Image

Gãy liên mấu chuyển xương đùi: Nguyên nhân và điều trị

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là gì?

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là tình trạng gãy xương ngoài bao khớp, thường xảy ra phổ biến ở người cao tuổi, xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân té ngã. Cụ thể, vị trí đầu trên xương đùi được cấu tạo tiếp giáp với xương chậu bằng khớp háng. Vùng này được gọi là vùng cổ xương đùi với cấu trúc đặc biệt, được tạo nên bởi hai hệ thống bè xương riêng biệt gồm xương hình vòm và xương hình quạt. (1)

Vị trí nằm giữa hai hệ thống là điểm yếu của cổ xương đùi, rất dễ bị chấn thương. Dưới tác động của một lực đủ lớn, tại đây có thể xảy ra gãy liên mấu chuyển hoặc gãy cổ xương đùi. Trường hợp đầu tiên là gãy ngoài bao khớp, quá trình liền xương tiến triển nhanh hơn, tỷ lệ xuất hiện biến chứng hoại tử chỏm thấp hơn. Nguyên nhân bởi vị trí này chứa nhiều mạch máu nuôi dưỡng.

gãy liên mấu chuyển

Theo tiêu chuẩn AO, gãy liên mấy chuyển được chia thành 3 nhóm gồm: A1 – A2 – A3. Mỗi nhóm được phân loại thành 3 tiểu nhóm nhỏ như sau: (2)

Loại A1

A1 là loại đơn giản gồm 1 đường gãy kéo dài từ mẫu chuyển lớn đến vỏ xương bên trong. Nhóm này được phân loại gồm:

  • A1 – 1: Đây là loại có đường gãy trên nền cổ mấu chuyển.
  • A1 – 2: Đây là loại có đường gãy liên mấu chuyển.
  • A1 – 3: Đây là loại có đường gãy nằm dưới mấu chuyển bé.

Loại A2

Đây là loại có hướng đường gãy được xác định tương tự như A1 nhưng vỏ thân xương bên trong gãy thành 3 mức với nhiều mảnh rời. Theo đó, A2 được phân loại như sau:

  • A2 – 1: Nhóm gãy có một mảnh xương rời.
  • A2 – 2: Nhóm gãy có 2 mảnh xương rời.
  • A2 – 3: Nhóm gãy có nhiều hơn 2 mảnh xương rời.

Loại A3

Đây là loại có đường gãy kéo dài từ vỏ thân xương đùi tại vị trí ngay dưới mấu chuyển lớn đến phía trong mấu chuyển bé. A3 cũng bao gồm cả trường hợp đường gãy bên ngoài, bắt đầu từ dưới mấu chuyển lớn và kết thúc bên trong mấu chuyển bé (đường gãy chéo ngược). Loại này được phân chia thành 3 nhóm nhỏ như sau:

  • A3 – 1: Nhóm có đường gãy đơn giản nằm chéo, hướng chếch lên.
  • A3 – 2: Nhóm có đường gãy đơn giản nằm ngang.
  • A3 – 3: Nhóm có đường gãy đơn giản nằm chéo, hướng chếch lên kèm gãy mấu chuyển nhỏ.

Nguyên nhân gãy liên mấu chuyển

Nguyên nhân phổ biến nhất của gãy liên mấu chuyển xương đùi là do ngã hoặc chấn thương. Trong đó, nhiều trường hợp xuất phát từ tai nạn giao thông hoặc va chạm trong thể thao. Một số yếu tố nguy cơ của tình trạng này gồm:

  • Nữ giới.
  • Người trên 60 tuổi.
  • Người có tiền sử bị té ngã.
  • Người mắc loãng xương, hoặc có tiền sử mắc các vấn đề về xương khác.
  • Người có mật độ xương và khối lượng cơ thấp.
  • Người gặp vấn đề về việc giữ thăng bằng trong đi, đứng.

người già bị té ngã

Dấu hiệu thường gặp

Gãy liên mấu chuyển xương đùi thường xuất hiện với nhiều dấu hiệu đặc trưng, dễ nhận biết. Trong đó, một số triệu chứng phổ biến phải kể đến gồm: (3)

  • Đau dữ dội ở vùng hông.
  • Không thể dồn trọng lượng lên chân bị thương.
  • Không thể đứng lên hoặc di chuyển sau khi ngã.
  • Vùng hông bị sưng tấy và bầm tím.
  • Cứng và đau ở chân bị thương.
  • Không thể thực hiện động tác co chân hoặc quay sang bên bị thương.

Phương pháp chẩn đoán

Lâm sàng

Với người bệnh có liên mấu chuyển bị gãy tại phần xương đùi, ban đầu, bác sĩ sẽ tiến hành một số chẩn đoán lâm sàng như sau:

  • Cơ chế chấn thương.
  • Tình trạng chức năng trước chấn thương.
  • Tiền sử chống đông máu, viêm khớp…
  • Triệu chứng cơn đau.
  • Kiểm tra vết thương thông qua sờ nắn hoặc một số cử động của người bệnh như: nâng chân thẳng, xoay chân…

Cận lâm sàng

Đối với tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng để đưa ra kết quả chính xác nhất. Các phương pháp thường được sử dụng bao gồm:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán gãy liên mấu chuyển vùng xương đùi bởi tỷ lệ chính xác cao. Tuy nhiên, phương pháp này sử dụng một lượng nhỏ tia bức xạ nên không được khuyến cáo thực hiện cho trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính (CT) là thủ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, sử dụng kết hợp tia X và công nghệ máy tính để thu được hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương cũng như tổn thương đang xảy ra. So với chụp X- quang, phương pháp này cho ra chất lượng hình ảnh tốt hơn.
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) khu vực xuất hiện gãy liên mấu chuyển sẽ giúp xác định tổn thương mô mềm cũng như các cơ quan lân cận, từ đó đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

Ngoài ra, các xét nghiệm bổ sung cũng có thể được yêu cầu như: xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), phân tích nước tiểu, điện tâm đồ… tùy thuộc vào các phát hiện lâm sàng, tiền sử bệnh cũng như chẩn đoán hình ảnh trước đó. Điều này sẽ giúp phát hiện và khắc phục kịp thời những điểm bất thường trước khi can thiệp phẫu thuật, đảm bảo hạn chế tối đa biến chứng.

phương pháp chẩn đoán gãy mấu chuyển

Biến chứng khi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi

Tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Một số điển hình thường gặp như: (4)

  • Giai đoạn sớm: Gãy liên mấu chuyển đi kèm với hiện tượng chảy máu nhiều, dẫn đến tình trạng mất máu hoặc sốc chấn thương do đau.
  • Giai đoạn muộn: Gãy liên mấu chuyển giai đoạn muộn có thể dẫn đến tàn phế suốt đời do xương không liền hoặc quá trình phục hồi chậm. Ngoài ra, người bệnh nằm lâu còn có khả năng đối diện với các bệnh lý nguy hiểm như: viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét các điểm tì… Nhiều trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến tử vong.

Điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi

Với tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi, người bệnh có thể được điều trị bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật. Phương pháp sẽ được bác sĩ chỉ định dựa vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Điều trị bảo tồn

Phương pháp điều trị bảo tồn đối với tình trạng này được áp dụng trong một số trường hợp nhất định, bao gồm:

  • Gãy di lệch ít, người bệnh vẫn có thể ngồi dậy được.
  • Người bệnh thể trạng yếu, đang mắc cùng lúc nhiều bệnh mãn tính và không thể tiến hành phẫu thuật.

Tuy nhiên, điều trị bảo tồn thường không đem lại hiệu quả như mong đợi, tỷ lệ để lại biến chứng và gây ra tử vong cao nên không được áp dụng phổ biến. Một số phương pháp cụ thể gồm:

  • Đeo nẹp cố định.
  • Xuyên đinh qua da.
  • Kéo liên tục.
  • Kéo nắn bột.

Phẫu thuật

Phẫu thuật chống chỉ định đối với người bệnh bị rối loạn chảy máu hoặc một rối loạn chuyển hóa không thể kiểm soát được, dễ dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Với hầu hết các trường hợp còn lại, phẫu thuật được cân nhắc thực hiện sớm cho tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi. Một số phương pháp được áp dụng phổ biến gồm:

  • Phương pháp kết hợp xương bằng đóng đinh nội tủy: Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp gãy xương phức tạp, gãy không vững và có thêm mảnh rời. Cụ thể, một số loại đinh nội tủy được sử dụng phổ biến gồm: TFN, Ender, Gamma, PFN…
  • Phương pháp kết hợp xương bằng nẹp vít: Phương pháp này được chỉ định cho trường hợp gãy xương đơn giản. Các loại nẹp được sử dụng phổ biến gồm: nẹp khóa đầu trên xương đùi, nẹp gấp góc DHS…
  • Phương pháp thay khớp háng: Thay khớp háng nhân tạo này được chỉ định cho những trường hợp gãy liên mấu chuyển không vững đồng thời phát hiện tình trạng loãng xương, không thể tiến hành điều trị bằng bảo tồn hay kết hợp xương.

phương pháp thay khớp háng

Tuy nhiên, phẫu thuật gãy liên mấu chuyển ở xương đùi cũng có thể để lại một số biến chứng không mong đợi, phổ biến nhất là: mất máu, nhiễm trùng… Đối với phương pháp kết hợp xương bằng đinh nội tủy, thực tế cho thấy đã xuất hiện nhiều tình trạng đinh bị gãy, đặc biệt là khi đặt ở khoảng cách đỉnh lớn hơn 25mm. Nếu trường hợp này xảy ra, bác sĩ có thể sẽ tiếp tục thực hiện phẫu thuật tạo hình khớp háng (đối với người bệnh trẻ tuổi).

