấp hàm lượng omega-3 cao: Người bệnh gút nên tăng cường bổ sung axit béo omega-3 giúp kiểm soát mức mỡ máu, đường huyết, phản ứng viêm nhiễm, giảm thiểu nguy cơ khởi phát các biến chứng nguy hiểm. Axit béo omega-3 có nhiều trong các loại thực phẩm như dầu ô-liu, quả bơ, các loại hạt, các loại cá béo…
  • Hạn chế các loại thực phẩm như:
    • Thực phẩm chứa nhiều purin: Dung nạp purin quá mức là tác nhân hàng đầu gây tăng độ axit uric máu, thúc đẩy bệnh gút tiến triển nghiêm trọng. Các món ăn cho người bị gout cần tránh sử dụng thực phẩm giàu purin như nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ…
    • Thực phẩm chứa hàm lượng đường fructose cao: Dung nạp nhiều đường fructose sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Món ăn cho người bệnh gout cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa hàm lượng fructose cao như chanh dây, dứa, lựu…
    • Thực phẩm giàu tinh bột (carbohydrate) tinh chế: Theo các nghiên cứu, việc giảm chỉ số đường huyết có liên quan đến việc giảm thiểu mức axit uric trong máu, góp phần kiểm soát bệnh gút hiệu quả. Trong khi đó, tiêu thụ tinh bột tinh chế là nguyên nhân hàng đầu khiến mức đường huyết tăng cao đột ngột sau bữa ăn. Do đó, người bệnh gút cần tránh các món ăn được làm từ nguyên liệu chứa hàm lượng carbohydrate cao như gạo trắng, bột mì trắng…
    • Thực phẩm chứa cồn: Quá trình chuyển hóa nồng độ cồn của cơ thể có thể gây cản trở và làm giảm hiệu quả thải lọc axit uric ở thận. Việc dung nạp món ăn hoặc thức uống chứa cồn như rượu, bia, cocktail… có thể làm tăng mức axit uric máu khiến bệnh gút tiến triển nghiêm trọng.
Thế nào là món ăn tốt cho người bị gout?
Thực đơn ăn uống cho người bệnh gút cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng

Gợi ý các món ăn cho người bị gout phổ biến

Người bệnh gút nên đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp. Có thể tham khảo công thức chế biến những món ăn cho người bị gout như dưới đây:

1. Canh cá rô đồng, rau cải xanh

Canh cá rô đồng, rau cải xanh là món ăn quen thuộc, không chỉ thơm ngon, dễ chế biến, món ăn này còn cung cấp protein, chất xơ giúp nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa, tối ưu quá trình trao đổi chất và thải lọc axit uric.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:

  • Phi lê cá rô đồng: 200 g
  • Rau cải xanh: 500 g
  • Tỏi băm: 1 muỗng cà phê
  • Dầu hạt cải: 10 ml
  • Gừng: 50 g
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, đường ăn kiêng, tiêu xay.

Cách chế biến:

  • Đầu tiên, rửa sạch, thái nhỏ và ướp phi lê cá rô đồng với 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng cà phê hạt nêm ít muối và ½ muỗng cà phê tiêu xay.
  • Rửa sạch và thái khúc rau cải xanh, gọt vỏ và thái sợi gừng.
  • Sau đó, đun nóng dầu hạt cải, cho gừng sợi và phi lê cá rô đồng đã ướp vào xào cho săn lại.
  • Tiếp tục, cho thêm khoảng 1 lít nước vào nồi nấu đến khi nước sôi thì cho rau cải xanh đã cắt khúc vào.
  • Nêm nếm gia vị vào nồi canh, bao gồm 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh đường ăn kiêng.
  • Cuối cùng, trình bày món ăn ra tô và rắc thêm một ít tiêu xay lên trên.

2. Canh đậu phụ nấu nấm kim châm

Canh đậu phụ nấu nấm kim châm là món ăn cho người bị gout thơm ngon, bổ dưỡng. Đậu phụ và nấm kim châm là thực phẩm không chứa purin, đồng thời cung cấp hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, đặc biệt là chất xơ, protein thực vật và chất chống oxy hóa có lợi cho quá trình kiểm soát bệnh gút.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • Đậu phụ: 100 g
  • Nấm kim châm: 100 g
  • Tỏi băm: 1 muỗng cà phê
  • Dầu hạt cải: 10 ml
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, đường ăn kiêng, tiêu xay.

