Image

Khối máu tụ ở vú: Nguyên nhân, dấu hiệu nguy hiểm và chẩn đoán

khối máu tụ ở vú

Khối máu tụ ở vú là gì?

Khối máu tụ ở vú là tình trạng tụ máu bên trong vú của bạn, giống như vết bầm tím. Khối máu tụ ở ngực phát triển sau chấn thương ở vú. Chúng có thể ở bề mặt da, dưới da hoặc sâu hơn trong mô vú. May mắn là hầu hết các khối máu tụ đều chỉ mang tính tạm thời và cuối cùng tự khỏi mà không cần điều trị.

Các loại huyết khối ở vú

Các loại huyết khối ở vú, gồm:

  • Khối máu tụ do chấn thương: Khối máu tụ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai bị tổn thương ở mô vú. Chấn thương này có thể liên quan đến chấn thương như sinh thiết, chấn thương dây an toàn do va chạm ô tô hoặc sau phẫu thuật ngực.
  • Khối máu tụ do thuốc: Máu tụ sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở những người đang dùng thuốc làm loãng máu (aspirin hoặc các loại thuốc chống đông máu khác).

Nguyên nhân khối máu tụ ở vú và đối tượng rủi ro

Khối máu tụ ở vú có thể hình thành sau chấn thương mô vú do chấn thương hoặc thủ thuật sinh thiết hay phẫu thuật trên vú. Ví dụ, khối máu tụ có thể phát triển sau chấn thương thể thao, ngã hoặc do áp lực từ dây an toàn trong một vụ tai nạn ô tô. Tỷ lệ tụ máu sau phẫu thuật vú là thấp.

Bác sĩ điều trị sẽ thông báo cho bạn về nguy cơ tụ máu liên quan đến thủ thuật cụ thể. Các thủ tục này bao gồm:

  • Sinh thiết vú: Phương pháp này sẽ lấy mẫu mô vú để xác định người bệnh có ung thư vú hay không. Đôi khi, sinh thiết vú bằng kim nhỏ hoặc kim lớn (kỹ thuật xâm lấn tối thiểu) có thể gây chảy máu, bầm tím hoặc khối máu tụ ở ngực.
  • Phẫu thuật ung thư vú: Một số phẫu thuật ung thư vú như loại bỏ hạch bạch huyết, cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ một phần tuyến vú,… có thể làm xuất hiện khối máu tụ ở vú sau khi phẫu thuật hoặc sau khi ống dẫn lưu đã được tháo bỏ. Tình trạng này chỉ mang tính tạm thời.
  • Phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực: Các phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực sa trễ, thu nhỏ ngực, túi ngực thẩm mỹ, chỉnh sửa núm vú tụt,… cũng có thể làm xuất hiện khối máu tụ ở vú.
  • Dùng thuốc làm loãng máu: Khối máu tụ tự phát có thể xảy ra nếu bạn bị rối loạn chảy máu hoặc nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu. Các chất làm loãng máu thông thường bao gồm:
    • Warfarin (Coumadin®).
    • Apixaban (Eliquis®).
    • Rivaroxaban (Xarelto®).
    • Aspirin

Đôi khi, khối máu tụ có thể liên quan đến biểu hiện của bệnh ung thư vú nhưng điều này rất hiếm.

Triệu chứng máu tụ ở ngực cần lưu ý

Các triệu chứng máu tụ ở ngực cần lưu ý, bao gồm:

  • Sự đổi màu mờ dần theo thời gian như vết bầm tím (từ tím đậm/đỏ sang xanh lục rồi xám sang vàng).
  • Đau vú và/hoặc căng tức.
  • Một khối u có thể cảm thấy xốp hoặc chắc khi chạm vào.
  • Sưng tấy.
khối máu tụ ngực
Khối máu tụ ở vú thường dễ nhìn thấy dưới bề mặt da.

