
Cách điều trị loét thực quản và phương pháp phòng ngừa bệnh
Nhận biết bệnh loét thực quản
Loét thực quản là tình trạng viêm gây tổn thương niêm mạc thực quản . Tổn thương này chủ yếu xảy ra do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (chiếm 2 – 7%) hoặc viêm thực quản kéo dài, không được điều trị dứt điểm. Triệu chứng cụ thể sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây loét. Trong đó, loét thực quản do trào ngược dạ dày thực quản thường xuất hiện với các dấu hiệu điển hình sau đây:
- Khó nuốt
- Trào ngược
- Đau ngực
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau, nóng rát phía sau xương ức
- Nôn ra máu hoặc chất nôn có màu như bã cà phê
- Cơn đau ngực dưới xương ức lan ra sau lưng
- Sốt
Trong các trường hợp loét thực quản nặng, vết loét sâu có thể gây chảy máu, thủng có thể dẫn đến thiếu máu, shock mất máu (rách tâm vị).

Phương pháp chẩn đoán loét thực quản
Để chẩn đoán bệnh loét thực quản, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phương pháp sau đây:
1. Chụp thực quản có cản quang bằng barium
Đây phương pháp đơn giản, thường được chỉ định ban đầu để chẩn đoán các bất thường về cấu trúc giải phẫu thực quản. Trên kết quả chụp XQ có thể quan sát được hình ảnh các ổ loét hình tròn hoặc hình bầu dục là các ổ đọng thuốc nhỏ, với các kích thước khác nhau, có thể ở các vị trí khác nhau thực quản đoạn xa, đoạn nối vị trí dạ dày – thực quản. Tuy nhiên, chụp XQ thực quản thường chỉ phát hiện các ổ loét lớn
2. Nội soi đường tiêu hóa trên
Phương pháp này giúp quan sát trực tiếp hình ảnh ổ loét, đánh giá, phân loại các tổn thương loét từ đó loại trừ các tổn thương loét ác tính. Ngoài ra, nội soi cũng có thể thực hiện can thiệp điều trị loét thực quản như cầm máu…
Tuỳ theo các nguyên nhân gây loét thực quản mà ổ loét thực quản có thể có đặc điểm khác nhau. Các vết loét do virus herpes simplex (HSV) thường gặp ở thực quản đoạn xa và thường kết hợp với nhau tạo thành ổ loét (thường nhỏ hơn 2cm) bờ gọn nổi gồ giống như hình “núi lửa”. Một số ít trường hợp, ổ loét ở giai đoạn sớm có hình ảnh các mụn nước trên bề mặt niêm mạc thực quản.
Loét thực quản do nhiễm cytomegalovirus (CMV) thường là các ổ loét chạy dọc thực quản, có thể lan rộng, hoặc sâu. Các vết loét do thuốc gây ra thường xuất hiện đơn lẻ, kích thước có thể nhỏ 1, 2mm đến lớn một vài cm, thường gặp ở các đoạn hẹp như ⅓ giữa thực quản, hoặc thực quản đoạn xa. Loét thực quản do nấm bề mặt có các mảng trắng phủ, trên nội soi bơm rửa không hết, tuỳ mức độ có thể nhiều hoặc chiếm toàn bộ niêm mạc thực quản.

Cách điều trị loét thực quản như thế nào?
Điều trị loét thực quản, điều quan trọng nhất là bác sỹ cần xác định chính xác nguyên nhân gây loét, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. (1)
1. Điều trị loét thực quản thứ phát do trào ngược dạ dày thực quản
Đối với loét thực quản thứ phát do trào ngược dạ dày thực quản, mục đích điều trị chủ yếu là ức chế bài tiết axit trong dạ dày , điều hoà nhu động ruột và phục hồi niêm mạc thực quản. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc ức chế bài tiết dịch vị như thuốc chẹn thụ thể H2, hoặc các thuốc ức chế bơm proton (PPI). Trong đó, các thuốc ức chế bơm proton thường ức chế bài tiết acid tốt hơn và do vậy giúp phục hồi ổ loét nhanh hơn so với các thuốc chẹn thụ thể H2.
Trong trường hợp có nhiễm vi khuẩn H. pylori trong dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với các kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn H. pylori. Có nhiều phác đồ điều trị diệt H.pylori với thời gian và hiệu quả khác nhau, trong đó phác đồ 4 thuốc có Bismuth được coi là phác đồ hiệu quả nhất ( Bismuth subsalicylate, metronidazole và tetracyclin trong 14 ngày)
2. Điều trị loét thực quản do thuốc
Một số thuốc khi uống có thể gây loét thực quản như các thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chống loãng xương. Do vậy, trong trường hợp loét thực quản do thuốc, người bệnh cần dừng các loại thuốc này và cần phối hợp điều trị thuốc ức chế bơm proton
3. Điều trị loét thực quản do bệnh lao
Các trường hợp loét thực quản do lao, người bệnh sẽ được điều trị thuốc chống lao có chứa isoniazid, rifampicin, ethambutol và pyrazinamide theo phác đồ tại cơ sở y tế trong vòng từ 6 – 9 tháng.
4. Điều trị loét thực quản do các nguyên nhân khác
Tuỳ từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị đặc hiệu các tổn thương niêm mạc thực quản, cụ thể như sau:
- Nhiễm trùng do cytomegalovirus: uống ganciclovir.
- Nhiễm trùng do nấm candida thực quản: dùng thuốc chống nấm fluconazole.
Các trường hợp thực quản bị tổn thương nặng, có biến chứng (chảy máu, hẹp thực quản) có thể được điều trị bằng các phương pháp khác như nội soi can thiệp ( cầm máu…), đặt sonde dạ dày, truyền thuốc tĩnh mạch…

