Image

Hội chứng thận hư ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

Hội chứng thận hư ở trẻ em là gì?

Hội chứng thận hư ở trẻ em là tình trạng cầu thận bị tổn thương gây phù và có các biểu hiện bất thường của giảm albumin máu. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng thường gặp nhất là ở trẻ từ 2-9 tuổi. Tỷ lệ mắc hội chứng thận hư ở bé trai cao hơn bé gái.

Các tiểu cầu thận có chức năng lọc máu, tạo nước tiểu. Khi trẻ mắc hội chứng thận hư, các bộ lọc nhỏ này bị tổn thương, dẫn đến tình trạng máu và protein (albumin) rò rỉ ra ngoài qua nước tiểu. Vì vậy, khi mắc bệnh, trẻ thường sẽ có triệu chứng nước tiểu có nhiều bọt đôi khi có tiểu máu (trong trường hợp bị hội chứng thận hư không đơn thuần). (1)

Mặt khác, khi protein, albumin máu bị rò rỉ ra ngoài, nồng độ protein, albumin trong máu giảm khiến nước thoát ra các mô kẽ, tích tụ trong các cơ quan khác của cơ thể như mặt, tay, chân, cánh tay, bụng,…gây hiện tượng phù.

hội chứng thận hư ở trẻ em là gì
Trẻ bị nề mi mắt do hội chứng thận hư

Các loại hội chứng thận hư ở trẻ em

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, hội chứng thận hư ở trẻ được chia làm 3 loại chính, gồm: (2)

  • Hội chứng thận hư tiên phát: Hội chứng thận hư tiên phát chiếm 90% trẻ mắc hội chứng thận hư. Bệnh gặp ở bé trai cao hơn bé gái. tuổi thường gặp từ 1-10 tuổi. Bệnh thường được điều trị bằng corticoid. Tuy nhiên, có đến 10-20% trẻ mắc bệnh không đáp ứng với corticoid và có nguy cơ chuyển biến thành suy thận mạn.
  • Hội chứng thận hư thứ phát: Bệnh thường xảy ra sau khi trẻ mắc các bệnh khác ví dụ: nhiễm virus hoặc ký sinh trùng (viêm gan siêu vi B,C, HIV, sốt rét, …) hay các bệnh lý liên quan tới miễn dịch (lupus ban đỏ, Henoch-Schonlein), sau nhiễm liên cầu bêta tan huyết nhóm A… hoặc ung thư (lymphoma, Hodgkin), hội chứng Alport hoặc hội chứng tán huyết urê huyết cao.
  • Hội chứng thận hư bẩm sinh: Đây là một bệnh lý hiếm gặp, xảy ra ở trẻ em trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh.
  • Bệnh có thể xảy ra do các nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát sau nhiễm trùng (sốt rét, HIV, viêm gan siêu vi, giang mai, toxoplasma rubella,…). Các triệu chứng phổ biến của hội chứng thận hư bẩm sinh gồm lâm sàng có phù, có thể có các triệu chứng của bệnh gây ra hội chứng thận hư như nốt phỏng nước ở gan bàn tay và bàn chân (giang mai…), protein niệu tăng cao, giảm albumin máu, tăng lipid máu,… Trẻ mắc bệnh có nguy cơ đối mặt với tử vong cao.
  • Bệnh có thể liên quan tới gen như hội chứng thận hư type Phần Lan, Hội chứng Denys Drash….

Yếu tố nguy cơ hội chứng thận hư

Theo các nghiên cứu, nguy cơ mắc hội chứng thận hư ở trẻ em sẽ cao hơn nếu trẻ có các yếu tố sau:

  • Mắc một số bệnh lý có liên quan hoặc có khả năng gây tổn thương thận: tiểu đường, lupus,…
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng: HIV, viêm gan B, viêm gan C, sốt rét,…
  • Đang sử dụng một số loại thuốc: fluconazole….

Triệu chứng thận hư ở trẻ em

Trẻ bị hội chứng thận hư thường sẽ có các triệu chứng sau:

  • Phù: nề mi mắt, phù chân, nề thành bụng, tràn dịch màng bụng, bộ phận sinh dục…
  • Nước tiểu có bọt để lâu tan;
  • Tăng cân bất thường;
  • Nước tiểu có màu đỏ, tăng huyết áp (trong hội chứng thận hư không đơn thuần);
  • Nồng độ cholesterol trong máu cao;
  • Tiểu ít hơn bình thường;
  • Mệt mỏi;
  • Chán ăn.

Nguyên nhân bệnh thận hư ở trẻ

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư ở trẻ được chia làm hai nhóm chính:

1. Nguyên nhân nguyên phát

Không tìm thấy nguyên nhân.

2. Nguyên nhân thứ phát

Một số nguyên nhân được tìm thấy như sau nhiễm virus HIV, Viêm gan B, C,… hoặc sau một bệnh liên quan tới miễn dịch: Schonlein Henoch, bệnh thận IgA, sau nhiễm trùng liên cầu bêta tan huyết nhóm A.. hoặc bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống)…

Cách chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ

Chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ dựa vào:

  • Phù trên lâm sàng;
  • Protein niệu cao  > 200 mg/mmol;
  • Albumin máu giảm dưới 30 g/l.