Thông thường, người bệnh dễ dàng nhìn thấy khối máu tụ dưới bề mặt da. Khối máu tụ nằm vị trí sâu hơn ở vú có thể không biểu hiện vết bầm tím trong vài ngày.

Nếu khối máu tụ vú xuất hiện sau phẫu thuật, bạn thường sẽ nhận thấy những thay đổi ở vú của mình trong vòng 24 – 72 giờ sau khi phẫu thuật. Khối máu tụ vú có thể xảy ra ngay cả khi đã đặt ống dẫn lưu sau mổ.

Khối máu tụ có thể gây đau hoặc có thể không gây ra triệu chứng. Nếu bạn từng bị chấn thương hay tổn thương ở vú trong thời gian ngắn trước khi chụp X-quang tuyến vú, vết thương đó có thể xuất hiện trên hình ảnh. Thông báo cho kỹ thuật viên về chấn thương vú gần đây trước khi chụp X-quang tuyến vú là điều quan trọng.

Dấu hiệu khối máu tụ ở vú cần gặp bác sĩ

Bác sĩ khoa Ngoại Vú sẽ đánh giá khối máu tụ khi theo dõi sau phẫu thuật vú. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy dấu hiệu nhiễm trùng:

  • Vùng ngực bị đỏ, sưng hoặc đau nặng hơn.
  • Dịch chảy ra từ vết mổ không rõ ràng.
  • Vú có cảm giác ấm khi chạm vào.
  • Sốt.

Khối máu tụ ở vú có nguy hiểm không?

Hầu hết các khối máu tụ vú đều không nghiêm trọng và tự biến mất. Tuy nhiên, hãy cho bác sĩ biết điều này nếu bạn cho rằng mình bị tụ máu.

Nếu khối máu tụ mới xảy ra và to nhanh chóng cần được khám khẩn cấp, tình trạng này có thể xảy ra trên người bệnh lớn tuổi có dùng thuốc chống đông máu.

Chẩn đoán khối máu tụ trong ngực thế nào?

Khối máu tụ ở vú thường là một chẩn đoán lâm sàng không cần chẩn đoán hình ảnh. Điều này có nghĩa là bác sĩ hỏi bệnh sử và khám vú lâm sàng có thể đánh giá khối máu tụ ở ngực. Hình ảnh hiếm khi được sử dụng để chẩn đoán, nhưng nó có thể được sử dụng để đánh giá mức độ khối máu tụ đang lan rộng.

Hình ảnh có thể được sử dụng nếu bệnh nhân không có tiền sử chấn thương vú hay phẫu thuật, khám lâm sàng chỉ thấy khối to trong vú không rõ ràng bướu hay nang dịch, …

  • Chụp X-quang tuyến vú: Khối máu tụ lớn và rắn chắc có thể trông giống như ung thư trên phim chụp X-quang tuyến vú, đặc biệt nếu có mô sẹo gần nó. Mô sẹo có hình dạng nhọn trên ảnh chụp X-quang tuyến vú trông giống như khối u ung thư.
  • Siêu âm tuyến vú: Bác sĩ của bạn thường xuyên cho siêu âm vú trước tiên để xem khối đó là rắn hay chứa đầy chất lỏng. Siêu âm có thể cho thấy liệu có túi chứa đầy chất lỏng trong vú của bạn hay không, được gọi là tụ dịch. Huyết thanh thường đi kèm với khối máu tụ. Siêu âm có thể hướng dẫn bác sĩ chọc hút dịch hoặc máu tụ và thậm chí sinh thiết.
  • Sinh thiết vú: Trong trường hợp hiếm hoi có nghi ngờ về việc liệu khối xuất hiện trên ảnh chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm là khối máu tụ hay ung thư, bác sĩ của bạn có thể lấy mẫu mô và gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để sinh thiết.

