
Hẹp van tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Hẹp van tim là gì?
Hẹp van tim (tiếng Anh là Heart Valve Stenosis) là bệnh lý xảy ra khi các van tim không mở hoàn toàn do các lá van bị cứng hoặc dính vào nhau. Khe hở bị thu hẹp khiến lượng máu chảy qua tim bị giảm hoặc bị ngăn chặn. Trong những trường hợp hẹp van tim nặng, cơ thể có thể không nhận đủ lưu lượng máu cần thiết gây tổn thương nhiều cơ quan.
Hep van tim có các loại: Hẹp van hai lá, hẹp van 3 lá, hẹp van động mạch phổi và hẹp van động mạch chủ.
Phân loại tình trạng hẹp van tim
- Hẹp van hai lá: Van tim hai lá không thể mở ra hoàn toàn được, khiến cho lượng máu từ tâm nhĩ trái đổ xuống tâm thất trái bị giảm. Điều này khiến người bệnh mệt mỏi và khó thở vì lượng máu mang oxy từ phổi bị giảm. Áp lực từ máu đọng lại trong tâm nhĩ trái khiến tâm nhĩ to ra và ứ máu trong phổi, dẫn đến sung huyết phổi khiến người bệnh khó thở, ho ra đờm có máu hay bọt hồng.
- Hẹp van ba lá: Nếu van ba lá bị hẹp, máu không thể di chuyển hoàn toàn từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Điều này khiến máu ứ đọng trong nhĩ phải, rồi đến tĩnh mạch chủ, gây triệu chứng ứ máu ở ngoại biên như tĩnh mạch cổ phồng to ra, gan to, phù mắt cá chân.
- Hẹp van động mạch phổi: Nếu van động mạch phổi bị hẹp, dòng máu nghèo oxy từ tâm thất phải qua động mạch phổi đi đến phổi bị hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng lấy oxy của máu và cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể. Tâm thất phải buộc phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu qua van động mạch phổi bị hẹp và áp lực trong tim phải thường tăng lên.
- Hẹp van động mạch chủ: Van không thể mở hoàn toàn sẽ làm giảm hoặc ngăn chặn lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể. Khi đó, tâm thất trái phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua van động mạch chủ. Điều này khiến tâm thất trái dày lên (phì đại thất trái), dẫn đến tim hoạt động kém hiệu quả hơn. (1)
Nguyên nhân gây ra hẹp van tim
Nguyên nhân gây hẹp van tim phụ thuộc vào từng loại hẹp van.
- Hẹp van hai lá: Thông thường, hẹp van hai lá xuất phát từ nguyên nhân sốt thấp khớp. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: bệnh lupus, tích tụ canxi, viêm khớp dạng thấp, vôi hóa vòng van hai lá, hội chứng carcinoid ác tính, hẹp van hai lá bẩm sinh.
- Hẹp van ba lá: Sốt thấp khớp là nguyên nhân chính gây hẹp van ba lá. Tình trạng này cũng có thể do nguyên nhân bẩm sinh.
- Hẹp van động mạch phổi: Thường gặp là hẹp van động mạch phổi bẩm sinh.
- Hẹp van động mạch chủ: Tình trạng này thường gặp là do bệnh thấp khớp, hoặc thoái hóa van do lớn tuổi, tích tụ canxi trên các lá van và vòng van. Tuy nhiên, một số bệnh tim bẩm sinh như bệnh van động mạch chủ hai mảnh cũng gây hẹp van động mạch chủ ở trẻ em. (2)

Triệu chứng hẹp van tim thường gặp
Các dấu hiệu hẹp van tim, bao gồm:
- Đau ngực, khó thở, hụt hơi;
- Tim đập loạn nhịp;
- Chóng mặt, ngất xỉu;
- Khó đi bộ quãng đường ngắn;
- Sưng ở chân, mắt cá chân;
- Khó thở khi nằm đầu thấp, phải ngủ ngồi.

Hẹp van tim có nguy hiểm không?
Nếu không được chẩn đoán và điều trị, tình trạng hẹp van tim tiến triển có thể dẫn đến suy tim, đau thắt ngực hoặc nhịp tim không đều, thậm chí gây tử vong.
Trường hợp hẹp van nhẹ và không có triệu chứng, người bệnh có thể chỉ cần thay đổi lối sống và tái khám theo dõi định kỳ để phát hiện sớm bất thường và can thiệp kịp thời.
Hẹp van nặng có hoặc chưa có triệu chứng cần theo dõi chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để quyết định thời điểm can thiệp hoặc phẫu thuật phù hợp, phòng bệnh tiến triển gây biến chứng nguy hiểm.
Phương pháp chẩn đoán tình trạng hẹp van tim
Siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán đơn giản và gần như chính xác nhất bệnh lý van tim nói chung và hẹp van tim nói riêng. Phương pháp này giúp xác định mức độ của bệnh, ảnh hưởng của tình trạng hẹp van tim lên toàn bộ tim như suy chức năng tim, dày/giãn buồng tim, tăng áp lực động mạch phổi và huyết khối trong buồng tim.
Ngoài ra, siêu âm tim còn giúp theo dõi diễn tiến bệnh, biến chứng và chỉ định phẫu thuật khi cần thiết. Một số trường hợp đặc biệt có thể thực hiện thêm trắc nghiệm gắng sức để đánh giá triệu chứng suy tim, áp lực động mạch phổi khi gắng sức nhằm xem xét chỉ định can thiệp.
Với tình trạng hẹp van động mạch chủ vôi hóa, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT để đánh giá mức độ vôi hóa van khi cần thêm thông tin về chỉ định phẫu thuật thay van.
Chụp MRI cũng có thể giúp đánh giá chức năng của tim nếu cần củng cố thêm chẩn đoán bên cạnh siêu âm tim. (3)
Hẹp van tim có chữa được không?
Tùy theo loại van tim bị hẹp, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của người bệnh,… bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm: nội khoa bằng thuốc (như thuốc điều trị tăng huyết áp), phẫu thuật sửa van tim hoặc thay van tim. (4)
>> Xem thêm: Trong trường hợp van tim bị tổn thương quá lớn không thể sửa chữa được thì bệnh nhân sẽ được chỉ định thay van tim nhân tạo.
Dù đã phẫu thuật hay đang điều trị nội khoa, bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn để được bác sĩ theo dõi tình trạng hẹp van tim và can thiệp kịp thời nếu bệnh tiến triển hoặc có biến chứng.

Biện pháp phòng ngừa hẹp van tim
Để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh hẹp van tim, mỗi người cần lưu ý:
- Phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ bệnh thấp khớp nếu nguyên nhân hẹp van là do bệnh van hậu thấp.
- Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng bằng cách khám và điều trị bệnh răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng. Dùng kháng sinh phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi cần trám, nhổ răng hoặc thủ thuật/phẫu thuật gây chảy máu.
- Điều trị tích cực các bệnh làm tăng xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tự miễn, viêm mạn tính…
Xem thêm: Có một chế độ ăn lành mạch là biện pháp phòng ngừa hẹp van tim hiệu quả. Biết được những thực phẩm người bị hẹp van tim nên ăn và không nên ăn giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho thực đơn hàng ngày
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh hẹp van tim. Việc tầm soát, phát hiện sớm và quản lý chặt chẽ giúp ngăn bệnh tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm và điều trị phức tạp, tốn kém. Chủ động thay đổi lối sống, thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh hiệu quả.