
Hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị
Hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh là gì?
Hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh là một khuyết tật tim khi mới sinh (bẩm sinh). Đây là tình trạng động mạch chủ của trẻ hẹp hơn so với bình thường. Trong khi đó, động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có vai trò vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến các bộ phận khác bên trong cơ thể. Khi một đoạn động mạch chủ bị eo hẹp, sẽ dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng máu qua đoạn hẹp.
Trẻ bị hẹp eo động mạch chủ nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến nặng, dẫn đến quá tải áp lực trong động mạch phía trước chỗ hẹp, phì đại thất trái. Đồng thời làm tăng huyết áp phần trên của cơ thể, giảm tưới máu đến các cơ quan ổ bụng và các chi dưới.
Trong tổng số các ca bệnh tim bẩm sinh, hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh chiếm 6-8%. Bệnh thường thấy ở những trẻ mắc hội chứng di truyền như hội chứng Turner, hội chứng William. Trẻ nhỏ mắc hội chứng William có thể bị hẹp eo ở bất kỳ vị trí nào trên toàn bộ chiều dài của động mạch chủ. (1)
Mặc dù hep eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh có thể điều trị được, nhưng trẻ lớn lên vẫn có nguy cơ gặp một số biến chứng. Do đó, trẻ cần được theo dõi lâu dài, kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Nguyên nhân hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh
Đây là một khuyết tật bẩm sinh, nghĩa là khi em bé được sinh ra đã mắc phải bệnh này. Tỷ lệ các bé trai bị hẹp eo động mạch chủ cao gần gấp đôi so với bé gái.
Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh. Các thay đổi di truyền trước có thể dẫn đến hệ quả hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh. Với những trẻ em mắc phải hội chứng Turner, nguy cơ hẹp eo động mạch chủ cao hơn, các khuyết tật khác ảnh hưởng đến tim trái cũng dễ gặp hơn. Một số yếu tố của ba mẹ làm tăng nguy cơ bị hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Mẹ có bệnh tiểu đường;
- Trong thời gian mang thai, mẹ bầu bị nhiễm rubella;
- Thường xuyên sử dụng quá mức các chất kích thích, đặc biệt là cocain;
- Một số loại thuốc gây tác dụng phụ, bao gồm cả thuốc chống động kinh;
- Mẹ bầu trên 35 tuổi.
- Ngoài ra, hẹp eo động mạch chủ cũng có liên quan đến một số bất thường ở tim bao gồm: Van động mạch chủ hai mảnh, hẹp van hai lá bẩm sinh, hẹp dưới động mạch chủ, còn ống động mạch.

Triệu chứng thường gặp
Những trường hợp trẻ sơ sinh hẹp eo động mạch chủ ở mức độ ít, sẽ không có triệu chứng sau khi chào đời. Tình trạng hẹp từ trung bình đến nặng có thể xuất hiện triệu chứng trong vòng 2 tuần sau khi sinh, khi ống động mạch đóng lại. Các triệu chứng thường gặp khi trẻ sơ sinh bị hẹp eo động mạch chủ gồm:
- Da trẻ nhợt nhạt;
- Trẻ đổ nhiều mồ hôi;
- Trẻ thở nhanh, khó thở;
- Bé bú kém;
- Chân hoặc bàn chân lạnh;
- Mạch trẻ đập nhanh;
- Giảm phản ứng. (2)
Phương pháp chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh
1. Siêu âm tim thai nhi
Tầm soát các bệnh tim bẩm sinh, trong đó có hẹp eo động mạch chủ trong thời kỳ mang thai rất quan trọng. Vì thông qua siêu âm tim thai nhi, các bất thường ở tim của thai nhi sẽ được phát hiện sớm. Nhờ đó, bác sĩ sớm chuẩn bị tốt phương pháp điều trị cho trẻ ngay khi mới chào đời. Ở tuần thứ 18-24 của thai kỳ, mẹ bầu nên chủ động đi siêu âm tim thai.
