Image

Dự phòng tiên phát bệnh tim mạch theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Dự phòng tiên phát bệnh tim mạch là gì?

Dự phòng tiên phát bệnh tim mạch là tập hợp các biện pháp chủ động được áp dụng thực hiện trước khi bệnh khởi phát, nhằm loại bỏ hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Mục tiêu chính của hoạt động này, là bảo vệ sức khỏe tim mạch thông qua việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và xây dựng lối sống lành mạnh.

Dự phòng tiên phát đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự khởi phát của bệnh lý tim mạch, bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng đường huyết,… Bên cạnh đó, đây là giải pháp giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng.

Nếu không được dự phòng và quản lý kịp thời, các yếu tố nguy cơ tim mạch có thể dẫn đến những biến cố nghiêm trọng, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và thậm chí tử vong. Việc kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy cơ này là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm thiểu nguy cơ mắc phải những tình trạng nghiêm trọng này.

Dự phòng tiên phát bệnh lý tim mạch được chia làm ba cấp độ, bao gồm:

  • Dự phòng tiên phát: Cấp độ này tập trung vào các biện pháp nhằm ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh ở những người chưa mắc bệnh. Điều này bao gồm kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng đường huyết, lối sống ít vận động, hút thuốc,…
  • Dự phòng thứ phát: Dự phòng thứ phát được áp dụng cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch hoặc có dấu hiệu tổn thương, chẳng hạn như xơ vữa động mạch. Biện pháp này giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa biến chứng hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
  • Dự phòng nguyên phát: Đây là cấp độ dự phòng được triển khai từ khi một người chưa gặp phải bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, thậm chí từ khi còn trong bụng mẹ. Mục tiêu chính giúp xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ, nhằm ngăn ngừa sự hình thành các yếu tố nguy cơ tim mạch sau này.

Dự phòng các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là hệ quả của sự tác động bởi nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Các yếu tố này có thể được chia thành hai nhóm chính: những yếu tố không thể thay đổi và những yếu tố có thể thay đổi được. [2]

1. Yếu tố nguy cơ không thay đổi

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng dần theo tuổi tác. Do càng lớn tuổi các mạch máu trở nên kém đàn hồi, dễ bị tổn thương và xơ vữa dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch.
  • Giới tính: Nam giới có xu hướng bị mắc bệnh tim mạch sớm hơn 10 năm so với nữ giới. Nhưng sau khi mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ tăng lên do sự suy giảm nồng độ estrogen, một hormone có tác dụng bảo vệ tim mạch. [3]
  • Tiền sử gia đình: Người có người thân trực hệ mắc bệnh tim mạch từ sớm (như nhồi máu cơ tim, đột quỵ) thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Do một số bệnh lý tim mạch có yếu tố di truyền.
nguy cơ đau tim ở người lớn tuổi
Người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề liên quan đến tim mạch

2. Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

  • Hút thuốc lá: Thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Các hóa chất trong khói thuốc gây tổn thương thành mạch, tạo điều kiện cho xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Rượu bia: Sử dụng rượu bia quá mức không chỉ gây tổn thương cơ tim mà còn làm tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Điều này thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, từ đó gia tăng nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch nghiêm trọng.
  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp gây áp lực lớn lên thành động mạch, làm tổn thương lớp nội mạc và thúc đẩy sự hình thành các mảng xơ vữa. Đây là yếu tố nguy cơ chính gây nên bệnh mạch vành và đột quỵ.
  • Rối loạn lipid máu: Mức cholesterol xấu (LDL) cao và cholesterol tốt (HDL) thấp là điều kiện lý tưởng cho sự hình thành mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Điều này gây nên tình trạng hẹp và tắc nghẽn mạch máu.
  • Béo phì, thừa cân: Thừa cân, béo phì làm gia tăng áp lực lên tim gây rối loạn chuyển hóa lipid và dẫn đến tăng huyết áp. Đây cũng là yếu tố nguy cơ góp phần vào sự phát triển của bệnh đái tháo đường type 2.
  • Chế độ ăn không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, muối, đường,.. làm tăng cholesterol xấu, tăng huyết áp và tích lũy mỡ trong cơ thể.
  • Đái tháo đường: Người mắc đái tháo đường, đặc biệt là type 2 có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch bao gồm bệnh mạch vành, đột quỵ và suy tim. Đường huyết cao làm tăng phản ứng viêm mạn tính trong cơ thể, gây tổn thương mạch máu cũng như thúc đẩy quá trình xơ vữa tiến triển.
  • Lối sống ít vận động: Thiếu hoạt động thể chất làm giảm khả năng đốt cháy năng lượng, dẫn đến thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa. Lối sống ít vận động cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, những yếu tố chính gây nên bệnh lý tim mạch.

