Image

Ho gà ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chẩn đoán bệnh

Ho gà ở trẻ em

Ho gà ở trẻ em là gì?

Ho gà (Whooping cough – Pertussis) là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa hè. (1)

Bệnh ho gà đặc trưng bởi những cơn ho dữ dội kéo dài, thở rít, có âm thanh “khò khè” khi trẻ hít vào và nôn sau khi ho. Vào đầu thế kỷ thứ 7, bệnh được biết đến với tên gọi là “cơn ho trong 100 ngày”. Năm 1679, Sydenham đã đặt tên cho căn bệnh này là “ho gà” – một thuật ngữ Latinh mang nghĩa “cơn ho dữ dội”.

Ho gà ở trẻ em kéo dài với những cơn ho thường xuyên không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ mà còn cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ở trẻ dưới 6 tuổi, chưa tiêm phòng vaccine bệnh thường có diễn tiến nặng, nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong cao. Do đó, trẻ cần được tiêm phòng vaccine ngừa bệnh ho gà sớm, theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ mắc bệnh ho gà, tỷ lệ nhập viện, xuất hiện biến chứng và tử vong ở trẻ bị ho gà giảm đáng kể khi trẻ được tiêm phòng đủ các mũi vaccine ngừa bệnh. Tuy nhiên, cho dù trẻ đã tiêm phòng vaccine ngừa ho gà hoặc đã từng mắc bệnh ho gà, cơ thể vẫn sẽ không có khả năng miễn dịch suốt đời với bệnh này. Vì vậy, trẻ nên được tiêm nhắc lại theo định kỳ, thường là trong độ tuổi 11 – 12 tuổi.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp ở trẻ.

Nguyên nhân ho gà ở trẻ em

Vi khuẩn Bordetella Pertussis là tác nhân gây bệnh ho gà ở trẻ. Đây là một vi khuẩn gram âm ( – ), thuộc họ Bordetella, có dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ, kích thước rất nhỏ, không di động. Vi khuẩn không có nguồn gốc từ động vật hay môi trường bên ngoài, khó nuôi cấy, sẽ bị chết sau khoảng 1 giờ dưới tác dụng trực tiếp của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hay dung dịch khử khuẩn. Đặc biệt, loại khuẩn này được ghi nhận là phát triển tốt trong môi trường Bordet – Gengou có thạch máu với các khuẩn lạc điển hình. (2)

Triệu chứng ho gà ở trẻ em

Triệu chứng của bệnh ho gà có thể thay đổi theo độ tuổi và khả năng miễn dịch của trẻ:

  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh ho gà có thể có biểu hiện ho hoặc không ho hay khụ khụ như trẻ lớn hơn. Trẻ có thể thở hổn hển, thậm chí là ngưng thở, mặt đỏ, tệ hơn là mặt chuyển sang màu tím hoặc xanh trong vài giây.
  • Ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên đã được tiêm vaccine ngừa bệnh, các triệu chứng của ho gà diễn ra ở mức độ nhẹ.

Ngoài ra, các triệu chứng của ho gà có thể xuất hiện với mức độ nghiêm trọng khác nhau theo từng giai đoạn. (3)

  • Giai đoạn Catarrhal: Kéo dài từ 1 – 2 tuần, trẻ ho nhẹ và sổ mũi. Một số trường hợp trẻ có thể sốt nhẹ. Cơn ho của bệnh ho gà có diễn tiến ngày càng nặng hơn.
  • Giai đoạn kịch phát: Kéo dài từ 2 – 8 tuần, với mức độ cơn ho trở đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong 2 – 3 tuần đầu có thể giảm dần sau đó. Cơn ho kéo dài, dữ dội và liên tục. Giữa cơn ho gần như không có nhịp thở. Điều này khiến trẻ khó thở, da tím tái và có thể nôn mửa sau cơn ho. Về đêm, cơn ho trở nên khó chịu hơn. Tình trạng nôn trớ sau ho gà có độ nhạy 60% (KTC 95% 40 – 77 %) và độ đặc hiệu 66% (KTC 95% 53 – 77%) , phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Giai đoạn lui bệnh: Kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Nghiên cứu cho thấy, ở trẻ từ 5 – 16 tuổi, bệnh ho gà thường kéo dài trung bình khoảng 112 ngày. Tuy nhiên, cơ ho có thể tái phát hoặc trở nặng khi trẻ nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Đối tượng nguy cơ mắc ho gà ở trẻ em