2. Điện tâm đồ
Đây là xét nghiệm sàng lọc ban đầu thường được dùng để đánh giá nhịp tim và khả năng mở rộng của buồng tim. Nó có thể giúp phát hiện nhịp điệu bất thường và các tổn thương cơ tim, giúp nhận biết các biểu hiện phì đại thất phải.
3. Chụp X-quang ngực
Chụp X-Quang giúp phát hiện hẹp eo động mạch chủ trong trường hợp bệnh tới muộn với hình ảnh khuyết sườn. Các dấu hiệu gián tiếp cũng sẽ được phát hiện sớm như bóng tim to, ứ huyết ở phổi trong trường hợp suy tim. Phương pháp này thông thường không ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ cho con thực hiện xét nghiệm này khi có chỉ định của bác sĩ.
4. Chụp CT
Hình ảnh từ chụp CT cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn so với chụp X-Quang thông thường, phù hợp trong trường hợp bệnh cần phân tích sâu, cho kết quả nhanh chóng. Khi chụp CT để chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ ở trẻ, bác sĩ sử dụng liều thấp nhất của bức xạ, nhưng vẫn đảm bảo có đủ thông tin cần thiết để chẩn đoán bệnh.
5. Siêu âm tim
Tình trạng hẹp eo động mạch chủ có thể chưa được phát hiện khi bé còn trong bụng mẹ do mức độ hẹp ít. Do đó, sau khi chào đời, trẻ nên được siêu âm tim để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tim và có phương pháp điều trị sớm cho bé. Đây là phương pháp phổ biến nhất giúp chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ và giúp theo dõi lâu dài các vấn đề hậu phẫu.

Biến chứng hẹp eo động mạch chủ thai nhi
Tim buộc phải hoạt động co bóp nhiều hơn trong trường hợp trẻ sơ sinh bị hẹp eo động mạch chủ. Điều này làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu từ tim đến các bộ phận còn lại trong cơ thể, nguy cơ gây ra các biến chứng:
- Cao huyết áp mạn tính;
- Túi phình động mạch não;
- Xuất huyết não;
- Vỡ hoặc bóc tách động mạch chủ;
- Phình động mạch chủ;
- Đột quỵ;
- Suy thận hoặc suy cơ quan khác;
- Trường hợp trẻ bị hẹp eo động mạch chủ ở mức độ nặng, có thể dẫn đến sốc, suy tim, thậm chí gây tử vong.
Cách điều trị hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ hẹp eo động mạch chủ, triệu chứng, tình trạng sức khỏe của trẻ. Các phương pháp điều trị hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh bao gồm:
1. Điều trị nội khoa
- Đối với trẻ sơ sinh nhập viện trong bệnh cảnh sốc tim: Sử dụng prostaglandin E1 truyền tĩnh mạch để mở và duy trì ống động mạch để chờ phẫu thuật.
- Đối với trẻ sơ sinh ổn định: Siêu âm tim mỗi 2-3 ngày, đồng thời đánh giá triệu chứng suy tim và giảm tưới máu chi dưới. Nếu trong quá trình theo dõi, khi ống động mạch có xu hướng co thắt và bệnh nhân bắt đầu biểu hiện triệu chứng suy tim tăng lên: thở nhanh hơn, bú kém, mạch chi dưới yếu dần, tiểu ít, có chỉ định prostaglandin E1 để duy trì ống động mạch nhằm ngăn ngừa sốc tim xảy ra. Sau đó, bệnh nhân sẽ được ổn định nội khoa để chuẩn bị cho can thiệp ngoại khoa tiếp theo.
- Điều trị suy tim: Vận mạch, lợi tiểu, oxy,…
- Điều trị các rối loạn đi kèm: Suy hô hấp, rối loạn toan kiềm, thiếu máu, nhiễm trùng.
2. Thông tim
Thông tim can thiệp bằng nong mạch bằng bóng qua da/đặt stent. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, bác sĩ sẽ đưa một ống thông có gắn bóng ở đầu, bắt đầu di chuyển từ từ đến vị trí bị hẹp eo động mạch chủ. Đầu bóng sẽ được bơm căng phồng lên sau khi xác định chính xác vị trí hẹp, giúp mở rộng đoạn động mạch chủ bị hẹp.
