
Giun đầu gai có lây không? Ký sinh trùng Gnathostoma nguy hiểm
Giun đầu gai là gì?
Giun đầu gai (Gnathostoma spp) là loại ký sinh trùng phổ biến, đầu có gai nên được gọi là “giun đầu gai”. Cơ thể dạng hình trụ, đầu hình củ, được những hàng nhú gai bén nhọn bao phủ. Ở phía bên trong, đầu chia thành 4 túi, 4 khoang rỗng, mỗi khoang liên tục với một túi ở cổ thông qua khoang trung tâm.
Giun trưởng thành dài 11-54 mm, giun cái (25 – 54mm) dài hơn giun đực (11 – 25 mm) (1). Giun cái có 2 gai thịt lớn quanh đầu, lưng tròn, bụng hơi phẳng. Giun đực có 8 nhú gai ở đuôi bao quanh hậu môn, các gai nhỏ cùn. Trứng giun hình ovan, kích thước từ 40-70 micrometer, mỏng, bên trong chứa 1-2 tế bào phôi. Ấu trùng giun dài từ 3-5mm, đường kính khoảng 0.3mm. Vì giun đầu gai không có hệ tiêu hóa nên sử dụng dinh dưỡng bằng cách thẩm thấu qua bề mặt cơ thể.
Có ít nhất 5 loài giun đầu gai gây bệnh ở người gồm G. spinigerum, G. hispidum, G. doloresi, G. nipponicum và G. binucleatum. Tại Việt Nam, giun đầu gai gây bệnh chủ yếu là loài Gnathostoma spinigerum.
Giun đầu gai gây ra bệnh gì?
Người bị bệnh giun đầu gai do ăn các loại cá nước ngọt, ốc, lươn, ếch, chim và bò sát… chứa ấu trùng giun đầu gai nhưng không được nấu chín. Bệnh được điều trị khỏi nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra chiếm 8% – 25% hoặc có để lại di chứng kéo dài, khoảng 30% liên quan đến hệ thần kinh.
Năm 1889, ca nhiễm Gnathostoma đầu tiên thế giới được bác sĩ Deutzer phát hiện. Đó là bệnh nhân nữ người Thái Lan. Ấu trùng giun đầu gai có thể tồn tại suốt 10-12 năm trong cơ thể người.
Chu kỳ phát triển của giun đầu gai
- Giun đầu gai trưởng thành sống ở thành dạ dày của các vật chủ (chó, mèo, heo và các động vật hoang dại) rồi đẻ trứng theo phân ra ngoài. (2)
- Gặp môi trường nước, chỉ sau 1 tuần, trứng tiến triển thành phôi, giải phóng các ấu trùng giai đoạn 1.
- Các loài nhuyễn thể nhỏ (vật chủ trung gian thứ nhất) ăn ấu trùng. Khi vào cơ thể nhuyễn thể, ấu trùng giai đoạn 1 phát triển thành ấu trùng giai đoạn 2.
- Loài cá nước ngọt, ốc, ếch, rắn (vật chủ trung gian thứ hai) ăn các loài nhuyễn thể này thì ấu trùng giai đoạn 2 sẽ di chuyển vào trong các thớ thịt của các loài động vật này để phát triển thành ấu trùng giai đoạn 3.
- Nếu vật chủ chính (chó, mèo, heo, các loại động vật hoang dại) cá nước ngọt, ốc, ếch, rắn… thì ấu trùng xuyên qua thành dạ dày, di chuyển đến gan, các mô, cơ. Sau 4 tuần, ấu trùng di chuyển ngược trở lại dạ dày, tạo thành khối u và phát triển thành giun đầu gai trưởng thành. Giun đẻ trứng trong các khối u nang này, trứng sẽ rơi xuống lòng dạ dày và theo phân ra ngoài để tìm chu kỳ mới.
- Nếu con người ăn các loài cá nước ngọt, ốc, ếch, rắn… chứa ấu trùng giai đoạn 3 hay uống nguồn nước chứa ấu trùng ở giai đoạn 2 thì khi vào cơ thể, ấu trùng không thể phát triển thành giun trưởng thành mà chỉ di chuyển khắp các cơ quan, gây ra hội chứng ấu trùng di chuyển ngoài da và nội tạng. Ở một số trường hợp, con người không ăn thực phẩm chứa ấu trùng nhưng vẫn bị ấu trùng chui qua da.
Dấu hiệu nhiễm bệnh giun đầu gai
Người nhiễm bệnh giun đầu gai thường có dấu hiệu vết sưng phồng ngoài da, vùng da tổn thương di chuyển từng đợt, bạch cầu ái toan tăng trong máu. Ở một số trường hợp, người bệnh bị giảm thị lực, mù liệt, hôn mê, thậm chí tử vong do ấu trùng chui vào mắt. gan, não, tủy sống.
Nguyên nhân gây nhiễm giun đầu gai
- Người mắc bệnh giun đầu gai do nuốt phải ấu trùng có trong cá nước ngọt, ếch, lươn, rắn… nhưng chưa được nấu chín.
- Người bệnh uống nước ao, hồ, sông có ấu trùng giun nhưng chưa đun sôi.
- Ấu trùng giun đầu gai có thể tồn tại 10 – 12 năm trong cơ thể người. Vì ấu trùng không thể phát triển thành giun trưởng thành nên không thể đẻ trứng thải ra ngoài qua phân. Do đó, việc xét nghiệm phân, hiếm khi phát hiện được giun đầu gai.
Giun đầu gai có lây không?
Bệnh giun đầu gai không lây từ người sang người. Bệnh không liên quan đến chủng tộc, dân tộc, độ tuổi hay giới tính. Một số ca có liên quan đến chế độ ăn uống, nghề nghiệp.
