
Hội chứng Cushing có nguy hiểm không? Biến chứng là gì?
Hội chứng Cushing là gì?
Hội chứng Cushing (Hypercortisolism) là một nhóm các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra (mặt tròn, da mỏng, vết rạn da, béo bụng, teo cơ 2 chân…) do cơ thể tăng sản xuất nồng độ hormone cortisol quá cao hoặc các chất glucocorticoid có tác dụng tương tự cortisol gây ra. Cortisol đôi khi được gọi là “stress hormone” vì giúp cơ thể phản ứng lại với stress. (1)
Hội chứng Cushing không thường gặp, bệnh ảnh hưởng 40 – 70/1.000.000 người mỗi năm. Những người thường bị ảnh hưởng bởi hội chứng Cushing có thể là trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, đặc biệt là người từ 25 – 30 tuổi. Ngoài ra, những người được dùng thuốc có chứa corticoid để điều trị bệnh như hen suyễn, hội chứng thận hư hoặc viêm khớp dạng thấp cũng dễ bị mắc hội chứng Cushing.
Ngoài các thuốc điều trị bệnh, ở nước ta còn có thể gặp Hội chứng Cushing do bệnh nhân sử dụng các thuốc đông y không rõ nguồn gốc, các bài thuốc gia truyền để trị đau khớp. Trong thành phần các thuốc không rõ nguồn gốc này có thể chứa hàm lượng corticoid cao, vì thế sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng cơ thể.
Vì vậy, nếu người bệnh nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường nghi ngờ mắc hội chứng Cushing hãy đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được khám, theo dõi chẩn đoán tình trạng bệnh và lên phác đồ điều trị kịp thời. Đặc biệt, người bệnh hội chứng Cushing khi có bất kỳ triệu chứng mới hoặc tình trạng bệnh xấu đi cần báo cáo ngay với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời với tình trạng mắc hội chứng Cushing của mình.
Cortisol được sản sinh từ đâu?
Cortisol được tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ có kích thước bằng hạt óc chó, nằm phía trên mỗi quả thận) sản sinh nhằm giúp cơ thể:
- Duy trì huyết áp.
- Điều chỉnh lượng đường trong máu.
- Giảm viêm.
- Chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
Khi cơ thể sản sinh quá nhiều cortisol sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống khác của cơ thể. Hầu hết, các trường hợp mắc hội chứng Cushing đều có thể có thể điều trị được tuỳ nguyên nhân, mặc dù mất một khoảng thời gian để các triệu chứng thuyên giảm. (2)
Nguyên nhân của Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing hình thành do:
- Nội sinh (từ bên trong cơ thể): xảy ra do cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol. Nhóm nguyên nhân này lại được phân thành 2 nhóm nhỏ là phụ thuộc ACTH (ví dụ như u tuyến yên tiết ACTH, còn gọi là bệnh Cushing,..) và không phụ thuộc ACTH (ví dụ như u tuyến thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận,…). (3)
- Ngoại sinh (từ các nguồn bên ngoài): do tác dụng phụ của một số loại thuốc dùng để điều trị các bệnh khác.

Hội chứng Cushing có nguy hiểm không?
Hội chứng Cushing có nguy hiểm không? Có, hội chứng Cushing là một bệnh nội tiết nghiêm trọng do tiết cortisol mạn tính, có thể làm tăng tỷ lệ tử vong và suy giảm chất lượng cuộc sống do sự xuất hiện của các bệnh đi kèm: (4)
- Hội chứng chuyển hóa.
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn đường huyết.
- Rối loạn lipid máu.
- Béo phì trung tâm.
- Các bệnh lý tim mạch: nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch máu,…
- Tăng đông, tăng nguy cơ thuyên tắc mạch máu.
- Dễ nhiễm trùng, giảm sức đề kháng.
- Rối loạn cơ xương (bệnh cơ, loãng xương và gãy xương).
- Rối loạn tâm thần kinh (suy giảm chức năng nhận thức, trầm cảm hoặc hưng cảm).
- Suy giảm chức năng sinh sản, tình dục.
- Các vấn đề về da liễu (mụn trứng cá, rậm lông, rụng tóc,…).
