Image

Giãn ống dẫn sữa: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng tránh

Giãn ống dẫn sữa là gì?

Giãn ống dẫn sữa (hay giãn ống tuyến vú – Mammary duct ectasia) là tình trạng 1 hoặc nhiều ống dẫn sữa dưới núm vú giãn ra. Thành ống có thể dày lên và chứa đầy dịch, khiến ống dẫn sữa bị tắc. Tình trạng này thường không gây ra triệu chứng nhưng 1 số phụ nữ có thể tiết dịch ở núm vú, căng tức ngực hoặc viêm ống dẫn sữa. [1]

Giãn ống dẫn sữa thường gặp ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và sau mãn kinh, có thể cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, người bệnh có thể phải dùng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật loại bỏ ống dẫn sữa. 

Giãn ống dẫn sữa và viêm quanh ống dẫn sữa không phải là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Tuy nhiên, một số triệu chứng của giãn ống dẫn sữa có liên quan đến ung thư vú. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay khi phát hiện những bất thường ở tuyến vú. 

Nguyên nhân gây giãn ống dẫn sữa

Tuyến vú được tạo thành từ các thùy (tuyến tạo sữa), ống dẫn sữa và các mô khác. Khi cơ thể dần lão hóa, ống dẫn sữa ngắn lại khiến chất lỏng tích tụ, làm tắc ống dẫn sữa. Dù không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, song những yếu tố sau có thể dẫn đến giãn ống dẫn sữa:

  • Mô vú thay đổi do lão hóa: khi cơ thể lão hóa, thành phần mô vú sẽ chuyển dần từ cơ sang mỡ, còn gọi là sự co lại. Những thay đổi bình thường này có thể gây tắc ống dẫn sữa, viêm, kết hợp với giãn ống tuyến vú.
  • Hút thuốc: thuốc lá có thể gây giãn ống tuyến sữa dẫn đến viêm nhiễm.
  • Núm vú thụt vào: núm vú thụt vào trong có thể làm tắc ống dẫn sữa, gây viêm và nhiễm trùng. Tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của 1 bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư.

Triệu chứng bệnh giãn ống dẫn sữa

Giãn ống dẫn sữa thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có những dấu hiệu như:

  • Căng tức ngực.
  • Núm vú tiết dịch đặc. Chất dịch có màu xanh hoặc đen kèm theo máu. Tiết dịch có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 vú.
  • Đỏ núm vú hoặc mô quầng vú.
  • Núm vú thụt vào trong.
  • Có khối u phía sau núm vú, gần ống bị tắc.

Giãn ống tuyến sữa có thể hình thành các khối u phía sau núm vú. Khối u phát triển do mô sẹo hình thành xung quanh ống dẫn sữa bị viêm có thể nhầm lẫn với ung thư vú. Tuy nhiên, tình trạng này thường không phải ung thư.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh giãn ống dẫn sữa

Giãn ống dẫn sữa là bệnh lành tính, tuy nhiên một số đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn [2]:

  • Phụ nữ 40 – 50 tuổi, tiền mãn kinh hoặc đã mãn kinh.
  • Người hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động.
  • Cơ thể thiếu các vi chất dinh dưỡng.

Nếu rơi vào những đối tượng nguy cơ nói trên, người bệnh không nên quá lo lắng, vì đây là thay đổi bình thường của tuyến vú. Song, cũng không chủ quan, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh tuyến vú khác.

Giãn ống dẫn sữa có nguy hiểm không
Giãn ống dẫn sữa là bệnh lành tính.

Giãn ống dẫn sữa có nguy hiểm không?

Giãn ống dẫn sữa có thể tự khỏi, tuy nhiên ở 1 số trường hợp, bệnh có thể gây các biến chứng gồm:

  • Tiết dịch núm vú: chất lỏng rỉ ra từ núm vú có thể gây khó chịu, ẩm ướt.
  • Đau ở vú: giãn ống tuyến vú có thể gây đỏ, sưng và đau quanh núm vú.
  • Nhiễm trùng: tình trạng viêm có thể phát triển trong ống dẫn sữa bị tắc, đôi khi gây đau trong hoặc xung quanh núm vú. Vết đỏ dai dẳng và cơn đau nghiêm trọng hơn có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhiễm trùng nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến áp xe và cần thực hiện thủ thuật để dẫn lưu mủ ra ngoài.

Khi nhận thấy những thay đổi bất thường ở vú, nhất là khi có khối u cứng quanh núm vú hoặc quầng vú, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị sớm. 

