Image

Giang mai giai đoạn 3 có chữa được không? Dấu hiệu và chẩn đoán

Tổng quan về bệnh giang mai giai đoạn 1 và 2

Giang mai là một bệnh xã hội phổ biến trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê năm 2020, ước tính có 7,1 triệu người độ tuổi 15 – 49 mắc giang mai trên toàn thế giới.

Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn Treponema pallidum có hình dạng giống lò xo gồm 6 – 14 vòng xoắn. Chúng có khả năng đề kháng kém, không thể sống sót bên ngoài cơ thể quá lâu, dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, chất sát khuẩn và xà phòng. Tuy nhiên, khi đã thâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai có thể tồn tại rất lâu, thậm chí lên đến hàng chục năm.

Ở thời kỳ đầu, trong vòng 3 – 4 tuần kể từ khi bị xoắn khuẩn xâm nhiễm, vị trí xâm nhiễm xuất hiện săng đơn độc. Săng là tổn thương dạng tròn hay bầu dục, có màu đỏ thịt, không nổi cao và có nền cứng. Săng giang mai dễ hình thành tại bộ phận sinh dục của cả nam và nữ, miệng, hậu môn do quan hệ tình dục không an toàn. Các triệu chứng giang mai giai đoạn 1 có thể tự hết sau khoảng 3 – 10 tuần mà không cần điều trị hoặc có thể chuyển sang giai đoạn 2.

Bước sang giai đoạn 2, giang mai biểu hiện đặc trưng là những tổn thương da, niêm mạc và có khả năng lan rộng, thường gặp nhất: đào ban, mảng niêm mạc, sẩn giang mai. Một số trường hợp, giang mai thời kỳ 2 có thể gây ra đau đầu, rụng tóc, người uể oải, nóng sốt, nổi hạch vùng. Người bệnh giang mai thời kỳ này có nguy cơ lây cho người khác cao.

Xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai
Xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai

Giang mai giai đoạn 3 là gì?

Bệnh giang mai được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thủ phạm gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum. Bệnh gồm 2 thời kỳ: giang mai sớm (giang mai 1, giang mai 2, giang mai tiềm ẩn sớm) và giang mai muộn (giang mai tiềm ẩn muộn, giang mai 3).

Trong đó giang mai giai đoạn 3 là nguy hiểm nhất bởi người bệnh phải chịu đựng các tổn thương ăn sâu vào tổ chức da, niêm mạc, tim mạch, hệ thần kinh, thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong. (1)

Ở phần lớn trường hợp, sự phát triển của bệnh giang chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 và 2, dù có can thiệp điều trị hay không. Chỉ 15% – 30% trường hợp giang mai phát triển sang giai đoạn 3, có thể xảy ra sau thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu lên đến trên 30 năm. Có thể ngăn chặn nguy cơ giang mai chuyển sang giai đoạn cuối nhờ chủ động điều trị sớm khi còn ở giai đoạn 1 và 2.

Dấu hiệu nhận biết bệnh giang mai giai đoạn 3

Ở giai đoạn 3, các biểu hiện của bệnh giang không dừng lại ở những tổn thương ngoài da như săng, lở loét, nốt sần như giai đoạn 1 và 2. Thay vào đó, tổn thương ăn sâu vào các cơ quan nội tạng, đe dọa tính mạng người bệnh. Ở thời kỳ này, giang mai ít có khả năng lây nhiễm qua đường tiếp xúc thông thường, song lại có thể lây truyền cho thai nhi nếu người mẹ mắc giang mai trong thời kỳ mang thai, gây bệnh giang mai bẩm sinh. (2)

Thống kê cho thấy, 30% – 50% trường hợp giang mai tiến triển sang thời kỳ 3 do không phát hiện hoặc không điều trị khi bệnh đang ở các giai đoạn sớm. Sau đây là một số dấu hiệu thường gặp ở người bệnh giang mai thời kỳ 3 cần hết sức lưu ý:

1. Giang mai củ

Giang mai củ thường xuất hiện ở trên da, niêm mạc, cơ, khớp, hệ tiêu hóa, mắt, gan và hệ nội tiết. Đặc trưng của giang mai củ là tổn thương tại chỗ thường có màu đỏ thẫm như đồng, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc tập trung thành từng cụm, phân bố không theo quy luật, dễ gặp trên da lưng, tay và chân.

