Image

3 cách điều trị ngộ độc paracetamol phổ biến bạn cần lưu tâm

Các trường hợp bị ngộ độc do dùng paracetamol quá liều sẽ có những cách điều trị ngộ độc paracetamol tương ứng, tùy theo mức độ, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Vậy, điều trị ngộ độc paracetamol thường có những cách phổ biến nào có thể được bác sĩ áp dụng?

Dấu hiệu ngộ độc paracetamol cần xử lý ngay

Paracetamol (acetaminophen) là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi, có hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm đau và hạ sốt. Đây là một thuốc không cần kê toa, người bệnh có thể mua paracetamol và các loại thuốc giảm đau có thành phần chứa paracetamol mà không cần bác sĩ chỉ định.

Vì có thể tự mua và dùng thuốc nên nhiều người dễ dùng sai chỉ định, sử dụng quá liều, lạm dụng thuốc, dùng thuốc trong một thời gian dài. Việc sử dụng quá mức paracetamol có thể dẫn đến ngộ độc, gây nguy hiểm cho cơ thể (đặc biệt là gan). Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc paracetamol mà bạn cần lưu ý: (1)

  • Giai đoạn đầu: Trong 24 – 48 tiếng đầu tiên, bạn có thể cảm thấy đau bụng, đặc biệt là vùng phía trên bên phải của bụng (vị trí của gan). Mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn… cũng là các triệu chứng ngộ độc paracetamol phổ biến. (2)
  • Giai đoạn hai: Trong vòng 48 – 72 tiếng sau khi dùng paracetamol quá liều, các triệu chứng ban đầu có thể giảm đi hoặc biến mất. Xét nghiệm men gan thấy ALT và AST tăng.
  • Giai đoạn ba: Trong 72 – 96 tiếng sau khi dùng thuốc mà chưa được điều trị ngộ độc paracetamol, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng liên quan đến tổn thương gan nặng như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi cực độ, tăng enzym gan, dễ chảy máu…
  • Giai đoạn bốn: Giai đoạn này diễn ra từ 4 – 14 ngày sau khi uống quá liều và dẫn đến ngộ độc paracetamol. Các trường hợp không được điều trị ngộ độc paracetamol ở giai đoạn này có thể bị tổn thương gan nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Tốt nhất, ngay từ khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ trong giai đoạn đầu tiên, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

ngộ độc paracetamol cần điều trị
Đau bụng, buồn nôn, nôn ói… là những dấu hiệu ngộ độc paracetamol

Cách xử trí khi bị ngộ độc paracetamol

Ngộ độc paracetamol có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần được xử lý ngay lập tức. Vậy cần xử trí khi bị ngộ độc paracetamol như thế nào?

  • Đánh giá tình hình: Người bệnh cần chủ động tự đánh giá tình trạng vì biết mình đã và đang sử dụng thuốc như thế nào. Trong trường hợp với những người xung quanh, nếu nghi ngờ rằng ai đó có thể đã uống quá liều paracetamol hay bị ngộ độc paracetamol thì bạn cần đánh giá ngay lập tức. Hãy tìm hiểu xem họ có các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nôn, đau bụng… hay không. Nếu có thể, bạn hãy hỏi chi tiết về liều lượng thuốc mà người đó đã dùng.
  • Gọi cấp cứu: Nếu có thể, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đừng đợi đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn cũng có thể gọi ngay cấp cứu hoặc hotline của bệnh viện gần nhất nếu không thể tự đưa đến bệnh viện.
  • Cung cấp thông tin: Cung cấp cho bác sĩ tất cả thông tin đang dùng thuốc, bao gồm thời điểm uống, liều lượng và mọi thông tin khác có thể hữu ích cho việc điều trị ngộ độc paracetamol.

Cần lưu ý, khi xử trí ngộ độc paracetamol, không cố gắng làm người bệnh nôn khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Hướng dẫn cách điều trị ngộ độc paracetamol

Khi người bệnh được đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ lập tức đánh giá tình trạng đường thở, nhịp thở và chỉ số huyết động. Đồng thời, bác sĩ tiến hành xem xét các biểu hiện lâm sàng của người bệnh, hỏi về thời gian và liều dùng thuốc để đánh giá khả năng ngộ độc paracetamol đe dọa tính mạng cũng như bắt đầu điều trị khi nghi ngờ quá liều paracetamol. (3)

Nếu người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong do ngộ độc acetaminophen là thấp, dưới 2%. Tuy nhiên, nếu người bệnh đến muộn và đã bị suy gan nặng thì tỷ lệ tử vong có thể rất cao. Khoảng 1% đến 3% người bệnh bị suy gan nặng cần ghép gan như một biện pháp cuối cùng.

cấp cứu điều trị ngộ độc paracetamol
Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu càng sớm càng tốt để được điều trị ngộ độc paracetamol

Nhìn chung, trẻ em dưới 6 tuổi có tiên lượng hồi phục tốt hơn người lớn, chủ yếu là do khả năng giải độc APAP cao hơn. Tiên lượng chung của người bệnh phụ thuộc vào các tiêu chí sau:

  • Nồng độ creatinine trên 3.4 mg/dL.
  • pH động mạch duy trì dưới 7.3 mặc dù đã bù đủ dịch.
  • Thời gian prothrombin cao hơn 1.8 lần kiểm soát hoặc INR trên 6.5.
  • Sự phát triển của bệnh não độ 3 hoặc 4.

