Image

Mất ngủ ở người già: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và phòng ngừa

Có khoảng 50% người cao tuổi gặp phải các vấn đề bất thường liên quan đến giấc ngủ. Trong đó, phổ biến hơn cả là tình trạng khó ngủ, mất ngủ ở người già. Chứng mất ngủ ở người già hay bệnh mất ngủ ở người già không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ rút ngắn tuổi thọ. Vậy nguyên nhân mất ngủ ở người già và cách điều trị ra sao?

Người cao tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần ở mọi độ tuổi, trong đó có người cao tuổi. Tương tư độ tuổi trưởng thành, theo khuyến nghị, người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) tốt nhất vẫn cần ngủ sâu từ 7 – 9 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, nhu cầu về giấc ngủ ở mỗi người không giống nhau. Một số người (trong đó có người cao tuổi) chỉ cần ngủ sâu giấc khoảng 5, 6 giờ nhưng những người khác cần ngủ nhiều hơn để có thể đảm bảo đủ thời gian tái tạo năng lượng cho cơ thể. (1)

Trên thực tế, người lớn tuổi thường có xu hướng ngủ ít hơn, họ đi ngủ và thức dậy sớm hơn giới trẻ. Nhiều người cao tuổi cũng dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ, trong đó bệnh mất ngủ ở người già thường chiếm đa số.

Triệu chứng mất ngủ ở người già

Dưới đây là một số triệu chứng mất ngủ ở người cao tuổi thường gặp, bao gồm: (2)

  • Khó ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và ngủ ít.
  • Không cảm thấy buồn ngủ vào ban đêm hoặc cảm thấy buồn ngủ nhưng không ngủ được.
  • Không ngủ được suốt đêm, thức giấc nhiều lần trong đêm.
  • Trằn trọc gần đến sáng mới có thể ngủ được.
  • Gặp khó khăn trong quá trình duy trì giấc ngủ ổn định.
  • Ngủ dậy sớm hơn bình thường.
  • Chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.

Thông thường, tình trạng mất ngủ bao gồm mất ngủ thoáng qua (xảy ra không thường xuyên), mất ngủ cấp tính (kéo dài dưới 4 tuần) và mất ngủ mạn tính (kéo dài hơn 4 tuần). Trong đó, mất ngủ thoáng qua và cấp tính thường xảy ra ở những đối tượng không có tiền sử mắc bệnh mạn tính tiềm ẩn nguy cơ gây mất ngủ hoặc chưa từng bị rối loạn giấc ngủ trước đó. Bệnh mất ngủ ở người lớn tuổi thoáng qua hoặc cấp tính nếu không được cải thiện kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ mạn tính và khi đó, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

triệu chứng mất ngủ ở người già
Người già là đối tượng có nguy cơ cao bị mất ngủ

Nguyên nhân gây mất ngủ ở người già

Bệnh mất ngủ ở người già hay mất ngủ ở người cao tuổi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân thứ phát và nguyên phát. Dưới đây là những nguyên nhân gây mất ngủ ở người già phổ biến: (3)

1. Nguyên nhân mất ngủ nguyên phát

Nguyên nhân mất ngủ nguyên phát đến từ sự suy giảm các chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể ở người có tuổi. Bởi vì, tuổi càng cao thì thể trạng càng sa sút và cơ thể rất dễ gặp phải những bất thường về sức khỏe. Trong đó, sự suy giảm về chức năng hoạt động của hệ thần kinh là tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi. Hậu quả của quá trình này là tình trạng khó ngủ, mất ngủ và các vấn đề rối loạn giấc ngủ khác.

Bên cạnh đó, nguyên nhân nguyên phát khiến người lớn tuổi mất ngủ còn đến từ sự rối loạn nhịp sinh học và hormone do lão hóa. Cụ thể, quá trình lão hóa làm suy giảm các tế bào nhân siêu vi (SCN) dẫn đến rối loạn nhịp sinh học. Ngoài ra, người cao tuổi có thể bị thiếu hụt hormone melatonin (hormone điều hòa giấc ngủ) dẫn đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ.