Một số trường hợp, các cục giang mai hình thành ngay trên bề mặt da ở dạng hình tròn, kích thước nhỏ, nhẵn hoặc bị thâm nhiễm, hoặc cũng có thể xuất hiện vảy tương tự triệu chứng của bệnh vảy nến.

2. Gôm giang mai

Khi bệnh giang mai chuyển sang giai đoạn 3, trên da xuất hiện những tổn thương chắc gọi là gôm giang mai. Chúng phát triển qua 4 giai đoạn. Ban đầu chỉ là những cục dưới da nhưng sau đó chúng phát triển nhanh về kích thước, trở nên mềm và dễ vỡ. Khi vỡ gôm giang mai tiết ra dịch mủ màu trắng sữa giống nhựa cao su tạo thành các vết lở loét, các vết loét sau đó ăn da non thành sẹo.

Gôm giang mai có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên da nhưng thường gặp nhất ở mặt, da đầu, mông, đùi, mặt ngoài phần trên cẳng chân… Ngoài ra, chúng cũng thường gặp tại vùng niêm mạc miệng, môi, vòm miệng, lưỡi, mũi, hầu… Thậm chí, gôm giang mai có thể hình thành trong não.

Gôm giang mai ở bàn chân
Gôm giang mai ở bàn chân

3. Giang mai tim mạch

Người bệnh giang mai giai đoạn 3 thường có biểu hiện bất thường ở tim như viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hẹp động mạch vành, thậm chí có thể có biểu hiện viêm cơ tim. Thống kê cho thấy có khoảng 10% trường hợp giang mai xuất hiện triệu chứng giang mai tim mạch, thường gặp ở  người đã mang mầm bệnh giang mai trong 10 – 40 năm.

4. Giang mai thần kinh

Giang mai thần kinh không phải triệu chứng đặc hiệu của giang mai giai đoạn 3 vì tình trạng này có thể xuất hiện từ sớm, ngay trong vài tháng đầu mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở những người bệnh mắc giang mai giai đoạn cuối, khoảng 10 đến trên 30 năm kể từ khi nhiễm bệnh.

Giang mai thần kinh xảy ra khi xoắn khuẩn giang mai tấn công sâu vào tủy sống, nhu mô não làm thay đổi trạng thái tâm thần cấp tính, viêm màng não, đột quỵ, rối loạn chức năng dây thần kinh sọ, khó tập trung, giảm trí nhớ, đau đầu dữ dội, cơ bị yếu gặp khó khăn khi vận động, liệt nhẹ toàn thân, tiểu tiện không kiểm soát, chức năng tình dục suy giảm mạnh. Giang mai mắt có thể gây đau mắt, đỏ mắt, giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Giang mai tai gây ù tai và chóng mặt.

 >>Có thể bạn quan tâm: 5 giai đoạn bệnh giang mai phát triển không phải ai cũng biết

Biến chứng giang mai giai đoạn 3 có nguy hiểm không?

Có. Giang mai giai đoạn 3 là thời kỳ cuối của bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh phải đối mặt với hàng loạt rủi ro về sức khỏe do các biến chứng nguy hiểm của bệnh, ảnh hưởng đến gần như toàn bộ cơ quan trong cơ thể như tim, cơ, khớp, da, cơ quan sinh dục, não bộ… Thậm chí, giang mai giai đoạn cuối có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh và dễ lây lan cho người xung quanh.

Giang mai giai đoạn 3 gây ra các tổn thương ăn sâu vào các cơ quan, nguy cơ gây tử vong
Giang mai giai đoạn 3 gây ra các tổn thương ăn sâu vào các cơ quan, nguy cơ gây tử vong

Cách chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 3

Bệnh giang mai được giới chuyên môn gọi là “kẻ bắt chước vĩ đại” (the great pretender) vì các triệu chứng của bệnh có thể giống với nhiều bệnh khác. Ngoài ra, hiện có nhiều phương pháp chẩn đoán giang mai, bao gồm cả phương pháp đặc hiệu và không đặc hiệu. Mỗi phương pháp tồn tại những nhược điểm riêng, cho nên việc chẩn đoán giang mai gặp nhiều khó khăn.

Dưới đây là một số cách chẩn đoán giang mai giai đoạn 3 thường được áp dụng:

1. Xét nghiệm tìm xoắn khuẩn

Đây là một trong những phương pháp xét nghiệm giang mai có độ chính xác cao nhất. Bác sĩ dùng tăm bông lấy mẫu tại dịch tiết từ tổn thương nghi ngờ trên da, niêm mạc hay hạch. Mẫu dịch tiết sau đó được chuyển tới phòng thí nghiệm, sử dụng kính hiển vi nền đen để soi tìm xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum dạng lò xo, di động. Dù tính đặc hiệu cao những cách xét nghiệm giang mai này có độ nhạy thấp, dưới 50%, không phân lập được vi khuẩn giang mai.

2. Xét nghiệm máu

Bác sĩ lấy mẫu máu của người bệnh nghi ngờ mắc giang mai để xét nghiệm huyết thanh. Các phương pháp xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai đặc hiệu gồm: xét nghiệm ngưng kết hồng cầu Treponema pallidum (TPHA), xét nghiệm ngưng kết hạt Treponema pallidum (TPPA) và xét nghiệm hấp thụ kháng thể treponema huỳnh quang (FTA-ABS). Phương pháp này có khả năng phát hiện ra kháng thể kháng lại kháng nguyên giang mai nên có tính đặc hiệu cao.

3. Dựa vào dấu hiệu lâm sàng

Giang mai giai đoạn 3 có một số biểu hiện lâm sàng nhất định, có thể nhận biết bằng mắt thường như: săng giang mai, gôm giang mai, giang mai củ, sẩn ướt, sưng hạch ở cổ và toàn thân. Tuy nhiên, việc chẩn đoán vết săng, loét giang mai lâm sàng cần phân biệt với biểu hiện của các bệnh tình dục khác như vết loét do nhiễm vi rút Herpes simplex, sùi mào gà, viêm da cơ địa, dị ứng, vảy nến, chàm, các bệnh lý hạt cơm…

Xét nghiệm giang mai gặp nhiều khó khăn
Xét nghiệm giang mai gặp nhiều khó khăn

Phương pháp điều trị giang mai giai đoạn 3

Sử dụng kháng sinh là phương pháp hiệu quả và được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị giang mai các thời kỳ. Phác đồ kháng sinh điều trị giang mai cần tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

1. Điều trị bằng kháng sinh Penicillin

Theo phác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế, với người bệnh giai đoạn muộn cần ưu tiên sử dụng Benzathine penicillin 2,4 triệu đơn vị tiêm bắp sâu 1 lần/tuần trong liên tiếp 3 tuần, thời gian giữa 2 lần tiêm không quá 14 ngày.

Với trường hợp trẻ mắc giang mai bẩm sinh nhưng không xuất hiện triệu chứng lâm sàng hoặc có mẹ mắc giang mai nhưng chưa được điều trị, hoặc điều trị chưa khỏi hẳn, hoặc mới chỉ bắt đầu điều trị trong vòng 30 ngày trước khi sinh, hoặc điều trị không theo phác đồ có penicillin, có thể lựa chọn một trong các phác đồ sau:

  • Benzyl penicillin 100.000 – 150.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 10 – 15 ngày.
  • Procain penicillin 50.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm bắp tron 10 – 15 ngày.

Trường hợp trẻ sơ sinh không có triệu chứng lâm sàng có mẹ bị giang mai nhưng đã được điều trị đầy đủ, không có dấu hiệu tái nhiễm nhưng cần điều trị có thể sử dụng phác đồ Benzathine penicillin G 50.000 đơn vị/kg/ngày tiêm bắp một liều duy nhất.