Chẩn đoán bệnh giãn ống dẫn sữa

Giãn ống dẫn sữa được chẩn đoán bằng những phương pháp sau: 

  • Khám vú: bác sĩ sẽ khám lâm sàng để kiểm tra mô vú và theo dõi dịch tiết.
  • Siêu âm: kỹ thuật này sử dụng sóng âm thanh để tạo hình ảnh bên trong cơ thể, giúp bác sĩ nhìn rõ hơn cấu trúc tuyến vú.
  • Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): sử dụng tia X để xét xem có những thay đổi bất kỳ nào ở vú và các ống dẫn sữa không.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo hình ảnh chi tiết bên trong vú.
  • Sinh thiết vú: bác sĩ sẽ lấy 1 mẫu nhỏ mô bệnh học từ vú bị ảnh hưởng và xem dưới kính hiển vi. Nếu người bệnh có khối u ở vú, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết khối u đó để kiểm tra dấu hiệu ung thư. 

Cách điều trị bệnh giãn ống dẫn sữa

Giãn ống dẫn sữa có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh gây khó chịu, đau, tiết dịch núm vú. Do đó, ngay khi bị giãn tuyến sữa, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng và điều trị sớm. Theo đó, các lựa chọn điều trị gồm:

  • Thuốc kháng sinh: bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh trong 10 – 14 ngày để điều trị nhiễm trùng do giãn ống tuyến vú. Người bệnh vẫn nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện đáng kể hoặc biến mất hoàn toàn sau khi dùng kháng sinh.
  • Thuốc giảm đau: có thể dùng thuốc giảm đau nhẹ, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng liều lượng. 
  • Phẫu thuật: nếu áp xe đã phát triển, kháng sinh và thuốc giảm đau không có tác dụng, trong trường hợp này, ống dẫn sữa sẽ được phẫu thuật cắt bỏ. Thủ thuật này thực hiện thông qua 1 vết rạch nhỏ ở rìa của quầng vú. Tuy nhiên, giãn ống dẫn sữa hiếm khi phải phẫu thuật.

Ngoài ra, có thể kiểm soát các triệu chứng của giãn ống dẫn sữa theo những cách như [3]:

  • Chườm ấm lên núm vú và khu vực xung quanh có thể làm dịu mô vú bị đau.
  • Đeo miếng lót ngực (hoặc miếng lót cho con bú) để thấm dịch tiết từ núm vú.
  • Nằm ngủ nghiêng về phía bên vú không bị ảnh hưởng hoặc nằm ngửa để tránh gây thêm áp lực và tạo cảm giác khó chịu.
  • Mặc áo ngực hỗ trợ: chọn áo lót có hỗ trợ tốt để giảm sự khó chịu ở ngực. Chiếc áo ngực vừa vặn cũng có thể giúp giữ miếng đệm ngực ở đúng vị trí và thấm dịch tiết từ núm vú.
  • Không hút thuốc lá: hút thuốc có thể khiến việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, hút thuốc liên tục có thể làm nhiễm trùng tái phát hoặc áp xe.
Cách điều trị bệnh giãn ống dẫn sữa
Kiểm tra, sàng lọc định kỳ để phát hiện những bất thường ở tuyến vú.

Cách phòng tránh tình trạng giãn ống dẫn sữa

Không có biện pháp nào để phòng ngừa giãn ống dẫn sữa. Một số nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng từ lối sống có thể làm tăng khả năng phát triển tình trạng này. Những yếu tố gồm:

  • Béo phì: người có chỉ số khối cơ thể hoặc BMI từ 30 trở lên.
  • Người hút thuốc lá.
  • Người bệnh đái tháo đường nhưng không được kiểm soát.

Khi nào cần đến nên đến gặp bác sĩ?

Khi thấy ngực có những thay đổi bất thường, chẳng hạn như xuất hiện khối u mới ở vú, núm vú tiết dịch tự nhiên, mẩn đỏ hoặc viêm da vú, tình trạng núm vú bị thụt vào trong kéo dài dai dẳng, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khoa Ngoại vú, PlinkCare TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.

Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất như máy siêu âm đàn hồi, máy chụp nhũ ảnh 3D, máy chụp cộng hưởng từ… giúp tất cả người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.

Không biết rõ nguyên nhân gây giãn ống dẫn sữa có thể khiến người bệnh lo lắng về nguy cơ mắc ung thư hoặc các bệnh tuyến vú khác. Bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về giãn ống dẫn sữa là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng tránh bệnh. Khi thấy tuyến vú có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, điều trị sớm nhằm ngăn biến chứng không đáng có.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send