2. Rối loạn giấc ngủ thứ phát (bệnh lý)

Dưới tác động của quá trình lão hóa, người già dễ mắc phải các căn bệnh mạn tính tiềm ẩn nguy cơ gây mất ngủ. Một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ trong đó có chứng mất ngủ ở người già bao gồm:

  • Bệnh lý thần kinh: Các bệnh lý về thần kinh tiềm ẩn nguy cơ gây mất ngủ thường gặp ở người cao tuổi, ví dụ như trầm cảm, sa sút trí tuệ, Parkinson, Alzheimer, đau đầu, đột quỵ
  • Bệnh về xương khớp: Người cao tuổi có thể mắc phải các bệnh lý về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, loãng xương, thoái hóa khớp gối… Những bệnh lý này có thể gây ra hiện tượng đau nhức về đêm, khiến người bệnh thường xuyên bị khó ngủ, mất ngủ.
  • Bệnh về đường tiêu hóa: Người cao tuổi có hệ tiêu hóa kém và dễ mắc phải các bệnh lý như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa… Triệu chứng của những bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ, khiến người già bị mất ngủ.
  • Bệnh về hô hấp: Viêm phế quản, hen suyễn, viêm mũi, viêm xoang… với các triệu chứng như ho khan, tức ngực, khó thở vào ban đêm có thể khiến người cao tuổi thường xuyên bị mất ngủ.

Ngoài ra, các bệnh lý khác bao gồm bệnh về thận – tiết niệu, tăng huyết áp, tiểu đường… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để khởi phát hoặc làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngủ ở người già.

nguyên nhân mất ngủ ở người già
Bệnh mất ngủ ở người già có thể do nhiều nguyên nhân

3. Thuốc

Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tình trạng mất ngủ ở người lớn tuổi, ví dụ như:

  • Các loại thuốc lợi tiểu dùng trong phác đồ điều trị bệnh tăng nhãn áp hoặc tăng huyết áp.
  • Thuốc kháng cholinergic dùng trong phác đồ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Thuốc làm hạ huyết áp ở người bị tăng huyết áp.
  • Thuốc kháng viêm Corticosteroid dùng trong phác đồ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Các loại thuốc chống trầm cảm có thể được bác sĩ chỉ định cho người mắc chứng rối loạn lo âu.
  • Thuốc Levodopa dùng trong phác đồ điều trị bệnh Parkinson.
  • Thuốc Adrenergic dùng cho trường hợp khẩn cấp như tim ngừng đập hoặc người bệnh đột ngột lên cơn hen suyễn.

4. Nguyên nhân khác

Các yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra tình trạng mất ngủ ở người già bao gồm:

  • Yếu tố môi trường: Thông thường, giấc ngủ ở người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi sự tác động từ môi trường như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, không gian phòng ngủ chật hẹp, ẩm thấp…
  • Chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt kém khoa học như lạm dụng bia rượu, cà phê, trà, thuốc lá, ăn uống không đúng giờ, hay thức khuya… có thể khiến người cao tuổi thường xuyên bị khó ngủ, mất ngủ.

Hậu quả của mất ngủ đối với sức khỏe người già

Tình trạng mất ngủ ở người già nếu không sớm được cải thiện có thể gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng đến chất lượng sống, làm tăng nặng các bệnh lý nền sẵn có, thậm chí đe dọa tính mạng. Dưới đây là một số hệ lụy do mất ngủ ở người lớn tuổi gây ra: (4)

  • Thường xuyên uể oải, mệt mỏi, mất tập trung, luôn trong trạng thái lờ đờ vào ban ngày.
  • Hệ miễn dịch suy yếu khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi virus, vi khuẩn gây bệnh.
  • Gia tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Tạo nên những cơn buồn ngủ mất kiểm soát vào ban ngày.
  • Gây thiếu hụt năng lượng, khiến người bệnh ăn uống không kiểm soát dẫn đến nguy cơ bị thừa cân, béo phì.
  • Làm tăng nặng các bệnh lý nền sẵn có, gây khó điều trị, nguy hiểm sức khỏe.
  • Kéo dài tình trạng mất ngủ ở người lớn tuổi có thể gây ra hiện tượng ảo giác, rối loạn nhận thức.
bệnh mất ngủ ở người già
Bệnh mất ngủ ở người già không được chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh

Cách chẩn đoán bệnh mất ngủ ở người cao tuổi

Để chẩn đoán chính xác tình trạng mất ngủ, người cao tuổi cần sớm đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra sức khỏe hiện tại của người bệnh, nắm rõ tiền sử mắc bệnh, thói quen sinh hoạt, những loại thuốc đã từng hoặc đang sử dụng, các dấu hiệu đang có… Kết quả thăm khám lâm sàng là cơ sở có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chứng mất ngủ mà người bệnh đang gặp phải là cấp tính hay mạn tính.

Nếu kết quả thăm khám lâm sàng chưa đủ cơ sở để bác sĩ đưa ra chẩn đoán, người bệnh có thể thực hiện thêm các chỉ định cận lâm sàng khác như:

  • Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography): Đo đa ký giấc ngủ có thể giúp bác sĩ phân tích, đánh giá được những thay đổi sinh lý trong lúc ngủ của người bệnh, bao gồm điện não, nhịp tim, nhịp thở, chỉ số ngưng thở, cử động mắt, tay chân…
  • Đo điện não đồ (EEG): Kết quả đo điện não đồ cho phép bác sĩ đánh giá toàn diện về hoạt động của điện não có liên quan đến giấc ngủ. Cụ thể, mỗi giai đoạn của giấc ngủ được thể hiện ở từng phân đoạn sóng điện não đặc trưng như delta, theta, alpha, beta. Qua đó, bác sĩ có thể xác định chất lượng giấc ngủ và chẩn đoán chính xác tình trạng mất ngủ ở người già.
  • Đo độ trễ của giấc ngủ (MSLT): Đo độ trễ của giấc ngủ có thể giúp bác sĩ xác định được chất lượng giấc ngủ ở người cao tuổi. Từ đó, có thể kiểm tra được người bệnh ngủ đủ giấc hay không. Lúc này, bác sĩ có thêm cơ sở để chẩn đoán chứng mất ngủ ở người già.

Người cao tuổi cũng có thể được chỉ định chụp MRI, CT, X-quang hay các xét nghiệm máu liên quan để chẩn đoán các bệnh lý hay vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Điều trị mất ngủ ở người già

Điều trị chứng mất ngủ ở người cao tuổi cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Người cao tuổi có thể cần kết hợp điều trị bằng thuốc với các biện pháp hỗ trợ tại nhà khác để tối ưu hiệu quả chữa trị. Với những người mắc bệnh nền, cần điều trị kiểm soát bệnh hiệu quả để hạn chế ảnh hưởng đến giấc ngủ. (5)

1. Điều trị mất ngủ ở người già bằng thuốc điều trị

Một số loại thuốc điều trị mất ngủ ở người cao tuổi mà bác sĩ có thể chỉ định bao gồm:

  • Thuốc an thần: Các loại thuốc an thần có tác dụng giúp dễ ngủ, nâng cao chất lượng giấc ngủ bao gồm thuốc benzodiazepine như lorazepam, diazepam hoặc thuốc nonbenzodiazepine (thuốc Z) như zaleplon, zolpidem.
  • Thuốc tác động đến hormone giấc ngủ: Một số loại thuốc tác động đến hormone melatonin có thể được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ điều chỉnh chu kỳ ngủ, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ hữu hiệu.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ mạn tính ở người già bao gồm trazodone, doxepin, mirtazapine…

Những điều mà người bệnh cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ ở người già:

  • Tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ: Lạm dụng các loại thuốc chữa mất ngủ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh và sức khỏe tổng thể. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về liều lượng, cách sử dụng thuốc từ bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị và bảo vệ sức khỏe tối ưu.
  • Hiểu rõ về các tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc chữa chứng mất ngủ có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, chóng mặt, hoa mắt, rối loạn tiêu hóa… Do đó, người bệnh cần tìm hiểu về các tác dụng phụ này và tham vấn ý kiến bác sĩ để có biện pháp hạn chế và can thiệp kịp thời.
điều trị chứng mất ngủ ở người già
Người cao tuổi cần trao đổi với bác sĩ để có biện pháp cải thiện chứng mất ngủ an toàn, hiệu quả

2. Cách hỗ trợ trị mất ngủ cho người già tại nhà

Để tối ưu hiệu quả chữa trị chứng mất ngủ ở người già, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ, người bệnh cần kết hợp với một số liệu pháp tại nhà, bao gồm:

  • Tạo không gian ngủ phù hợp: Môi trường ngủ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ. Để cải thiện tình trạng người già bị mất ngủ, không gian phòng ngủ cần được tối ưu bằng cách điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ thích hợp, nên dao động từ 26 đến 27 độ C, hạn chế ánh sáng và tiếng ồn, xông tinh dầu thiên nhiên…
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Người cao tuổi cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung thực phẩm giúp ngủ ngon như các loại cá béo (giàu omega 3, vitamin B6), quả óc chó (giàu melatonin, omega 3), hạnh nhân (giàu magie, melatonin, tryptophan), mật ong (chứa insulin thúc đẩy não giải phóng tryptophan)…
  • Xoa bóp giúp cải thiện giấc ngủ: Đau nhức xương khớp có thể khiến người lớn tuổi bị mất ngủ vào ban đêm. Khi đó, liệu pháp xoa bóp các vị trí quan trọng như đầu, tay, chân có thể giúp người già dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
  • Thư giãn, ngâm chân giúp cải thiện giấc ngủ: Ngâm chân với nước ấm là một trong những biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ ở người cao tuổi dễ thực hiện. Chỉ với 15 phút ngâm chân trong nước ấm (khoảng 60 độ C) có thể giúp lưu thông khí huyết, giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả. Người cao tuổi cũng cần tránh căng thẳng, nghe nhạc, thiền, đọc sách để giữ tinh thần thoải mái.

Xem thêm: 12 cách trị mất ngủ cho người già tại nhà không dùng thuốc.

Cách phòng ngừa mất ngủ ở người cao tuổi

Người cao tuổi có thể chủ động phòng tránh hay giảm tình trạng mất ngủ bằng một số biện pháp như sau:

  • Kiểm soát các bệnh lý mạn tính trong cơ thể bằng cách tái khám định kỳ theo lịch hẹn và tuân thủ phác đồ điều trị bệnh từ bác sĩ.
  • Thiết lập thời gian đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định. Tránh ngủ trưa quá nhiều, nên ngủ trưa dưới 30 phút.
  • Hạn chế uống nhiều nước hoặc ăn quá no trước khi ngủ.
  • Người cao tuổi nên vận động nhẹ, tập dưỡng sinh từ 30 phút mỗi ngày với tần suất khoảng 3 lần 1 tuần để nâng cao sức đề kháng và cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Tuy nhiên, không nên tập trước giờ ngủ 3 tiếng.
  • Người lớn tuổi cần hạn chế uống trà đậm, cà phê, bia rượu, thuốc lá. Đồng thời, nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin B6, melatonin, magie, omega 3 tốt cho giấc ngủ.
  • Bổ sung những dưỡng chất có tác dụng cải thiện giấc ngủ từ thiên nhiên như các hoạt chất từ ginkgo biloba (bạch quả) và blueberry (việt quất). Những hoạt chất này có thể trung hòa các gốc tự do gây hại, tăng cường tuần hoàn máu não, hỗ trợ cải thiện tình trạng mất ngủ ở người già.
phòng tránh mất ngủ ở người già
Mất ngủ ở người già có thể được phòng tránh bằng nhiều cách

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của người cao tuổi. Kéo dài tình trạng mất ngủ ở người già có thể dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Do đó, người già bị mất ngủ cần sớm đến bệnh viện có chuyên khoa Thần kinh thăm khám, chữa trị kịp thời.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send