
5 phương pháp điều trị tăng calci máu và ngăn ngừa tái phát
Đối tượng nguy cơ cao mắc chứng tăng calci máu
Đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng tăng calci máu gồm: (2)
- Người dư thừa hormone tuyến cận giáp (do sự phát triển của một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoặc có khối u nằm ở tuyến cận giáp, tuy nhiên hầu hết các khối u này đều lành tính và không phải ung thư)
- Cơ thể thiếu nước.
- Người mắc bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư phổi và ung thư vú, hoặc ung thư đã di căn đến các cơ quan trong cơ thể.
- Người có quá nhiều vitamin D trong máu.
- Người không hoạt động một khoảng thời gian dài, trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần (chủ yếu ở trẻ em).
- Bổ sung quá nhiều canxi trong chế độ ăn uống, dẫn đến hội chứng Burnett, thường xảy ra khi một người dùng hơn 2000 miligam chất bổ sung calci bicarbonate mỗi ngày cùng với Vitamin D liều cao.
- Tuyến giáp hoạt động quá mức.
- Người mắc bệnh thận mãn tính hoặc suy thận.
- Người sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu lithium và thiazide.
- Một số bệnh nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe như bệnh Paget, bệnh lao và bệnh u hạt (sarcoidosis).
- Người có gen di truyền ảnh hưởng đến khả năng quản lý calci của cơ thể.
- Đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị tăng calci máu. Tuy nhiên, bệnh này phổ biến nhất ở phụ nữ trên 50 tuổi (hậu mãn kinh).
Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang bị tăng calci máu
Hầu hết người mắc chứng tăng calci máu ở giai đoạn đầu không có triệu chứng. Bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn đầu bằng cách xét nghiệm máu định kỳ. Các trường hợp tăng canxi máu trung bình hoặc nặng trong thời gian dài có thể có các biểu hiện sau: (3)
- Khát nước và đi tiểu thường xuyên: lượng calci dư thừa buộc thận phải làm việc nhiều hơn, dẫn đi tiểu thường xuyên hơn, làm cơ thể mất nước và tăng nhu cầu bổ sung nước.
- Đau dạ dày và các vấn đề về hệ tiêu hóa: tăng calci máu có thể gây khó chịu ở dạ dày, đau bụng, buồn nôn, nôn và táo bón.
- Nhức xương và suy cơ: tăng canxi máu có thể khiến xương giải phóng quá nhiều canxi, gây nên tình trạng loãng xương, đồng thời có thể dẫn đến đau cơ và suy cơ.
- Lú lẫn, lờ đờ và mệt mỏi: tăng calci máu có thể ảnh hưởng đến não, gây ra các triệu chứng này.
- Lo lắng và trầm cảm: tăng calci máu cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
- Huyết áp cao và nhịp tim bất thường: nồng độ calci trong máu cao có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến những bất thường về xung nhịp làm thay đổi nhịp tim.
Tình trạng tăng calci máu khi nào được chỉ định điều trị?
Tăng calci máu có thể liên quan đến nhiều biểu hiện lâm sàng, từ ít hoặc không có triệu chứng ở bệnh nhân tăng calci máu mãn tính nhẹ đến hôn mê và hôn mê nặng. Mức độ và tốc độ tăng calci máu sẽ thể hiện qua các triệu chứng, từ đó quyết định mức độ khẩn cấp của việc điều trị và các phương pháp trị liệu khác nhau: (4)
- Người bệnh tăng calci máu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (ví dụ như táo bón) (canxi <12 mg/dL [3 mmol/L]) không cần điều trị ngay lập tức.
- Người bệnh có nồng độ calci máu từ 12 đến 14 mg/dL (3 đến 3,5 mmol/L) có thể không cần điều trị ngay lập tức, vì mức độ tăng calci máu đó có thể được dung nạp tốt trong thời gian dài. Tuy nhiên, sự gia tăng đột ngột các nồng độ này có thể gây ra những thay đổi rõ rệt về cảm giác, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, từ đó đòi hỏi các biện pháp trị liệu mạnh hơn.
- Người bệnh có nồng độ calci máu >14 mg/dL (3,5 mmol/L) cần điều trị khẩn, bất kể có các triệu chứng gì.