Tuy nhiên, dù không ăn uống thực phẩm sống có chứa ấu trùng giun thì vẫn có thể bị ấu trùng chui qua da dù rất hiếm.
Giun đầu gai có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp
- Bệnh nổi mề đay: nổi u cục với kích thước to nhỏ khác nhau, đau tại cục u, sưng đau cơ, ấu trùng di chuyển dưới da và nội tạng, tạo mủ dưới da do nhiễm trùng.
- Bệnh hô hấp: ấu trùng ký sinh gây khó thở, đau ngực, ho, thậm chí ho ra máu, ho ra giun. đau ngực, khó thở, ho ra máu, ho ra giun.
- Bệnh tiêu hóa: có dấu hiệu giống như viêm ruột thừa, viêm túi mật hoặc giả khối tổn thương ở ruột.
Ngoài ra, giun đầu gai còn gây ra một số bệnh khác như tiểu ra máu, giảm thị lực, giảm thính lực, mù, ù tai, đau mắt, sợ ánh sáng, viêm màng não cấp tính, sưng cơ vùng mang tai giống bệnh quai bị; ấu trùng cũng có thể chui vào mắt gây viêm mống mắt, tiền phòng, chui lên não có thể gây tử vong.
Nhiễm giun đầu gai được chẩn đoán như thế nào?
1. Khám bệnh
Trước hết, bác sĩ sẽ soi trực tiếp lên vùng da di chuyển và tổn thương để tìm ấu trùng Gnathostoma spp. Điều này giúp chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác như bệnh sán lá gan, sán dải heo, viêm da cơ địa…
2. Xét nghiệm máu
Với phương pháp xét nghiệm Elisa miễn dịch để tìm kháng thể chống lại giun đầu gai. Xét nghiệm công thức máu để tìm số lượng bạch cầu ưa axit.
3. Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang phổi, đường tiêu hóa, CT Scanner góp phần ghi nhận chảy máu nội sọ, viêm màng não…
Ngoài ra, người bệnh còn có thể được soi đờm để tìm giun, chọc dịch não tủy để xem xét tình trạng tăng bạch cầu, dấu hiệu hồng cầu nhiễm sắc vàng, xét nghiệm mô học để tìm ấu trùng.
Các phương pháp điều trị bệnh giun đầu gai Gnathostoma
Tùy theo dấu hiệu, biến chứng bệnh giun đầu gai mà bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau theo phác đồ của Bộ Y tế.
1. Điều trị triệu chứng
- Ngứa, nổi mề đay: dùng thuốc kháng histamin cho đến khi hết triệu chứng.
- Sốt: phối hợp thuốc hạ sốt với các phương pháp hạ sốt khác (khăn mát, nước chanh…)
Ngoài ra, tùy thuộc vào triệu chứng bệnh ở mỗi chuyên khoa, bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau và hỗ trợ men tiêu hóa, vitamin, thuốc bổ.
Thuốc | Nhóm đối tượng không nên sử dụng |
Albendazole (viên nén 200mg và 400mg) | Người mẫn cảm với thuốc benzimidazole.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Trẻ < 1 tuổi. Người từng nhiễm độc tủy xương. |
Ivermectin (viên nén 6mg) | Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bệnh nhân mắc các bệnh có kèm rối loạn hàng rào máu não. Trẻ < 5 tuổi. Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu. |
Thiabendazole (viên nén 500 mg) | Người suy gan, suy thận;
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu và đang cho con bú Không dùng thuốc khi đang lái xe Trẻ dưới 12 tháng tuổi hoặc cân nặng dưới 13,6 kg. |
2. Phẫu thuật
- Tùy vào tình trạng ấu trùng tấn công ở dưới da hay nội tạng, bác sĩ mỗi chuyên khoa sẽ có chỉ định mổ khác nhau.
- Sau điều trị, người bệnh được theo dõi, tái khám 3 lần vào các thời điểm 1-3-6 tháng.
Biện pháp phòng ngừa giun Gnathostoma
- Phải nấu chín trước khi ăn thịt (lươn, cá, ếch, nhái, tôm…), không ăn gỏi, tái sống.
- Chế biến thực phẩm nên mang găng tay cao su chống ấu trùng giun đầu gai có thể xuyên qua da.
- Dùng nước đã nấu chín, không uống nước chưa hợp vệ sinh từ sông, ao, hồ.
Trung tâm Xét nghiệm PlinkCare TP.HCM đạt chuẩn ISO 15189:2012, được đầu tư hệ thống máy móc, sinh phẩm, hóa chất chính hãng từ các nước Âu – Mỹ, đảm bảo việc xét nghiệm ký sinh trùng giun đầu gai luôn nhanh chóng – chính xác – kịp thời, giúp người bệnh sớm dự phòng, điều trị bệnh nhanh nhất.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Xét nghiệm PlinkCare TP.HCM, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây:
- Gọi tổng đài 0287 102 6789 – 093 180 6858 (TP HCM) hoặc 024 3872 3872 – 024 7106 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
- Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường link: https://plink-care-api.egovernment.com.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/
- Gửi tin nhắn trên Fanpage PlinkCare hoặc Fanpage Tiết niệu – Nam học PlinkCare
- Nhắn tin qua Zalo OA của PlinkCare.
Giun đầu gai Gnathostoma là loại ký sinh trùng phổ biến, chủ yếu do ăn sống, chưa nấu chín các loại thịt ếch, lươn, tôm, rắn… Do đó, việc ăn chín, uống sôi, xét nghiệm tầm soát khi có dấu hiệu bất thường là cách dự phòng, điều trị hiệu quả nhất.