Việc nhận diện sớm, hiểu rõ các yếu tố nguy cơ là bước đầu tiên trong việc quản lý và phòng ngừa các bệnh lý tim mạch hiệu quả.

Các phương pháp dự phòng tiên phát bệnh tim mạch cần áp dụng

Dự phòng tiên phát bệnh tim mạch tập trung vào việc loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ ngay từ khi chưa xuất hiện bệnh. Dưới đây là những phương pháp dự phòng được khuyến khích áp dụng, bao gồm:

1. Thay đổi lối sống

Một số biện pháp giúp thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim. Ngừng hút thuốc giúp cải thiện chức năng mạch máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Hạn chế bia rượu: Uống rượu bia ở mức vừa phải hoặc hạn chế hoàn toàn có thể giảm thiểu tác động tiêu cực lên huyết áp và chức năng tim mạch.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sức mạnh tim và kiểm soát cân nặng. Mỗi cá nhân nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần.
  • Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ cao gây nên bệnh tim mạch. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, mỗi người nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18.5 – 24.9 là lý tưởng. Đối với người Châu Á, vòng eo < 90 cm ở nam và <80 cm ở nữ được khuyến cáo.
bạn nữ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên luyện tập giúp dự phòng bệnh lý tim mạch hiệu quả

2. Chế độ dinh dưỡng khoa học

Xây dựng thực đơn ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch hiệu quả, các chuyên gia khuyến nghị về một chế độ dinh dưỡng, khoa học thường bao gồm:

2.1. Thực phẩm cần tránh

Để bảo vệ sức khỏe tim mạch việc hạn chế thực phẩm không lành mạnh là vô cùng quan trọng. Các sản phẩm từ đường, tinh bột tinh chế, nước ngọt… có thể làm tăng đường huyết và gây béo phì.

Bên cạnh đó, các loại chất béo bão hòa, chất béo trans thường có trong đồ chiên rán, thức ăn nhanh và mỡ động vật cũng góp phần làm tăng cholesterol xấu (LDL), gây xơ vữa động mạch. Ngoài ra, muối cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng tăng huyết áp, từ đó giảm nguy cơ đột quỵbệnh mạch vành.

2.2. Thực phẩm giúp bảo vệ tim mạch

Một chế độ ăn uống khoa học với các thực phẩm tốt cho tim mạch sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Chất béo không bão hòa từ dầu olive, cá hồi, cá thu, trái bơ, hạt óc chó,… không chỉ giúp giảm cholesterol xấu mà còn tăng cường cholesterol tốt (HDL). Chất xơ từ rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu,… giúp hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát đường huyết.

Đặc biệt, các loại thực phẩm giàu omega-3 như cá béo, hạt chia, hạt lanh có tác dụng chống viêm, bảo vệ thành mạch máu. Các loại quả mọng và trà xanh giàu chất chống oxy hóa giúp giảm stress oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương mạch máu, bảo vệ tim mạch hiệu quả.

2.3. Kế hoạch dinh dưỡng cân bằng

Một thực đơn dinh dưỡng cân bằng sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và hỗ trợ sức khỏe tim mạch lâu dài. Nên tránh việc ăn quá nhiều một chất mà hãy ăn đa dạng thực phẩm với đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể.

3. Quản lý căng thẳng

Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch thông qua việc tăng huyết áp và nhịp tim bất thường. Đồng thời, stress mãn tính có thể gây kích hoạt hệ thần kinh giao cảm quá mức làm ảnh hưởng đến mạch máu làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển mảng xơ vữa. Để quản lý căng thẳng và dự phòng bệnh lý tim mạch các cá nhân có thể áp dụng một số phương pháp như: thiền định, yoga, hít thở sâu, đi bộ thư giãn, nghe nhạc,…

thiền định mỗi ngày
Thiền định là một trong những giải pháp giảm căng thẳng hiệu quả

4. Kiểm soát huyết áp và cholesterol

Duy trì huyết áp và cholesterol trong giới hạn bình thường là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa bệnh tim mạch. Huyết áp lý tưởng nên ở mức khoảng 120/80 mmHg, trong khi cholesterol LDL cần duy trì trong mức mục tiêu (phụ thuộc vào các biến cố tim mạch, bệnh đồng mắc với yếu tố nguy cơ tim mạch của mỗi người sau khi được Bác sĩ đánh giá). Để kiểm soát được các nguy cơ này, chúng ta cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá, tránh lạm dụng chất kích thích,…

5. Dự phòng tiên phát tim mạch bằng thuốc

Khi có nguy cơ cao mắc bệnh, việc sử dụng thuốc dự phòng là vô cùng cần thiết. Tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp như: statin để giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp hoặc aspirin liều thấp,…

6. Nâng cao nhận thức cộng đồng về dự phòng bệnh tim mạch

Giáo dục sức khỏe cộng đồng là chìa khóa giúp mỗi cá nhân hiểu sâu hơn về các yếu tố nguy cơ và tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh tim mạch.

