
Mổ thoát vị bẹn: Quy trình, biến chứng và các lưu ý thường gặp
Mổ thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong bụng như mỡ, ruột non, mạc nối không còn nằm ở vị trí thông thường và chui ra khỏi một điểm yếu trên thành bụng ở bẹn và tạo thành một khối gọi là khối thoát vị. Tình trạng này gây căng đau, khó chịu vùng bẹn, đôi khi gây tắc ruột và hoại tử ruột. Mổ thoát vị bẹn là phẫu thuật nhằm đẩy các tạng thoát vị trở lại vị trí cũ và củng cố điểm yếu ở thành bụng, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp có thoát vị nghẹt thì cần mổ cấp cứu để tránh hoại tử ruột.

Đối tượng cần mổ thoát vị bẹn
Mổ thoát vị bẹn thường được khuyến nghị nếu thoát vị gây đau, có triệu chứng nghiêm trọng hoặc đau dai dẳng. Thoát vị bẹn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra chủ yếu ở nam giới, người lớn tuổi (75-80 tuổi) do các cân cơ ở thành bụng trở nên yếu hơn và trẻ em từ 0-5 tuổi do bất thường cấu trúc bẩm sinh.
Có khoảng 2%-3% trẻ sơ sinh nam và 1% trẻ sơ sinh nữ bị thoát vị bẹn, nguyên nhân trẻ sơ sinh bị thoát vị bẹn là một cấu trúc gọi là ống phúc tinh mạc không đóng lại hoàn toàn, tạo thành một điểm yếu trên thành bụng.
Ngoài ra, thoát vị bẹn còn do một số yếu tố như di truyền, ho hay táo bón mãn tính, hút thuốc lá, phụ nữ có thai, trẻ sinh non, chấn thương vùng bẹn, mang vác, đẩy vật nặng… làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn.
Các phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn
Phẫu thuật hiện là phương pháp điều trị chính cho bệnh thoát vị bẹn. Phẫu thuật bằng phương pháp mổ hở hoặc nội soi tùy trường hợp cụ thể.
1. Mổ mở thoát vị bẹn
Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống, các sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật rạch một đường lớn ở vùng bẹn để đưa các cơ quan trở về vị trí trong ổ bụng và gia cố thành bụng vùng bẹn bằng cân cơ hoặc lưới nhân tạo tùy trường hợp. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê.
2. Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi là phương pháp hiện đại được đánh giá cao với nhiều ưu điểm như: phẫu thuật ít xâm lấn, ít đau, vết sẹo nhỏ và mau phục hồi. Bác sĩ sẽ rạch một số đường nhỏ (vài mm) trên bụng, sau đó dùng một ống soi có camera ở đầu và sử dụng các dụng cụ đặc biệt để đẩy tạng thoát vị trở lại ổ bụng và lỗ thoát vị được gia cố bằng một miếng lưới chuyên dụng. (1)
Quy trình mổ thoát vị bẹn
Mổ thoát vị bẹn cần thực hiện đúng quy trình, trước, trong và sau mổ.
1. Chuẩn bị trước mổ thoát vị bẹn
- Trước khi mổ, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh làm các xét nghiệm, kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh
- Bác sĩ dặn dò người bệnh cần ngưng các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc bổ và thực phẩm chức năng. Vì những loại thuốc này có thể ảnh hưởng quá trình phẫu thuật. Đồng thời, người bệnh cũng được yêu cầu ngừng ăn uống lúc nửa đêm trước khi thực hiện phẫu thuật.
2. Tiến hành mổ thoát vị bẹn
Tùy phương pháp phẫu thuật mà quá trình thực hiện khác nhau. Điều này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, cũng như trang thiết bị tại cơ sở điều trị. Cụ thể:
- Phương pháp mổ hở: Bệnh nhân sẽ được gây tê hoặc gây mê. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tạo một vết cắt duy nhất ở vùng bẹn, dài khoảng 6-8cm, thực hiện bịt kín chỗ thoát vị, củng cố vững chắc thành bụng, sau cùng là khâu lại vết mổ.
- Phương pháp nội soi: Bệnh nhân được gây mê. Tiếp theo, bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng cách rạch các đường nhỏ ở vùng bụng cần phẫu thuật, đưa ống nội soi và dụng cụ cần thiết vào bên trong qua đường rạch. Ống nội soi có gắn nguồn sáng và camera ghi lại hình ảnh chi tiết được phóng đại nhiều lần ra màn hình bên ngoài. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát và thực hiện đẩy tạng sa về vị trí cũ, đóng khối thoát vị. Sau cùng đặt lưới nhân tạo ở vùng thành bụng yếu để bịt kín chỗ thoát vị gia cố thành bẹn và khâu lại vết mổ. Tùy theo từng tình huống mà, bác sĩ đi theo các phương pháp khác nhau như: đi hoàn toàn ngoài phúc mạc (đặt lưới và lưới không tiếp xúc ruột); trường hợp thoát vị lâu năm sẽ áp dụng phương pháp đi xuyên qua ổ bụng và đặt lưới ở trước phúc mạc, không tiếp xúc ruột và che phủ vùng khiếm khuyết.
- Đối với thoát vị bẹn ở trẻ em, bác sĩ sẽ phẫu thuật khâu thắt ống phúc tinh mạc, không cần đặt lưới, có thể mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi.