Bệnh ho gà có nguy cơ mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn nếu trẻ thuộc các nhóm đối tượng dưới đây:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ chưa tiêm đầy đủ các mũi vaccine ngừa bệnh ho gà.
  • Trẻ mắc bệnh béo phì, hen suyễn…

>>>Xem thêm: Bệnh ho gà có lây không? Lây qua đường nào?

Các biện pháp chẩn đoán ho gà ở trẻ em

Nếu trẻ có các dấu hiệu của bệnh ho gà hoặc nghi ngờ bị ho gà, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt. Bệnh cạnh việc thăm khám lâm sàng và các thông tin về bệnh sử của trẻ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác gồm:

  • Xét nghiệm dịch hầu họng;
  • Xét nghiệm máu;
  • Chụp X-quang ngực.

Các biện pháp điều trị ho gà ở trẻ em

Bệnh ho gà được điều trị chính bằng thuốc kháng sinh. Thuốc không chỉ rút ngắn thời gian nhiễm trùng mà còn giúp ngăn chặn bệnh lây lan sang người khác. Một số loại thuốc kháng sinh có thể được sử dụng trong điều trị ho gà như: Azithromycin, Clarithromycin, Trimethoprim – Sulfamethoxazole.

Trẻ mắc bệnh, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần được nhập viện để được điều trị tích cực khi có các triệu chứng nặng như khó thở, ngưng thở, mất nước hay có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khác liên quan đến hệ hô hấp khác như viêm phổi. Tại bệnh viện, trẻ có thể sẽ được hút mũi để thông đường thở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh và hỗ trợ thở oxy khi cần thiết. Đối với trẻ có dấu hiệu mất nước, khó ăn uống, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch vào tĩnh mạch (IV).

Đối với các trường hợp điều trị bệnh ho gà tại nhà, bố mẹ lưu ý tuân thủ đúng theo chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc, dùng sai liều hay ngưng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Thuốc trị ho không có tác dụng trong điều trị bệnh ho gà, đặc biệt không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi nhằm tránh các tác dụng phụ cho trẻ.

Trong quá trình hồi phục và điều trị bệnh, trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn trong không gian thoáng mát, yên tĩnh, tránh tiếp xúc với khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá. Để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, bố mẹ có thể dùng máy tạo độ ẩm để làm mát không khí, giúp làm dịu phổi và giảm kích thích đường thở.

Ho gà có thể khiến trẻ nôn nhiều, khó ăn uống. Do đó, bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày cho trẻ và khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn. Trong trường hợp trẻ nôn mửa liên tục, có dấu hiệu mất nước như khát nước, lưỡi khô, mắt trũng sâu, khó chịu, khóc không có nước mắt… bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ tích cực.

Trẻ mắc bệnh ho gà thường được điều trị tích cực
Trẻ mắc bệnh ho gà thường được điều trị tích cực tại bệnh viện nhằm ngăn ngừa bệnh gây biến chứng, đe dọa tính mạng của trẻ.

