
Đuối nước ở trẻ em: Cách sơ cứu, lưu ý và phòng ngừa
Đuối nước ở trẻ em là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy hô hấp khi ở dưới nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ từ 1 – 14 tuổi, đặc biệt trẻ từ 1 – 4 tuổi, là nguyên nhân gây tử vong chỉ sau tai nạn xe ở trẻ từ 5 – 14 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. (1)
Quá trình đuối nước thường chỉ xảy ra trong vài phút, thậm chí chỉ 30 giây. Khi bị đuối nước, trẻ không thể kêu la, thay vào đó, cơ thể trẻ sẽ khua tay (phản xạ tự nhiên) nhằm cố gắng nổi lên trên mặt nước. Điều này có thể khiến phụ huynh nhầm lẫn với việc trẻ đang đùa giỡn bình thường.
Trẻ cần được đưa ra khỏi mặt nước khi có bất kỳ dấu hiệu đuối nước nào dưới đây:
- Đầu chìm xuống thấp trong nước (miệng bằng hoặc thấp hơn mực nước). Một số trường hợp trẻ có thể cúi đầu xuống hoặc không có cử động phần đầu.
- Đầu ngửa ra phía sau, miệng mở.
- Mắt thủy tinh, trống rỗng.
- Mắt mở to hoặc nhắm chặt.
- Tóc xõa trên trán hoặc mắt.
- Cơ thể trong tư thế gần như thẳng đứng, chân gần như không có cử động.
- Cố gắng bơi nhưng không cải thiện được tình trạng.
- Thở gấp.
- Cơ thể có dấu hiệu chìm xuống đáy nước.
Cách sơ cứu đuối nước ở trẻ em
Trẻ bị đuối nước cần đưa ra khỏi nước càng sớm càng tốt. Sau đó, tùy thuộc vào tình trạng ý thức của bé, bố mẹ thực hiện phương pháp sơ cứu đuối nước phù hợp.
1. Trẻ bất tỉnh
- Gọi 115 để đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu khẩn cấp.
- Kiểm tra xem trẻ còn thở không: Đưa mặt hoặc tay lại gần mũi, miệng của trẻ hoặc quan sát ngực xem trẻ có đang thở không.
- Thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh (đối với trẻ dưới 1 tuổi) hoặc hô hấp nhân tạo cho trẻ (đối với trẻ từ 1 – 8 tuổi) nếu trẻ không có dấu hiệu đang thở. Thực hiện hô hấp nhân tạo theo hướng dẫn của tổng đài 115 cho đến khi nhân viên cứu hộ, y tế đến hỗ trợ. Hà hơi thổi ngạt và ép ngực là hai động tác được ưu tiên sử dụng để đẩy nước ra ngoài, giúp trẻ hô hấp lại bình thường.
2. Trẻ còn tỉnh
Sau khi được đưa lên khỏi mặt nước, trẻ thường sẽ ho nhiều và rơi vào trạng thái sợ hãi, bố mẹ nên giúp trẻ bình tĩnh lại và theo dõi các biểu hiện của. Nếu trong vài phút hoặc vài giờ sau đó, trẻ có các biểu hiện sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu:
- Trẻ không thể bình tĩnh, luôn cảm thấy sợ hãi.
- Trẻ bất tỉnh.
- Trẻ có biểu hiện khó thở.
- Cơn ho kéo dài.
- Đau ngực.
- Có biểu hiện mệt mỏi, kiệt sức.
- Nôn mửa nhiều.
- Trẻ cảm thấy khó chịu, tâm trạng thay đổi thất thường.
- Mất phương hướng.
- Da có màu hơi xanh.
- Xuất hiện bọt ở mũi hoặc miệng.

Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu đuối nước ở trẻ
Nhiều trường hợp đuối nước được phát hiện và đưa ra khỏi mặt nước kịp thời nhưng trẻ vẫn có gặp nguy hiểm bởi những sai lầm khi lầm khi sơ cứu. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo ngừng thực hiện các thói quen sau khi sơ cứu trẻ bị đuối nước:
- Nóng vội khi phát hiện trẻ đuối nước: Điều đầu tiên nghĩ đến khi bắt gặp tình huống này sẽ là nhảy xuống nước để đưa trẻ lên. Tuy nhiên, người khi bị đuối nước thường ở trong trạng thái hoảng loạn, vùng vẫy mạnh nhằm cố gắng thoát khỏi mặt nước, có xu hướng nắm bắt mọi thứ có thể để nổi lên. Điều này có thể gây cản trở và nguy hiểm cho người cứu hộ, khiến người cứu hộ trở thành nạn nhân thứ hai, nhất là khi họ bơi không tốt.
- Dốc ngược trẻ để nước chảy ra ngoài: Việc dốc ngược trẻ hay vác trẻ bị đuối nước trên vai không chỉ không có tác dụng giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp mà còn làm trì hoãn bước sơ cứu quan trọng, hồi sức tim và phổi. Thông thường, lượng nước đi vào phổi khi đuối nước sẽ không quá nhiều và có thể tống qua ngoài thông qua các thao tác sơ cứu, ép tim ngoài lồng ngực và khi trẻ có thể tự thở. Hơn nữa, thói quen này còn khiến trẻ tăng nguy cơ tổn thương não do thiếu oxy.
- Tụ tập đông người: Trẻ bị đuối nước sau khi được đưa ra khỏi mặt nước cần được đặt trong môi trường thông thoáng, nhiều oxy. Việc tụ tập xung quanh trẻ không chỉ không giúp trẻ tốt hơn mà còn gây cản trở trẻ hô hấp.
Cách phòng tránh đuối nước ở trẻ em cha mẹ nên biết
Đuối nước không chỉ là vấn đề đe dọa sức khỏe, tính mạng của trẻ mà còn tạo rào cản tâm lý, cản trở sự phát triển của trẻ. Do đó, bố mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa đuối nước cho trẻ. Một số biện pháp được các chuyên gia khuyến cáo gồm:
- Không cho trẻ xuống nước khi không có sự giám sát chặt chẽ của người lớn.
- Cho trẻ mặc đồ bảo hộ đúng cách khi bơi.
- Đối với những gia đình có hồ bơi, hồ nước, sông, suối,… cần có hàng rào bảo vệ cẩn thận, loại bỏ các vật dụng có thể giúp trẻ trèo qua hàng rào khi không có sự cho phép.
- Khi ở dưới nước, bố mẹ cần phải luôn ở sát trẻ, không để cách quá một sải tay nhằm phát hiện sớm và có cách xử lý kịp thời khi có rủi ro xảy ra.
- Bố mẹ nên trang bị đầy đủ các kiến thức an toàn dưới nước, cách hô hấp nhân tạo.
- Cho trẻ tham gia các lớp dạy học bơi bởi các chuyên gia. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ từ 1 tuổi đã có thể học bơi. Việc cho trẻ học bơi đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ đuối nước một cách rõ rệt ở trẻ từ 1 – 4 tuổi.
- Giáo dục trẻ về các phòng tránh đuối nước.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, PlinkCare theo địa chỉ:
Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về đuối nước ở trẻ em cũng như cách xử lý phù hợp khi gặp tình huống này. Đuối nước là một tai nạn khó lường trước được. Do đó, quý phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan, nhất là khi sống tại khu vực có nhiều ao, hồ, sông, suối,… thường xuyên cho trẻ đến các khu vực nhiều nước.