Phạm vi tham chiếu của calci ion hóa thay đổi tùy theo xét nghiệm và do đó, ngưỡng can thiệp calci ion hóa phụ thuộc vào xét nghiệm. Trong xét nghiệm calci ion hóa với phạm vi bình thường từ 4,8 đến 5,6 mg/dL (1,2 đến 1,4 mmol/L), tăng calci máu nhẹ, trung bình và nặng có thể được xác định như sau:
- Nhẹ: mức calci ion hóa 5,6 đến 8 mg/dL (1,4 đến 2 mmol/L)
- Trung bình: mức calci ion hóa 8 đến 10 mg/dL (2 đến 2,5 mmol/L)
- Nặng: mức calci ion hóa 10 đến 12 mg/dL (2,5 đến 3 mmol/L)
Các phương pháp điều trị tăng calci máu
Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị tăng calci máu khác nhau: (5)
1. Điều trị tình trạng tăng calci máu nhẹ
Bệnh nhân tăng calci máu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (tổng lượng calci được điều chỉnh theo albumin <12 mg/dL [<3 mmol/L]) không cần điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh các yếu tố có thể làm bệnh thêm nặng bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu thiazide.
- Liti cacbonat.
- Nghỉ trên giường trong thời gian dài hoặc không hoạt động.
- Chế độ ăn giàu calci (>1000 mg/ngày).
- Bổ sung calci.
- Bổ sung vitamin D trên 800 đơn vị quốc tế/ngày.
- Vitamin tổng hợp chứa calci.
Nên uống đủ nước mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Liệu pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây tăng calci máu.
2. Điều trị tình trạng tăng calci máu trung bình
Những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng bị tăng canxi máu mãn tính ở mức độ trung bình (tổng lượng canxi được điều chỉnh theo albumin trong khoảng từ 12 đến 14 mg/dL [3 đến 3,5 mmol/L]) có thể không cần điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, họ nên tuân theo các biện pháp phòng ngừa tương tự được mô tả ở trên đối với chứng tăng canxi máu nhẹ.
Điều quan trọng cần lưu ý là sự gia tăng cấp tính các nồng độ này có thể gây ra những thay đổi rõ rệt về cảm giác, đòi hỏi phải điều trị tích cực hơn. Ở những bệnh nhân này, chúng tôi thường điều trị bằng nước muối sinh lý và bisphosphonates, như mô tả đối với tình trạng tăng canxi máu nặng.
3. Điều trị thuốc trong tình trạng tăng calci máu nặng
Nếu tình trạng tăng calci máu nặng và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh nhập viện ngay lập tức để truyền dịch qua đường tĩnh mạch và kết hợp các phương pháp điều trị khác như:
- Calcitonin (Miacalcin): loại hormone từ cá hồi này kiểm soát nồng độ calci máu, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ là buồn nôn nhẹ.
- Cinacalcet (Sensipar): loại thuốc này có thể giúp kiểm soát tuyến cận giáp hoạt động quá mức, giúp kiểm soát chứng tăng calci máu.
- Bisphosphonates: là thuốc loãng xương tiêm tĩnh mạch, có thể nhanh chóng làm giảm nồng độ calci, thường được sử dụng để điều trị tăng calci máu do ung thư. Người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như gãy xương hàm và một số loại gãy xương đùi.
- Denosumab (Prolia, Xgeva): thuốc này thường được sử dụng để điều trị cho những người bị tăng canxi máu do ung thư không đáp ứng tốt với bisphosphonates.
- Prednisone: nếu tình trạng tăng calci máu là do lượng vitamin D cao, sử dụng thuốc steroid như prednisone trong thời gian ngắn thường phát huy tác dụng hiệu quả.
- Truyền dịch và thuốc lợi tiểu: khi mức calci quá cao người bệnh sẽ cần phải nhập viện để điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch và thuốc lợi tiểu để kịp thời hạ mức calci xuống nhằm ngăn ngừa các vấn đề về nhịp tim hoặc tổn thương hệ thần kinh.

4. Điều trị trường hợp bệnh nhân mắc ung thư và tăng calci máu
Nếu nguyên nhân tăng calci máu là do ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh uống thuốc sau:
- Bisphosphonates, chẳng hạn như pamidronate và axit zoledronic.
- Denosumab (XGEVA), một loại thuốc tăng cường xương, dành cho những người bị tăng canxi máu do ung thư không đáp ứng với bisphosphonates.
5. Phẫu thuật khi tuyến cận giáp hoạt động bất thường
Nếu tình trạng tăng canxi huyết là do tuyến cận giáp hoạt động bất thường, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ khi tuyến cận giáp hoạt động nhiều, dẫn đến tình trạng dư hormone tuyến cận giáp làm tăng calci máu.
Cách để ngăn ngừa tái phát chứng tăng calci máu hiệu quả
Thực hiện đúng theo phác đồ điều trị sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa tái phát chứng tăng calci máu hiệu quả và kiểm soát tốt nồng độ calci trong máu :
- Ở những bệnh nhân bị tăng calci máu và ung thư, tình trạng tăng canxi máu tiến triển chắc chắn sẽ đi kèm với sự tiến triển của khối u, và do đó, căn bệnh tiềm ẩn gây ra chứng tăng canxi máu cần được điều trị nhanh nhất có thể. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh ác tính cũng có thể mắc bệnh di căn xương và sẽ được tiêm tĩnh mạch (IV) axit zoledronic hoặc pamidronate cứ sau 3 đến 4 tuần như một phần trong quá trình điều trị để ngăn ngừa các biến chứng về xương. Nhờ đó, tình trạng tăng canxi máu tái phát sẽ được ngăn ngừa.
- Ở những bệnh nhân suy thận và có tiền sử tăng canxi máu, lượng calci nên được giới hạn ở mức 1000 mg mỗi ngày (bao gồm chế độ ăn uống cùng với các loại thực phẩm bổ sung). Nên tránh bổ sung quá nhiều vitamin D (ergocalciferol hoặc cholecalciferol).
- Ở những bệnh nhân có chức năng thận bình thường và có tiền sử tăng calci máu, cũng nên tránh bổ sung quá nhiều canxi và vitamin D.
>>>Tham khảo thêm: Tăng canxi máu có nguy hiểm không?
Khi nào nên đến cơ sở y tế?
Nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh. Ngoài ra, bẹn nên thông tin đến bác sĩ nếu:
- Tiền sử gia đình bị tăng calci máu.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh cường cận giáp.
- Triệu chứng tăng calci máu.

Địa chỉ khám tăng canxi máu uy tín
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường PlinkCare là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh nội tiết như: đái tháo đường, tăng calci máu, béo phì, suy giáp, cường giáp, bướu nhân giáp,… Hệ thống trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu chính ngạch từ các nước tân tiến trên thế giới giúp phát hiện bệnh chuẩn xác, hạn chế các biến chứng về sau, rút ngắn quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh trong thời gian ngắn nhất.
Trong quá trình điều trị tăng calci máu, người bệnh nên thực hiện đúng theo lộ trình chỉ định của bác sĩ, ngoài ra kết hợp ăn uống nghỉ ngơi điều độ, tích cực tham gia các hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật.