
Lao phổi giai đoạn cuối: Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân
Hiện nay, bệnh lao rất phổ biến tại nước ta. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ bệnh lao và lao kháng thuốc đứng hàng thứ 11 trên toàn thế giới.
Lao phổi giai đoạn cuối là gì?
Lao phổi giai đoạn cuối hay còn gọi là lao phổi giai đoạn hoạt động là giai đoạn bệnh lao bùng phát, có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh lao có 3 giai đoạn chính là:
- Lao phổi giai đoạn đầu (phơi nhiễm với vi khuẩn lao): khi chúng ta hít phải các hạt nhỏ chứa vi khuẩn lao, những hạt này sẽ lắng đọng sâu trong phổi. Tùy theo sức đề kháng, thời gian phơi nhiễm, nồng độ vi khuẩn lao trong môi trường và độc lực của vi khuẩn, cơ thể có thể đào thải vi khuẩn lao hoàn toàn hoặc bị nhiễm lao trong cơ thể (giai đoạn lao tiềm ẩn) nhưng chưa phát triển thành bệnh.
- Giai đoạn lao tiềm ẩn (nhiễm lao): khi hệ miễn dịch của cơ thể cố gắng kiểm soát vi khuẩn lao đã xâm nhập nhưng không thể tiêu tiêu diệt hoàn toàn được vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao ngủ yên trong cơ thể và chờ khi sức đề kháng của chúng ta yếu đi, chúng sẽ bùng phát. Trong số những người bị nhiễm lao, khoảng 5 – 10% có khả năng chuyển sang lao giai đoạn hoạt động và phần lớn sẽ xảy ra trong vòng 2 năm đầu tiên sau nhiễm lao.
- Giai đoạn hoạt động (bệnh lao): khi cơ thể không còn khống chế được vi khuẩn lao tiềm ẩn. Biểu hiện bệnh lao nhiều nhất là lao phổi, ngoài ra bệnh lao còn có thể xảy ra ở bất kì cơ quan khác như lao xương khớp, lao hạch, lao da… Đặc biệt lao có thể dẫn tới các bệnh cảnh nặng nề như lao màng não, lao kê (vi khuẩn lao lan tràn trong máu đi khắp cơ thể) có thể gây các di chứng nặng nề và tử vong.

Triệu chứng lao phổi giai đoạn cuối
Trong giai đoạn nhiễm lao, người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh và không có triệu chứng bất thường. Khi trở thành bệnh lao phổi giai đoạn cuối, người bệnh có thể có các triệu chứng âm ỉ mà không có bất kỳ biểu hiện nào nổi bật, hoặc có thể có những triệu chứng cấp tính nặng nề. (1)
Những triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh lao phổi trong giai đoạn vi khuẩn lao bùng phát gồm có:
- Các triệu chứng toàn thân thường gồm có mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng, sụt cân. Trong đó, triệu chứng sụt cân là triệu chứng quan trọng gợi ý bệnh lao. Người bệnh có thể có sốt, thường sốt nhẹ và vừa, sốt thường vào buổi chiều tối, khi hạ sốt (thường lúc ngủ), cơ thể sẽ toát mồ hôi vào ban đêm.
- Ho là triệu chứng thường gặp nhất. Người bệnh ho kéo dài dai dẳng, có lẫn dịch đờm. Những đợt ho diễn ra liên tục, không hết dù có sử dụng thuốc trị ho hay kháng sinh. Thậm chí người bệnh còn có thể ho ra máu.
- Đau tức ngực cũng là một triệu chứng phổ biến. Người bệnh có thể cảm thấy ngực đau âm ỉ hay đau nhói dù đang ngồi yên không hoạt động.
- Khó thở là một triệu chứng ít xảy ra, trừ khi lao phổi lan rộng nhiều thùy phổi và có biến chứng tại phổi như tràn dịch, tràn khí màng phổi.
- Nếu bệnh lao lan sang các cơ quan khác, người bệnh có thể bị nổi hạch, đau nhức xương khớp, tổn thương lao trên da, đau đầu…

Biến chứng bệnh lao phổi giai đoạn cuối
Bệnh lao phổi giai đoạn cuối là một tình trạng nghiêm trọng, khi bệnh đã phát triển và gây tổn thương nặng nề cho phổi cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Dưới đây là các biến chứng phổ biến mà người bệnh có thể gặp phải: (2)
1. Ho ra máu
Ho ra máu là biến chứng nguy hiểm có thể gặp với người bị lao phổi giai đoạn hoạt động. Tùy vào tổn thương do vi khuẩn lao gây ra trên phổi, người bệnh có thể ho ra máu lượng ít, trung bình, nhiều hay thậm chí ho ra máu sét đánh (có thể trên 1000mL máu trong 24 giờ và gây tử vong nhanh chóng).