Chương trình truyền thông hiệu quả và những chiến dịch nâng cao sức khỏe không chỉ giúp thay đổi nhận thức mà còn thúc đẩy hành vi tích cực. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho một cộng đồng khỏe mạnh và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch.

7. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Theo dõi sức khỏe định kỳ cùng bác sĩ chuyên khoa giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và bệnh lý tiềm ẩn liên quan đến tim mạch. Việc thường xuyên theo dõi sát sao những chỉ số quan trọng như huyết áp, lipid máu và đường huyết giúp kiểm soát tốt sức khỏe và ngăn ngừa các biến cố tim mạch hiệu quả.

bác sĩ thăm khám bệnh nhân
Bác sĩ tim mạch đang thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân

8. Ứng dụng công nghệ trong dự phòng tiên phát bệnh tim mạch

Công nghệ hiện đại ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh lý tim mạch từ sớm. Các thiết bị như đồng hồ thông minh, điện thoại di động có khả năng nhận diện những dấu hiệu bất thường thông qua việc theo dõi nhịp tim, huyết áp, mức độ hoạt động, chế độ ăn uống, giấc ngủ,…

Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng công nghệ AI vào công tác chẩn đoán bệnh tim mạch cũng dần trở nên phổ biến. AI giúp hỗ trợ bác sĩ phân tích dữ liệu sức khỏe, nhận diện yếu tố nguy cơ và đưa ra các khuyến nghị hữu ích trong điều trị bệnh.

Chiến lược quốc gia về phòng ngừa bệnh tim mạch

Ngày 23 tháng 12 năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5333/QĐ-BYT, trong đó giới thiệu tài liệu chuyên môn về “Dự phòng tiên phát bệnh tim mạch“. Quyết định này xác định các bệnh tim mạch chủ yếu có thể phân chia thành hai nhóm lớn: bệnh tim mạch do xơ vữa mạch máu (bao gồm bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, các vấn đề về vi mạch) và các bệnh tim không liên quan đến xơ vữa mạch (như bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim do thấp và bệnh tim liên quan đến nhiễm trùng).

Chiến lược cũng chỉ ra các nguyên nhân tử vong chủ yếu do bệnh tim mạch, bao gồm bệnh động mạch vành, đột quỵ thiếu máu não, bệnh tim do tăng huyết áp, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và bệnh động mạch ngoại biên. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh lý tim mạch là các yếu tố nguy cơ hành vi như hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động thể chất và lạm dụng rượu bia.

Chiến lược quốc gia về phòng ngừa bệnh tim mạch được xây dựng nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ này, đồng thời ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Phương án dự phòng xây dựng mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch. Việc thúc đẩy các chương trình giáo dục cộng đồng, cải thiện lối sống, thay đổi hành vi là những biện pháp quan trọng trong chiến lược này.

Chi phí và lợi ích kinh tế của dự phòng tiên phát bệnh tim mạch

Chi phí liên quan đến dự phòng tiên phát bệnh tim mạch chủ yếu bao gồm chi phí cho các chiến dịch giáo dục cộng đồng, các chương trình sàng lọc và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, còn có những chương trình can thiệp lối sống như giảm thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất,…

Dự phòng hiệu quả còn làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, từ đó mang lại nhiều lợi ích kinh tế đáng kể. Khi số ca bệnh giảm, chi phí điều trị cũng giảm theo, bao gồm chi phí phẫu thuật, thuốc men và chăm sóc sau điều trị. Đồng thời, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội.

Ngoài ra, người mắc bệnh tim khi còn trẻ có thể bị suy giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân và nền kinh tế chung. Dự phòng tốt không chỉ giúp duy trì sức khỏe mà còn hạn chế nguy cơ tử vong sớm, góp phần bảo vệ nguồn lực lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc áp dụng các biện pháp dự phòng tiên phát bệnh tim mạch không chỉ là một chiến lược y tế quan trọng để cải thiện sức khỏe mà còn có lợi về mặt kinh tế. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể cao, nhưng lợi ích dài hạn của việc ngăn ngừa bệnh tim mạch sẽ giúp giảm gánh nặng y tế xã hội, tiết kiệm chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send