Biến chứng ho gà ở trẻ em

Ho gà ở trẻ em khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như ngừng thở, viêm phổi, sụt cân thứ phát, tăng bạch cầu quá mức, tăng áp động mạch phổi, suy hô hấp, co giật, bệnh não, tử vong. Trong đó:

  • Viêm phổi do ho gà là biến chứng thường gặp nhất với tỷ lệ tử vong cao.
  • Nguy cơ xuất hiện co giật dao động trong khoảng 1 – 2% trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ho gà.
  • Tỷ lệ mắc các bệnh lý liên quan đến não do ho gà là dưới 1%.
  • Bệnh có thể làm tăng nguy cơ động kinh ở trẻ, tuy nhiên, nguy cơ này vẫn tương đối thấp.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nguy cơ tử vong do bệnh ho gà là khoảng 1%, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Phòng ngừa ho gà ở trẻ em

Tiêm phòng vaccine phòng ngừa ho gà đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ. Các loại vaccine phòng ngừa ho gà được khuyến cáo gồm:

  • Vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ): Phòng bệnh bạch hầu, ho gà, chia là 4 mũi. Mũi 1, 2, 3 được tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi hoặc 2, 4, 6 tháng tuổi. Mũi 4 được tiêm khi trẻ được 16 – 18 tháng tuổi.
  • Vaccine 5 trong 1 Pentaxim (Pháp): Phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, được chia là 4 mũi với lịch tiêm tương tự như vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ).
  • Vaccine 4 trong 1 Tetraxim (Pháp): Phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Vaccine được sử dụng cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi, chia là 5 mũi. Mũi 1, 2, 3 được tiêm khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi hoặc 2, 4, 6 tháng tuổi. Mũi 4 được tiêm khi trẻ được 16 – 18 tháng tuổi. Mũi 5 được tiêm khi trẻ được 4 – 6 tuổi.
  • Vaccine Adacel (Canada) hoặc Boostrix (Bỉ): Phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Vaccine được sử dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn dưới 64 tuổi. Vaccine gồm 1 mũi và cần được tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa ho gà ở trẻ em như:

  • Thường xuyên dọn dẹp không gian sống sạch sẽ, đảm bảo độ thông thoáng và có đủ ánh sáng mặt trời.
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân bằng dung dịch khử khuẩn hàng ngày.
  • Tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng khử khuẩn đúng cách, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho, hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng rác và rửa tay khử khuẩn.
  • Cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi.
  • Hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhanh, đồ hộp, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, nước ngọt…
  • Cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Khi có dự định mang thai, mẹ nên tiêm phòng vaccine theo khuyến nghị của bác sĩ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ sơ sinh.
  • Thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc khi có dịch bệnh bùng phát: đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh…
Trẻ em cần được tiêm phòng vaccine phòng ngừa ho gà
Trẻ em cần được tiêm phòng vaccine phòng ngừa ho gà đầy đủ và đúng lịch.

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh ho gà ở trẻ em:

1. Ho gà ở trẻ kéo dài bao lâu?

Trong khoảng 1 – 2 tuần đầu, bệnh ho gà có triệu chứng khá giống với cảm lạnh. Sau đó, cơn ho của bệnh sẽ trở nên dữ dội và có thể kéo dài đến 3 tháng. Khi bước qua giai đoạn cuối, trẻ có thể cần vài tuần, thậm chí là vài tháng để khôi phục hoàn toàn. (4)

2. Ho gà ở trẻ em lây qua đường nào?

Ho gà là một bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng. Vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc với giọt bắn hay dịch tiết từ người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với tay người dính vi khuẩn rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh trong khoảng 7 – 10 ngày. Một số trường hợp thời gian ủ bệnh lên đến 21 ngày. Đây là giai đoạn bệnh dễ lây lan nhất, thường kéo dài cho đến khoảng 2 tuần kể từ khi cơn ho xuất hiện. Trẻ mắc bệnh tuy đã được dùng thuốc kháng sinh để ức chế vi khuẩn nhưng chúng vẫn có thể lây bệnh khi chưa dùng đủ 5 ngày thuốc kháng sinh. (2)

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh ho gà ở trẻ em nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, có tỷ lệ xuất hiện biến chứng và tử vong cao. Do đó, việc tiêm phòng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa ho gà cho trẻ là vô cùng quan trọng. Nếu nghi ngờ trẻ bị ho gà hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị ngay.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send