Image

Đột quỵ tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tuyến yên là gì?

Tuyến yên (Pituitary) là một tuyến nội tiết nhỏ nằm ở nền sọ, sản xuất nhiều hormone điều hòa các tuyến nội tiết của cơ thể (1). Tuyến yên có đường kính là khoảng 1cm, nặng khoảng 0.5g, gồm 2 thuỳ: thuỳ trước (chiếm ⅔ trọng lượng), thuỳ sau (thuỳ thần kinh). Tuyến yên liên quan mật thiết với vùng dưới đồi, 2 cấu trúc này có ảnh hưởng qua lại, tạo thành khâu trung gian giữa hệ thần kinh và nội tiết.

Đột quỵ tuyến yên là gì?

Đột quỵ tuyến yên là tình trạng xảy ra khi tuyến yên bị thiếu máu nuôi trầm trọng (nhồi máu) hoặc khi một vùng mô ở tuyến yên bị xuất huyết và thường liên quan đến sự hiện diện của khối u tuyến yên. Bệnh này cần được chẩn đoán và điều trị khẩn cấp. Bệnh xuất hiện ở phụ nữ hoặc ngay sau khi sinh con được gọi là hội chứng Sheehan. Tần suất thực sự của chứng xuất huyết tuyến yên rất khó ước tính. (2)

Nguyên nhân gây đột quỵ tuyến yên

Đột quỵ tuyến yên thường do máu chảy vào khối u lành tính đã có từ trước của tuyến yên hoặc do chết một vùng mô trong tuyến yên do khối u. Nhiều trường hợp, khối u không được chẩn đoán và chỉ được phát hiện khi các triệu chứng của bệnh phát triển. Ngoài ra, đột quỵ tuyến yên không di truyền.

Một số yếu tố khiến người bệnh dễ bị đột quỵ tuyến yên hơn như:

  • Huyết áp cao (tăng huyết áp).
  • Phẫu thuật (tương tự như phẫu thuật tim).
  • Gần đây đã được thực hiện các nghiệm pháp động đánh giá chức năng tuyến yên.
  • Dùng các loại thuốc (ví dụ như thuốc chống đông máu).
  • Tiền sử xạ trị tuyến yên.
  • Thai kỳ.
  • Chấn thương đầu.
Bệnh xảy ra khi một vùng mô ở tuyến yên bị xuất huyết
Đột quỵ tuyến yên xảy ra khi một vùng mô ở tuyến yên bị xuất huyết.

Triệu chứng đột quỵ tuyến yên

Thông thường, đột quỵ tuyến yên xảy ra đột ngột. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng và cần được chẩn đoán và điều trị y tế khẩn cấp. Các triệu chứng được gây ra bởi sự tích tụ áp lực trong không gian xung quanh tuyến yên. Bệnh có những biểu hiện sau:

  • Nhức đầu nhiều, xuất hiện đột ngột.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Liệt vận nhãn.
  • Suy giảm thị lực.
  • Giảm ý thức.

Không những vậy, theo thời gian các triệu chứng khác có thể phát triển do tuyến yên không thể sản xuất đúng hormone. Điều quan trọng, nếu người bệnh nhận thấy triệu chứng bệnh đột quỵ tuyến yên trên hãy đến gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán đột quỵ tuyến yên

Chẩn đoán đột quỵ tuyến yên thông qua chụp MRI khẩn cấp đối với người bệnh nghi ngờ bị đột quỵ tuyến yên. Vì nó cung cấp kết quả ở hơn 90% người bệnh. Chụp cắt lớp vi tính (CT) chỉ được dùng nếu chụp MRI không cho kết quả rõ ràng hoặc không thể thực hiện được vì CT chỉ đưa ra chẩn đoán kết luận ở 21% – 28% người bệnh. Ngoài ra, các xét nghiệm máu cần thiết sẽ được thực hiện để đánh giá các hormon tuyến yên.

Tuy nhiên, thông thường gần 80% người bệnh sẽ bị thiếu một hoặc nhiều hormone tuyến yên. Điều quan trọng là khi thấy các dấu hiệu bất thường người bệnh cần đến cấp cứu ngay và nhập viện điều trị theo dõi kịp thời.

Điều trị đột quỵ tuyến yên

1. Điều trị nội khoa cho bệnh nhân đột quỵ tuyến yên

Corticosteroid đường uống là một phần thiết yếu của điều trị để ngăn ngừa thiếu hụt hormone vỏ thượng thận (ACTH). Nhiều trường hợp đã cho thấy sự cải thiện tốt với thuốc của người bệnh. (3)

Đột quỵ tuyến yên xảy ra đột ngột
Đột quỵ tuyến yên xảy ra đột ngột.

2. Phẫu thuật trong điều trị đột quỵ tuyến yên

Nếu người bệnh có biểu hiện suy giảm thị lực nghiêm trọng hoặc giảm ý thức, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cầm máu và giảm áp lực trong tuyến yên, đặc biệt khi các triệu chứng của người bệnh xấu hơn. Thông thường, để thực hiện phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, bác sĩ sẽ tiếp cận tuyến yên thông qua đường mũi của người bệnh. Phẫu thuật này luôn được thực hiện bởi một bác sĩ phẫu thuật ngoại thần kinh có kinh nghiệm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ về các triệu chứng lâm sàng cũng như các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến yên còn lại.

Đối với các trường hợp người bệnh có biểu hiện suy giảm thị lực nhẹ và ít triệu chứng thì được xem xét điều trị bảo tồn, bao gồm bù hormone nếu có thiếu hụt và theo dõi chặt chẽ. Người bệnh cần được kiểm tra lâm sàng và các dấu hiệu thần kinh hàng ngày để đánh giá tình trạng.

Sau khi xuất viện, người bệnh cần được theo dõi ngoại trú với bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Cần xét nghiệm máu lặp lại để đánh giá các hormone thường được sản xuất bởi tuyến yên có bị ảnh hưởng và cần bổ sung hormone lâu dài hay không. Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, PlinkCare quy tụ các y bác sĩ chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm cùng với máy móc và thiết bị y tế hiện đại trên Thế giới liên tục được cập nhật để điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Đột quỵ tuyến yên cần được theo dõi
Đột quỵ tuyến yên cần được theo dõi, chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp và nhanh chóng.

Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tuyến yên

Phục hồi thị giác sau khi điều trị đột quỵ tuyến yên phần lớn phụ thuộc vào:

  • Thị lực/ trường thị giác.
  • Tuổi của người bệnh.
  • Thời điểm các triệu chứng xuất hiện.
  • Mức độ khiếm khuyết thị giác.
  • Sự hiện diện của teo thị giác.
  • Kích thước của khối u.

Thời gian hồi phục sớm từ 24 – 72 giờ, muộn từ 6 tháng đến 3 năm. Hầu hết, các cải thiện về đột quỵ tuyến yên diễn ra trong khoảng từ 1 – 4 tháng. Người bệnh đa phần đều cải thiện về thị lực, trường thị giác hoặc cả hai sau khi điều trị phẫu thuật. Với bệnh nhân trải qua xạ trị có xu hướng hồi phục chậm hơn và cần thời gian dài để cải thiện. (4)

Nhiều người bệnh bị suy tuyến yên tiếp tục hồi phục hoàn toàn. Tất cả người bệnh đều được yêu cầu theo dõi lâu dài tình trạng và hiệu quả sau điều trị. Theo tiêu chuẩn, tất cả người bệnh cần được đánh giá nội tiết đầy đủ sau 4–8 tuần và chụp MRI sau 3–6 tháng sau khi điều trị. Ngoài ra, người bệnh nên khám lâm sàng hàng năm ở khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Ngoài ra, nếu người bệnh cảm thấy đau đầu hoặc thay đổi thị lực thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đột quỵ tuyến yên là một ca bệnh cấp cứu nội tiết hiếm gặp
Đột quỵ tuyến yên là một ca bệnh cấp cứu nội tiết hiếm gặp.

Đột quỵ tuyến yên cần được theo dõi, chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp và nhanh chóng. Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời vì nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng. PlinkCare TP.HCM, Chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường, hội tụ các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn cao, người bệnh sẽ được thăm khám, chẩn đoán, tư vấn và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp với người bệnh.

Đột quỵ tuyến yên là một ca bệnh cấp cứu nội tiết hiếm gặp. Bệnh này có thể đến bất chợt với bất kỳ ai. Thông qua bài “Đột quỵ tuyến yên: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị”, mong rằng người bệnh nắm được phần nào thông tin về căn bệnh nguy hiểm này để biết cách xử lý và chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send