
Vì sao không quan hệ tình dục vẫn mắc ung thư cổ tử cung?
Nhiều nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Phần lớn ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra (99,7%). Đây là loại virus lây truyền qua đường tình dục hoặc mẹ – con, hoặc qua đồ vật truyền bệnh (hiếm như bàn tay, bề mặt môi trường). Trong đó các chủng HPV nguy cơ thấp gây ra mụn cóc ở da, mào gà sinh dục. Các chủng HPV nguy cơ cao gây nên các tổn thương tiền ung thư, ung thư ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật, hậu môn hay vùng hầu họng.
Ngoài ra, ung thư cổ tử cung còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như: Hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn, bạn tình nhiễm HPV), trạng thái suy giảm miễn dịch, phụ nữ sanh con sớm hay sanh nhiều con (>=3), thuốc nội tiết Diethylstilbestrol (DES), bé gái của những người mẹ đã từng sử dụng DES khi mang thai sẽ có khả năng phát triển ung thư biểu mô của âm đạo hoặc cổ tử cung cao hơn các bé gái khác.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hút thuốc lá chủ động hay thụ động cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung.
Nhiều người lầm tưởng ung thư cổ tử cung chỉ có thể xảy ra ở phụ nữ trưởng thành và đã có quan hệ tình dục, nên khá thờ ơ tầm soát dự phòng bệnh. Nhưng tại bệnh viện Ung bướu TP HCM từng ghi nhận một trường hợp bé gái 14 tuổi ở Kiên Giang, mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Được biết, đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc ung thư cổ tử cung mà bệnh viện này từng tiếp nhận. Một trường hợp khác là nữ sinh viên 19 tuổi, độc thân và phát hiện ung thư mô tuyến cổ tử cung. Bệnh không đáp ứng với điều trị nên cô gái trẻ này đã tử vong sau hơn một năm chiến đấu với bệnh tật tại bệnh viện K trung ương. (theo nguồn tin báo Pháp luật)
UTCTC ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, hạnh phúc của hàng triệu phụ nữ
Theo bác sĩ Kiều Lệ Biên – Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare, tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung thường tiến triển thầm lặng. Thời gian từ khi nhiễm HPV nguy cơ cao, dai dẳng tiến đến ung thư cổ tử cung xâm lấn khoảng 10-15 năm. Người bệnh có thể không có biểu hiện gì hoặc có thể có tiết dịch âm đạo nhiều, hôi, ra huyết âm đạo bất thường, quan hệ ra huyết,… nên phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ và tầm soát để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Sự bùng phát đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua khiến bệnh viện bị phong tỏa, thiếu hụt thuốc và thuốc đặc trị, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế cùng tâm lý lo ngại Covid-19 khiến bệnh chồng bệnh nên nhiều bệnh nhân trì hoãn thăm khám. Hậu quả là không ít bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, khối u phát triển lớn xâm lấn, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare TP HCM phát hiện rất nhiều trường hợp nhiễm HPV 16 & 18 dai dẳng, đây là 2 tuyp virus nguy cơ gây nên 70% tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Ngoài ra có những trường hợp pap’s bất thường mức độ cao như ASC-H, HSIL… “Có những ngày chúng tôi thực hiện 3-4 ca khoét chóp, một số bệnh nhân khác được chuyển qua điều trị đa mô thức, xạ trị, phẫu thuật và hóa trị với các trường hợp ung thư xâm lấn”, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa PlinkCare cho biết.
Khoét chóp cổ tử cung chẩn đoán và điều trị là biện pháp dự phòng cấp 2 đối với bệnh UTCTC. Ảnh: PlinkCare.
Cách phòng ung thư cổ tử cung sớm
ThS.BS Kiều Lệ Biên chia sẻ, tại Việt Nam cứ khoảng 100.000 phụ nữ thì sẽ phát hiện 20 trường hợp bị ung thư cổ tử cung, trong đó có 11 người có thể tử vong do bệnh. “Nếu phát hiện tiền ung thư, ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm và điều trị đúng mức thì người bệnh vẫn có khả năng và cơ hội mang thai sau đó. Đối với những trường hợp phát hiện muộn thì điều trị có thể kết hợp xạ trị, phẫu thuật cắt tử cung, hoá trị và lúc này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ”, bác sĩ Biên nói.
Bác sĩ cho biết, khi tiếp nhận phụ nữ khám phụ khoa định kỳ, bản thân luôn tìm hiểu và khuyến khích bệnh nhân chích ngừa HPV nếu còn trong độ tuổi quy định của Bộ y tế và chưa tiêm ngừa trước đó, đồng thời làm tầm soát ung thư cổ tử cung (nhất là độ tuổi 21 tuổi trở lên và đã có quan hệ tình dục): làm Pap’s (tế bào học) và/hoặc xét nghiệm HPV.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, tầm soát phát hiện sớm từ khi chưa có triệu chứng rất quan trọng. Vì khoảng thời gian hình thành và phát triển tổn thương tiền ung thư cổ tử cung tương đối dài, từ 3-7 năm. Nếu phát hiện sớm có thể xử trí và điều trị kịp thời, nhất là tiền ung thư có khả năng chữa khỏi hoàn toàn rất cao. Việc phát hiện bệnh sớm giúp giảm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro, tăng tỷ lệ sống còn trên 5 năm nếu là ung thư xâm lấn giai đoạn sớm.
Cũng theo bác sĩ Mỹ Nhi, phác đồ tầm soát với các biện pháp như tế bào học (Pap’s cổ điển hoặc Pap’s nhúng dịch) khả năng phát hiện ra những biến đổi tế bào cổ tử cung tới 70%. Phương pháp xét nghiệm HPV hiện được xem là bước tầm soát đầu tay ở một số quốc gia. Nếu chị em thực hiện tầm soát bằng Pap’s và xét nghiệm HPV, gọi là Co-testing, có thể tầm soát và phát hiện sớm bệnh lên tới 90-95%.
Ngoài ra còn có những giải pháp để chẩn đoán bệnh là soi cổ tử cung và sinh thiết dưới kính soi. Sau khi có kết quả giải phẫu bệnh tùy theo mức độ, người bệnh có thể được theo dõi hoặc điều trị bằng đốt điện, áp lạnh hay khoét chóp cổ tử cung chẩn đoán và điều trị.
Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh lý di truyền, nhưng theo một số nghiên cứu, khi trong gia đình người mẹ hoặc chị em gái mà bị ung thư cổ tử cung thì người phụ nữ đó nên được tầm soát, theo dõi kỹ càng hơn. Vì theo một số nghiên cứu ghi nhận rằng những người có yếu tố gia đình như vậy thì khả năng đề kháng kém hơn khi nhiễm HPV.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, để phòng ngừa được căn bệnh ung thư, nữ giới cần xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh (không hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý), chích ngừa vaccin phòng bệnh, quan hệ tình dục an toàn, xây dựng thói quen khám sức khỏe tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.
HỆ THỐNG PlinkCare
- PlinkCare Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- PlinkCare TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- PlinkCare – Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://plink-care-api.egovernment.com.vn
HỆ THỐNG PlinkCare
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://plink-care-api.egovernment.com.vn