3. Sau khi mổ thoát vị bẹn
- Phẫu thuật hoàn tất, người bệnh được chuyển về phòng hồi sức để theo dõi tình trạng sức khỏe (khoảng 4 tiếng)
- Sau khi mổ, người bệnh cần được nghỉ ngơi, lấy lại sức. Không nên vận động hay làm việc nặng, tránh mang vác nặng, chỉ nên đi lại nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu, và giúp vết thương nhanh lành.
- Khi xuất viện về nhà, người bệnh cần thay băng và vệ sinh vết mổ hàng ngày, tránh tình trạng nhiễm trùng.
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường rau xanh và hoa quả tươi giàu chất xơ, vitamin cho cơ thể, tránh bị táo bón.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Khi vết mổ đã phần nào lành lặn, người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng, tránh những áp lực mạnh vào vết thương.
- Cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không ăn quá no trong một thời điểm.
- Cần tái khám, kiểm tra tình trạng vết mổ cũng như sức khỏe giúp phát hiện sớm những vấn đề xấu có thể xảy ra.
Các thắc mắc về mổ thoát vị bẹn
Những thắc mắc xung quanh việc mổ thoát vị bẹn được nhiều người quan tâm, sau đây là những câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất:
1. Mổ thoát vị bẹn có nguy hiểm không?
Phẫu thuật thoát vị bẹn được xem là an toàn, ít xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng có rủi ro nhất định. Để hạn chế tối đa những rủi ro, người bệnh cần chọn bệnh viện uy tín, có máy móc và kỹ thuật và phương pháp phẫu thuật hiện đại, tiên tiến, chính xác.
2. Biến chứng sau mổ thoát vị bẹn
Mổ thoát vị bẹn được xem là an toàn, nhưng cũng có thể có những biến chứng không mong muốn xảy đến ngay sau mổ hoặc biến chứng muộn. Sau phẫu thuật có thể xảy ra những biến chứng như chảy máu sau phẫu thuật; tụ máu và dịch ở bìu ảnh hưởng việc cung cấp máu đến tinh hoàn; sưng đau và bầm tím ở tinh hoàn; đau và tê ở vùng bẹn (do dây thần kinh bị mắc kẹt hoặc tổn thương trong khi mổ); nhiễm khuẩn vết mổ; hư tinh hoàn do nghẹt thừng tinh, tổn thương mạch máu. (2)
Ngoài ra, còn có những biến chứng muộn như: bệnh tái phát (thường hay gặp ở người già); teo tinh hoàn và giảm khả năng sinh dục do bị chèn ép lên các mạch máu nuôi dưỡng thừng tinh và tinh hoàn; đau kéo dài; Giảm cảm giác phía dưới sẹo mổ do kích thích hay tổn thương thần kinh cảm giác vùng.
Những biến chứng này có nguy cơ cao ở những người có bệnh lý đi kèm như tim mạch, hô hấp hoặc những người từ 50 tuổi trở lên.

3. Phẫu thuật nào tốt cho thoát vị bẹn?
Phẫu thuật nội soi được xem là phương pháp hiện đại được ưu tiên lựa chọn vì nhiều ưu điểm: ít xâm lấn, ít đau, vết sẹo nhỏ, có tính thẩm mỹ cao, thời gian nằm viện ngắn (1-3 ngày), nhanh phục hồi, an toàn, tỷ lệ biến chứng thấp, không ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.
4. Phẫu thuật thoát vị bẹn có đau không?
Trong quá trình phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp nội soi, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân nên không đau. Vết mổ nhỏ chỉ vài mm nên người bệnh ít đau sau mổ, và hầu như không đau, thường đau âm ỉ vết mổ từ 1-3 ngày. Phương pháp mổ hở sẽ đau hơn, và thời gian phục hồi chậm hơn, đau 5-7 ngày (tùy cơ địa mỗi người).
5. Mổ thoát vị bẹn mất bao lâu?
Thời gian mổ thoát vị bẹn mất từ 1 – 2 giờ, tùy vào phương pháp phẫu thuật.
6. Mổ thoát vị bẹn có tái phát không?
Mổ thoát vị bẹn có khả năng tái phát, nhưng tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 1% nếu có đặt lưới.
7. Mổ thoát vị bẹn bao lâu thì đi lại được?
Người bệnh được khuyến khích vận động đi lại nhẹ nhàng từ sau hậu phẫu 1 ngày để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
8. Mổ thoát vị bẹn bao lâu thì lành?
Thường thì vết mổ ngoài da sẽ lành sau 7 ngày đối với cả mổ mở và nội soi. Tuy nhiên bệnh nhân cần kiêng vận động nặng trong ít nhất 1 tháng để vùng bẹn được chắc. Lúc này, người bệnh có thể quay lại làm việc và chơi thể thao bình thường.
9. Mổ thoát vị bẹn bao lâu thì quan hệ được?
Sau khi vết thương ổn định (khoảng 1-2 tuần), người bệnh có thể quan hệ tình dục, tùy vào tình trạng đau và sức khỏe của từng người. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên hoạt động vừa phải để không ảnh hưởng đến vết mổ.
10. Chi phí mổ thoát vị bẹn?
Phẫu thuật thoát vị bẹn chi phí bao nhiêu còn tùy thuộc vào phương pháp điều trị, dịch vụ đi kèm trước, trong và sau phẫu thuật ở nơi điều trị. Do đó, để biết chính xác chi phí, người bệnh nên liên hệ với cơ sở y tế, bệnh viện mà mình chọn điều trị để được giải đáp cụ thể.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) là những chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc những bệnh lý tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Với những thông tin trên, chúng ta có thể nắm rõ về mổ thoát vị bẹn. Tuy nhiên, để phòng ngừa những biến chứng rủi ro, cũng như việc điều trị hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế, bệnh viện uy tín, có đội ngũ bác sĩ lành nghề và máy móc hiện đại để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.