Vậy những điều này cũng đã cho thấy hội chứng Cushing nguy hiểm và cần bác sĩ theo dõi thường xuyên. Ngoài ta, tùy nguyên nhân gây hội chứng Cushing mà bác sĩ có phương án điều trị khác nhau. Nếu người bệnh nhận thấy có dấu hiệu nghi mắc hội chứng Cushing hãy đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được khám, chẩn đoán và lên phác đồ điều trị bệnh kịp thời.
Lưu ý, người bệnh hội chứng Cushing cần báo cáo ngay với bác sĩ hoặc đến cấp cứu gần nhất khi có bất kỳ triệu chứng mới hoặc tình trạng bệnh xấu đi để bác sĩ điều trị chính xác và kịp thời với hội chứng Cushing người bệnh đang mắc phải.
Cách điều trị hội chứng Cushing hiệu quả, an toàn
Điều trị hội chứng Cushing phụ thuộc vào mức độ cortisol, triệu chứng, tình trạng lâm sàng và quan trọng hơn cả là nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing.
- Hội chứng Cushing do thuốc: Nếu người bệnh sử dụng glucocorticoid, bác sĩ sẽ giảm dần từ từ liều lượng thuốc corticoid và có thể thay đổi thuốc kê đơn bệnh lý khác tránh corticoid nếu không cần thiết. Hội chứng Cushing do thuốc nếu được điều trị đúng cách, bệnh có thể khỏi sau 2-18 tháng. Hội chứng Cushing sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị đúng cách.
- Hội chứng Cushing do nguyên nhân nội sinh: ví dụ như khối u tuyến yên hay khối u ở tuyến thượng thận, bác sĩ đề nghị phẫu thuật, xạ trị, tuỳ từng trường hợp cụ thể. Một lựa chọn khác là bác sĩ kê toa thuốc như ketoconazole, metyrapone, etomidate, mitotane làm ức chế tổng hợp cortisol.
Tóm lại các cách điều trị hội chứng Cushing do nguyên nhân nội sinh bao gồm:
- Thuốc: dùng thuốc giúp làm giảm sản xuất cortisol.
- Xạ trị: tiến hành khi người bệnh mắc hội chứng Cushing không thực hiện được phẫu thuật khối u tuyến yên với thời gian xạ trị kéo dài 6 tuần. Hiệu quả của xạ trị chỉ xảy ra sau vài tháng đến vài năm. Mức cortisol có thể mất nhiều năm để trở lại bình thường.
- Phẫu thuật: phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến yên, khối u tuyến thượng thận và khối u lạc chỗ hiệu quả. Cần chuẩn bị trước phẫu thuật kỹ cho bệnh nhân, cũng như theo dõi sau phẫu thuật cẩn thận. Một số biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật như suy tuyến yên, đái tháo nhạt, nhiễm trùng, rò dịch não tuỷ,…
Hãy đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được thăm khám, theo dõi tình trạng bệnh và điều trị kịp thời. Lưu ý, người bệnh cần báo cáo ngay với bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng mới hoặc tình trạng bệnh xấu đi để bác sĩ điều trị chính xác tình trạng bệnh của mình.

Vậy hội chứng Cushing nguy hiểm không? Hội chứng Cushing cần điều trị kịp thời dư thừa cortisol và điều trị cụ thể các bệnh đi kèm rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng lâm sàng nghiêm trọng. PlinkCare với chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường có các chuyên gia đầu ngành, với nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn cao giúp quá trình khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời cho người bệnh.
Hội chứng Cushing là một rối loạn nội tiết, cần theo dõi và phối hợp với bác sĩ để điều trị kịp thời. Thông qua bài “Hội chứng Cushing có nguy hiểm không?”, mọi người hiểu hơn về sự nguy hiểm và biến chứng của hội chứng Cushing để điều trị kịp thời. Đồng thời, mong rằng người bệnh biết cách phòng tránh bệnh hội chứng Cushing. Trường hợp, người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ hội chứng Cushing, hãy đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được khám, tư vấn các biện pháp và lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh đang mắc phải.