Trên lâm sàng, người ta phân biệt hội chứng thận hư đơn thuần và không đơn thuần:

  • Hội chứng thận hư đơn thuần: Bệnh nhân không bị cao huyết áp, không tiểu máu, không suy thận.
  • Hội chứng thận hư không đơn thuần: Bệnh nhân dưới 1 tuổi hoặc trên 10 tuổi; có cao huyết áp kéo dài hoặc tiểu máu có giảm bổ thể hoặc có suy thận không liên quan tới giảm khối lượng tuần hoàn.
chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ em
Xét nghiệm máu có thể được thực hiện nhằm kiểm tra nồng độ protein albumin trong máu

Để chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ, bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho trẻ và yêu cầu bố mẹ cung cấp các thông tin về tiền sử bệnh của trẻ, gia đình, các triệu chứng bất thường đã xuất hiện và các loại thuốc trẻ đang dùng (nếu có). Sau đó, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán và tìm nguyên nhân gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Phương pháp này được thực hiện nhằm xác định xem protein niệu và trong hội chứng thận hư không đơn thuần thì có thể tìm thấy hồng cầu trong nước tiểu có cao hay không.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm kiểm tra nồng độ albumin, cholesterol trong máu, chức năng thận (định lượng ure, creatinin máu).
  • Siêu âm: Thông qua hình ảnh thu được từ siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra hình thái của thận.
  • Sinh thiết thận: Phương pháp này thường được thực hiện ở trẻ bị hội chứng thận hư dưới 1 tuổi hoặc trên 10 tuổi hoặc thận hư không đơn thuần.

Điều trị hội chứng thận hư trẻ em

Hội chứng thận hư ở trẻ em hiện thuốc corticoid đang là lựa chọn ban đầu. Khoảng 80% bệnh nhi trong độ tuổi từ 2-9 tuổi mắc hội chứng hư thận tiên phát có đáp ứng tốt với thuốc sau điều trị. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin(ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB): Các loại thuốc này có tác dụng bảo vệ thận do lượng albumin thoát ra ống thận gây nguy cơ hỏng ống thận.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng phù, ví dụ như amiloride.
  • Thuốc chống đông máu: Heparin và warfarin (Coumadin, Jantoven) là những loại thuốc thường được sử dụng nhằm giảm khả năng đông máu của bệnh nhi, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông nguy cơ tắc mạch ( thường được chỉ định khi bệnh nhân có nguy cơ tăng động).
  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Corticosteroid (Prednisone) là loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng.

Lưu ý, quá trình điều trị hội chứng hư thận ở trẻ em thường kéo dài, vì vậy, trẻ cần kiên trì tuân thủ theo đúng các chỉ định của bác sĩ. Để hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh và điều trị cho trẻ, bố mẹ cần cung cấp chính xác và đầy đủ các triệu chứng bất thường đã xuất hiện trước đó. Ngoài ra, trẻ không được tự ngưng thuốc nếu không có sự đồng ý của bác sĩ. Nếu thuốc sắp hết, bố mẹ cần thông báo sớm cho bác sĩ, tránh để quá trình điều trị bị gián đoạn.

Biến chứng hội chứng thận hư ở trẻ em

Mặc dù hội chứng thận hư ở trẻ em vẫn chưa có các điều trị hoàn toàn nhưng nếu bệnh không được phát hiện và có phương pháp hỗ trợ điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Các biến chứng của hội chứng thận hư ở trẻ em gồm:

  • Tắc mạch do hình thành cục máu đông do nguy cơ tăng đông trong hội chứng thận hư vì nhiều lý do: giảm khối lượng tuần hoàn, mất antithrombin qua nước tiểu, tăng D-Dimer…
  • Suy dinh dưỡng: Khi trẻ bị hội chứng thận hư, trẻ thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đồng thời hàm lượng protein trong máu giảm. Điều này có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
  • Thiếu máu: do ăn kém, do sắt có thể bị rò rỉ ra ngoài theo nước tiểu, dẫn đến thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
  • Suy thận cấp tính: Các tổn thương thận do giảm khối lượng tuần hoàn.
  • Nhiễm trùng: Trẻ bị hội chứng thận hư thường có nguy cơ nhiễm trùng cao. Một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm phổi, viêm màng não,…
  • Suy giáp: Hội chứng thận hư ở trẻ có thể bị suy giáp do mất hormon gắn albumin và globulin.
  • Hội chứng thận hư kháng thuốc có thể dần dần sẽ bị suy thận mạn tính và có nguy cơ phải lọc máu và ghép thận

Chế độ ăn uống hội chứng thận hư trẻ em

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ. Do đó, khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ nên lưu ý:

  • Giảm lượng muối cung cấp cho cơ thể mỗi ngày: giảm gánh nặng cho thận, giảm nguy cơ tăng huyết áp và cải thiện tình trạng phù.
  • Thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol nếu trẻ có dấu hiệu tăng cholesterol và chất béo trung tính trong máu: giảm nguy xuất hiện biến chứng.
  • Duy trì lượng protein bình thường trong khẩu phần ăn hằng ngày.

>> Bài viết liên quan: Hội chứng thận hư nên ăn gì, kiêng gì? Lưu ý về chế độ ăn cần biết

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc hội chứng thận hư ở trẻ em và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:

Tóm lại, hội chứng thận hư ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và việc điều trị bệnh cũng cần dựa vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nên chủ động phòng ngừa và đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến hội chứng thận hư ở trẻ.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send