Một số cách được áp dụng để điều trị ngộ độc paracetamol bao gồm:

1. Ngăn chặn hoặc giảm hấp thụ paracetamol

Trong một số trường hợp, nếu người bệnh đến bệnh viện ngay sau khi uống quá liều, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp điều trị ngộ độc paracetamol ở mức nhẹ để làm giảm hấp thụ paracetamol vào cơ thể, bao gồm:

  • Làm sạch dạ dày, ruột: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ rửa ruột cấp cứu để loại bỏ hàm lượng paracetamol bên trong cơ thể. Tuy nhiên phương pháp này có hiệu quả tương đối thấp.
  • Dùng than hoạt tính: Đôi khi, các bác sĩ có thể sử dụng than hoạt tính để giảm hấp thụ paracetamol từ dạ dày. Tùy thuộc vào thời gian và liều lượng paracetamol đã uống mà bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc sử dụng than hoạt tính hay không. Thông thường, bác sĩ chỉ định sử dụng than hoạt tính nếu người bệnh có trạng thái tâm thần, lâm sàng ổn định, đường thở thông thoáng và đến khoa cấp cứu trong vòng 1 giờ sau khi uống thuốc.

2. Sử dụng thuốc giải độc

Với những người bệnh có nồng độ acetaminophen trên mức có thể gây nhiễm độc gan trên biểu đồ Rumack-Matthew, bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngộ độc paracetamol bằng N-acetylcystein (NAC). NAC có thể được dùng ở dạng uống hoặc tiêm đường tĩnh mạch. (4)

Sử dụng NAC sớm sau khi nghi ngờ dùng quá liều paracetamol là điều vô cùng cần thiết. NAC có khả năng bảo vệ gan gần như 100% khi được dùng trong vòng 8 giờ sau khi uống paracetamol cấp tính. Thông thường, bác sĩ không cần điều chỉnh liều NAC đối với người bệnh nghiện rượu hoặc người mắc bệnh mạn tính. NAC cũng an toàn với phụ nữ khi mang thai.

Người bệnh có thể được cho dùng NAC ngay cả khi tiền sử sử dụng paracetamol không rõ ràng nhưng nghi ngờ uống phải paracetamol ở liều cao, có khả năng gây ngộ độc. Vì việc sử dụng NAC có tính chất tương đối lành tính. Người bệnh cũng có thể dùng NAC trong lúc chờ xét nghiệm nồng độ acetaminophen nếu đến bệnh viện muộn hơn 8 giờ sau khi uống paracetamol cấp tính hoặc nếu người bệnh đang mang thai.

phương pháp điều trị ngộ độc paracetamol
NAC là thuốc chuyên dùng trong điều trị ngộ độc paracetamol

Một số loại thuốc khác có thể được dùng để điều trị ngộ độc paracetamol cùng với NAC hoặc thay thế NAC bao gồm 4-methylpyrazole và peaceangafodipir. Một nghiên cứu của Scotland kết luận rằng sự kết hợp giữa NAC và peaceangafodipir là an toàn, có thể dùng được ở những người bệnh sử dụng quá liều paracetamol. Đồng thời các bằng chứng cũng cho thấy sự kết hợp này có thể làm giảm nguy cơ tổn thương gan nhiều hơn so với việc chỉ dùng NAC. (5)

3. Các phương pháp điều trị khác

Với các trường hợp nặng hơn thì việc điều trị ngộ độc paracetamol sẽ tập trung vào việc loại bỏ paracetamol ra khỏi cơ thể và chữa trị triệu chứng ngộ độc. Người bệnh bị suy gan, nhiễm toan chuyển hóa, rối loạn đông máu và/hoặc mắc bệnh não sẽ được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Sau đó, tùy theo triệu chứng mà người bệnh sẽ được tiếp tục điều trị bằng các phương pháp khác.

Người bệnh có thể cần được ghép gan nếu ngộ độc paracetamol nặng. Chạy thận nhân tạo cũng có thể là một phương pháp điều trị ngộ độc paracetamol được áp dụng, đặc biệt là khi người bệnh đồng thời bị suy thận.

Chăm sóc người bệnh ngộ độc paracetamol

Người bệnh có nồng độ acetaminophen dưới mức có thể gây nhiễm độc gan trên biểu đồ Rumack-Matthew có thể được xuất viện về nhà sau khi bác sĩ kiểm tra, thăm khám. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nên tránh dùng thuốc paracetamol trong bao lâu. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này thì nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ trước khi rời bệnh viện.

Nếu việc dùng paracetamol ở liều gây ngộ độc là do người bệnh tự làm hại bản thân thì cần phải tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về tâm lý và/hoặc tâm thần trước khi người bệnh xuất viện.

Khi về nhà, người bệnh nên trở lại bệnh viện càng sớm càng tốt nếu:

  • Bị đau bụng dữ dội.
  • Có triệu chứng buồn nôn, nôn ói.
  • Da hoặc mắt trông có màu vàng (vàng da).
  • Bị đau đầu nặng.
  • Cảm thấy rất buồn ngủ, mệt mỏi.
  • Không đi tiểu trong 8 giờ.
triệu chứng ngộ độc paracetamol cần điều trị
Nên đến bệnh viện nếu cảm thấy đau bụng dữ dội

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:

Nếu không được điều trị ngộ độc paracetamol kịp thời, người bệnh có thể bị tổn thương gan, suy đa tạng và tử vong. Hy vọng bài viết này đã góp phần giúp bạn nhận biết những dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc paracetamol, nắm rõ hơn về các cách điều trị ngộ độc paracetamol phù hợp. Để tránh bị ngộ độc, mỗi người cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh tự ý tăng liều lượng thuốc. Trong trường hợp không chắc chắn về liều dùng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send