Image

Gây tê cục bộ có an toàn không? Quy trình thực hiện ra sao?

Gây tê cục bộ là gì?

Gây tê cục bộ (Local Anesthesia) hay còn gọi là gây tê tại chỗ thường được chỉ định thực hiện cho những vùng phẫu thuật nhỏ như vết thương cạn, nhỏ, ngoài da như da đầu, ngón tay, ngón chân…; thời gian phẫu thuật ngắn và người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Phương pháp gây tê này cũng được thực hiện nhanh chóng, người bệnh cũng không rơi vào trạng thái bất tỉnh. (1)

Trong quá trình gây tê cục bộ, thuốc tê được bôi lên da dưới dạng kem, xịt hoặc tiêm vào khu vực sẽ thực hiện thủ thuật. Sau khi hoàn tất khâu gây tê, khu vực này sẽ rơi vào trạng thái mất cảm giác. Nếu người bệnh vẫn còn cảm giác, bác sĩ có thể tiêm thêm hoặc bôi thuốc để đảm bảo khu vực đó đã được gây tê hoàn toàn.

Thuốc gây tê cục bộ hoạt động bằng cách ngăn các dây thần kinh ở khu vực bị ảnh hưởng truyền cảm giác đau đến não. Đôi khi được sử dụng cùng thuốc an thần. Sự kết hợp này giúp người bệnh rơi vào trạng thái thư giãn cần thiết, giúp ích cho quá trình thực hiện phẫu thuật diễn ra sau đó.

Khi nào cần gây tê tại chỗ?

Thủ thuật gây tê tại chỗ được thực hiện trong những trường hợp tiểu phẫu nhỏ như đốt bỏ nốt ruồi, mụn cóc, nhổ răng khôn, khâu vết thương trên các chi… không cần gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân. Sau khi thuốc được thực hiện thông qua việc bôi, hoặc tiêm vào vị trí cần làm tê, thuốc sẽ đi đến nhánh tận cùng của thần kinh ngoại vi và phát huy tác dụng gây tê. (2)

Gây tê tại chỗ gồm có 3 loại:

  • Gây tê bề mặt: Bác sĩ gây mê sẽ dùng thuốc tê dạng phun/ nhỏ lên bề mặt niêm mạc. Loại gây tê này thường được dùng cho thủ thuật tại những bộ phận như mắt, tai mũi họng, răng miệng…
  • Gây tê thấm: Thuốc tê dạng tiêm sẽ được tiêm vào vị trí cần phẫu thuật. Gây tê thấm thường dùng khi chích rạch vùng áp xe, mổ nông/ nhỏ…

Gây tê cục bộ hoạt động như thế nào?

Gây tê cục bộ hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu đau từ một bộ phận cụ thể của cơ thể truyền đến não. Cảm giác đau và các thông điệp khác truyền qua hệ thần kinh dưới dạng xung điện. Thuốc gây tê vùng thiết lập một rào cản điện. Chúng liên kết với các protein trong màng tế bào thần kinh để cho các hạt mang điện ra vào và khóa các hạt mang điện dương.

Nên làm gì trước khi gây tê cục bộ?

Trước khi làm thủ thuật gây tê cục bộ, người bệnh nên tuân theo những lưu ý sau:

  • Nhịn ăn hoặc uống trong một thời gian nhất định trước khi phẫu thuật
  • Tránh uống rượu hoặc hút thuốc ít nhất 24 giờ trước khi phẫu thuật
  • Không trang điểm nếu phẫu thuật thực hiện trên khuôn mặt
  • Tháo bỏ đồ trang sức khỏi khu vực phẫu thuật

Người bệnh cũng nên nói với bác sĩ nếu có 1 trong những vấn đề sau:

  • Có bất kỳ vết thương hở nào gần khu vực phẫu thuật
  • Đang dùng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu (như aspirin, clopidogrel hay các thuốc kháng đông khác)
  • Bị rối loạn chảy máu

Quy trình thực hiện gây tê cục bộ

Khác với gây tê ngoài màng cứng hay gây tê tủy sống cần phải được chuẩn bị kỹ càng thì gây tê cục bộ với những phẫu thuật nhỏ không cần chuẩn bị nhiều.

Trước khi phẫu thuật, người bệnh được thăm khám, bác sĩ sẽ giải thích để người bệnh cùng hợp tác trong quá trình gây tê. Tiếp đó, bác sĩ tiến hành vệ sinh vùng gây tê, cho người bệnh an thần tối hôm trước phẫu thuật (nếu cần).

quy trình gây tê cục bộ

1. Các loại thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng

Thuốc gây tê cục bộ có hai loại thường dùng, bao gồm: thuốc gây tê tại chỗ và thuốc tiêm.

1.1 Thuốc gây tê tại chỗ

  • Thuốc gây tê tại chỗ được bôi trực tiếp lên da hoặc màng nhầy như trong miệng, mũi hoặc cổ họng. Thuốc cũng có thể được áp dụng cho vùng mắt.
  • Thuốc gây tê tại chỗ có nhiều dạng: dạng lỏng, thuốc mỡ, gel, thuốc xịt, thuốc dán. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng kết hợp thuốc gây tê cục bộ để cho hiệu quả lâu dài.
  • Thuốc gây tê cục bộ không kê đơn (OTC) như benzocaine (Orajel), cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau do: răng, lợi, hoặc lở miệng; vết thương hở; viêm họng; bỏng nhẹ; phát ban; vết côn trùng cắn.