Các bước chế biến:

  • Đầu tiên, rửa sạch nguyên liệu, cắt bỏ gốc nấm kim châm và thái đậu phụ thành các miếng vuông.
  • Sau đó, phi thơm tỏi băm với dầu hạt cải và cho thêm khoảng 1 lít nước vào nồi.
  • Kế tiếp, cho đậu phụ đã thái vào nồi đun đến khi vừa sôi lăn tăn thì cho thêm nấm kim châm vào.
  • Tiếp tục nêm nếm 1 muỗng cà phê ít muối và 1 muỗng cà phê đường ăn kiêng vào nồi canh.
  • Cuối cùng, trình bày món ăn ra tô và rắc thêm một ít tiêu xay lên trên.

3. Canh bí đỏ nấu tôm khô

Canh bí đỏ nấu tôm khô là món ăn dành cho người bị gout đơn giản, dễ chế biến. Ngoài chất xơ, bí đỏ còn cung cấp hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào gồm beta-carotene, alpha-carotene, beta-cryptoxanthin. Trong khi đó, tôm khô chứa hàm lượng protein và khoáng chất cao, khi dung nạp với lượng vừa phải sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm:

  • Bí đỏ: 300 g
  • Tôm khô: 30 g
  • Ngò gai: 20 g
  • Rau om: 20 g
  • Dầu hạt cải: 10 ml
  • Gia vị: Hạt nêm ít muối, đường ăn kiêng, tiêu xay.

Các bước chế biến:

  • Đầu tiên, gọt vỏ, rửa sạch và thái nhỏ bí đỏ, rau om, ngò gai.
  • Ngâm tôm khô với nước lọc trong khoảng 20 phút rồi rửa lại, vớt ra để ráo.
  • Sau đó, xào nhanh bí đỏ với dầu hạt cải và cho thêm khoảng 1 lít nước vào nồi đun sôi.
  • Kế tiếp, khi nước trong nồi đã sôi cho thêm tôm khô vào nấu khoảng 10 phút với lửa nhỏ.
  • Tiếp tục, nêm nếm vào nồi canh 2 muỗng cà phê hạt nêm ít muối, 1 muỗng cà phê đường ăn kiêng.
  • Cuối cùng, cho thêm rau om, ngò gai vào nồi canh và tắt bếp.
Canh bí đỏ nấu tôm khô cho người bệnh gút
Canh bí đỏ nấu tôm khô là món ngon nên có trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh gút

4. Canh bí xanh nấu đậu đỏ

Canh bí xanh nấu đậu đỏ là món ăn cho người bị gout, giúp bổ sung chất xơ, protein thực vật cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất khác.

Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • Bí xanh: 200 g
  • Đậu đỏ: 80 g
  • Hành lá: 10 g
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, đường ăn kiêng.

Các bước chế biến:

  • Đầu tiên, đậu đỏ rửa sạch và ngâm trong nước qua đêm, sau đó rửa sạch lại với nước và để ráo.
  • Gọt vỏ, thái miếng bí xanh, rửa sạch, thái nhỏ hành lá.
  • Sau đó, cho đậu đỏ và 1 lít nước vào nồi đun sôi. Tiếp tục chỉnh nhỏ lửa đun thêm khoảng 20 phút thì cho bí xanh vào nấu.
  • Khi nồi canh sôi trở lại, nêm nếm gia vị bao gồm 2 muỗng cà phê hạt nêm ít muối, 1 muỗng cà phê đường ăn kiêng và tắt bếp.
  • Cuối cùng, trình bày món ăn ra tô và rắc thêm một ít hành lá.

5. Canh củ cải

Củ cải là thực phẩm ít calo nhưng chứa hàm lượng chất xơ, vitamin C, magie, canxi, kali… dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Củ cải trắng: 200 g
  • Gừng: 10 g
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, tiêu xay.

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, gọt vỏ, rửa sạch và cắt nhỏ củ cải trắng, gừng tươi.
  • Sau đó, đun sôi 1 lít nước và cho củ cải, gừng đã thái vào nấu với lửa nhỏ trong khoảng 20 phút.
  • Cuối cùng, nêm nếm 1 muỗng cà phê hạt nêm ít muối và trình bày món ăn ra tô, rắc thêm một ít tiêu xay lên trên.

6. Cháo đậu đỏ, tim sen

Đậu đỏ và tim sen là thực phẩm không chứa purin và giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe của người bệnh gút.

Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • Tim sen: 5 g
  • Đậu đỏ: 50 g
  • Gạo tẻ: 50 g
  • Gia vị: Hạt nêm ít muối, tiêu xay.

Các thực hiện:

  • Đầu tiên, vo sạch và để ráo gạo, rửa sạch tim sen và đậu đỏ.
  • Sau đó, cho gạo, đậu đỏ, tim sen vào nấu cùng 1 lít nước với lửa nhỏ trong khoảng 30 phút.
  • Cuối cùng, nêm nếm thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm ít muối và tắt bếp.

7. Cháo hạt dẻ

Với hàm lượng chất chống oxy hóa và axit béo omega-3 dồi dào, hạt dẻ là thực phẩm nên có trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh gút.

Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • Gạo nếp: 50 g
  • Hạt dẻ: 30 g
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, đường ăn kiêng.

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, vo và ngâm gạo nếp khoảng 4 tiếng, sau đó nấu nhừ gạo nếp với 1 lít nước – thường xuyên khuấy cháo để tránh bị cháy đáy nồi.
  • Kế tiếp, tán vụn hạt dẻ và cho vào nồi cháo tiếp tục nấu thêm khoảng 15 phút.
  • Cuối cùng, nêm nếm vào nồi cháo 1 muỗng cà phê hạt nêm ít muối, 1 muỗng cà phê đường ăn kiêng và tắt bếp.

8. Cháo hẹ

Cháo hẹ là món ăn cho người bị gout vì không chứa purin, cung cấp năng lượng với hàm lượng thấp, không tiềm ẩn nguy cơ tăng cân khiến bệnh gút tiến triển nghiêm trọng.

Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • Hẹ tươi: 50 g
  • Gạo tẻ: 80 g
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, tiêu xay.

Cách chế biến:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái nhỏ hẹ tươi. Cùng lúc đó, vo sạch và nấu gạo tẻ với 1 lít nước (lửa nhỏ) đến khi cháo nhừ.
  • Sau đó, cho thêm hẹ đã thái nhỏ vào nồi cháo, nêm nếm thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm ít muối, tiêu xay và tắt bếp.

9. Cháo củ cải

Nguyên liệu để chế biến món cháo củ cải bao gồm:

  • Củ cải trắng: 200 g
  • Gạo tẻ: 30 g
  • Dầu ô-liu: 20 ml
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, tiêu xay.

Cách chế biến:

  • Đầu tiên, gọt vỏ, rửa sạch và thái củ cải trắng thành các khối vuông nhỏ. Vo sạch và nấu gạo tẻ với 800 ml nước trong lửa nhỏ.
  • Sau đó, cho dầu ô-liu và củ cải trắng đã thái nhỏ vào xào.
  • Kế tiếp, cho củ cải trắng đã xào vào nồi cháo, tiếp tục nấu thêm khoảng 20 phút.
  • Cuối cùng, nêm nếm 1 muỗng cà phê hạt nêm ít muối, tiêu xay và tắt bếp.

10. Cháo gạo lứt

Cháo gạo lứt là món ngon cho người bị gout vì rất giàu chất xơ, chất chống oxy hóa có lợi cho quá trình kiểm soát bệnh gút. Ngoài ra, carbohydrate trong gạo lứt là loại hấp thu chậm, không làm tăng mức đường huyết sau bữa ăn nên an toàn với sức khỏe của người bệnh gút.

Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • Gạo lứt: 100 g
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, tiêu xay.

Cách chế biến:

  • Đầu tiên, vo sạch gạo lứt, sau đó nấu với 1,5 lít nước đến khi chín nhừ (lửa nhỏ).
  • Kế tiếp, khi cháo đã nhừ, nêm nếm vào 1 muỗng cà phê hạt nêm ít muối, ½ muỗng cà phê tiêu xay và tắt bếp.
  • Cuối cùng, trình bày món ăn ra tô và thưởng thức khi còn nóng.
món ăn cho người bị gút, cháo gạo lứt
Cháo gạo lứt là món ăn cho người bị gout thơm ngon, dễ chế biến

11. Trứng xào lá lốt

Nguyên liệu để làm món trứng xào lá lốt bao gồm:

  • Trứng gà: 2 quả
  • Lá lốt: 50 g
  • Dầu ô-liu: 20 ml
  • Gia vị: hạt nêm ít muối, tiêu xay.