5. Chăm sóc điều trị loét thực quản tại nhà
Sau vài ngày điều trị, khi các triệu chứng loét thực quản đỡ, người bệnh cần tiếp tục uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều quan trọng là phải uống nhiều nước, tránh nằm ngay khi uống thuốc. Ngoài ra, người bệnh cũng cần được hướng dẫn chăm sóc giúp nhanh phục hồi tổn thương thực quản:
- Kiểm soát tình trạng căng thẳng, có thể tập yoga, thiền để cải thiện sức khỏe tinh thần
- Tập thể dục đều đặn
- Ngủ đủ giấc
- Xây dựng chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế tối đa thực phẩm chế biến hoặc có đường
- Chia khẩu phần ăn trong ngày thành các bữa nhỏ
- Không nên nằm ngay sau khi ăn no
- Tránh uống rượu
- Không hút thuốc lá
- Duy trì cân năng ổn định
Chế độ ăn cho người bị loét thực quản
Chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong quá trình điều trị loét thực quản. Với trường hợp này, người bệnh không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn gia vị. Điều quan trọng là cần bổ sung nhiều chất xơ từ rau quả và trái cây. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh tất cả các loại thực phẩm/ đồ uống làm cho triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
1. Thực phẩm nên ăn
Chế độ ăn nhiều chất xơ đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích tích cực đối với quá trình điều trị loét thực quản. Một số loại thực phẩm nên ăn gồm:
- Các loại ngũ cốc
- Cây họ đậu
- Các loại quả hạch
- Các loại trái cây, chẳng hạn như táo, chuối
- Các loại rau củ như cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, cải xoăn…
- Thịt nạc giàu protein
2. Các thực phẩm cần tránh
Một số thực phẩm có thể khiến triệu chứng bệnh tiến triển trầm trọng hơn, người bệnh trong quá trình điều trị loét thực quản nên tránh gồm:
- Cà phê, trà và tất cả các đồ uống có chứa caffein khác
- Nước ngọt
- Socola
- Rượu bia
- Bạc hà
- Cà chua
- Trái cây họ cam quýt
- Thức ăn cay nóng
- Thực phẩm nhiều chất béo, chẳng hạn như đồ chiên, nướng…

Cách phòng ngừa loét thực quản
Loét thực quản nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây ra nhiều triệu chứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ngoài ra bệnh diễn tiến lâu có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm (thủng thực quản, xuất huyết đường tiêu hóa…). Do đó, chủ động phòng ngừa tổn thương thực quản ngay từ ban đầu là vô cùng quan trọng. Dưới đây là các biện pháp hữu ích có thể áp dụng:
- Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ loét thực quản, ung thư thực quản
- Hạn chế uống rượu: Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ viêm thực quản trào ngược, loét thực quản dẫn tới ung thư thực quản, do cơ chế phá hủy niêm mạc thực quản theo thời gian.
- Điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản ngay từ sớm: Bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến loét thực quản,làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản.
- Duy trì cân nặng ổn định: Béo phì góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh: Ăn nhiều rau củ, trái cây, đặc biệt là các loại rau họ cải (súp lơ, bắp cải…).
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (PlinkCare TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (PlinkCare Hà Nội) là những chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc những bệnh lý tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống PlinkCare quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống PlinkCare, xin vui lòng liên hệ:
Trên đây là tổng hợp các phương pháp điều trị loét thực quản, chế độ dinh dưỡng hợp lý và cách phòng ngừa bệnh ngay từ sớm. Hi vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để chủ động theo dõi sức khỏe, thăm khám, chữa trị sớm nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.