Việc kết hợp đặt stent sẽ giúp giữ cho đoạn động mạch chủ được mở rộng lâu dài. Tái can thiệp nong lại để stent nở rộng ra hơn khi trẻ lớn hơn là điều cần thiết.

3. Phẫu thuật sửa chữa
- Cắt bỏ đoạn hẹp eo và nối hai đầu còn lại của mạch máu lại với nhau: Được chỉ định cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bệnh nhân bị hẹp lan tỏa. Bác sĩ thực hiện loại bỏ đoạn động mạch bị hẹp và nối hai đầu còn lại của mạch máu lại với nhau.
- Phẫu thuật tạo hình động mạch chủ bằng miếng ghép động mạch dưới đòn: Mở rộng đoạn động mạch bị hẹp bằng cách sử dụng mảnh ghép từ động mạch dưới đòn.
- Phẫu thuật tạo hình động mạch chủ sử dụng miếng vá nhân tạo: Miếng vá nhân tạo này được làm bằng vật liệu tổng hợp. Do biến chứng túi phình động mạch trong theo dõi lâu dài nên phương pháp này hiện ít được sử dụng.
Sống chung với bệnh hẹp eo động mạch chủ như thế nào?
Sau khi được khắc phục, các triệu chứng của hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh sẽ khỏi nhanh chóng. Trẻ em và thanh thiếu niên đã phẫu thuật thường cảm thấy tốt hơn sau 1-2 tuần. Một số trường hợp huyết áp cao trong một thời gian sau đó, cần được kiểm soát bằng thuốc theo chỉ định. Hầu hết trẻ đều có được cuộc sống khỏe mạnh như bình thường sau điều trị. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý một số điều trong quá trình chăm sóc con sau khi điều trị, bao gồm:
- Trường hợp được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, phụ huynh nên cho con uống thuốc đúng liều lượng, không tự ý tăng, giảm hoặc ngưng dùng thuốc;
- Giúp con giữ vệ sinh răng miệng để phòng ngừa nhiễm trùng;
- Kiểm soát huyết áp cho trẻ. Vì sau khi sửa chữa, huyết áp của trẻ có thể cao hơn, dùng thuốc giúp hạ huyết áp nếu có chỉ định của bác sĩ;
- Chú ý đến các hoạt động thể chất của trẻ, giúp trẻ vận động vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khỏe;
- Bố mẹ cần chú ý cho con ăn uống theo chế độ khoa học, tốt cho sức khỏe tim mạch của trẻ;
- Bố mẹ cần chú ý giúp con tránh xa khói thuốc lá;
- Khi trẻ có biểu hiện khó thở, đau ngực hoặc ngất xỉu, cần được đưa đến bệnh viện ngay để kiểm tra;
- Khi trẻ lớn lên, tình trạng hẹp eo động mạch chủ vẫn có nguy cơ tái phát. Do đó, bố mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để thăm khám, kiểm tra huyết áp và thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo định kỳ. (3)
Việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Nhi giàu kinh nghiệm, kết hợp với bác sĩ Sơ sinh để quá trình điều trị đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, bố mẹ nên tìm hiểu và lựa chọn bệnh viện có uy tín, có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo vô khuẩn, vô trùng, giúp cho việc chẩn đoán chính xác.
Trung tâm Tim mạch, Hệ thống PlinkCare trở thành nơi nhiều người đến khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch, mạch máu và lồng ngực. Đặc biệt, được nhiều bố mẹ lựa chọn đưa con nhỏ đến để điều trị bệnh lý tim bẩm sinh, trong đó có hẹp eo động mạch chủ.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, PlinkCare, bạn có thể liên hệ theo thông tin:
Hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh nên được tầm soát ngay từ khi còn là bào thai. Như vậy, các bác sĩ sẽ có sự chuẩn bị tốt về phương pháp điều trị cho bé ngay khi vừa chào đời. Bố mẹ nên đưa con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị các bệnh lý về tim mạch cho con.