2. Tràn khí màng phổi
Tổn thương trong lao phổi có thể bị vỡ ra làm tràn khí vào khoang màng phổi. Tràn khí màng phổi có thể kèm theo tràn mủ màng phổi chứa đầy vi khuẩn lao. Trong bệnh cảnh này, người bệnh cần phải được can thiệp đặt ống vào màng phổi để dẫn lưu khí và mủ ra ngoài càng sớm càng tốt. Nếu can thiệp chậm trễ, người bệnh có thể suy hô hấp, nhiễm trùng máu và tử vong.
3. Giãn phế quản
Một biến chứng phổ biến ở người bệnh bị lao phổi thời kỳ cuối chính là giãn phế quản. Khi bị lao phổi, các thành phế quản phổi của người bệnh bị phá hủy và xơ hóa dẫn đến co kéo mô phế quản phổi, gây giãn phế quản. Vùng phế quản bị giãn là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, vi nấm phát triển vì thế người bệnh có thể bị viêm phổi tái đi tái lại.
Vùng phế quản bị giãn còn có thể gây ho ra máu dai dẳng dù bệnh nhân đã hoàn thành phác đồ điều trị lao phổi. Đây là một di chứng mạn tính, khó phục hồi đối với người bệnh bị lao phổi.
4. Xơ sẹo tại phổi
Trong quá trình điều trị bệnh lao, đặc biệt ở các trường hợp phát hiện và điều trị bệnh trễ, người bệnh có sức đề kháng kém, xơ sẹo có thể hình thành và trở thành di chứng suốt đời. Cụ thể, bệnh lao phổi làm tổn thương và gây xơ hóa nhu mô phổi, đường thở.
Hậu quả của quá trình xơ hóa có thể làm xẹp một phần phổi, chít hẹp đường thở gây khó thở nặng nề và có khi cần phải phẫu thuật. Vì vậy, sau khi hoàn thành phác đồ điều trị, người bệnh cần được chụp X-Quang ngực hoặc CT ngực để kiểm tra tình trạng xơ sẹo tại phổi.
5. Suy hô hấp
Bệnh lao phổi nếu diễn tiến lan tràn khắp hai phổi, hay có các biến chứng tràn dịch – tràn khí màng phổi kèm theo sẽ gây ra biến chứng suy hô hấp. Các triệu chứng ở người bệnh bị suy hô hấp có thể bao gồm: Khó thở, thở nhanh, oxy trong máu tụt…

6. U nấm phổi Aspergillus
Sau khi điều trị lao phổi giai đoạn cuối, người bệnh có thể vẫn còn các hang lao và tồn tại dai dẳng trong phổi. Đây là môi trường thuận lợi cho u nấm phổi Aspergillus và một số vi khuẩn lao không điển hình khác phát triển.
U nấm phổi Aspergillus khá thường gặp ở người bệnh còn di chứng hang lao sau điều trị lao phổi giai đoạn cuối. Để điều trị tình trạng nhiễm trùng do nấm này, cần kết hợp sử dụng các loại thuốc và trong một số trường hợp còn cần phải thực hiện phẫu thuật để đảm bảo người bệnh được phục hồi hoàn toàn.
Cách điều trị bệnh lao phổi giai đoạn cuối
Nếu mắc bệnh lao phổi, tùy vào tình trạng nhạy cảm hay đề kháng thuốc lao, người bệnh sẽ được điều trị bằng sự kết hợp của các loại thuốc kháng lao với thời gian 6 tháng trong trường hợp nhạy cảm thuốc hay 9 đến 18 tháng hay thậm chí kéo dài hơn ở các trường hợp lao kháng thuốc.
Phác đồ điều trị bệnh lao theo Bộ y tế và Tổ chức y tế thế giới (WHO) đối với bệnh lao phổi nhạy cảm thuốc bao gồm các thuốc kháng lao hàng 1: Rifampin là thuốc kháng lao chủ lực, kết hợp với isoniazid, pyrazinamide và ethambutol. Người bệnh có thể bắt đầu cảm thấy khỏe hơn từ sau hai tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc.