1.2 Thuốc tiêm gây tê tại chỗ

  • Thuốc gây tê cục bộ cũng có thể được dùng dưới dạng thuốc tiêm, thường được sử dụng để gây tê trong quá trình phẫu thuật, thay vì giảm đau. (3)
  • Thuốc tiêm thường được áp dụng trong các vấn đề về nha khoa (như ống tủy), sinh thiết da, loại bỏ sự phát triển dưới da, loại bỏ nốt ruồi hoặc mụn cơm, đặt máy tạo nhịp tim, xét nghiệm chẩn đoán (chọc dò thắt lưng/ sinh thiết tủy xương).
  • Ngoài ra, bác sĩ sẽ xác định loại thuốc gây tê phù hợp dựa trên một số yếu tố như: thời gian của loại phẫu thuật, kích thước và vị trí bộ phận cần gây tê, vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, và loại thuốc người bệnh đang dùng.
  • Một số phẫu thuật phức tạp hơn như phẫu thuật đục thủy tinh thể, có thể được thực hiện với thuốc gây tê dạng nhỏ, không cần dùng loại tiêm.

Gây tê cục bộ có an toàn không?

Những loại thuốc gây tê cục bộ nhìn chung là an toàn và thường không gây tác dụng phụ, ngoại trừ cảm giác ngứa ran khi thuốc hết tác dụng. Tuy nhiên, nếu tiêm nhiều thuốc hoặc tiêm vào tĩnh mạch thay vì mô, người bệnh có thể đối diện với một số tác dụng phụ như: ù tai, chóng mặt, tê dại, co giật, cảm thấy như có mùi vị kim loại trong miệng.

Trong một số trường hợp hiếm gặp liên quan đến việc sử dụng lượng thuốc tê cao, tác dụng phụ có thể xảy ra như co giật, huyết áp thấp, nhịp tim chậm, vấn đề về hô hấp.

Rất hiếm trường hợp bị phản ứng dị ứng với thuốc gây tê. Ước tính, chỉ có khoảng nhỏ hơn 1% số người bị dị ứng với thuốc gây tê cục bộ. Ngoài ra, hầu hết các phản ứng dị ứng với thuốc gây tê cục bộ đến từ chất bảo quản trong thuốc gây tê, chứ không phải do thuốc gây ra.

Rủi ro biến chứng có thể xảy ra?

Bác sĩ gây mê sẽ thực hiện kỹ thuật gây tê cục bộ cho người bệnh trước khi ca phẫu thuật diễn ra. Quá trình này thường kéo dài trong vài phút. Mặc dù không cảm thấy đau nhưng người bệnh vẫn có thể trải qua cảm giác căng cứng tại vùng gây tê.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu bắt đầu cảm nhận cơn đau trong quá trình phẫu thuật. Lúc này, bác sĩ có thể xem xét việc cung cấp thêm liều thuốc tê.

Gây tê tại chỗ thường hết tác dụng trong vòng một giờ, nhưng người bệnh có thể cảm thấy tình trạng tê kéo dài trong vài giờ. Khi hết cảm giác tê, biểu hiện ngứa ran có thể xảy ra nhưng hiếm khi.

Người bệnh nên chú ý đến khu vực bị ảnh hưởng bởi thuốc tê đến khi thuốc hết tác dụng, tránh làm tổn thương vùng gây tê trong vài giờ sau khi thực hiện phẫu thuật.

Đối với thuốc gây tê cục bộ OTC như Orajel, biểu hiện châm chích hoặc hơi nóng rát có thể xảy ra sau khi bôi thuốc. Vì thế, lượng thuốc tê cần được sử dụng tuân theo khuyến cáo trên vỏ hộp của sản phẩm. Điều này nhằm phòng tránh khả năng có thể gây độc nếu thuốc hấp thụ quá nhiều vào da.

Chăm sóc và hồi phục sau khi gây tê cục bộ

Điều quan trọng, người bệnh cần làm theo lời khuyên của bác sĩ để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng. Người bệnh sẽ cần phải nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau khi phẫu thuật. Không nâng vật nặng, nên ăn thức ăn mềm. Duy trì hoạt động thể chất bằng những bài tập nhẹ nhàng hoặc đi bộ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ đi bộ giúp giảm đau sau phẫu thuật.

hồi phục sau gây mê cục bộ

Sau gây tê tại chỗ, người bệnh nên tuân thủ theo những dặn dò của bác sĩ hoặc tái khám khi cần

Ngoài ra, người bệnh cần uống thuốc giảm đau theo quy định. Hãy hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ câu hỏi nào về liều lượng, cách thức hay thời điểm dùng thuốc.

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu cơn đau không cải thiện hoặc ngày càng tồi tệ hơn hoặc nhận thấy sự xuất hiện của những triệu chứng mới.

Gây tê cục bộ là một phương pháp gây tê tương đối an toàn để gây tê một vùng nhỏ trước khi làm phẫu thuật. Nó cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau trên da hoặc trong các vấn đề liên quan đến răng miệng. Mặc dù đôi khi tác dụng phụ có thể xảy ra, nhưng chỉ trong những trường hợp dùng lượng thuốc cao hơn so với lượng khuyến cáo.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send