Cách chế biến:

  • Đầu tiên, rửa sạch và thái sợi lá lốt, chuẩn bị tô cho trứng gà và ½ muỗng cà phê hạt nêm ít muối vào khuấy đều.
  • Sau đó, xào sơ lá lốt với dầu ô-liu và cho trứng gà đã khuấy vào xào với lửa nhỏ trong khoảng 4 phút.
  • Cuối cùng, trình bày món ăn ra đĩa và rắc thêm một ít tiêu xay lên trên.

12. Bắp cải trộn

Để làm món bắp cải trộn, người bệnh gút cần chuẩn bị các nguyên liệu bao gồm:

  • Bắp cải: 200 g
  • Cà rốt: 100 g
  • Dầu hạt cải: 20 ml
  • Nước cốt canh: 20 ml
  • Mè rang: 1 muỗng cà phê
  • Gia vị: Muối, đường ăn kiêng, tiêu xay.

Cách chế biến:

  • Đầu tiên, bắp cải rửa sạch và thái sợi, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và thái sợi.
  • Pha nước trộn gỏi với các nguyên liệu gồm ½ chén nước lọc, 20 ml dầu hạt cải, 20 ml nước cốt chanh, ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường ăn kiêng, 1 muỗng cà phê tiêu xay.
  • Kế tiếp, chuẩn bị tô lớn, cho bắp cải và cà rốt đã thái sợi vào trộn đều với nước trộn gỏi đã pha.
  • Cuối cùng, trình bày món ăn ra đĩa và rắc thêm một ít mè rang lên trên.

13. Nước bưởi, ổi và dâu tây

Bưởi, ổi, dâu tây là ba loại trái cây giàu vitamin C và nhiều chất chống oxy hóa. Nước ép bưởi, ổi và dâu tây là món ăn cho người bị gout, giúp tăng cường hệ miễn dịch, góp phần kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

  • Bưởi: 70 g
  • Ổi: 70 g
  • Dâu tây: 70 g
  • Mật ong: 10 ml.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch và thái nhỏ bưởi, ổi, dâu tây.
  • Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào máy ép hoặc xay nhuyễn cùng với 500 ml nước lọc, sau đó lọc bỏ phần bã.
  • Cuối cùng, cho thêm 1 muỗng cà phê mật ong rồi thưởng thức nước ép bưởi, ổi và dâu tây.

14. Nước ép nho và táo

Nước ép nho và táo là thức uống giải khát giàu vitamin, chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh gút.

Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm:

  • Nho tươi: 100 g
  • Táo: 100 g
  • Mật ong: 10 ml.

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, rửa sạch và bỏ hạt nho tươi, rửa sạch và thái nhỏ táo.
  • Sau đó, cho nho và táo vào máy ép lấy nước.
  • Cuối cùng, thêm 10 ml mật ong vào nước ép nho, táo và thưởng thức.

Lưu ý khi chế biến món ăn cho người bị gút

Bên cạnh việc tìm hiểu các món ngon cho người bị gout, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Người bệnh gút cần tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để có thể xây dựng thực đơn ăn uống chuyên biệt, hỗ trợ cải thiện bệnh hiệu quả.
  • Trong quá trình chế biến món ăn cho người bị gout cần tránh sử dụng bia, rượu và kiểm soát lượng đường ở mức tối thiểu. Như đã đề cập, tiêu thụ đường và các sản phẩm chứa cồn có thể khiến mức axit uric máu tăng cao, thúc đẩy bệnh gút tiến triển nhanh chóng.
  • Người bệnh gút cần kiểm soát khẩu phần ăn cân bằng và phù hợp, tránh tình trạng dung nạp quá nhiều hoặc quá ít trong một bữa. Kiểm soát khẩu phần sẽ giúp người bệnh gút có thể dàn trải được lượng dinh dưỡng dung nạp vào cơ thể, hỗ trợ nâng cao sức khỏe, có lợi cho quá trình điều trị bệnh.
  • Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và lịch hẹn tái khám của bác sĩ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh, ngăn chặn nguy cơ khởi phát biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý khi chế biến món ăn cho người bị gút
Người bệnh gút cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng an toàn, phù hợp

Như vậy, bài viết đã gợi ý một số món ăn cho người bị gout góp phần hỗ trợ cải thiện bệnh. Tốt hơn hết, để đảm bảo an toàn và tối ưu hiệu quả chữa trị, người mắc bệnh gút cần thăm khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lối sống.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send