Phác đồ kháng lao nhạy cảm thuốc cần phải bao gồm phối hợp ít nhất 3 loại thuốc với thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng, thời gian điều trị dài hơn nhiều so với điều trị vi khuẩn thông thường để có thể đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn lao. (3)
Do đó, người bệnh phải tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định trong suốt thời gian bác sĩ chỉ định. Không được tự ý dừng việc điều trị lao phổi để tránh vi khuẩn lao còn tồn tại trong cơ thể và bùng phát trở lại nặng nề hơn, thậm chí trở thành tình trạng lao phổi kháng thuốc, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Việc điều trị loại bệnh lao kháng thuốc mất nhiều thời gian hơn, có thể kéo dài từ 9 tháng đến 20 tháng với các loại thuốc kháng lao hàng 2 với nhiều tác dụng phụ.
Bệnh lao phổi sống được bao lâu?
Lao phổi là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có trên 1 triệu người tử vong vì bệnh lao. Lao là nguyên nhân nhiễm trùng gây tử vong đứng hàng thứ hai chỉ sau virus SARS-CoV2 được ghi nhận vào năm 2022 và đứng thứ 13 trong tất cả các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. (4)
Hiện nay, nhờ phác đồ điều trị thuốc kháng lao, người bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và giảm được tỉ lệ tử vong do bệnh lao nếu người bệnh được điều trị kịp thời. Do đó, nhìn chung việc người mắc bệnh lao phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào việc người bệnh có được điều trị kịp thời hay không và có tuân theo đúng phác đồ điều trị hay không.
Chăm sóc người bệnh lao phổi
Không phải bệnh lao phổi nào cũng có khả năng lây nhiễm bệnh cao. Việc lây nhiễm còn tùy thuộc vào nồng độ vi khuẩn lao có trong đàm của người bệnh. Nếu người thân trong gia đình mắc bệnh lao phổi với nồng độ vi khuẩn lao cao, cần hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại phòng riêng và người bệnh cần chú ý dùng khẩu trang, khăn tay để che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Người thân chăm sóc trực tiếp cho người bệnh lao cũng cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để tránh bị lây nhiễm. Phòng của người bệnh cần được bố trí thoáng mát, có cửa sổ đón ánh nắng mặt trời.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh, cần nhắc nhở, động viên người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng liều và đủ thuốc. Ngoài ra, nên động viên, an ủi người bệnh để giúp người bệnh giữ được tinh thần lạc quan, tránh những suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, nên hỗ trợ người bệnh bằng việc nấu những món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp người bệnh tăng cường sức khỏe chống lại bệnh lao phổi giai đoạn cuối.
Địa chỉ điều trị lao phổi đáng tin cậy
Bệnh lao thường được điều trị tại các bệnh viện hay cơ sở y tế cơ sở. Khoa Nội Tổng hợp, Hệ thống PlinkCare cũng là một trong những đơn vị uy tín chuyên thăm khám, điều trị lao phổi nói riêng và các bệnh hô hấp nói chung.

Bệnh viện Tâm Anh sở hữu nhiều máy móc hiện đại bậc nhất, phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp. Có thể kể đến như:
- Hệ thống X-Quang kỹ thuật số treo trần cao cấp GXR-52SD Ceiling System.
- Hệ thống chụp CT 1975 lát cắt & Hệ thống chụp CT 768 lát cắt ứng dụng công nghệ AI giúp đánh giá nhanh các tổn thương ở phổi.
- Các xét nghiệm soi tìm vi khuẩn lao như xét nghiệm soi AFB.
- Xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán lao nhanh chóng và chính xác như Line probe assay (LPA).
- Nuôi cấy vi khuẩn lao bằng phương pháp cấy MGIT cùng với máy móc hiện đại phục vụ cho việc nội soi phế quản ở những trường hợp khó chẩn đoán bệnh lao.
Khoa Nội Tổng hợp, Hệ thống PlinkCare quy tụ các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về các bệnh lý hô hấp nói chung và bệnh lao phổi nói riêng. Khoa còn kết hợp với các trung tâm, chuyên khoa khác như Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, khoa Dinh dưỡng Tiết chế để giúp việc chẩn đoán, điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
Bệnh lao phổi giai đoạn cuối có thể gây nên những biến chứng nặng nề với người bệnh. Càng điều trị sớm, người bệnh càng có nhiều cơ hội hồi phục, tránh được các tổn thương nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám ngay khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao phổi.