Khi bạn được cho chụp X-quang tuyến vú sau này, điều quan trọng bạn phải báo cho bác sĩ biết nếu trước đây bạn được chẩn đoán vú có khối máu tụ. Mô sẹo để lại sau chấn thương mô vú có thể giống với ung thư trên hình ảnh chụp X-quang tuyến vú.

khối máu tụ vú
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, PlinkCare TPHCM  khám và tư vấn cho người bệnh

Điều trị khối máu tụ trong vú

Hầu hết các khối máu tụ có thể được theo dõi và không cần điều trị. Khối máu tụ ngực ngày càng lớn hơn cần được bác sĩ của bạn khám đánh giá lại sớm nhất.

Thông thường, bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng sưng hoặc đau do tụ máu tại nhà.

  • Chườm lạnh trong 48 giờ đầu. Chườm lạnh lên khối máu tụ mới hình thành giúp giảm đau, giảm viêm và sưng tấy. Chườm lạnh hoặc chườm đá trong khăn khoảng 20 – 30 phút, 3 lần một ngày.
  • Uống Acetaminophen (Tylenol® hoặc Panadol) để giảm đau thay vì thuốc chống viêm không steroid (NSAID), loại này có đặc tính làm loãng máu.

Thường mất khoảng 4-6 tuần để khối máu tụ biến mất, nhưng trong một số trường hợp có thể mất vài tháng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể mất nhiều năm để các dấu hiệu của nó mờ đi hoàn toàn. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ đánh giá khối máu tụ của bạn đang lành như thế nào trong trường hợp cần điều trị phẫu thuật.

Nếu khối máu tụ đặc biệt lớn và nhanh chóng lớn hơn (hoặc vú của bạn trông như đang to hơn) và bác sĩ của bạn lo ngại rằng nó đang chảy máu bên trong thì bạn có thể phải phẫu thuật để lấy bỏ khối máu tụ và kiểm soát tình trạng chảy máu.

Khi khối máu tụ được hình thành và ổn định, nó có thể giữ nguyên kích thước trong 1-2 tuần và sau đó giảm dần kích thước.

Phòng ngừa và chăm sóc khối máu tụ trong vú

Một số cách phòng ngừa khối máu tụ trong vú, gồm:

  • Thủ thuật nhẹ nhàng chính xác, tránh tổn thương rộng.
  • Phẫu thuật nhẹ nhàng chuẩn mực, cầm máu tốt, dẫn lưu và băng ép sau mổ khi cần thiết.
  • Tư thế, vận động, thể thao hạn chế chấn thương vào ngực.
  • Dù sao thì khối máu tụ ở vú thường không thể ngăn ngừa được, nguy cơ cao xảy ra khi bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, điều này khiến bạn dễ bị tụ máu hơn sau chấn thương vú. Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh làm tổn thương vú của bạn.
khối máu tụ ở ngực
Khối máu tụ ở vú thường biến mất khoảng 4-6 tuần, nhưng trong một số trường hợp có thể mất vài tháng.

Cơ thể bạn rất có thể sẽ hấp thụ máu trong khối máu tụ theo thời gian. Khám bác sĩ và theo dõi diễn tiến, bác sĩ sẽ giải quyết cho bạn.

Khoa Ngoại Vú, PlinkCare TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục cập nhật phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp chị em tầm soát ung thư vú và được lên kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể. Đặc biệt, chị em có thể chia sẻ những khó khăn với các thành viên trong Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú – Bệnh viện Tâm Anh.

Việc phát hiện khối máu tụ ở vú có thể là điều đáng báo động, đặc biệt nếu bạn đã từng bị chấn thương hoặc đang trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật nâng ngực. Sự thật giống như vết bầm tím, khối máu tụ chỉ là dấu hiệu của mạch máu bị vỡ, hầu hết nó sẽ tự lành theo thời gian. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh không quá lo lắng bởi cơ thể sẽ làm tốt công việc quản lý những sửa chữa máu tụ này. Nếu bạn hồi phục chậm hoặc lo lắng, bác sĩ có thể giúp xác định xem có cần can thiệp hay không.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send