Một biến chứng khác cũng được tìm thấy khi đặt đinh nội tủy dài ở người bệnh cao tuổi là gây thủng vỏ xương đùi. Nguyên nhân là do bán kính cong của xương đùi và mô cấy không phù hợp.

Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, thời gian hồi phục thường kéo dài khoảng 3 tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc vào độ tuổi và một số vấn đề y tế khác. Để đẩy nhanh thời gian chữa lành, bác sĩ có thể sẽ khuyên người bệnh đến trung tâm phục hồi chức năng. Tại đây, các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn chi tiết về một số bài tập cải thiện khả năng vận động và tăng cường sức mạnh. Theo đó, người bệnh sẽ tập trung chủ yếu vào hoạt động tập đi, đứng, chăm sóc bản thân cũng như sinh hoạt hàng ngày. Thời gian tập vật lý trị liệu thường kéo dài từ 3 – 6 tháng hoặc lâu hơn nhằm đạt được hiệu quả phục hồi tốt nhất.

Ngoài ra, một số trường hợp phải dùng đến thuốc làm loãng máu sau phẫu thuật. Tuy nhiên, tất cả phải tuân theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo đạt được hiệu quả tích cực và hạn chế tối đa các vấn đề không mong muốn.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh không nên liên tục nằm trên giường, thay vào đó nên ngồi dậy nhiều nhất có thể. Đây là cách để hạn chế tình trạng viêm phổi, đông máu và làm tăng khả năng chữa lành tổn thương. Tuy nhiên, mọi hoạt động đều cần thực hiện chậm rãi, đảm bảo an toàn. Tốt hơn hết, người bệnh nên nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình, y tá, chuyên gia vật lý trị liệu và sử dụng khung tập đi hoặc gậy chống để đạt hiệu quả tốt nhất.

Biện pháp phòng ngừa

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là chấn thương nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết, bao gồm:

1. Đánh giá và điều trị loãng xương

Ở đối tượng phụ nữ và người cao tuổi, tình trạng loãng xương rất phổ biến và làm giảm chất lượng xương, tăng nguy cơ gãy xương khi té ngã. Vì thế kiểm soát chất lượng xương, đo mật độ xương bằng các thiết bị hiện đại là một việc nên làm thường xuyên.

Việc theo dõi sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề xương khớp đang gặp phải để tiến hành điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, quét hệ thống hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA hoặc DEXA) đang là phương pháp đo mật độ xương được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp cho tất cả mọi đối tượng nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện để hạn chế rủi ro.

Kiểm tra tình trạng loãng xương tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nội cơ xương khớp, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc uống hoặc dịch truyền (thường mỗi năm 1 lần) để cải thiện tình trạng giảm chất lượng xương.

2. Xây dựng không gian sống an toàn – Phòng tránh té ngã ở người cao tuổi

Phần lớn các trường hợp xảy ra do nguyên nhân té ngã. Do đó, việc xây dựng một không gian sống an toàn là điều cần thiết để hạn chế tối đa vấn đề đáng lo ngại này, đặc biệt trong các gia đình có người cao tuổi. Một số giải pháp hữu ích nên áp dụng gồm:

  • Sắp xếp đồ đạc gọn gàng.
  • Lắp đặt hệ thống ánh sáng đầy đủ.
  • Lắp đặt thanh vịn ở những nơi dễ xảy ra té ngã như: cầu thang, phòng tắm.
  • Giữ sàn nhà luôn khô, tránh trơn trượt.

xây dựng không gian sống an toàn

3. Tập thể dục

Luyện tập thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp làm chậm quá trình mất xương và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Đây đồng thời cũng là giải pháp để cải thiện sự cân bằng, phòng tránh té ngã nguy hiểm. Một số bộ môn có thể tham khảo như: chạy bộ, đi bộ đường dài, bơi lội, tập tạ, khiêu vũ, yoga…

4. Xây dựng lối sống lành mạnh

Việc duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp làm giảm áp lực lên xương, từ đó hạn chế nguy cơ gãy xương nguy hiểm, kể cả vùng đùi. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các nhóm thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D… cần được bổ sung đầy đủ để đảm bảo xương phát triển khỏe mạnh, hạn chế tối đa các tổn thương không mong muốn. Ngoài ra, việc từ bỏ các thói quen có hại như hút thuốc, uống rượu bia… cũng sẽ đem đến nhiều cải thiện tích cực.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống PlinkCare, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

PlinkCare còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến gãy liên mấu chuyển xương đùi. Hy vọng với những chia sẻ hữu ích này, người bệnh đã cập nhật thêm nhiều kiến thức mới để đẩy nhanh thời gian hồi phục chấn thương, hạn chế tối đa các biến chứng không mong muốn.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send