2. Trường hợp bệnh nhân dị ứng Penicillin

Nếu người bệnh dị ứng với penicillin, có thể thay thế bằng Erythromycin 500mg, ngày uống 4 lần, liên tục trong vòng 30 ngày.

Giang mai thời kỳ 3 có thể điều trị bằng kháng sinh penicillin
Giang mai thời kỳ 3 có thể điều trị bằng kháng sinh penicillin

3. Phản ứng Jarisch Herxheimer

Phản ứng Jarisch-Herxheimer (JHR) là một hiện tượng lâm sàng thoáng qua, không gây nguy hiểm, xảy ra ở những người bệnh mắc những bệnh do xoắn khuẩn gây ra, trong đó có bệnh giang mai và đang áp dụng phác đồ điều trị bằng kháng sinh.

Thông thường, phản ứng này xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Biểu hiện dễ gặp của phản ứng này bao gồm: sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, rét run, buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu, tăng nhịp tim, tụt huyết áp, tăng thông khí, đỏ bừng, đau cơ và khiến các tổn thương da trầm trọng hơn nhưng chỉ có tính tạm thời. Các dấu hiệu này có thể bị nhầm lẫn với phản ứng dị ứng.

Dù không nguy hiểm nhưng nếu người bệnh giang mai có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc có lượng tế bào dịch não tủy cao có thể phản ứng mãnh liệt hơn, nguy cơ xảy ra động kinh, đột quỵ nên cần được theo dõi chặt chẽ.

Chế độ chăm sóc trong thời gian điều trị

Bệnh giang mai giai đoạn 3 có khả năng lây lan cao, xuất hiện nhiều tổn thương nên ngoài tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây: (3)

  • Kiêng quan hệ tình dục đến khi điều trị khỏi giang mai hoàn toàn.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất.
  • Thường xuyên tập thể dục nhằm tăng cường sức đề kháng.
  • Đưa bạn tình đi khám giang mai sớm.

Một số câu hỏi liên quan về tình trạng giang mai giai đoạn 3

1. Giang mai giai đoạn 3 chữa được không?

Có. Bệnh giang mai dù ở giai đoạn 1, 2 hay tiến triển sang giai đoạn 3 đều có thể chữa khỏi bằng can thiệp kháng sinh phù hợp. Dù vậy, những tổn thương do biến chứng giang mai thời kỳ 3 gây ra trước đó không có khả năng phục hồi. Ngoài ra, sau khi điều trị khỏi giang mai, người bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm nếu tiếp tục giữ lối sống tình dục phóng khoáng và quan hệ tình dục không an toàn.

2. Giang mai giai đoạn 3 kéo dài bao lâu?

Theo Bộ Y tế, giang mai thời kỳ 3 có thể thời gian ủ bệnh rất lâu, có thể lên đến trên 30 năm tính từ thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu.

 >> Tìm hiểu chi tiết về thời gian ủ bệnh giang mai kéo dài bao lâu tại đây!!

3. Mắc bệnh giang mai có chết không?

Có thể. Điều đáng sợ nhất của giang mai thời kỳ cuối là bệnh có thể hình thành các tổn thương ở hầu hết cơ quan trong cơ thể như: tim, cơ xương khớp, não bộ, các dây thần kinh, tủy sống, mắt, tai… và có thể khiến người bệnh tử vong nếu không điều trị kịp thời và đúng cách.

Chính vì mức độ nguy hiểm bệnh giang mai giai đoạn 3, người bệnh phát hiện các biểu hiện bệnh có thể đến khám tại khoa Da liễu, khoa Nam học, PlinkCare TP.HCM theo địa chỉ:

Qua những chia sẻ về giang mai giai đoạn 3 trong bài viết trên, mong rằng bạn đọc đã nắm được những biểu hiện và những nguy cơ tiềm ẩn của bệnh với sức khỏe bản thân và người xung quanh. Từ đó chủ động điều trị sớm ngay khi phát hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh, tránh để bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send